TTO – Sau lễ khai mạc, có rất nhiều học sinh đã tìm đến phòng tư vấn tâm lý – gỡ rối hướng nghiệp. Tại đây, Tiến sĩ Đinh Phương Duy – Chủ tịch hội tâm lý giáo dục TP.HCM và thầy Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng GDCN -GDTX – Sở GD ĐT Đà Nẵng, đã trả lời những thắc mắc của học sinh.
Tư vấn tâm lý – gỡ rối hướng nghiệp
Các thí sinh tham gia tại khu vực Tư vấn tâm lý – Gỡ rối hướng nghiệp sáng 6-3 – Ảnh : Minh Đức |
* Bạn Nguyễn Thanh Tuấn hỏi: Nên chọn ngành nghề theo sở thích hay theo lương hướng – thu nhập sau này? Chọn ngành kinh tế hay ngành nghề cao hơn, yêu thích hay sống thoải mái?
– TS Đinh Phương Duy: Đây là 3 điều âu lo của các bạn thí sinh, liên quan nhiều yếu tố, trước hết chọn theo khả năng, nếu đủ khả năng hãy chọn ngành yêu thích. Nếu chọn ngành này mà không đủ sức để trúng tuyển đó là điều cần cân nhắc. Chúng ta phải cố gắng thỏa mãn niềm đam mê, nếu không đủ khả năng có thể rèn luyện chờ năm sau.
Thu nhập là điều nhạy cảm nhưng không phải là quá quan trọng. Cũng không thể lãng mạn để không đủ trang trải cho cuộc sống sau này. Lưu ý cũng có nhiều nhà khoa học sống với đam mê và sáng tạo của mình, bán ý tưởng cũng có thể sống nhờ các chính sách bảo hộ của nhà nước.
Vấn đề quan trọng là nỗ lực để thích ứng với công việc. Chúng ta cân nhắc nhưng điều quan trọng vẫn là khả năng. Có thể đi nhiều con đường nhưng con đường đại học không có nghĩa là duy nhất.
* Bạn Nguyễn Thu Nga hỏi: Cháu thích công nghệ, mà anh cháu thì muốn cháu vào trường kinh tế, cháu không biết làm sao?
– TS Đinh Phương Duy: Việc chọn nghề là việc hệ trọng vì đó là suốt cuộc đời, việc này có ý nghĩa lớn. Người chịu trách nhiệm là chính mình, sau này mình chịu trách nhiệm và không cảm thấy bâng khuâng gì. Làm sao dung hòa quan điểm của bạn và của anh mình.
Làm sao chứng minh cho anh thấy là ngành của bạn cũng có thể làm giàu, thành đạt, để cho người anh thấy rằng đó là phù hợp với nhu cầu và khả năng của bạn. Nên tận dụng nhiều nguồn khác tác động để nhờ thay đổi quan điểm của anh. Cũng có thể suy nghĩ lại quan điểm của anh bạn là đúng thì bạn có thể thay đổi quan điểm của mình.
* Bạn Võ Thanh Tuấn hỏi: Nếu em đăng ký ĐH ngoại ngữ 18 điểm, nhưng trường lấy 19 điểm thì em có được học ngành nào đó của trường hay không?
– Thầy Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng GDCN- GDTX – Sở GD ĐT Đà Nẵng: Trong khối của ĐH ngoại ngữ có nhiều thứ tiếng, nhưng đăng ký vào ngành, xác định điểm đậu rồi, thì việc chuyển là không được.
Nếu thi vào Anh, Nga, Trung,…chúng ta phải học tốt, gắn bó và theo luật thì nhà trường không thể giải quyết. Nói cho cùng các em phải liệu sức, có thích thú nhưng ước mơ phải phù hợp với năng lực. Nên xem xét các đại học và các ngành. Không thể vui đâu chọn đó mà mình không đủ năng lực học tập.
* Bạn Trần Công Khanh hỏi: Làm sao để biết sở thích của mình?
