Khu vực Tư vấn Gỡ rối hướng nghiệp – Tâm lý – Sức khỏe mùa thi

TTO – Sau đây là nội dung buổi tư vấn Gỡ rối hướng nghiệp – Tâm lý – Sức khỏe mùa thi.

Khu vực Tư vấn Gỡ rối hướng nghiệp – Tâm lý – Sức khỏe mùa thi

Niềm vui của học sinh đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp tại Đà Nẵng – Ảnh: Đoàn Cường

Mở đầu buổi tư vấn gỡ rối hướng nghiệp, tâm lý, sức khỏe mùa thi, tiến sĩ Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội tâm lý giáo dục TP.HCM đã căn dặn thí sinh: để chuẩn bị tốt cho kỳ thi cần phải có sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần. Trước kỳ thi, nếu chúng ta có tinh thần thoải mái, tự tin thì chúng ta có thể ôn tập và thi tốt hơn.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Trung tâm Bác sĩ gia đình Đà Nẵng
căn dặn: Sức khỏe là một nền tảng đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị, chứ không phải chỉ trong một tuần, một tháng. Các em nên có sức khỏe tốt trong mùa thi, nhất là trong đợt ôn thi này. Để có sức khỏe, các em cần đảm bảo được về mặt dinh dưỡng với chế độ hợp lý như  ăn đủ bữa, đủ chất và không được bỏ bữa. Để đảm bảo nhịp độ học căng thẳng, các em nên chia làm nhiều bữa, một bữa các em ăn ít thôi, ăn nhiều bữa và ăn nhiều món và mỗi bữa không nên ăn quá no.

Các em nên chia giờ ngủ phù hợp, đừng thức khuya quá và dậy sớm quá. Đừng nghĩ rằng học nhiều là tốt. Quan trọng là các em học chất lượng như thế nào. Các em nên bổ sung vitamin và các khoảng chất như canxi, magie…tùy vào cơ địa của mỗi em sẽ có bổ sung cho phù hợp.

Về mặt lựa chọn nghề, ông Nguyễn Phan Duy Vũ – chuyên viên phòng GDCN-TX (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) nhấn mạnh: Các em nên chọn những ngành nghề theo năng lực, sở thích của mình. Nếu em nào thích một ngành nhưng không đủ khả năng thì vào thì có thể học trung cấp, cao đẳng và sau đó “đi đường vòng” bằng cách liên thông lên đại học.

* Bạn Phạm Thị Phương Điệp, hỏi: Em thường thức khuya học bài, việc này có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?

– Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Thanh Mai: Em thường thức khuya, sau đó dậy đi học không ăn sáng. Mới nghe xong đã thấy không hợp lý rồi. Nhịp độ sinh lý của bản thân, đồng hồ sinh học để cơ thể nghỉ ngơi là từ 10g đêm đến 4g sáng. Sau đó, các em lại không nạp năng lượng cho sức khỏe thì không tốt. Một người không ăn sáng đã nguy hại cho sức khỏe rồi. Bữa sáng cung cấp dinh dưỡng cho cả ngày, nên rất quan trọng.

Nếu em không ăn sáng lâu ngày sẽ gặp bệnh về sỏi mật. Các em ôn thi nhiều mà không nạp năng lượng thì không tốt.  Các em không đủ thời gian thì nên uống một ly sữa, một ít phomai, một ổ bánh mì…

* Em thích một ngành nhưng mẹ em thích ngành khác, em nên theo mẹ hay theo mình?

– TS Đinh Phương Duy: Đầu tiên, không nên tạo căng thẳng không cần thiết giữa mình và cha mẹ. Tại Ngày hội tư vấn ở TP.HCM, thầy gặp một sinh viên năm nhất, em này hỏi muốn thi lại vào đại học và xin thầy tư vấn. Năm trước, em thi cho mẹ em và năm nay em thi cho em. Nếu chúng ta băn khoăn, không dứt khoát sẽ mất thời gian cho việc này. Các em nên chú ý, tham khảo ý kiến của nhiều người lớn…nhưng điều quan trọng, quyết định phải do chính mình đưa ra.

