(GameK) – Giải trí trực tuyến và thể thao điện tử ở Việt nam có thể phát triển hay không đó đang là vấn đề được nhắc đến khá nhiều trong thời điểm hiện nay.
Chơi game online là hình thức giải trí trực tuyến
Yếu tố giải trí trong game thể thao điện tử
Ông Chao Ma, nhà quản lý của nhóm game chuyên nghiệp nổi tiếng CGS Vũ Hán Dragons (Trung Quốc), đồng thời từng là một game thủ thể thao điện tử phát biểu: Trung Quốc có cộng đồng game lớn nhất thế giới vì hai lý do. Thứ nhất là dân số lớn, thứ hai là sự phát triển của công nghệ và hệ thống mạng, song song đó là sự thay đổi trong văn hóa giải trí của thế hệ trẻ. Trong số họ xuất hiện những tài năng mới, những người đang nỗ lực quảng bá eSport tại Trung Quốc. Chính phủ cũng nâng đỡ cho eSport trong việc có được sự thừa nhận của xã hội trong những năm gần đây.
Ông Chao Ma cũng cho rằng sở dĩ ngành công nghiệp eSport Trung Quốc phát triển rất nhanh và mạnh mẽ trong 4 năm qua bởi bởi rất nhiều người trẻ tuổi đã quen thuộc với eSport. Người ta cần giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. Ông nói thêm, việc dung hòa giữa yếu tố giải trí và yếu tố thi đấu chính là hướng phát triển tốt nhất cho eSport Trung Quốc, nơi có ngành công nghiệp game nằm trong tốp đầu thế giới với thị trường game online chiếm 30% toàn cầu.
Việt Nam mới bước vào ngành thể thao điện tử một vài năm trở lại đây, quy mô giải đấu còn nhỏ lẻ và chưa tại được tiếng vang trong khu vực, và càng không thể so sánh với những cường quốc eSport tại châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc hay người láng giềng Singapore về sự đầu tư cho ngành này. Tuy khó khăn là vậy nhưng game thủ thể thao điện tử Việt Nam đã thể hiện sự tiến bộ vượt ra ngoài biên giới quốc gia khi bước đầu giành được những danh hiệu quan trọng, đặt tiền đề để ngành này phát triển trong tương lai gần. Những cái tên game thủ như Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Thanh Bình và Phan Hồ Nhật Văn dù chưa vươn tới danh hiệu lớn quốc tế nhưng cũng khẳng định sự tiến bộ đó.
Mới đây nhất, sự kiện Ủy ban Olympic Việt Nam phê duyệt đề án đưa eSport vào thi đấu tại Đại hội Thể thao Trong nhà châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Games III – AIG III) được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2009 là một tin vui cho cộng đồng thể thao điện tử Việt Nam. Tin vui này còn gia tăng hy vọng cho những game thủ yêu thích loại hình eSport khi có dịp thử sức mình ngay trên sân nhà. Và từ đây, những game eSport như Couter Strike, Crossfire của VTC, Special Force của FPT hay Sudden Attack – Biệt Đội Thần Tốc của VinaGame, phát hành tại Việt Nam có thể lấy đà cho những giải đấu eSport “made-in-Việt Nam”. Đồng thời, việc được tham gia vào sự kiện AIG III đồng nghĩa với việc Thể thao điện tử Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ càng để tổ chức thành công cũng như đạt thành tích cao tại đại hội, đóng góp vào bảng thành tích chung của quốc gia.
Đang thảo luận tại đây
Lê Mỹ
Cung cấp bởi http://gamek.vn
Source: Báo Dân Trí