– TS. Đinh Phương Duy: Coi các vấn đề xã hội thử mình quan tâm điều gì? Ví dụ các bạn thích đi làm tình nguyện, mùa hè xanh thì thích ngành xã hội. Các bạn thích máy tính, khám phá công nghệ thông tin thì hãy chọn ngành gần đó. Có thể tham gia các bài test để có kết quả định hướng một phần nào đó của chính mình. Nhưng chúng ta phải xác định rõ là mình muốn cái gì và mình thích cái gì? Chẳng ai trả lời hay làm thay điều đó. Các bạn phải tự vận động để xác định cái kênh của chính mình.
* Bạn Hoàng Tú Uyên hỏi: Nên chuẩn bị tâm lý như thế nào trước kỳ thi? Thường em mất bình tĩnh và bị mất điểm rất nhiều?
– TS. Đinh Phương Duy: Do chúng ta chuẩn bị chưa kỹ trước khi đi thi, nếu chuẩn bị kỹ, chúng ta sẽ không có áp lực đó. Thứ 2, đi thi là một chuyện và kết quả là chuyện khác. Chúng ta đơn giản chuẩn bị tốt để không bị “khớp” với các bạn bè khác.
Cứ nghĩ mình không tệ, mình còn hơn nhiều bạn trong lớp, nên cứ vậy tâm lý sẽ qua. Nên có một vài phút bình tĩnh, hít thở sâu, chuẩn bị vài cây kẹo ngậm, nhắc mình đừng mất bình tĩnh và chất đường cũng giúp mình bình tĩnh hơn.
* Em Nguyễn Thành Nhân hỏi: Em là học sinh khuyết tật, sức khỏe yếu. Em học tự nhiên rất yếu, em học nhân văn điểm rất cao. Em đã chọn các ngành nghề, nhưng không biết ngành nào phù hợp với sức khỏe. Em không thể sống vào trợ cấp xã hội và ba má.
– TS Đinh Phương Duy: Điều quan trọng là em phải học ngành nào cho phù hợp với sức khỏe. Em là học sinh khuyết tật không thể thi vào các ngành vận động nhiều như thể thao hay ngành nặng nhọc. Còn việc chọn trường, có nhiều trường ưu tiên cho học sinh khuyết tật, nhưng trước tiên là em phải cố gắng học tập. Nếu em là giáo viên dạy các em nhỏ thì có thể là việc hợp lý cần cân nhắc. Sức là cả về sức khỏe, sức chịu đựng và sức học tập.
* Bạn Tạ Phương Loan hỏi: Hiện giờ em đang chọn ngành y theo mong muốn của gia đình nhưng bản thân mong muốn học sư phạm hơn. Em sợ ngành y. Vậy em phải làm sao?
– TS Đinh Phương Duy: Không phải học ngành y ai cũng đụng đến dao kéo, máu và tiếp xúc với bệnh nhân. Nhưng em sợ là cái khó cho em không thể thích ứng ngành y. Nếu em làm trong cơ sở chăm sóc y tế cũng được. Ngành y cũng có thể là nơi vừa chăm sóc sức khỏe cho bản thân và xử lý tâm lý đó. Nếu em không yêu thích thì quả là khó.
Nhưng trước tiên là phải lượng sức mình như thế nào? Cái quan trọng là điểm chuẩn của các năm thi trước, em nên tham khảo để chọn điểm chuẩn. Nên lấy đề thi năm trước làm thử theo thời gian của đề thi.
Làm hết sức 3 môn thi, sau đó nhờ hoặc tự chấm bài và xác định được việc em có đủ khả năng vào trường hay không. Đây là cách khảo sát năng lực của bản thân trước khi đăng ký vào trường.
* Bạn Nguyễn Thiên Nga hỏi: Ngành sư phạm đào tạo cho tri thức tương lai nhưng lương hơi thấp. Tương lai nhà nước có trợ cấp gì cho giáo viên không?
– TS Đinh Phương Duy: Lương các thầy cô giáo hiện nay theo ngạch công chức nhà nước. Lương của ngành sư phạm không thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác, không nên so sánh với các doanh nghiệp. Nhưng nhà nước đang hỗ trợ, các thầy cô cũng có thể làm thêm. Gần đây ngành này thu hút rất nhiều học sinh.