Vấn đề quan trọng là không gây ra căng thẳng giữa mình và bố mẹ. Em cố gắng để chứng mình năng lực của mình phù hợp với ngành em chọn hơn. Bằng nhiều cách, làm cho bố mẹ biết mình phù hợp với ngành nào. Thứ hai, em chứng minh sau khi ra trường em có thể làm tốt trong ngành em đã chọn. Thứ ba, em nói với cha mẹ, sự lựa chọn của con phù hợp những ngành nghề khác. Có thể nói về những người bạn đã thành đạt trong ngành đó, khẳng định được giá trị bản thân, mang lại “danh giá” cho gia đình…Điều quan trọng, thầy nhắc lại là không nên tạo căng thẳng vì ảnh hưởng đến ôn tập, kỳ thi.  

* Các bạn thường nói ăn trứng sẽ bị 0 điểm, như vậy có đúng không?

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai: Cái tên chỉ là cái chúng ta đặt cho thức ăn đó thôi chứ không phải ăn trứng thì sẽ rớt và ăn đậu thì sẽ đậu (cười).

* Em là sinh viên, em muốn thi lại vào ngành khác, có phải năm nay không xét tuyển nguyện vọng 2 phải không?

– Ông Nguyễn Phan Duy Vũ: Năm 2012, về cơ bản vẫn giống với những năm trước. Có những thay đổi như bổ sung thêm khối A1. Tổ chức thêm cụm thi Hải Phòng, mở rộng cụm thi Vinh; không in tài liệu Những điều cần biết về tuyển sinh; không giới hạn thời gian xét tuyển vào nguyện vọng và em nên chú ý điểm này.

* Em đang học cao đẳng về công nghệ, em định học thêm về kinh tế nhưng cha mẹ lại muốn liên thông lên ĐH Bách Khoa?

– TS Đinh Phương Duy: Nhiều em đang học năm nhất, muốn thi lại ngành khác. Trước hết, các em cần trả lời câu hỏi mình muốn làm ngành gì. Chú ý là làm kinh tế, không phải học kinh tế mới làm được. Nhiều người học công nghệ, nhưng vẫn trở thành những nhà kinh doanh thành đạt. Không nhất định phải học quản trị kinh doanh thì mới trở thành một nhà kinh doanh. Các bạn học công nghệ, cơ khí và sau này mở một cơ sở thì vẫn có thể làm kinh doanh được.

Có lẽ bố mẹ em cũng hơi “sốc” khi em đang học một ngành về công nghệ, lại rẽ ngang qua kinh tế. Bố mẹ thích em học liên thông và sau đó theo ngành em đã học. Xin nhắc lại là một cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học cũng có thể là một nhà kinh tế thành công.

* Em muốn thi kiểm toán, nhưng cha mẹ lại muốn theo ngành sư phạm Anh, em chưa biết thế nào?

– TS Đinh Phương Duy: Giống như câu hỏi trước, em thích đi kiểm toán nhưng bố mẹ lại thích sư phạm Anh. Bố mẹ nghĩ em làm giáo viên nhàn hạ hơn. Bố mẹ nào cũng muốn con gái yêu, con trai cưng của mình thành đạt sau này. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết mình là ai, ở đâu và muốn trở thành người như thế nào. Ở đây, em phải biết là chuyển khối A qua D hiện tại rất khó khăn.

Nên trao đổi với bố mẹ là đã chuẩn bị khối thi rồi, giờ chuyển lại rất khó khăn. Nên rõ ràng với ba mẹ là ngành này trái với lựa chọn của mình. Em cũng nói là làm kiểm toán không phải “lên rừng xuống biển” nên cũng không vất vả lắm. Em thu thập những hình ảnh, việc làm của ngành này để nói với bố mẹ, nói về cơ hội việc làm của ngành để bố mẹ hiểu nguyện vọng của mình.

* Làm thế nào để trở thành một tiếp viên hàng không? Ngành này có rủi ro gì không?

– Ông Nguyễn Phan Duy Vũ: Đầu tiên, thi tuyển vào ngành hàng không, cụ thể ngành tiếp viên có ba vòng thi về lý lịch, sức khỏe và thi viết. Bạn nào đáp ứng được vòng 1,2 thì mới vào vòng 3. Làm tiếp viên hàng chịu áp lực đi xa gia đình nhiều ngày, xa người yêu nhiều thì đây cũng là một điều cân nhắc trước khi lựa chọn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai: Làm tiếp viên hàng không, còn phải qua vòng sức khỏe. Nếu con đảm bảo được thay đổi múi giờ, lâu nay đi máy bay có bị mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt… thay đổi múi giờ vẫn đảm bảo được sinh hoạt thì không có vấn đề gì cả.

