AT – Thỉnh thoảng trong giấc ngủ đêm, chị lại mơ thấy mình đứng trên bục giảng, say sưa với ngôn ngữ văn chương, với chữ nghĩa, thấy cả đám học trò bên dưới ngóng cổ lên nghe, uống từng lời giảng của cô giáo.
Về lại trường xưa
Có những đôi mắt lấp lánh, những cái miệng há ra mê mẩn. Và từng câu, từng chữ cứ thế tuôn ra, tuôn ra như suối chảy, như mưa rào, gió thổi… Tỉnh dậy thấy mắc cười quá chừng. Xưa rồi Diễm ơi! Lại hoang tưởng rồi. Cứ nhớ đâu những chuyện mấy chục năm về trước đó. Ngay cả chàng hoàng tử trong truyện cổ tích còn không quay ngược được cuộn chỉ thần thời gian nữa là.
Thỉnh thoảng gặp mấy đứa học trò cũ giờ đã trở thành đồng nghiệp nói ba điều bốn chuyện, chị lại tưởng như mình vẫn còn đang đứng lớp, vẫn ngày ngày đi qua mấy dãy hành lang lớp học còn nóng ấm bước chân cô học trò năm xưa. Và tiếng cười hồn nhiên vẫn còn đọng lại đâu đó, những khuôn mặt bạn bè vẫn còn thấp thoáng sau mấy hàng cột, mấy góc khuất của những gốc phượng già trong trò chơi trốn tìm của những cô bé áo dài trắng cuộn lại, thắt gút sau lưng, cười như nắc nẻ.
Giống như mới hôm qua đây thôi, một cô giáo trẻ trong trường thay mặt tổ đến mời chị vào trường ngày khai giảng:
– Cô nhớ vào dự lễ với tụi em nghe cô.
– Năm nay có tiết mục nào mới lạ không?
– Chắc có chứ cô. Nhưng em không ở trong ban văn nghệ. Nhỏ Trà ém quân đến giờ chót mà.
Rồi giữa câu chuyện, nó lại than thở:
– Không hiểu sao mấy năm nay các trường cứ phải tựu sớm cả nửa tháng. Hồi trước mấy cô mấy thầy thiệt sướng. Cứ đúng ngày khai giảng mới vào. Học như vầy thì ngày khai giảng mất hết ý nghĩa phải không cô?
Ừ, “hồi trước”, nghe sao mà xa lắc xa lơ! Thì ra mình nghỉ hưu lâu lắm rồi sao? Thảo nào mà bọn nhỏ mỗi lần gặp cứ so sánh hồi trước với bây giờ.
– Cô ơi, công văn, giấy tờ giờ còn nhiều hơn trước.
– Cô ơi, báo cáo, xét duyệt thi đua giờ còn rắc rối phức tạp hơn trước. Mỗi thứ đều đưa vào chỉ tiêu cụ thể để tính điểm, bọn em chỉ muốn “thua đi” thôi.
Nói cái miệng vậy chứ mỗi lần chị vào trường vẫn thấy bọn trẻ vui như Tết. Giờ chơi hai mươi phút vẫn ra quán cà phê nói cười rôm rả. Chưng diện thì ngất trời, áo dài mới may lia lịa nhìn đến chóng mặt.
– Mấy đứa giờ lương bổng cao, sướng muốn chết, bày đặt than!
– Thì “Ăn cơm chúa, múa tối ngày” mà cô!
Đúng là so sánh lãng xẹt! Nhưng ngồi quán cà phê với tụi nhỏ thiệt là vui. Cứ như mình vừa trẻ lại. Cứ như chút nữa đây, chuông reo từ bên trường, mình sẽ đứng dậy, bước qua con lộ vào lớp, mở sách ra, thao thao bất tuyệt với Nguyễn Du, với Tố Hữu, với bao công chuyện bận bịu đầy ý nghĩa của người thầy.
Mấy năm đầu mới về hưu, hầu như ngày khai giảng nào chị cũng vào trường dự lễ, ngày 20-11 nào chị cũng đến ngồi trên lễ đài. Cái cảm giác đứng giữa đội ngũ bên cạnh bạn bè ấy sao mà ấm áp trong lòng. Nhất là trong ngôi trường có đến ba thế hệ là đồng nghiệp này. Mà quên, bây giờ đã bắt đầu thế hệ thứ tư rồi phải không? Ừ, xa trường bao lâu đi nữa, mình vẫn nhớ như in dòng chữ trước cửa phòng truyền thống: “Từ năm 1917, nơi đây đã dựng nên một ngôi trường. Trên chiếc nôi tình nghĩa ấy, biết bao thế hệ đã trưởng thành trong học tập và đấu tranh”.
