Trở lại Mường Lay

TT – Phải sau nhiều đêm, tôi mới nối được sợi dây của Mường Lay ngày xưa với Mường Lay của ngày hôm nay. Năm năm, quá dài cho những đổi thay. Quá nhiều cảm xúc khi được quay về chốn cũ, nơi cất giữ những dấu ấn khó quên của bao cung đường lang thang…

Trở lại Mường Lay

Thị xã Mường Lay mới – Ảnh: Băng Giang

Mường Lay là một thị xã nằm ở phía bắc tỉnh Điện Biên. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính vào năm 2005, thị xã Lai Châu cũ được đổi thành huyện Mường Lay (mới), còn huyện Mường Lay (cũ) đổi thành huyện Mường Chà. Dân cư ở đây chủ yếu là người Thái trắng, một phần người Kinh và người Hoa.

1. Mùa xuân năm 2006, lần đầu tiên tôi biết đến thị tứ ấy. Những ngôi nhà rải rác nằm dọc bên bờ sông Nậm Na, dòng sông hiền hòa ôm quanh chân núi, mải miết xuôi theo con đường từ Điện Biên sang Lai Châu. Đám cây rừng nhiệt đới ken dày đặc hai bên đường và trên lưng núi, những rừng xanh hoa chuối đỏ tươi lấp loáng nắng. Một cảm giác hoang vu, huyền bí và mơ hồ đã theo chúng tôi mãi trên từng chặng đường đi.

Rời khỏi cây cầu dây văng Hang Tôm huyền thoại, chúng tôi chạy ngang qua Mường Lay lúc nào không hay. Không nhận ra phố xá, đến khi dừng chân dưới gốc một cây bưởi nở hoa ngào ngạt vào mùa xuân và khi người chủ nhà hiếu khách pha trà tiếp chuyện, chúng tôi mới biết mình đang chạy xe qua đất Mường Lay (mới đây đã được đổi thành Mường Chà). Và vì chuyện đổi tên này mà các địa danh trên quốc lộ 12 trở nên rối bời trong ký ức. Thị xã Lai Châu (cũ) thành Mường Lay (mới), Mường Lay (cũ) thành Mường Chà (mới), còn một phần Phong Thổ (cũ) trở thành Lai Châu (mới).

Ký ức của một góc phố Lai Châu cũ với cờ đỏ sao vàng, với cây cầu sắt và nhà văn hóa bị bỏ quên vụt hiện lên như một thước phim. Đâu đó dưới lòng hồ thủy điện Sơn La kia là nơi chúng tôi từng đứng, gói vào trong mắt những hình ảnh cũ kỹ của một thị xã không bao giờ trở lại? Và con lộ cũ với buổi sáng dừng xe nằm gác đầu lên mũ bảo hiểm, lắng nghe dòng Nậm Na thầm thì chảy, tiếng máy tàu khai thác cát chạy xình xịch trên sông, tiếng cười của bạn bè tan như thủy tinh vỡ. Ngày ấy bây giờ ở đâu?

2. Ngày trở lại Mường Lay. Khi chúng tôi tới, mặt trời đã đi ngủ. Bóng đêm đặc quánh quấn lấy cả nhóm suốt một chặng đường dài. Thế rồi cuộc sống ấm áp bất ngờ hiện ra. Từ trên đèo cao nhìn xuống, những ánh đèn điện lung linh dọc hai bên bờ sông. Có phải Mường Lay đó không? Huyền ảo những tòa nhà, những cây cầu, và dòng sông như được điểm tô bởi những khối màu… Có điều gì đó gợi nhớ về thành phố bên sông Hàn nơi miền đất biên ải xa xôi phía tây Tổ quốc. Mường Lay đã thay áo mới thật rồi!