* Làm thế nào để có trí nhớ tốt trong khi chương trình học quá nhiều?

– Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Thanh Mai: Trí não của mình cũng giống như tay, chân mình vậy. Đi bộ, làm việc nhiều tay, chân sẽ mỏi thì trí não cũng như vậy. Chẳng hạn khi nếu như học mệt quá thì nên nghỉ ngơi và không nên cố. Về ôn tập, nên chia thời gian học và thời gian nghỉ ngơi cho phù hợp thì nhớ lâu hơn. Nên ghi lại, tạo sự lặp đi lặp lại thì sẽ phản xạ lâu hơn.

– TS Đinh Phương Duy: Muốn nhớ lâu phải có kỹ thuật ghi nhớ. Một là ghi nhớ máy móc (theo kiểu thuộc lòng, các câu hò, vè…). Thứ hai là lưu giữ trí nhớ, không nên ghi nhớ tất cả mọi điều, cái gì không cần phải nhớ thì không nên nhớ. Điều gì không cần nhớ thì bỏ qua. Về tâm lý, có những cái muốn quên chẳng được và muốn nhớ chẳng xong. Điều quan trọng, muốn nhớ thì không nên tạo áp lực cho mình, dồn nén quá thì không nhớ được. Các em nên vừa học vừa chơi để bộ não nghỉ ngơi. Khi đứng trước kỳ thi, sáng mai thi mà tối đó vẫn miệt mài học thì sẽ áp lực. Trước một ngày thi, nên nghỉ ngơi cho thoải mái đầu óc.

* Vào phòng thi em hay bị run tay, em phải làm sao?

TS Đinh Phương Duy: Để hạn chế, trước hết các em chuẩn bị bài thật tốt và tự tin sẽ không thấy run. Nếu như chưa thoải mái lắm, mình nhìn những bạn khác và tự trấn an mình để không lo sợ. Khi đọc đề thi, đừng vội làm ngay mà tự trấn an mình không có gì sợ hãi, trở ngại. Hãy nghĩ đi thi ai cũng như mình, thi phải có rớt, có đậu. Thi là lần sát hạch, nếu lần này không được sẽ có lần khác. Không xem kỳ thi là kỳ thi duy nhất, cơ hội duy nhất trong cuộc đời. Nhận thức như vậy sẽ không run sợ trước kỳ thi. 

* Nhiều người nhớ bằng âm thanh, hình ảnh thì cái nào tốt hơn? 

– TS Đinh Phương Duy: Có nhiều loại nhớ như âm thanh, hình ảnh, sự kiện…tùy theo đặc điểm chủ quan của mình, em thấy nhớ âm thanh giỏi hơn, chi tiết hơn. Em thấy phù hợp với loại âm thanh nào thì phát huy để nhớ tốt hơn.

* Con tôi hay đeo tai phone để chống buồn ngủ khi học, như vậy có tốt không?

– Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Thanh Mai: Nghe tai phone để không buồn ngủ, nhưng các bạn có học được không? Theo cô, nếu buồn ngủ thì cứ đi ngủ. Đeo tai phone chỉ để giải trí cho thoải mái nhưng quan trọng làm em có học được không điều đó mới quan trọng.

– TS Đinh Phương Duy: Nghe phone lùng bùng lỗ tai nên rất khó học. Tuy nhiên, mình nghe nhạc với âm thanh vừa phải vẫn có thể học tốt được. Chúng ta có cách thức nghe nhạc thanh điệu nhẹ nhàng để tăng hưng phấn để học. Nhưng đeo phone sẽ gây trở ngại cho bạn trong việc học.

* Em 22 tuổi, đang là sinh năm nhất, em thấy chán học nhưng sợ bố mẹ buồn?

TS Đinh Phương Duy: Năm nay em 22 tuổi, em đã học bốn trường ĐH vẫn là sinh viên năm nhất sau khi thi lại vào trường. Xin khẳng định là nếu không học thì chúng ta không làm được gì cả. Nhưng học là học nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều nguồn, nhiều cách thức khác nhau…Học bạn mình, thầy mình, xã hội chứ không chỉ là sách vở.  Em cần trao đổi với bố mẹ một cách thẳng thắn để đưa ra quyết định cuối cùng.