Chi phí đào tạo cũng được nhà nước hỗ trợ tối đa cho ngành này. Thầy cô có thể dạy thêm tổ chức tại trường để kiếm thêm thu nhập và tất nhiên các thầy cô đều sống được. Lạm phát hiện nay, lương hướng giá cả là cái khó khăn chung.
* Bạn Trần Anh Khoa: Làm sao định hướng ngành – nghề yêu thích nhất, có đầu ra?
– TS Đinh Phương Duy: Chúng ta phải hình dung người mình muốn hình thành là người như thế nào? Giáo viên là cầm phấn, dạy học trò, cách dạy bằng máy móc, điện tử, các bạn có vui không?. Bác sĩ – đụng chạm với máu, bệnh nhân, rên la… Nghề tiếp thị, bán hàng, gặp gỡ, giao tiếp thị trường …
Bạn phải hình dung trước tương lai mình là ai? Các em nên hỏi, tham khảo trước người đã có nghề, cái nghề mà các em quan tâm. Hỏi thử công việc họ thế nào? Các em có thấy khó khăn nào không. Nhưng nghề nào cũng cần khả năng giao tiếp.
Đầu ra của ngành học: Cái quan trọng là khả năng cạnh tranh có cao không khi thi vào trường đó. Bây giờ nhà nước cũng như tư nhân, tuyển dụng đều phỏng vấn, thử việc. Làm việc tốt thì tồn tại, nếu không sẽ đi ra khỏi cơ quan. Điều đó thể hiện ở năng lực các bạn chứ không phải bằng cấp.
Quan trọng là ngành đó, 4 năm sau địa phương có việc làm đáp ứng được điều đó không. Bạn có nhiều tài lẻ cũng sẽ giúp công việc thành công.
* Một ngày cuối cùng để chuẩn bị hành trang đi thi thì chúng em có cần phải ráo riết học bài nữa hay không?
– Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy: Học, luyện thi và chuẩn bị cho kỳ thi là một quá trình. Nếu ngày cuối cùng các bạn quá căng thẳng để học bài thì sẽ làm bộ nhớ quá sức. Trí nhớ của bạn có một đặc điểm là lưu những gì được lặp đi lặp lại theo quá trình.
Ngày cuối cùng các bạn nên nghỉ ngơi, chơi, thoải mái và nếu cần thì coi qua bài vở một chút. Tuy nhiên, nói chơi nhưng các bạn nên chơi những trò chơi nhẹ nhàng, đừng chơi game quá căng thẳng. Ngày cuối cùng các bạn ăn uống thật ngon để chuẩn bị tinh thần cho ngày hôm sau. Một quy luật của sự nhớ đó là các bạn quên để rồi nhớ. Vì vậy các bạn đừng quá lo lắng khi cảm giác mình quên hết bài vở. Các bạn hãy lạc quan, tự tin để bước vào kỳ thi.
* Làm sao để giữ được bình tĩnh trước khi thi?
– TS Đinh Phương Duy: Nếu các bạn thấy mình thường mất bình tĩnh trước mỗi kỳ thi, có một số cách để khắc phục như sau: cố gắng làm hết sức mình, nếu đạt được điều mình mong muốn thì rất tốt, nếu không đạt được thì cũng đừng quá căng thẳng mà hãy coi đó là kinh nghiệm cho lần tiếp theo.
Đừng tạo áp lực rằng mình phải đậu đại học. Bởi đại học không phải là con đường duy nhất để có được một công việc tốt. Nghĩ được như vậy các bạn sẽ không còn căng thẳng. Khi vào phòng thi, cố gắng tĩnh tâm, hãy để lòng lắng lại một vài phút sau khi đọc đề rồi từ từ suy nghĩ và làm bài. Có thể khi mất bình tĩnh, bạn ngậm một viên kẹo để cảm giác bình tĩnh trở lại.
* Nếu môn thi đầu tiên có gặp chút vấn đề thì em cần làm gì để bình tĩnh dự thi những môn tiếp theo?
