TTC – Cổ nhân phương Đông đã bảo rằng “Gia đình là hầm trú ẩn cuối cùng”, còn theo các học giả phương Tây thì “Gia đình là bộ giảm xóc hiệu quả của một xã hội luôn biến động”.
Không nói ra thì…
Cả nhà cùng vui
Tóm lại, từ Đông sang Tây, gia đình luôn được coi là “trung tâm giảm stress” của con người. Cũng vì thế, “nhà cười” đang là mô hình được không ít ông chồng, bà vợ nỗ lực đầu tư, thiết kế.
Tại nhà của ông Lê Phước Vinh, một nhân viên ngành bưu điện, hàng hóa được mua sắm thường xuyên là dụng cụ làm vườn. Ngày thứ bảy chủ nhật là vợ chồng con cái cùng về quê nội ở Hóc Môn để làm… nông dân.
“Vui chứ sao không vui! Được ăn rau sạch, được nhâm nhi cà phê sữa đá dưới giàn thiên lý, được ngắm trăng lên trong mùi hoa nhài thơm ngát” – ông tự hào kể. Hai đứa con của ông tha hồ nghịch phá, chạy nhảy lung tung, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ tưới cây, đào khoai lang… Vợ ông khỏi cần tập thể dục thẩm mỹ cũng tan mỡ bụng, đùi thon. Con ông khỏi ngồi máy tính, ông bớt nghe điện thoại…
Đã thành nếp, nên mỗi lần đi công tác, ông cứ mong về nhà để vợ chồng con cái kéo ra vườn chí choé, chân lấm tay bùn đào bới rồi lăn đùng ra tấm phản tre trong khi ông bà nội đã chuẩn bị sẵn gà luộc, nồi chè… Các chương trình vui chơi, luôn được thay đổi, có hôm thì “ẩm thực món quê”, hôm thì chụp ảnh nhà cũ với các người mẫu “cổ”, hôm thì chia sẻ bí quyết… ở sạch trong thời tiết kiệm nước.
Nếp sinh hoạt giải trí của gia đình gắn với miền quê không tốn nhiều kinh phí, nên người cười ít mà vẫn vui là bà xã ông. Bởi vậy, thay cho việc đi nhậu hay spa thì cứ cuối tuần là vợ chồng con cái dắt díu nhau đi “du lịch sinh thái”.
Gia đình bà Khuất Thu Minh, một giáo viên cấp II, thì có thói quen cùng theo dõi các chương trình truyền hình thực tế trên truyền hình rồi bình chọn. Được cái sở thích của cả nhà cũng na ná nhau, nên không khí gia đình trong những ngày diễn ra các cuộc thi sôi nổi nhưng khá đoàn kết.
Mới đây thôi, vợ chồng con cái cùng nhiệt tình theo dõi chương trình Việt Nam Idol, cùng thưởng thức các giọng ca mới đầy triển vọng, cùng gởi tin nhắn bình chọn và cùng vỡ òa trong niềm vui thần tượng của mình đã chiến thắng. Mỗi lần đọc báo, xem tivi, cô con gái tuổi teen lại phát hiện ra nhiều chương trình mà cả nhà có thể tham gia như: đi bộ gây quỹ… ký tên ủng hộ…
Đối với sự kiện bóng đá, ông chồng bà lại làm tổng chỉ huy. Cả nhà cùng theo dõi, rồi bình luận dự đoán loạn cả lên. Những kỳ SEA Game, World Cup… nhà của bà vui hơn Tết. Bà chuẩn bị thức ăn để cả nhà vừa xem, vừa nhấm nháp. Những trận chung kết, cả nhà dẫn nhau ra quán ăn để cùng hòa với không khí cổ vũ sôi động của mọi người.
Bà Minh tâm sự: “Nhà tôi, đi đâu cũng 4 người. Ngày trước, con còn bé, 1 chiếc xe máy tải cả 4, bây giờ phải 2 chiếc. Đến những quán ăn mùa cao điểm bóng đá, thấy đa số là các ông chồng xé lẻ đi vui chơi với chiến hữu, tự nhiên thấy gia đình mình thật hạnh phúc…”.
Cùng góp kinh nghiệm xây dựng “nhà cười”, ông Lương Minh Bằng, tài xế xe ôm, kể: “Tui chở khách đi, phát hiện chỗ nào hấp dẫn, lúc rảnh đưa vợ con đến, cùng vui chơi. Vợ và con gái là 2 người khách thường xuyên, và quan trọng nhất của tôi. Nói thiệt, cả nhà tui đi dòm, đi ngắm, nhiều hơn là đi mua, đi ăn, vậy mà ai cũng vui”.
Những ngày hội của các nhãn hàng tổ chức quảng cáo thương hiệu, gia đình ông thường tham gia để cho con vui chơi miễn phí, lại vừa có khả năng… lãnh quà. Riêng các hội sách là ông không bao giờ bỏ qua vì theo ông đó là một sinh hoạt giải trí bổ ích giúp con thích đọc sách lại vừa có thể mua được sách giảm giá cho con”.
Bên cạnh những kiểu gia đình “mạnh ai nấy tìm nguồn vui” thì mô hình “cả nhà cùng vui” cũng khá phổ biến. Có điều, để duy trì niềm vui chung kiểu này được bao lâu, còn cần sự đồng thuận của vợ chồng để tạo thành nếp nhà.
PHƯ CHU
Tuổi Trẻ Cười số 422 (15-02-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Source: Báo Tuổi Trẻ