* Một sinh viên năm nhất hỏi có nên bảo lưu kết quả đang học để thi lại, như vậy có nên không?

– TS Đinh Phương Duy: Cuộc đời mình, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những lúc mình đi lạc và đi lại, đó là chuyện bình thường. Em cảm thấy không phù hợp lắm với ngành quốc tế đang theo học. Lần này, nếu như em quyết định chọn lựa thì nên cân nhắc năng lực, sở trường, ý kiến bố mẹ, điều kiện gia đình để không “lạc đường” lần nữa. Quan trọng là em thấy thanh thản trong sự lựa chọn nữa. Nếu em vẫn chưa biết nữa thì nên tham khảo ý kiến nhiều người khác nữa để lựa chọn.

* Học nhóm mùa thi như thế nào là tốt?

– TS Đinh Phương Duy: Có nhiều cách học, cách nào hiệu quả hơn tùy thuộc vào bản thân và mục tiêu học. Có môn học cá nhân tốt, có môn học nhóm tốt hơn. Chẳng hạn như học tiếng Anh học nhóm rất hay vì cần sự liên kết. Những môn khoa học xã hội cũng tốt cho việc học nhóm. Nhưng có những việc đòi hỏi phải tập trung thì không nên học nhóm. Chọn bạn học nhóm cần chọn những bạn cùng trình độ, mức độ như mình. Học nhóm thì chỉ từ 5 bạn trở xuống để kiểm soát hành vi, cảm xúc thì mới có hiệu quả.

Học nhóm cũng cần có những quy tắc vì rất dễ tạo điều kiện cho các bạn “không chịu đựng được cám dỗ thông thường” và sa đà vào những chuyện ngoài việc học.

Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Thanh Mai: Học nhóm cho những môn “học bài” thì nên học xong, dò lại với nhau thì kiến thức của người này sẽ bổ sung cho người kia. Một cách nữa là học nhóm theo kiểu làm bài tập và chỉ dò đáp số thôi.

* Gia đình em chỉ đủ ăn, sợ khi vào đại học gia đình không lo được cho em ăn học?

– TS Đinh Phương Duy: Mình đủ ăn là đủ học rồi em (cười). Rất nhiều em sinh viên gia đình khó khăn từ các vùng quê đến thành phố học. Điều quan trọng là chúng ta biết cách tiết kiệm thời gian, tiền bạc để thích ứng với việc học đại học. Ngoài những ngành học đòi hỏi phải trang bị công cụ, thiết bị để theo học những ngành còn lại cũng không đòi hỏi cao lắm.

Hiện nay cũng có những ngành vừa học, vừa làm liên quan đến những nội dung mình đã học. Chẳng hạn như tại các Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách Khoa… có những nội dung để sinh viên tham gia vào quá trình học, làm để sinh viên trang trải thêm việc học.

– Ông Nguyễn Phan Duy Vũ: Ngành sư phạm có ưu đãi học phí, em có thể theo hướng này.

* Khi đi thi nên đến thành phố trước khoảng mấy ngày?

– Ông Nguyễn Phan Duy Vũ: Theo kinh nghiệm của tôi, các học sinh nên đến điểm thi trước 2-3 ngày. Các em nên tìm hiểu về đường đi ở thành phố sau khi đến. Sau đó, các em hãy liên hệ với sinh viên tình nguyện tại các thành phố, túc trực trong những ngày thi để được hướng dẫn. 

* Ngành tâm lý ở Việt Nam sẽ tiến triển như thế nào?

– TS Đinh Phương Duy: Ngành tâm lý ở Việt Nam đang tiến triển tốt. Có nhiều cơ hội việc làm cho người học ngành này như làm việc tại các trung tâm tư vấn tâm lý. Hiện nay, có một hướng mở ra nữa là tâm lý ứng dụng. Việc nghiên cứu ứng dụng tâm lý tại Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn vì lâu nay vẫn nặng tâm lý lý thuyết. Với sự phát triển của xã hội, ngành tâm lý ứng dụng để đòi hỏi phải phát triển để đáp ứng.

