TT – Chiều 6-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất.
Thủ tướng yêu cầu giảm lãi suất
* Vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố hạ lãi suất 1%
* Xem xét dự án có kinh doanh casino ở Quảng Ninh
* Không thu lại đất khi hết thời hạn giao đất
Chỉ đạo của Chính phủ về hạ lãi suất ngân hàng là một tín hiệu tích cực với các doanh nghiệp, trong đó có ngành chế biến hạt điều xuất khẩu, đang lao đao do thiếu vốn sản xuất kinh doanh – Ảnh: N.C.T. |
“Thủ tướng đã kết luận ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này, NHNN công bố giảm lãi suất ngân hàng” – ông Vũ Đức Đam nói.
Ngân hàng giảm trần lãi suất huy động
“Sửa đổi luật nhưng chắc chắn không có chuyện thu hồi đất, chia lại đất” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam |
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thông tin cụ thể: “Đã đến lúc NHNN có thể hạ mặt bằng lãi suất xuống 1%. Như vậy, nghĩa là tất cả lãi suất điều hành của NHNN, ví dụ như lãi suất tái cấp vốn, sẽ được đồng loạt giảm xuống 1%. Trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng cũng sẽ được giảm xuống 1% (tức mức 14%/năm hiện nay xuống 13% – PV). Trong vài ngày tới, NHNN sẽ chính thức công bố việc hạ lãi suất”.
Về lộ trình giảm lãi suất cho cả năm 2012, ông Bình nói: “Năm nay NHNN điều hành lãi suất theo định hướng mục tiêu kiềm chế lạm phát. Với mục tiêu cuối năm nay giảm lạm phát ở mức dưới 10% thì lãi suất huy động cũng khoảng xung quanh 10%”.
Theo ông Bình, trong hai tháng đầu năm 2012, diễn biến về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng có nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, NHNN đánh giá tại thời điểm hiện nay, trong hệ thống các tổ chức tín dụng có khoảng chín tổ chức có tình hình tài chính yếu kém và các tổ chức này đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN. NHNN đang cùng với các tổ chức tín dụng đó xây dựng kế hoạch tái cơ cấu. Quy mô của chín tổ chức tín dụng này chỉ chiếm chưa đến 10% trong hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng.
Ông Bình cũng cho biết nhiều tổ chức tín dụng phải vay tái cấp vốn của NHNN vào cuối năm 2011 để đảm bảo thanh khoản, đến nay đã trả nợ đầy đủ. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong hai tháng đầu năm 2012 đạt kết quả tốt, lượng trái phiếu Chính phủ mà các tổ chức tín dụng Việt Nam mua vào trong hai tháng qua tăng thêm khoảng 10,5%, đây là con số kỷ lục. Điều này chứng tỏ: thứ nhất, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện; thứ hai, kỳ vọng về giảm lãi suất và giảm lạm phát trong nền kinh tế được thể hiện rõ rệt.
Trả lời câu hỏi việc giảm lãi suất lần này NHNN có chịu áp lực nào không, ông Bình nói: “Về phía NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo đúng các mục tiêu đã đặt ra, tất cả những điều diễn ra hôm nay đều nằm trong kịch bản chúng tôi đã trình bày trước Chính phủ cũng như thông tin tới báo chí, điều đó nghĩa là chúng tôi không chịu áp lực của bất kỳ chuyện gì khác”.
Về diễn biến một số nhóm cổ đông mua cổ phần của một tổ chức tín dụng, ông Bình cho biết: “Đây là việc của thị trường. Điều đó cũng thể hiện các tổ chức tín dụng rất tin tưởng vào chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ nói chung cũng như của NHNN nói riêng. Họ thấy được rằng các tổ chức tín dụng trong ngắn hạn là yếu kém nhưng nếu được tái cơ cấu sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Do vậy họ tranh thủ lúc giá cổ phiếu thấp để mua vào. Cũng có thể có một số nhóm cổ đông thấy rằng các ngân hàng có tiềm năng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới nên họ dồn tiền vào để mua. Chuyện đó diễn ra theo đúng luật pháp quy định. Hiện có một số nhà đầu tư quan tâm đến một số ngân hàng yếu kém và họ cũng muốn thôn tính các ngân hàng này để trở thành ông chủ mới”.
Xem xét dự án có kinh doanh casino ở Quảng Ninh
“Tất cả lãi suất điều hành của NHNN, ví dụ như lãi suất tái cấp vốn, sẽ được đồng loạt giảm 1%” Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình |
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về thông tin có hay không việc triển khai dự án khu dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn, trong đó có casino tại Khu kinh tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: “Nền kinh tế chúng ta từ nhiều năm nay đã hội nhập, trong số nhiều vấn đề có vấn đề về loại hình dịch vụ kinh doanh mới như cá cược, kinh doanh vui chơi có thưởng mà chúng ta vẫn gọi là casino. Đây là vấn đề đã được bàn. Riêng đối với vấn đề kinh doanh casino thì đã có chủ trương giao Bộ Kế hoạch – đầu tư chỉ đạo để làm thí điểm tại đảo Phú Quốc. Liên quan đến một số dự án có casino khác, gần đây là ở Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch – đầu tư xem xét. Đến nay, Bộ Kế hoạch – đầu tư đã có một văn bản trình Chính phủ. Việc ở Vân Đồn có cho kinh doanh casino hay không cũng còn phải xin ý kiến của các cơ quan khác có liên quan”.