Giờ thì chị không vào đều đặn như vậy nữa. Mọi thứ dường như đã ngày càng lạ lẫm hơn. Những khuôn mặt quen khi đứng giữa lễ đài đã càng lúc càng thưa dần… Nhưng ngôi trường xưa với dãy hành lang thân thiết, với những vòm mái tròn mềm mại và những khung cửa lớp đầy nắng vẫn quấn quýt mãi trong tim. Làm sao ta quên được ngôi trường từng rủ bóng xuống hồn ta một thuở xuân thì mật ngọt, ngôi trường ta đã từ hàng ghế ngồi bên dưới bước lên bục giảng nhìn xuống lớp lớp đàn em trong sáng, hồn nhiên.
Nhớ hôm trước một cô học trò cũ cùng dạy trong trường vừa gặp đã khoe:
– Cô ơi, em được giải quyết hưu rồi!
– Ủa, còn mấy năm nữa mà?
– Em hưu theo thông tư 132, mất sức đó cô.
Nhìn bộ mặt hớn hở của nó, chẳng thấy vẻ gì là bệnh hoạn hết. Lại “chạy chọt” để nghỉ sớm rồi. Nghĩ bụng vậy nhưng chị vẫn nghe có chút hụt hẫng. Lớp trẻ giờ sao ít người thích đi dạy quá. Cứ như trót chọn lầm nghề vậy, làm sao toàn tâm toàn ý đứng lớp được! Hay tại thời thế bây giờ có nhiều thứ khác xưa đã cuốn trôi nhiệt tình của lớp trẻ?
oOo
Ngày khai giảng năm nay chị lại vào trường. Nhưng khác mọi lần, chị không ra ngồi ở lễ đài nữa. Chờ cho đám học sinh lớp 10 mới lên phòng truyền thống làm “Lễ ra mắt” các bậc ân sư xong, chị mới chậm rãi bước lên cầu thang, định một mình đến chào các thầy cô cũ. Nhưng kìa, trước mắt chị đã có một ông già đang vịn tay cầu thang, lom khom đi lên.
– Bác ơi, bác cũng lên phòng truyền thống à?
Ông già quay lại, gương mặt gầy gò dưới mái đầu bạc trắng mỉm cười:
– À, lâu lắm rồi bác mới có dịp về trường. Định lên thắp nén nhang cho các thầy cô cũ. Năm nay bác 85 tuổi rồi, không biết có còn kịp đến đây nữa không.
Vậy là hai bác cháu dìu nhau bước từng bước lên các bậc thang lên lầu. Chị đốt một cây nhang cho người học trò già, rồi hai người đứng bên nhau hướng về chiếc bàn thờ trên có ba chữ “Sư Đạo Tôn” còn tươi màu mực. “Sư Đạo Tôn”! Hình như chưa bao giờ chị thấm thía ý nghĩa từng chữ ấy như lúc này, khi hai thế hệ học trò trang nghiêm, thành kính cúi đầu trước những “Ân sư” một thời góp công, góp sức cho ngôi trường cổ kính bên dòng sông Hậu này. Bỗng dưng chị cảm nhận như các thầy cô vẫn còn lẩn khuất, quanh quẩn đâu đây trong khói hương nồng ấm, ngạt ngào…
Sau những phút hồi tưởng lặng lẽ, hai bác cháu lại dìu nhau xuống lầu. Cả hai cũng không nói gì nhiều, bởi trong lòng đều biết họ cùng suy nghĩ như nhau, cùng hòa tâm hồn, nhịp thở với ngôi trường này. Và hồi trống đang vang vọng ngoài sân cờ kia cũng chính là hồi trống từ lâu đã vọng vào tim óc của họ. Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống bắt đầu năm học mới vang lên cũng là lúc hai người học trò ngày xưa bước ra khỏi cổng trường, để lại phía sau lưng tiếng ồn như đàn ong vỡ tổ khi buổi lễ khai giảng vừa tan. Trên những vòm cửa tròn, nắng đã vàng rực, chiếu sáng cả hàng chữ khắc bên trên “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Chị về tới nhà, mấy đứa cháu lớn đã đến trường hết, nhà bỗng trống vắng lạ. Ngày tựu trường mà. Chỉ còn nhỏ cháu gái gần hai tuổi thấy nhà vắng vẻ, cứ luôn miệng bi bô:
– Muốn đi học! Con muốn đi học!
Chị sà xuống, ôm chặt cháu vào lòng, hôn lên hai gò má thơm mùi sữa:
– Con biết không, ngoại cũng muốn đi học nữa con à!
NGUYỄN NGỌC TUYẾT
(Cần Thơ)
Áo Trắng số 16 ra ngày 01/09/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