TTCT – Các sinh thể tiến hóa các bộ cảm ứng của mình để ghi nhận các xung động từ môi trường, “bên ngoài” hay “bên trong”, như các nguồn thông tin, từ đó chúng điều chỉnh hành vi của mình để bảo tồn và phát triển sự sống.
Siêu vô cảm, siêu mẫn cảm
Minh họa: Lê Thiết Cương |
Các bộ cảm ứng này có những ưu thế và hạn chế tự nhiên của mình. Hơn thế nữa, chúng được hoặc bị thay đổi theo thang điểm đánh giá của chúng về môi sinh.
Con mèo ở vùng quê hẻo lánh sẽ bị kinh sợ khi lần đầu tiên nghe thấy chiếc xe máy nổ bình bịch trước nhà. Những âm thanh này quá ghê rợn đối với tâm hồn mẫn cảm của nó, theo hệ thang điểm của nó lúc đó.
Con mèo ở sân nhà ven tuyến đường chính vào thành phố hôm nay vẫn đủng đỉnh ngoáy mông đi tiếp, bất chấp mấy trăm xe pháo rúc còi điên loạn. Những âm thanh này quá tầm thường đối với tâm hồn đã bị vô cảm của nó, theo hệ thang điểm của nó lúc này.
Con chim ở vùng quê hẻo lánh vẫn mải mê hót vang tán tỉnh bạn đời ở ngay đầu ngõ, bất chấp bạn vừa đi ngang qua vừa huýt sáo. Những con người tử tế ở đây chưa làm nó phải bận tâm sắp xếp lại thang điểm về độ nguy hiểm của họ.
Con chim ở thành phố lớn hôm nay sáng sớm tinh mơ vừa thoáng thấy bóng người đã phải lo rủ nhau di tản qua ngày. Những con người bất chấp ở đây làm nó phải sắp xếp lại thang điểm về độ nguy hiểm của họ, để rồi nó trở nên siêu mẫn cảm.
—-
Nếu hôm nay bạn thấy một người lớn ra sức đánh đập một đứa trẻ yếu ớt, và rồi những người xung quanh vẫn mặt mũi thản nhiên siêu vô cảm, thì cái góc xã hội ấy đã bị trầm cảm rồi. Người ta đã cảm thấy họ không thuộc về cái cỗ máy xã hội đang ngày càng bị rã rời ra trước mặt. Người ta đã cảm thấy sự bất lực hoàn toàn của khả năng tương tác của mình vào cỗ máy đời sống xã hội, như con mèo nọ bất lực trước hệ thống còi xe điên loạn.
Nếu hôm nay vẫn còn những ai đó không quan tâm gì tới bản thân những suy nghĩ tìm tòi giải pháp cải thiện đời sống cộng đồng của bạn, nhưng lại phấp phỏng lo lắng dò soi từng chữ mà bạn đang dùng, để xem liệu có còn cái gì nữa ẩn nấp ở đằng sau những con chữ đó không, sự siêu mẫn cảm ấy tựa như tâm trạng của những chú chim chỉ dám ăn ngủ qua đêm ở những cây những vườn trong thành phố lớn hôm nay.
Với những sinh thể khỏe mạnh bình thường, siêu vô cảm hay siêu mẫn cảm có thể là những trạng thái tinh thần hãn hữu trong những điều kiện khắc nghiệt phi bình thường của môi sinh. Người công binh gỡ mìn không thể vừa làm việc vừa ngáp, và chuyên viên cứu nạn không thể rung cảm bần bật phát ngất đi khi tìm thấy nạn nhân trong cảnh tai nạn đau thương kinh hoàng. Nhưng bản thân những công binh và những chuyên viên cứu nạn chuyên nghiệp này cũng không thể sống 24/24, 7/7 trong những điều kiện phi bình thường này.
Nếu tình trạng môi sinh phi bình thường kéo dài quá mức, các thể bệnh tinh thần sẽ chính là những cách để các sinh thể này tự vệ, một cách tiêu cực, để kéo chậm tình trạng bị hủy hoại.
Một dạng thức nhẹ hơn của các bệnh tinh thần sẽ là sự phát triển các nhu cầu mê tín vô biên, chấp nhận mọi sự vô lý, lý trí tự cùn mòn và tự hủy hoại.
Khôi phục niềm tin vào tính hợp lý là việc đầu tiên để chữa chạy bộ máy vận hành xã hội siêu vô cảm – siêu mẫn cảm. Điều đầu tiên phải làm là chấm dứt các trò chơi ú tim. Các luật lệ tại các sân chơi của đời sống xã hội, dù lớn hay nhỏ, dù còn lộn xộn, không đầy đủ, thiếu công bằng, nhiều thiên vị thành phần… cũng phải được công khai hóa. Hãy đặt mọi thứ lên bàn. Một ví dụ “đơn giản”: một công việc được trả lương bởi quỹ công cộng (nhà nước), dù ở bất cứ đâu, lĩnh vực nào, thì đều phải được công khai để bất cứ công dân nào trong quốc gia cũng có quyền biết đến và tham gia dự cuộc tuyển chọn. Ngược lại: các công dân có quyền chất vấn và biết cặn kẽ lý lịch của các ứng cử viên cho các công việc công cộng được mời chào, việc của một người làm gác cổng hay làm bộ trưởng cũng như nhau.
Như thế người công dân của một xã hội biết được rằng mình phải là ai, và có thể là ai trong đời sống xã hội chung. Quyền của công dân khi đó được xác lập, chứ không phải được ban phát tùy theo thời lúc hay nơi chốn. Mà công dân là tất cả mọi người, bao gồm thường dân và quan chức các cấp.
Con người phải biết được mình đang ở đâu thì mới mong biết mình cần tiếp tục đi về đâu…
HOÀNG HỒNG MINH
Source: Báo Tuổi Trẻ