Đối với việc kinh doanh các dịch vụ mang tính cá cược, ông Đam nói: “Chúng ta hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu để xem kinh nghiệm ở một số nước, sao cho một mặt là chúng ta phát triển được kinh tế theo kinh tế thị trường, nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo đúng định hướng của chúng ta, không được gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam”.
Cũng liên quan đến việc cho phép mở casino, theo một quan chức Bộ Kế hoạch – đầu tư cho biết Việt Nam hiện đã có cơ sở pháp lý cho hoạt động của casino, đó là quyết định số 32/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Trước năm 2005, Việt Nam đã cấp phép cho năm casino hoạt động, trong đó có các casino ở Hải Phòng, Quảng Ninh… Mới đây có thêm ít nhất hai dự án casino nữa được cấp phép.
Đối với trò chơi điện tử có thưởng, theo quan chức Bộ Kế hoạch – đầu tư, Việt Nam đã cấp cho các khách sạn, thường là từ 4-5 sao, để tăng thêm dịch vụ cho khách sạn. Hình thức trò chơi có thưởng khác với casino là không có người chia bài, người vào chơi chỉ chơi với các máy điện tử. Việt Nam đã cấp phép cho 40-50 khu trò chơi điện tử, những nơi này chỉ dành cho người nước ngoài, Việt kiều có hộ chiếu nước ngoài.
Không thu lại đất khi hết thời hạn giao đất
Đó là chủ trương của Chính phủ được ông Vũ Đức Đam khẳng định khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm cho người dân đến năm 2013 sẽ hết hạn. “Tôi là người phát ngôn của Chính phủ, qua báo chí tôi khẳng định dù đang tổng kết, đang xây dựng sửa đổi luật nhưng chắc chắn không có chuyện thu hồi đất, chia lại đất” – ông Đam nhấn mạnh.
Ông Đam cho biết hiện nay Bộ Tài nguyên – môi trường đã trình Chính phủ phương án sẽ tiếp tục kéo dài việc giao đất cho người dân khi hết thời hạn giao đất. Theo ông Đam, ngay cả Luật đất đai 1993 và Luật đất đai 2003 cũng đã quy định rất rõ về thời hạn giao đất. Cụ thể, theo Luật đất đai 2003, khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu và trong quá trình sử dụng đất tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đất đai và đất đó phù hợp với quy hoạch thì sẽ tiếp tục được Nhà nước giao đất cho sử dụng.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về những yêu cầu của Chính phủ trong quá trình tổng kết thi hành Luật đất đai, ông Đam cho biết việc sửa luật chắc chắn cũng sẽ được trung ương họp bàn. “Tổng kết lần này là cũng theo tinh thần đất đai phải được giao ổn định lâu dài, không gây ra xáo trộn” – ông Đam nói.
Duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2012, Chính phủ thống nhất đánh giá trong tháng 2 và hai tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế – xã hội có chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 chỉ tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cuối năm 2011, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, còn nổi lên những khó khăn, tồn tại như: sản xuất công nghiệp tăng chậm, hàng hóa tồn kho gia tăng, chi phí đầu vào cao, quy mô sản xuất thu hẹp… Theo số liệu của Bộ Kế hoạch – đầu tư, từ đầu năm đến ngày 23-2 có khoảng 8.700 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 49.200 tỉ đồng, giảm 1,6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo điều hành để giữ vững sự ổn định về tỉ giá. Cùng với đó, có lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện điều hành giá cả những mặt hàng thiết yếu bảo đảm mục tiêu theo cơ chế giá thị trường và đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát. V.V.THÀNH * Ông Đỗ Minh Toàn (phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu): Giảm lãi suất cho vay từ ngày 7-3 Ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất (LS) cho vay, áp dụng từ ngày 7-3. Theo đó, với đối tượng khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ, LS cho vay thấp nhất 18%/năm, phổ biến là 18,5%/năm trong ba tháng đầu tiên. Với doanh nghiệp lớn, LS cho vay còn 17,5%/năm, áp dụng trong ba tháng đầu tiên. Những tháng sau đó, LS cho vay sẽ tùy thuộc vào điều kiện thị trường. * Ông Trương Văn Phước (tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank): Mức giảm tùy thuộc vào mục đích, đối tượng vay Tôi cho rằng khi NHNN áp dụng trần LS mới, các ngân hàng sẽ phải tính toán, xem xét việc giảm LS. Tuy nhiên mức giảm như thế nào còn tùy thuộc các điều kiện của thị trường, đối tượng vay, mục đích vay vốn cũng như khả năng hoàn trả vốn. Hiện nay Eximbank áp dụng LS cho vay phổ biến 18%/năm với doanh nghiệp sản xuất. LS cho vay tiêu dùng khoảng 20%/năm. * Ông Nguyễn Phước Thanh (tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank): Giảm lãi suất nhưng chọn lọc khách hàng Giữa tháng 2, Vietcombank đã công bố giảm LS cho vay, mức thấp nhất còn 14,5%/năm, đây là mức thấp so với mặt bằng chung. Khi NHNN giảm trần LS huy động, Vietcombank cần thêm thời gian để xem xét, tính toán mức LS cho vay hợp lý. Tuy nhiên mục tiêu của Vietcombank là đi tìm khách hàng tốt để cho vay chứ không bằng mọi cách hạ thấp LS để đẩy mạnh cho vay. ÁNH HỒNG ghi |
V.V.THÀNH – C.V.KÌNH – XUÂN LONG
Source: Báo Tuổi Trẻ