– TS Đinh Phương Duy: Nếu các bạn lỡ gặp trục trặc sau môn thi đầu tiên, làm cách nào để ổn định tinh thần, không để ảnh hưởng đến các môn thi tiếp theo? Trước hết, các bạn xác định đây là một cuộc thi, các bạn hình dung, nếu mình gãy môn này thì mình vẫn còn có thể cứu vãn bằng các môn khác, miễn sao không bị điểm liệt. Tuy nhiên, khi các bạn cảm thấy quá bực dọc, tiếc nuối về môn thi đó, các bạn nên nghĩ rằng cái gì đã qua thì cho qua.
Thi xong môn đó rồi, nếu làm chắc ăn thì không sao, còn nếu cảm thấy lơ mơ thì đừng coi đáp án. Nếu coi mà thấy đáp án không khớp nhiều sẽ làm các bạn phân tâm, tự tạo áp lực cho mình. Hãy thản nhiên gác qua một bên để chuẩn bị cho môn tiếp theo. Những bạn xung quanh mình cũng giống mình thôi. Mình thấy khó thì cũng có những bạn khác gặp khó khăn như mình. Hãy đối diện sự thật là mình làm không được, cũng có những người khác như vậy, nghĩ vậy để tự an ủi mình.
* Làm gì để trung hòa việc học với những nỗi lo lặt vặt trong cuộc sống?
– TS Đinh Phương Duy: Những nỗi lo lặt vặt của các bạn trẻ thì nhiều lắm, chuyện tình cảm, chuyện bạn bè, chuyện thời trang, làm đẹp… Các bạn có rất nhiều kế hoạch trong cuộc sống, nhưng các bạn phải sắp xếp và ưu tiên cho những kế hoạch cần thiết hơn.
Ví dụ, yêu thì lúc nào các bạn cũng có thể yêu, nhưng thi đại học thì chỉ còn vài tháng nữa thôi. Bạn phải ưu tiên việc học, việc thi. Các bạn đặt ra những mục tiêu, xác định được mục tiêu thì sẽ định hướng được mình nên ưu tiên điều gì trước hết, bỏ qua những mối lo lặt vặt khác.
* Làm sao biết được khả năng của mình thi trường nào, ngành nào cho dễ đậu?
– TS Đinh Phương Duy: Đầu tiên các bạn tự tổ chức cho mình một kỳ thi thật, ngồi ba tiếng trong phòng, giải đề thi của năm ngoái rồi chấm bài như thật, từ đó các bạn dự đoán được điểm mà mình có thể đạt được là bao nhiêu. Lấy điểm đó so với điểm chuẩn những ngành mà mình định thi. Các bạn đừng căn cứ vào các kỳ thi học kỳ ở trường. Ở trường các bạn dễ đạt điểm cao hơn so với kỳ thi thực tế.
* Làm thế nào chọn được nghề phù hợp với bản thân, vì em thích rất nhiều ngành?
– TS Đinh Phương Duy: đầu tiên các bạn phải trả lời câu hỏi “Tôi muốn làm công việc gì?”, các bạn muốn làm kỹ sư, hay giáo viên, hay luật sư hay một nữ chiến sĩ công an.
Các bạn phải hình dung ra nghề nghiệp tương lai của mình. Sau đó các bạn tìm hiểu xem có những ngành nào mà học ra có thể làm đúng công việc các bạn chọn. Chọn ngành xong các bạn phải tìm hiểu và chọn trường nào mà bạn có khả năng đậu, đối chiếu điểm chuẩn xem mình có thể đậu được không.
Chọn nghề phù hợp với bản thân, tức là chọn nghề phải phù hợp sở thích, sức khỏe, năng khiếu, điều kiện bản thân. Bạn xem tính cách của mình phù hợp với ngành nghề nào. Có thể bạn thích một nghề, một ngành, bạn thấy hợp với khả năng, tính cách của mình nhưng nếu chọn trường không đúng, thi không đậu thì cũng sẽ rất tiếc.
Ngoài ra, các bạn cũng nên dựa vào điều kiện của gia đình để chọn nghề, đồng thời tìm hiểu xem nhu cầu nhân lực địa phương ra sao để có lựa chọn tốt nhất. Nếu điều kiện gia đình khó khăn thì các bạn khó có thể học một trường quốc tế hoặc các trường có mức học phí cao.
