Thế hệ Y

“Năm nay mở đầu cho thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21. Và trong thập kỷ mới này thế hệ Y sẽ là thế hệ “đối thủ” cạnh tranh mạnh mẽ với chúng tôi”, không ít 8X và 9X thừa nhận về tiềm năng của thế hệ đàn em.

 


Y là từ được giới trẻ Việt dùng để chỉ những bạn trẻ sinh từ năm 2000 trở về sau. Và thập kỷ mới này được dự báo sẽ là thập kỷ của thế hệ Y. (Ảnh minh họa)

 

Thế hệ Y trước ngưỡng cửa vào đời

 

Sinh ra trong điều kiện bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa và một hạ tầng Internet phát triển cực mạnh, thế hệ Y đang có những thuận lợi mà các thế hệ đi trước chưa được hưởng thụ hoặc hưởng thụ chậm hơn rất nhiều. “Khuynh hướng sống, cách suy nghĩ theo tác phong công nghiệp ngày càng rõ nét. Đó là một sự cạnh tranh. Có năng lực tốt trong một thế giới phát triển nhanh sẽ khiến các em có thể sớm đánh bật người đi trước” – GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, trưởng khoa văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ về thế mạnh của thế hệ Y.

 

“Được chuẩn bị khá đầy đủ ngay từ khi vừa sinh ra, các em nắm bắt những công cụ hiện đại rất nhanh và từ rất sớm. Nếu như thời 9X mới sinh ra Internet hầu như chưa có thì bây giờ những đứa trẻ 4-5 tuổi đã có thể sử dụng máy tính”, GS Trần Ngọc Thêm nói về lợi thế của thế hệ mới. Con số thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng cho thấy tính đến tháng 11-2010 Việt Nam đã có hơn 26,4 triệu người sử dụng Internet (chiếm 30,75% dân số). Cũng theo một số báo cáo khác, tỉ lệ tăng số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam từ năm 2000-2009 là 10,88% và dự báo tiếp tục tăng trưởng cao hơn vào những năm tới.

 

GS Trần Ngọc Thêm cho biết sách vở phong phú, truyền hình cáp có những kênh chuyên dành cho thiếu thi, tạo điều kiện cho các em tiếp thu nhiều nguồn tri thức từ rất sớm. Tư duy trừu tượng của các em nhỏ hiện nay rất tốt, nhiều em chỉ mới học lớp 1, 2 nhưng đã có khả năng khái quát cực tốt. Và lợi thế thứ ba mà các em có được so với 8X và 9X là giáo dục đã ổn định hơn, đã khắc phục được nhiều vấn đề mà xã hội kêu ca suốt 20 năm qua.
 

Nguyễn Minh Châu trong ngày bảo vệ đề tài trước hội đồng khoa học cuộc thi Sáng tạo trẻ TP.HCM năm 2010
 

Đứng trước nhiều cơ hội mở cho thế hệ của mình, theo GS Trần Ngọc Thêm, thế hệ Y cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn của thời hội nhập. Nhiều kênh thông tin tác động mạnh vào việc hình thành nhân cách của các em nên các yếu tố bạo lực, nếp sống, tư tưởng phương Tây cũng theo đó ảnh hưởng nhiều đến các em.

 

Trong khi đó, văn hóa dân tộc vẫn chưa được đầu tư đúng mức để có thể đến với trẻ em. Một vấn đề nữa là sự liên kết và phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng tách bạch, việc ai người ấy làm và “giao khoán” cho nhau. Gia đình thì “khoán” cho nhà trường nhiệm vụ giáo dục, trang bị kiến thức nhưng lại bất lực trước những vấn nạn của xã hội…

Sáng tạo, tự tin

 

Sinh năm 2002, hiện là học sinh lớp 3A Trường tiểu học Trương Định (Q.12) Nguyễn Minh Châu đã sở hữu “rủng rỉnh” các giải thưởng của cuộc thi Sáng tạo trẻ do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Có thể nói Minh Châu là một trong những điển hình tiêu biểu của các bạn trẻ thế hệ Y.