* Tôi có đứa em học khá giỏi, tôi muốn cho em thi ngành y. Em tôi nói sau khi học xong em muốn đi châu Phi giúp đỡ những bệnh nhân HIV được không?

– TS Đinh Phương Duy: Điều quan trọng là tất cả mọi người đều có nhu cầu, đạt được mục tiêu và cảm thấy thoải mái là được. Câu hỏi đặt ra, theo tôi người lớn không muốn con em mình cực khổ, nhọc lòng. Tuy nhiên, cháu ở lại mà bần thần vì sao không cho đi dẫn đến áp lực thì điều đó cũng không tốt. Cần phải làm sao để thấy thoải mái, hạnh phúc với lựa chọn của chính mình. Các em sẽ thấy mình như thế nào để cảm thấy có lựa chọn phù hợp với chính mình trên cơ sở lắng nghe ý kiến người thân để đưa ra quyết định cuối cùng.

* Em luyện thi khối tự nhiên đã lâu nhưng nay lại phát hiện mình thích khối xã hội nhiều hơn. Em băn khoăn quá?

– Ông Nguyễn Phan Duy Vũ: Khi các em lựa chọn một khối thi đã theo đuổi thì có thể lựa chọn từ năm lớp 10 trở đi. Tuy nhiên, các em không thích thú với khối đã chọn mà muốn theo khối khác, các em cũng có thể thay đổi nhưng xác định lại còn thời gian để ôn thi ngành khoa học xã hội hay không. Nếu không đủ thời gian thì nên xem xét lại.

TS Đinh Phương Duy: Các bạn cần xác định hai điều, có cần thiết để chuyển khối thi hay không. Đó là sự chuyển biến đơn giản. Thứ hai là nếu học tự nhiên cũng có thể làm việc liên quan đến xã hội được. Chẳng kỹ sư tin học cũng có thể làm những công tác xã hội rất tốt chứ không bắt buộc mình có khuynh hướng xã hội thì sẽ học về xã hội. Các bạn có thể là kỹ sư nhưng vẫn thích ứng với những kỹ năng mà không nhất thiết học về xã hội.  

* Em không có điều kiện ăn sáng, em cần bổ sung những gì để đủ dinh dưỡng?

Bác sĩ Lê Phước Hùng: Cố gắng phải ăn đúng giờ, được ba bữa sáng, trưa, tối. Chúng ta thay đổi món ăn cho ngon miệng và trong quá trình ăn nhớ giữ gìn vệ sinh sẽ tốt hơn. Các em cố gắng ăn cơm, không nên thường ăn bún, mì sợi, bổ sung thịt, cá, canh, rau…là những thực phẩm đơn giản nhưng cần thiết cho các em.

* Bạn Lê Duy Băng: Em thích ngành quản trị kinh doanh nhưng mẹ em và gia đình không cho theo ngành này và ngăn cản em?

– TS Đinh Phương Duy: Em thích học quản trị kinh doanh, nhưng bố mẹ và các anh chị em khác không đồng tình thì tính sao? Trước hết, xem lại sự ngăn cản của bố mẹ có quyết liệt lắm không. Mức độ can thiệp của bố mẹ sẽ giúp mình gỡ rối tốt hơn. Điều quan trọng vẫn là lựa chọn của chính mình. Thầy kể lại câu chuyện về bạn học sinh thi lại ĐH lần hai vì năm trước thi cho…bố mẹ.

Đây là câu chuyện có thực để thấy được nếu chúng ta không cương quyết sẽ mất thời gian tìm lại chính mình. Các bạn làm cho cha mẹ hiểu được năng lực của bản thân mình. Các bạn hình dung học quản trị kinh doanh ra làm những gì, cần những tố chất gì để cha mẹ hiểu mình, tìm hiểu về ngành. Các bạn cần có sự trao đổi thẳng thắn với cha mẹ, mình muốn như thế nào để hai bên tìm được tiếng nói chung.

* Ngủ không đủ giấc có ảnh hưởng đến trí nhớ hay không?

Bác sĩ Lê Phước Hùng: Sinh lý cơ thể ở tuổi các em nên cố gắng ngủ tối thiểu tám tiếng/ngày. Nếu không được thì cơ thể sẽ mỏi mệt về thể xác, tinh thần và ảnh hưởng đến học tập. Thầy biết có nhiều em chỉ ngủ được 3-4g/ngày. Các em có gắng ngủ nhiều hơn một chút. Các em học 2-3 tiếng, nghỉ ngơi 5-10 phút để mắt dịu lại, tắm rửa cho sảng khoái thì sẽ học tốt hơn. 

