AT – Một ngày vào hè, từ thành phố Long Xuyên (An Giang), chúng tôi theo đường 941 về Láng Linh. Xe chạy xuyên qua những cánh đồng xanh bát ngát.
Balô du lịch
Về đồng Láng Linh
Đến chợ Vĩnh Bình, vượt cầu dây văng, men theo đường làng đi thêm chừng 2km, chúng tôi đến khu di tích đồn Bảy Thưa, nơi đây, từ năm 1867 đến 1873 đã diễn ra cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa của lực lượng Binh Gia Nghị do ngài Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành khởi xướng, lãnh đạo chống thực dân Pháp.
Khu di tích Đức Quản Cơ |
Láng Linh xưa kia là một cánh đồng trũng phèn mênh mông, dài khoảng 20km, rộng chừng 10km. Theo dân gian, “láng” là vùng đất trũng, rộng, thường xuyên ngập nước, “linh” là cá linh. Cánh đồng này mùa nước nổi, cá linh từ biển Hồ về nhiều vô kể, đến nay vẫn còn, nhưng ít hơn xưa nhiều. Cũng có giả thuyết nói về tên Láng Linh là cánh đồng “linh (lênh) láng”. Thời nhà Nguyễn, Láng Linh thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, ngày nay nằm trên địa bàn các xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú, Vĩnh An thuộc các huyện Châu Phú, Châu Thành (An Giang). Bảy Thưa là khu trung tâm của cánh đồng này. Về tên Bảy Thưa, theo nhiều tư liệu mô tả thì đây là một nơi có loại cây rừng mọc ở vùng đất thấp ngập nước, chịu được mùa nước nổi, cội to, lá nhỏ, hơi dài, còn có tên là cây trát thưa hay cát thưa (dân gian gọi tắt là “thưa”). Cây thưa ngày nay còn rất ít. Tại di tích dinh Sơn Trung (đồn Bảy Thưa) nằm bên kênh 16 thuộc xã Vĩnh An, huyện Châu Thành (An Giang) chỉ còn lại vài cây.
Ca dao địa phương có câu: Bãi bồi mọc những cát (hay trát) thưa / Thương em đi sớm về trưa một mình.
Đến khu di tích Láng Linh – Bảy Thưa, đầu tiên du khách vào cổng, đi xuyên qua một con đường bêtông dài chừng 500m, hai bên có trồng hai hàng cây “lưỡi rắn” lá đỏ bầm màu huyết dụ. Di tích dinh Sơn Trung nằm trên một gò cao thoáng đãng. Trước dinh là kênh 16, qua khỏi kênh là cánh đồng Láng Linh bao la, xa tít tận chân trời tiếp nối với miền bán sơn địa Thất Sơn. Những lúc trời quang ta có thể thấy núi Két, núi Voi, núi Bà Đội Om xanh mơ, hùng vĩ!
Dinh Sơn Trung là nơi có lò rèn Bảy Thưa chuyên đúc, chế tạo vũ khí cho nghĩa quân. Các chiến binh của ông Trần Văn Thành được trang bị gọn nhẹ với đao, kiếm, dao găm, súng điểu thương, tác chiến theo lối du kích, đột kích. Nghĩa quân Binh Gia Nghị lấy tinh thần yêu nước, sự dũng cảm, dựa vào lực lượng nông dân để đánh địch. Ngày nay lò rèn này được phục chế, mô phỏng, tái hiện hình ảnh sản xuất, chế tạo vũ khí bằng thủ công. Tại đây khi đào đất làm công trình người ta nhặt được nhiều viên gạch bị cháy xém và gặp rất nhiều xỉ sắt, đấy là dấu vết của lò rèn đúc binh khí xưa kia của Binh Gia Nghị.
Đường vào Dinh Sơn Trung |
Trong chánh dinh rộng rãi, trang nghiêm có hương án thờ ngài Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành, phía sau có treo thanh bảo kiếm nặng khoảng 7kg bằng thép đen của Trần thủ lãnh; cạnh đó có một hộp kính đựng đầu mũi chiến thuyền, chỉ còn là một khung gỗ xù xì – nơi ngài Chánh Quản Cơ đứng điều quân đốc chiến! Ông Nguyễn Văn Sanh – trưởng ban thư ký dinh – cho biết: Do tin tưởng sự linh thiêng của “Đức Cố Quản”, bà con trước đây thường vạt (đẽo) lấy dăm gỗ mũi thuyền về nấu nước uống trị bệnh. Ban quản lý dinh phải đem “linh vật” này để vào tủ kính khóa lại và cử người trực canh giữ. Có một thời gian dinh bị mất một số cổ vật, nhưng sau đó không lâu, những kẻ đánh cắp không hiểu vì lý do gì đã âm thầm, bí mật mang trả lại đầy đủ!
Về phía tây cận dinh là khu đền thờ Quốc Tổ, Bác Hồ và những di vật thuộc về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, bởi ông Trần Văn Thành là “đại đệ tử” của giáo chủ Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An). Tương truyền Phật Thầy đã giao cho ngài Chánh Quản Cơ bốn thẻ lệnh bài để đi cắm làm cột mốc lãnh địa. Ngày nay, các thẻ bài ấy được phát hiện ở Dinh Ông Thẻ số 1, ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Địa điểm thứ hai có di tích “Ông Thẻ” là chùa Bồng Lai nằm sát mép kênh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế, thuộc thị xã Châu Đốc. Dinh Ông Thẻ thứ ba nằm ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú. Quanh địa điểm “ông Thẻ ngự” người ta thường nhặt được kiếm, gậy và một số vật dụng. Năm 1927, nhà khoa học địa chất Lưu Văn Lang, còn gọi là “Bác vật Lang”, tổ chức thám hiểm núi Cấm và phát hiện ra một hang đá có cắm “Ông Thẻ” thứ tư.
Ở dinh Sơn Trung người ta còn phát hiện những cây gỗ “lào táo” bị chôn vùi dưới bùn đất, cứng như đá và còn nguyên vẹn. Gỗ lào táo xưa kia được Phật Thầy dùng làm thẻ lệnh bài. Trước sân dinh có một cây sanh cổ thụ vạm vỡ cùng thời với đồn Bảy Thưa tỏa bóng rợp mát.
Cách dinh Sơn Trung chừng 2km về phía tây trên một gò đất cao có di tích “Dinh Đá Nổi”, gần đấy người ta phát hiện nhiều tảng đá lớn nổi lên từ dưới ruộng! Dinh Đá Nổi xưa kia là kho lương của nghĩa quân. Ngày nay, dinh Đá Nổi đang được trùng tu, tôn tạo lại để cho du khách, người hành hương đến tham quan, vãn cảnh. Ở dinh Đá Nổi có một cây cầu bêtông dài gần 200m, bắc qua cánh đồng lúa trông rất ấn tượng!
Hằng năm, vào các ngày 21-22 tháng 2 âm lịch là ngày lễ kỷ niệm Đức Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành. Lễ hội diễn ra trang nghiêm, long trọng trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Khách các nơi về viếng, dự rất đông. Trong lễ hội có các đoàn lân sư rồng múa biểu diễn, các đoàn cải lương phục vụ các tuồng tích cổ cùng với các trò chơi dân gian truyền thống.
ĐẶNG HOÀNG THÁM
(Cần Thơ)
Áo Trắng số 15 ra ngày 15/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