 

“Em cảm thấy mình phải làm điều gì đó bởi vì ở ngoài đường có quá nhiều sự bất lợi về giao thông, rác thải ô nhiễm và nhiều bạn trẻ chơi game online độc hại. Hiện em đang làm hai mô hình Hành lang an toàn và Bộ cờ trí tuệ”, Minh Châu cho biết. “Hành lang an toàn” là một mô hình không cho mọi người chạy xe lên lề đường, không tụ tập buôn bán mà chỉ dành riêng lề đường cho người đi bộ. Còn “Bộ cờ trí tuệ” chính là một sân chơi du lịch qua các tỉnh thành với hơn 400 câu hỏi về cuộc sống giúp các bạn chơi game online độc hại cùng hòa nhập và chơi chung với tất cả mọi người.

 

“Sự năng động, ham học hỏi và sáng tạo”, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng đó là các giá trị cốt lõi của thế hệ này. Xã hội ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì sự độc lập của cá nhân cũng càng cao. “Sự phát triển nhân cách theo hướng coi trọng cá nhân, tính tự lập và sớm tự lập ngày càng mạnh lên cũng là một ưu thế cạnh tranh của thế hệ Y. Sự tự lập mang lại cho thế hệ mới này kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm. Đó là những điều mà các thế hệ trước của Việt Nam đều rất thiếu”, GS Trần Ngọc Thêm cho biết.

 

“Mười năm cho một thập kỷ không phải là khoảng thời gian dài, nhưng mình nghĩ rằng sẽ có rất nhiều bạn trẻ thế hệ Y làm nên được những điều rất khác biệt và rất táo bạo bằng chìa khóa nền tảng là tri thức và sự tự tin”, Nguyễn Quốc Nam Anh (lớp 10 Trường Quốc tế Anh, quận 2, TP.HCM) chia sẻ suy nghĩ về thế hệ Y. Đoạt được những giải thưởng quốc tế khi chỉ mới 8 tuổi, Nam Anh và chị gái Nam Phương (lấy được bằng tiếng Anh cao nhất trong hệ thống tiếng Anh tổng quát, tương đương TOEFL 660 điểm vào năm 13 tuổi), trở thành những hiện tượng đầu tiên của thế hệ 9X khi đón đường và xây dựng được hình ảnh rất ấn tượng về tuổi trẻ của mình.

 

Nam Anh cũng bộc bạch thêm một chút âu lo của thế hệ nối tiếp: “Nhiều bạn trẻ cảm thấy ngột ngạt, bị gò bó trong môi trường đọc – chép, áp lực điểm số theo ý muốn của bố mẹ mà không biết đâu là đam mê thật sự của mình”. “Các bạn trẻ thế hệ Y cũng chưa sẵn sàng đón nhận những điều mới khi hội nhập. Đó là một nơi chất chứa hai mặt tốt – xấu. Các bạn chỉ thấy cái nào của phương Tây cũng tốt, cũng đẹp mà chưa thật sự lựa chọn kỹ càng”, Nam Anh chia sẻ.

 

Còn Nam Phương (sinh viên năm 2 Trường đại học Queensland, Úc, ngành khoa học hóa sinh) cho biết: “Tôi chắc chắn một điều thế hệ Y sẽ là thế hệ của sự độc đáo, sáng tạo và khai phá ý tưởng. Tôi đang chờ những bước chân chắc chắn và đậm dấu ấn của thế hệ Y vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này”.

 

“Các bạn nhỏ bây giờ được trang bị tốt nên thi cử dễ dàng hơn, bằng cấp có giá trị cao hơn, cơ hội đến nhiều hơn, nhưng tôi vẫn cảm thấy thế hệ trẻ 9X như tôi vẫn đủ sức cạnh tranh. Thế hệ Y có những lợi thế cạnh tranh như vậy thì thế hệ 9X của tôi lại có kinh nghiệm và sự bản lĩnh. Tôi tin chắc sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng và hội đồng tuyển chọn bằng những yếu tố đó”, Nam Phương thử “cân đo” hai thế hệ.

 

Vi Thảo – Đức Toàn

Theo Tuổi Trẻ

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.