Giống như một trò chơi. Chúng tôi với hơn một chục con người không tìm được đường vào thị xã. Những chiếc xe chạy miên man trong đêm tối, lâu lâu gặp dân lại hỏi đường, nhưng cứ đi vòng quanh núi. Sau khi xé lẻ nhau chạy ngược chạy xuôi, í ới trao đổi qua bộ đàm làm ồn ào cả một góc thị xã đang giấu mình trong giấc ngủ đêm, chúng tôi cũng tìm được khách sạn nghỉ chân. Bữa ăn tối của những kẻ lữ hành đã hơn một lần đi qua Mường Lay khiến đêm như dài mãi, rượu hết rồi mà câu chuyện ký ức vẫn chỉ vơi một phần. Ai cũng cố tìm cho mình một sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại…

Tôi tỉnh giấc và việc đầu tiên tôi làm khi vẫn quấn mình trong chăn ấm là mở cửa sổ để “tìm kiếm” Mường Lay. Háo hức, nhưng bâng khuâng cũng tràn ngập trong lòng. Thị xã đẹp quá dù vẫn đang trong quá trình xây dựng dang dở. Những con đường cụt, đám đất mới san ủi, cần cẩu, ôtô tải nằm ngổn ngang. Dọc hai bên bờ sông là những mái nhà sàn của người Thái, quần cư đến choáng ngợp. Phải gọi là một “mường Thái”. Vừa cổ xưa với kiến trúc truyền thống, vừa hiện đại. Phải mất bao công sức để di chuyển những căn nhà đặc biệt như thế đến đây, nơi hai bờ Nậm Lay huyền thoại? Bên nào Pú Lỷ, bên nào Pú Vạp trong những dãy núi đang dang tay ôm thị xã vào lòng ngoài kia?

Tôi cứ muốn đứng mãi, nhìn mãi, những mái nhà sàn Thái nằm hai bên bờ sông thơ mộng, yên ả như một lòng hồ xinh đẹp, mang theo điện và nhiều nguồn lợi để cuộc sống của người Thái trắng, những người coi mảnh đất nơi sông Đà gặp sông Nậm Na là mảnh đất quê cha đất tổ, sẽ ngày một ấm no và đủ đầy.

3.Để lại một Mường Lay đang vươn mình trong chiếc áo mới rạng rỡ, chúng tôi tiếp tục hành trình. Đường mới bây giờ rộng hơn con đường tôi từng đi, có bụi chuối nào trong hành trình Apachải năm nào khi chúng tôi dừng chân pha cà phê trong chiều muộn? Đâu rồi ngã ba đường đi Mường Tè âm u cỏ dại? Cầu treo Lai Hà cũ giờ đã được thay thế bằng một cây cầu bêtông vĩnh cửu, nối quốc lộ 12 với tỉnh lộ 127, kéo biên giới lại gần với phố phường.

Tôi đi như trôi trong cảm xúc. Đã qua cầu Hang Tôm mới, và trước mặt đã là Lai Hà mới. Có cái gì đó bất động trong mớ cảm xúc bồi hồi đến khó tả. Dòng Nậm Na xanh vẫn xinh đẹp và hoang dại như thuở nào, những bản làng vẫn nép mình vào chân núi yên ả, rừng vẫn xanh, hoa vẫn đỏ, hẳn đâu đó vẫn có người “óng ánh dao cài thắt lưng”…

Và tôi đã tìm thấy mối nối của Mường Lay xưa và nay khi loay hoay kết nối ký ức với hành trình đang diễn ra khi chạy qua Chăn Nưa, một xã từng thuộc về Mường Lay nhưng từ năm 2004 đã “chuyển khẩu” về huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Một Chăn Nưa nửa chìm, nửa nổi trong dòng nước thủy điện Sơn La đã xóa nhòa những rối bời của chuyến đi, nối quá khứ và hiện tại thành một sợi dây hoàn chỉnh.

Ngủ yên nhé, một Hang Tôm cũ, một thị xã Lai Châu cũ đã ghi dấu bao kỷ niệm thuở nào. Tôi biết Mường Lay mới lại đang ghi dày thêm trong tôi những trang ký ức về một cung đường…

THỦY TRẦN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.