– TS Đinh Phương Duy: Trí nhớ là một quá trình đưa thông tin vào bộ nhớ, giữ lại và lấy ra. Có nhiều cách thức để đưa thông tin vào bộ nhớ, một trong những cách đó là ghi nhớ máy móc (lặp đi lặp lại, văn ôn võ luyện tạo “đường mòn” trong trí nhớ)… Điều gì nên nhớ thì nhớ, không nên nhớ thì thôi. Những thông tin đã có công cụ hỗ trợ thì không nên nhớ làm gì. Cần học và chơi để có bộ nhớ tốt hơn. Đừng cắm đầu cắm cổ mà học, học có phương pháp, kế hoạch thì tạo dựng một tâm trạng lành mạnh để học hiệu quả hơn.

* Em muốn thi vào trường công an nhưng chiều cao không đạt yêu cầu, vậy làm sao để có chiều cao lý tưởng để thi vào?

Bác sĩ Lê Phước Hùng: Năm nay em đã học lớp 12 rồi, các trường ngành công an yêu cầu nữ là 1,58m, em chưa đạt chiều cao này. Em lo sợ nhưng phải đo thử chiều cao của mình có đạt hay không. Nếu không đạt thì không thể 1-2 tháng cao lên được. Muốn cao là cả một quá trình nửa năm, một năm tập xà, tập bơi…để phát triển chiều cao.

* Khi vào phòng thi em cảm thấy buồn nôn, ù tai, em khắc phục thế nào?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Để có được tinh thần tốt nhất, phải rèn tính tự chủ. Phải ngủ đầy đủ, hết sức thoải mái về tinh thần. Thầy cũng có mẹo như thế nào: ăn sáng nhẹ nhàng, chuẩn bị vài lát gừng tươi sẽ hạn chế được buồn nôn. Nếu có tinh thần tốt cũng giảm được triệu chứng này.

TS Đinh Phương Duy: Nếu căng thẳng quá, trong nhà mình thấy thân thuộc với ai nhiều hơn, nghĩ về người nào thấy đỡ lo hơn thì nên nghĩ về người đó. Khi mình cảm thấy lo lắng, mình cứ nghĩ về những người bên cạnh cũng bần thân và…lo hơn mình nên không việc gì phải lo. Khi nhận đề thi, đừng làm ngay mà suy ngẫm một chút để định thần trở lại, bình tĩnh hơn và cơn buồn nôn sẽ qua đi. Đôi khi buồn nôn và ù tai chỉ do tâm lý sinh ra mà thôi.

* Em thích rất nhiều ngành, em phải làm sao?

– TS Đinh Phương Duy: Có nhiều cái mình thích thì sẽ có những cái thích hơn. Cảm giác thích như nhau rất khó. Chủ động xem rằng mình thích cái nào hơn. Mình thích thì mình cứ làm với điều kiện mình có đủ khả năng để theo đuổi hay không. Không phải lúc nào mình thích cũng đúng, cũng phù hợp mà liên quan đến tố chất, năng lực của mình. Nên biết mình đang ở đâu, mình như thế nào. Mình chọn lựa điều mình thích và phải dựa vào điều kiện chủ quan để biến đam mê thành động lực để phát triển mục tiêu.

* Em thường học bài khuya, cảm thấy đau đầu. Làm thế nào để giải quyết hiện tượng trên?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Em học quá sức, không đảm bảo giấc ngủ sẽ dẫn đến nhức đầu. Thông thường các em hay bổ sung thuộc magie B6. Tất cả các loại thuốc, trong đó có magie B6 không có cái nào dùng nhiều là tốt hết. Cách dùng thuốc, các em nên chú ý là dùng một ngày 2 viên, một đợt 10-15 ngày rồi nghỉ và dùng tiếp. Thời gian để cơ thể dung nạp và đào thải thuốc. Không phải uống magie B6 là hết đau đầu nếu em học nhiều, ngủ ít.

* Em nghe nói ngành marketing cần nhiều áp lực nhưng em thì không chịu được áp lực?