* Gia đình, dòng tộc kỳ vọng em sẽ đỗ đại học nhưng em thấy sức em không đỗ đại học nổi. Em phải làm sao?
– Thầy Nguyễn Văn Dũng: Sinh con ai chẳng muốn con mình đỗ đạt, đó là chuyện hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu các em thấy không kham nổi thì hãy thưa chuyện với gia đình về sức học, khả năng của mình. Nhiều bạn thấy không đỗ được đại học thì bế tắc, tưởng mình đến bước đường cùng.
Như thầy Đinh Phương Duy vừa nói, có rất nhiều còn đường ngoài con đường học đại học. Hãy nói, ba mẹ ơi, con không thể thi nổi trường ĐH quốc gia với điểm chuẩn trên 20 đâu ạ. Nhưng con thấy sức con có thể thi đậu trường đại học dân lập này hoặc chọn con đường liên thông… Hãy trình bày với gia đình như thế, đừng để càng ngày căng thẳng đối với áp lực đậu đại học
* Em muốn thi vào sư phạm nhưng sợ rằng 4 năm sau không có việc làm?
– Thầy Nguyễn Văn Dũng: Hiện nay lực lượng làm trong ngành giáo dục trên toàn địa bàn thành phố khoảng 13.000. Gần đây nhu cầu tuyển dụng khá ít. Tuy nhiên nếu không vào được cơ quan nhà nước thì các em vẫn còn rất nhiều lựa chọn ở các trường tư thục, dân lập. Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất đó là nếu các em đạt loại khá, giỏi thì luôn được ưu tiên tuyển dụng.
* Em muốn đăng ký thi vào ngành quản trị kinh doanh nhưng em không tự tin về ngoại hình và em hơi thấp. Vậy em có nên thi vào ngành đó không?
– Thầy Nguyễn Văn Dũng: Trong ngành quản trị kinh doanh có rất nhiều vị trí công tác, chỉ một số vị trí đòi hỏi ngoại hình mà thôi. Vì vậy chuyện thấp, cao không quá quan trọng. Nếu các em đã lựa chọn chính xác và đã đầu tư để thi vào ngành cũng như đam mê, tự tin vào ngành nghề mình chọn thì đừng ngần ngại gì mà không đăng ký thi.
* Em có hai sở thích: làm hướng dẫn viên du lịch và làm phiên dịch viên nhưng đang phân vân vì tính em rất hiền và nhút nhát? Xin cho em một lời khuyên?
– TS Đinh Phương Duy: Hai nghề này có các đặc điểm khác nhau. Hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi các bạn phải lưu loát trong giao tiếp, có những hiểu biết cơ bản về ngành du lịch, những kiến thức này ngoài học trong trường còn được thu thập thêm từ xã hội và cuộc sống.
Bạn phải chịu xông pha, có khiếu ăn nói, kể chuyện thậm chí tấu hài. Các bạn cũng phải xác định yêu cầu của nghề này buộc các bạn phải công tác dài ngày. Nghề hướng dẫn viên cũng đòi hỏi các bạn phải có bản lĩnh để sắp xếp, tổ chức, xử lý tình huống có thể phát sinh trong quá trình làm hướng dẫn viên.
Còn nghề phiên dịch viên thì có thể làm công tác phiên dịch, chuyển tải nội dung trong các cuộc trao đổi, tại các hội thảo, hội nghị, thường gọi là thông dịch viên. Nghề thông dịch viên đòi hỏi bạn nhanh nhạy, lưu loát, nắm bắt được văn hóa của những vấn đề cần chuyển tải.
Các bạn xem lại khả năng của mình để chọn lựa. Riêng chuyện hiền lành và nhút nhát thì có thể khắc phục được. Hiền lành là đức tính quý nhưng nhút nhát thì các bạn cần sửa bằng cách tham gia các hoạt động xã hội đa dạng để rèn luyện sự tự tin của mình. Hiện nay các nhà tuyển dụng cũng rất thích tuyển những người độc lập, biết cách thể hiện và trình bày quan điểm cá nhân của mình.
