Những bình phẩm, thậm chí nặng lời, sau vụ một người mẹ bênh vực cô con gái bé bỏng của mình bị đánh rớt khi tham dự một cuộc thi “tài năng”… quả đúng với “hậu – kịch bản” của những trò chơi truyền hình gọi là “thực tế” này. Càng “giật gân” tạo cảm xúc, thậm chí gây xì căng đan, chương trình càng “ăn tiền”, đúng với công thức 3 chữ S: Succès commercial = Sexe + Sensationnnel + Scandale.
Thành công thương mại = “Gợi cảm” + Giật gân tạo cảm xúc + Dư luận thị phi.
Cũng may là ở Việt Nam, yếu tố đầu tiên còn có liều lượng trong những trò chơi truyền hình! Yếu tố thứ nhì, giật gân tạo cảm xúc, cũng còn gia giảm chút ít. Riêng yếu tố thứ ba, tạo dư luận thị phi, thì không hạn chế, do lẽ đây chính là một trong những “hiệu quả đặc biệt” mong muốn. Dư luận càng bàn tán, trò chơi càng “nổi tiếng”.
Việc du nhập những trò chơi ấy là chuyện rất thường tình trong thế giới kinh doanh giải trí (show-biz). Như mọi ngành công nghiệp khác, công nghiệp kinh doanh giải trí này đem lại lợi nhuận cho không ít bên tham gia… Nói theo ngôn ngữ “báo cáo tổng kết”, các trò chơi đó cũng có góp phần vào… GDP chớ chẳng chơi! Nói cho ngay, cũng có những trò chơi mang vóc dáng “công tác xã hội”. Thành ra, không thể nhân danh bất cứ đạo đức nào mà phê phán được trừ phi có những cảnh quá vi phạm thuần phong mỹ tục! Mặt khác cũng không thể trách cứ gì được khi đây là những trò chơi không ép uổng chơi, mà là tự nguyện tham gia; cũng chẳng ép ai coi cả, không thích, xin mời chuyển kênh khác hay… tắt ti vi.
Vấn đề ở chỗ người tham gia tin rằng đây là những cuộc thi danh giá như tên gọi của các trò chơi đó, nào là “thần tượng”, nào là “tài năng”, lại thêm tên nước đứng trước nữa như một nhãn hiệu “tầm cỡ quốc gia”- mà quy mô tổ chức là trên toàn quốc thiệt chớ giỡn chơi sao!
Ít ai biết rằng trong những chương trình “tổ tiên” của các chương trình đã du nhập vào Việt Nam, chữ “tài năng” (talent) thực ra để chỉ những trò tạp kỹ. Trong chương trình “Britain’s Got Talent” năm 2009, có vô số những thí sinh tham gia với vô số màn biểu diễn khác nhau, từ ca hát, nhảy múa, độc tấu nhạc cụ… đến võ thuật, thậm chí cả màn “xì hơi” thổi bài “Dòng sông xanh” của anh chàng có nghệ danh là Mr. Methane đã từng hành nghề “xì hơi” kiếm tiền. Ở “Britain’s Got Talent” 2009, Mr. Methane đã lọt vô vòng chung kết gồm 40 người, rồi dừng ở đó do bị cả ba giám khảo loại. Lần đó, một phụ nữ 48 tuổi tên Susan Boyle về nhì với ca khúc “I Dreamed a Dream”, trích từ nhạc kịch “Les Misérables”, cho dù đã thu hút cảm tình tột độ của khán giả truyền hình (11,2 triệu người xem) và trên mạng (trên 100 triệu lượt truy cập trên You Tube). Vậy mà giải nhất không về tay Susan Boyle mà lại về một nhóm vũ công đường phố tên Destiny! Tính hấp dẫn của buổi chung kết đã đem về ba triệu bảng Anh tiền cá độ cho hãng cá cược William Hill chỉ trong một tiếng đồng hồ cuối cùng của đêm chung kết! Tất nhiên, sẽ có những “tiếc hùi hụi” trong dư luận cho Susan Boyle. Cũng như đã từng có những điên tiết ở những vòng ngoài khi nghe anh chàng Mr. Methane “trình tấu”! Biết sao bây giờ khi đó là những “hiệu quả đặc biệt” mong muốn!
Thành ra, nếu biết “gốc gác” của những trò chơi “tài năng”, có lẽ không ít người, nhất là phụ huynh sẽ không tham gia hoặc cho con em vị thành niên của mình tham gia với tin tưởng đây là một kỳ thi “quốc gia”! Thật khó nói gì khi mà trái với các nước “phóng khoáng”, truyền hình ở ta vẫn chưa buồn phân loại phim cho từng lứa tuổi. Tất cả, già trẻ lớn bé đều “đồng hạng” trước màn ảnh truyền hình!
Thời báo Kinh tế Sải Gòn
Source: Báo Dân Trí