Ông Nguyễn Phan Duy Vũ: Tất cả các ngành đều có chỗ dễ, khó của nó. Nếu các bạn đam mê, yêu thích thì sẽ vượt qua được.

– TS Đinh Phương Duy: Ngày nay, xã hội cần người thạo một việc và biết nhiều việc. Bạn sẽ không bị áp lực nếu như bạn biết các trang bị những kiến thức để hỗ trợ ngành marketing. Không phải chỉ có một nghề được đào tạo, em nên cần thêm kỹ năng về tiếng Anh, tin học, giao tiếp…nói chung là về kỹ năng mềm thì sẽ bớt áp lực.

* Em nghe nói buổi tối ngủ đến 12 giờ rồi dậy học sẽ hiệu quả hơn, như vậy có đúng không?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Ngủ là một trạng thái sinh lý cơ thể của chúng ta cần phải nghỉ. Nếu 9g ngủ, 12g dậy thì đủ ba tiếng đồng hồ. Ngủ như vậy tự phá nhịp sinh học của cơ thể của mình và chắn chắc không có lợi cho cơ thể. Cắt bớt giấc ngủ để học nhưng phải đảm bảo nhịp sinh lý. Thường thì ngủ một mạch 6-8 tiếng rồi bắt đầu học, làm việc hiệu quả hơn.

* Em học bài nhiều nhưng lại hay quên, em nên làm sao?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Em tránh những hiện tượng tâm lý stress, lo sợ thì sẽ tránh được việc hay quên. Cần có một nền tảng sức khỏe tốt thì bước vào phòng thi tốt hơn và học sẽ dễ nhớ hơn.

TS Đinh Phương Duy: Học muốn nhớ lâu phải có phương pháp và đừng dồn ép. Cần sắp xếp nội dung những môn học có thể bổ sung cho nhau. Chẳng hạn như xen kẽ những môn học cá nhân và học nhóm. Các bạn cũng nên giải trí phù hợp với những loại giải trí nhẹ nhàng chứ không phải những loại game căng thẳng. Học chất lượng, học ra học, chơi ra chơi. Hôm nay mình quên, ngày mai mình ôn lại thì mình sẽ nhớ. Các bạn lưu ý áp lực là do chúng ta tạo ra. Các bạn xem kỳ thi cũng như một phần học ở trường vậy thì cũng đỡ áp lực hơn.

* Em có đọc trên mạng thấy phương pháp chia giấc ngủ ra để ngủ, như vậy có tốt không?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Thầy không nghĩ em tìm hiểu sâu như thế về giấc ngủ của mình. Đây là một phương pháp người ta muốn thay đổi giấc ngủ sinh lý của cơ thể. Trước mình ngủ một mạch, nhưng theo phương pháp này ngủ từng đoạn, từng đoạn. Người ta nghiên cứu về giấc ngủ này vì có những công việc đòi hỏi phải ngủ như thế, chẳng hạn như những tài xế đường dài. Nếu chuẩn bị để học, thi cho tốt thì không nên thay đổi những thói quen đã hình thành từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, như vậy sẽ bất lợi hơn cho em.

* Em đã định sẵn một nghề, nhưng khi trắc nghiệm lại phát hiện ra mình thích một ngành khác, em phải làm sao?

– TS Đinh Phương Duy: Các bài test không phải lúc nào cũng chính xác, tùy thuộc vào tâm trạng của chúng ta khi làm. Chẳng hạn như vui kết quả sẽ khác, buồn kết quả khác…Chúng ta không hoàn toàn tuyệt đối tin vào những bài test. Dĩ nhiên, đây là những công trình nghiên cứu và được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng đây vẫn chỉ là tham khảo. Điều quan trọng là tự chúng ta quyết định.

 Danh sách Ban tư vấn Khu vực Tư vấn Gỡ rối hướng nghiệp – tâm lý, sức khỏe mùa thi

1. Ông Nguyễn Phan Duy Vũ – chuyên viên phòng GDCN-TX (Sở GD-ĐT Đà Nẵng)
2. BS CK1 Nguyễn Thị Thanh Mai – Trung tâm Bác sĩ gia đình Đà Nẵng
3. TS tâm lý Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội tâm lý giáo dục TPHCM
4. BS Lê Phước Hùng – Trung tâm bác sĩ gia đình Đà Nẵng

NHÓM PV GIÁO DỤC

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.