* Em thích ngành du lịch nhưng em thấy ngoại hình em không đạt. Ngoại ngữ của em cũng hơi yếu, vậy em có nên học ngành đó không, có ngành nào phù hợp với em?
– Thầy Nguyễn Văn Dũng: Ngành du lịch cũng có người cao, người thấp, người gầy, người mập, miễn là các em đáp ứng được những đòi hỏi của một hướng dẫn viên du lịch. Các em không nên quá tự ti mà hãy nỗ lực để thể hiện mình trong học tập và lao động.
Hiện nay cũng khá nhiều bạn đang bối rối chưa biết chọn ngành nào, nghề nào. Không có ai có thể cho lời khuyên chính xác nhất ngoài bản thân các bạn. Rất nhiều trường để chọn lựa nên nhiều bạn cũng cảm thấy bối rối. Vì vậy các em cần bỏ thời gian tìm hiểu kỹ các trường nào có ngành gì, mình có thể đậu được hay không, có phù hợp năng lực của mình hay không để có được lựa chọn đúng nhất.
* Ngoại hình có quan trọng đối với nhà tuyển dụng hay không?
– TS Đinh Phương Duy: Ở đây đa số là bạn nữ và chắc các bạn cũng biết câu “không có người phụ nữ xấu, chỉ có những người không biết làm đẹp cho mình”. Một số ngành – rất ít – có yêu cầu về ngoại hình. Cần căn cứ vào ngoại hình trước khi lựa chọn những nghề có đặc thù yêu cầu ngoại hình. Ví dụ bạn quá thấp thì khó mà trở thành một vận động viên bóng rổ. Còn lại, hầu hết các ngành khác đều không yêu cầu cao về mặt ngoại hình. Các bạn có thể yên tâm để chọn lựa nghề nghiệp cho mình.
* Học bài đến mấy giờ là hiệu quả nhất?
– TS Đinh Phương Duy: Điều này tùy thuộc vào sức khỏe của từng bạn nhưng theo tôi các bạn cần ngủ đủ 7 – 8 tiếng mới đảm bảo sức khỏe. Đừng học quá khuya và dậy sớm, một đêm ngủ có 3-4 tiếng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bạn hãy tuân theo những đòi hỏi của cơ thể. Cơ thể muốn ngủ thì đừng cố gắng thức. Khi đã quắ buồn ngủ, hãy tự thưởng cho mình một giấc ngủ thật đã.
* Bằng cấp của trường tư thục khó xin việc hơn trường công đúng không ạ? Em tính thi ngành tài chính ngân hàng của ĐH Ngân hàng TP.HCM nhưng em biết mình không đậu?
– TS Đinh Phương Duy: Khả năng xin việc làm khi bạn cầm tấm bằng của trường công hay trường tư là không quan trọng, quan trọng là bạn có đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của nhà tuyển dụng hay không. Vì vậy đừng vì một cái tên trường mà đăng ký thi vào khi bạn xác định sức mình không đậu được trường đó. Hãy đối chiếu, so sánh điểm chuẩn các năm xem mình có khả năng đỗ vào trường nào.
* Vừa học vừa yêu có ảnh hưởng đến học tập hay không? Yêu như thế nào để không ảnh hưởng đến học tập?
– TS Đinh Phương Duy: Nếu mình đã cảm thấy xao xuyến, có những rung cảm giới tính thì khó mà cản được. Yêu là chuyện thường tình của giới trẻ. Chuyện học và chuyện yêu nếu chúng ta biết sắp xếp, biết tổ chức thì chắc chắn không ảnh hưởng gì mà còn có thể giúp việc học tốt hơn.
Nhưng nếu dành quá nhiều thời gian để hẹn hò, bỏ bê học tập thì chắc chắn ảnh hưởng đến học tập. Nếu các bạn hẹn nhau để cùng cố gắng học tập, thi tốt thì chắc chắn các bạn sẽ dung hòa được học tập và tình yêu.
NHÓM PV TTO
Đơn vị tài trợ:
Source: Báo Tuổi Trẻ