Đạo diễn Lưu Huỳnh: Phim tôi là phở

TT – Mất hơn bốn năm từ sau Huyền thoại bất tử, sáu năm của Áo lụa Hà Đông và 19 năm của thời Em và Michael, đạo diễn Lưu Huỳnh mới trở lại với Lấy chồng người ta.

Đạo diễn Lưu Huỳnh: Phim tôi là phở


Đây là phim vừa được chọn vào vòng tranh giải ở một trong những liên hoan phim lớn nhất thế giới: Liên hoan phim quốc tế Toronto.

Đạo diễn Lưu Huỳnh là người khá kín tiếng với truyền thông – Ảnh: Gia Tiến

Là anh trai của ông bầu phim hài Phước Sang (Lưu Huỳnh thứ ba, Phước Sang thứ sáu trong một gia đình có bảy anh chị em), nhưng đạo diễn Lưu Huỳnh khác Phước Sang đến mức anh hay nói đùa: “Nhiều khi tôi ngỡ Phước Sang không phải là em ruột tôi nữa, em gì mà thấy… chả liên quan gì hết!”. Học điện ảnh Mỹ (cùng lớp với Michael Bay) rồi về làm phim Việt, đạo diễn Lưu Huỳnh vừa mới có lại quốc tịch VN sau hơn 20 năm làm “Việt kiều”. Khá kín tiếng với báo giới, nổi tiếng bởi sự khắt khe trong công việc đến mức trong giới ai cũng biết việc Lưu Huỳnh đã từng đánh Phước Sang (“đá và bụp một cái”) vì cái tội dám chiếu phim Em và Michael trước khi anh đồng ý bản dựng cuối… Đó là Lưu Huỳnh của 20 năm trước, và may thay, dù “giờ thì nhiều kinh nghiệm đến mức cầm bút viết kịch bản đã biết tự kiểm duyệt chính mình”, thì Lưu Huỳnh vẫn không khác đi trong cách sống và trong thái độ khắt khe với nghề mình chọn. Nhưng cách nghĩ thì có vẻ đã thoáng hơn…

Không đủ sức thì chết giữa dòng

* Anh đã chấp nhận thị trường điện ảnh VN có nhiều phân khúc, như có Hello cô Ba, Nàng men chàng bóng thì cũng có “thêm” Bi, đừng sợ! hay Lấy chồng người ta? Điều gì làm anh dễ tính hơn vậy?

– Đạo diễn Lưu Huỳnh: Tôi chẳng thay đổi cách nghĩ, nhưng ở khía cạnh đồng nghiệp tôi cảm được điều đó. Tôi nghĩ nếu làm, có khi tôi cũng làm được dạng phim Hello cô Ba. Nhưng tôi đã chọn đường khác, tôi thấy tôi hay Phan Đăng Di như những kẻ bơi ngược dòng, có sức khỏe thì bơi tới bờ còn không thì chết giữa dòng. Đó là cuộc chơi mà kẻ chơi như chúng tôi phải chấp nhận. Còn thị trường thì khác, người kinh doanh bỏ một đồng phải lấy lại một đồng và có lãi.

Có những người là director – đạo diễn – đúng nghĩa làm phim theo yêu cầu của nhà sản xuất, có những người là filmmaker – người làm phim – làm những gì mình cảm được bằng ngôn ngữ điện ảnh của mình. Mỹ cũng chỉ có khoảng 20 người là filmmaker, khi làm phim họ yêu cầu một hình của họ cũng không được cắt khi phát hành. Ở VN thì khi làm với Phước Sang chẳng hạn, bạn sẽ là director – phim chỉ làm 90 phút thôi nghe, quá là không được, và phải làm theo kiểu Phước Sang muốn. Tôi không muốn trở thành director giống vậy.

* Nhưng người ta cũng thấy dù anh khác Phước Sang đến vậy thì cũng hiếm ai chiều anh như Phước Sang. Bằng cớ là 3/4 phim anh làm đến giờ này Phước Sang bỏ tiền ra đấy chứ?

– Phước Sang chiều tôi là đúng thôi vì Phước Sang muốn hãng phim của mình có mì có phở! Phước Sang làm phim mì, tôi làm phim phở, vậy thôi. Tôi không ghét phim mì, tôi cũng rất thích làm phim kinh tế, nhưng nếu làm phim mì tôi cũng sẽ xin cho thêm tí thịt gà, thịt bò chứ không thể một bát mì trần kiểu Phước Sang đang làm lâu nay.

* Kinh phí của Lấy chồng người ta có so sánh được với thời anh làm Áo lụa Hà Đông không?

– Phim này hết chừng 8 tỉ đồng, Áo lụa Hà Đông thời ấy tôi quay hết khoảng 1,2 triệu USD (bằng khoảng 25 tỉ đồng bây giờ). Tốn tiền nhất cho phim là âm thanh. Đối với tôi, âm thanh quá quan trọng. Vì thế, Lấy chồng người ta đã tốn tiền làm âm thanh ở VN, mà qua bên Thái Lan tôi vẫn phải làm lại, tốn thêm vài chục ngàn USD nữa để hài lòng. Với tôi, phim có thể trắng đen, có thể nổi hột sần nếu đạo diễn muốn thế nhưng âm thanh phải thật hoàn hảo. Phim chỉ có hai lớp nhưng âm thanh có quá nhiều lớp và không thể đi đường tắt được.

Diễn viên Thái Hòa và Đinh Y Nhung trong phim Lấy chồng người ta. Phim sẽ ra mắt ngày 19-9 và công chiếu trên toàn quốc ngày 21-9 -Ảnh: Vi-phim

Tôi có thể “nắn” bất cứ ai

* Trước phim này anh ấp ủ rất nhiều dự án, 1/2 hồn thương đau rồi 3/4 hồn thương đau nhưng cuối cùng lại là Lấy chồng người ta. Những dự án kia đâu hết rồi?

– Lấy chồng người ta tôi viết kịch bản 11 ngày thì xong, nhanh nhất trong các dự án từng viết. Phim bây giờ kinh phí chỉ loanh quanh 7-8 tỉ đồng. Hoặc kiểu Phước Sang 4-5 tỉ đồng, chả quan trọng âm thanh hình ảnh, miễn gom hết một nhóm tấu hài diễn đủ 90 phút thành một cái lẩu trên màn ảnh là xong. Những dự án của tôi đành phải chờ và tôi vẫn ấp ủ, vì cần kinh phí lớn.

* Huy Khánh và Thái Hòa đang là diễn viên ăn khách trong các dự án phim hài. Tại sao anh lại chọn họ vào phim anh với những vai khác hẳn đi?

– Tôi thích sự thử thách! Tôi có sự tự tin rằng tôi có thể nắn bất cứ ai thành nhân vật như tôi muốn với một điều kiện: họ chấp nhận chơi với tôi. Chọn diễn viên đóng phim hài đưa vào phim chính kịch sướng hơn chứ. Bởi nếu giả như vai của Thái Hòa là Công Ninh đi, thì nhìn mặt đã biết vai rồi, còn gì là thử thách nữa.

Cục đá mà mình kiên nhẫn còn có thể gọt ra bức tượng hình thù theo ý mình nữa là con người. Quan trọng là sự dụng công và tôi thích những gì khó khăn. Vai diễn của Đinh Y Nhung là thử thách với cả tôi và cô ấy. Tôi giao hẹn trước, nếu ra hiện trường là không có vợ chồng nể nang gì nữa, bởi nếu vậy sẽ hư phim tôi. Nhung thích vai này nên chấp nhận mọi phân đoạn tôi viết cho nhân vật. Và điều buồn nhất là cô ấy đã giấu chuyện có bầu, nên khi quay xong phân đoạn bị đánh ghen, cô ấy đã bị sẩy thai!

* Hình như đây là lần đầu tiên anh có vẻ lo lắng cho doanh thu của phim mình, tại sao vậy?

– Vì đây là dự án đầu tay của hãng phim tôi hợp tác. Tôi không cho Lấy chồng người ta là phim thuần túy nghệ thuật, tôi đã nghĩ đến khán giả nhiều khi làm phim. Tôi tiết kiệm cho Vi-phim bằng cách kiêm đủ thứ: viết kịch bản, đạo diễn, làm DOP (đạo diễn hình ảnh), đồng sản xuất…

Nếu phim này có doanh thu, tôi sẽ có thể có kinh phí làm tiếp phim Tim hằn vết sẹo – dự án lấy cảm hứng từ chuyện em Bình bị bà bán phở ở Hà Nội hành hạ, diễn viên đã dự tính là Như Quỳnh và bé Thiên Tú (Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử). Nói thật, ngoài việc làm phim mà lâu lâu mới được làm một lần, tôi vẫn chấp nhận đi làm người bấm máy cho các game show mà Vi-phim thực hiện để sống.

Lấy chồng người ta là câu chuyện của ba người trong một bi kịch bắt nguồn từ việc vô sinh của một người đàn ông. Phim được quay chủ yếu tại làng nổi La Ngà, Đồng Nai. Bà Giovanni Fulvi – ban tuyển chọn phim cho Liên hoan phim Toronto – đã nhận xét về Lấy chồng người ta: “Lần đầu tiên xem cuốn phim này, nó đã cho tôi một ấn tượng tốt. Phim rất hay với diễn xuất tốt, hình ảnh đẹp và tôi nghĩ rằng đề tài của phim cũng đề cập đến vấn đề chung của con người mà khán giả khắp nơi có thể đồng cảm. Ước muốn được có con của một đôi vợ chồng trẻ là một điều dễ hiểu. Rồi để thực hiện điều này, người vợ có chồng vô sinh đã khiến xảy ra những hậu quả không lường trước được. Phim không chỉ đề cập đến một vấn đề xã hội mà còn tạo ra những cảm giác căng thẳng. Tôi nghĩ do phim có thêm những yếu tố kinh dị nên nó hấp dẫn và thú vị”.

CÁT KHUÊ thực hiện

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.