TT – Năm nay các học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) được học cách gói ghém các khoản chi tiêu thông qua việc kinh doanh tại… sân trường.
Học cách xài tiền hợp lý
Học sinh tham gia lễ hội văn hóa dân gian truyền thống tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – Ảnh: Hà Thanh |
Bởi phương thức và không gian học khác biệt nên lớp học hao mồ hôi này huyên náo hẳn.
Tập tành buôn bán
Tháng 1, mười gian hàng nhỏ chuyên “kinh doanh” ăn uống trong số mấy chục gian hàng của lễ hội văn hóa dân gian truyền thống được đưa vào “đặc khu”. Dạo quanh, tôi có cảm giác đang lạc vào các câu chuyện cổ tích VN bởi tên gọi của các gian hàng: Âu Cơ, Tiên Dung, Chử Đồng Tử… “Bạn ơi, uống thử nước sâm thần của gian hàng mình đi”, Ngọc Giao (lớp 11A3) mời gọi. “Các bạn ơi, mua bánh tráng me Tây Ninh đi. Chỉ có gian hàng của bọn mình bán thôi đó”, Nhựt Khang (lớp 10 chuyên lý) nói to. Không hề ngại ngùng, các bạn học sinh tươi cười rao hàng trong vai tiểu thương. Bên cạnh việc tìm kiếm hoặc tự làm những món ăn độc đáo, các bạn còn nghĩ ra những tên gọi ngộ nghĩnh để thu hút khách hàng.
Một trong những sản phẩm được khách hàng quan tâm nhất là những món đồ trang trí làm bằng giấy màu của lớp 11D2. Các bạn chia nhau thực hiện từng công đoạn của sản phẩm để gói gọn thời gian làm sản phẩm khoảng ba ngày. “Năm ngoái tụi mình cũng làm đồ hand-made (làm tay). Bán sản phẩm do mình làm sẽ là cách tốt nhất để tụi mình biết tiết kiệm và hiểu rõ hơn giá trị của đồng tiền”, Thủy Tiên cho biết. Còn Thanh Trúc (lớp 10D1) cho rằng việc kinh doanh gian hàng như thế giúp bạn hiểu thêm về việc kinh doanh cũng như kỹ năng giao tiếp.
Trước đó, khi giáo viên chủ nhiệm thông báo Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam sẽ cấp hẳn 300.000 đồng cho mỗi lớp để tham gia lễ hội, cảm giác háo hức lan nhanh trong mười cộng đồng lớp. Ngay sau đó, các kế hoạch kinh doanh nhanh chóng được các bạn học sinh vạch ra. Nào là kinh doanh trò chơi dân gian, đồ lưu niệm đến những món ăn hấp dẫn như sandwich cuộn xúc xích, bò lá lốt, thịt xiên nướng, bánh tráng me Tây Ninh, nước sâm… Các bạn lớp 10D1 viết kế hoạch và báo cáo chi tiết từ khoản thu chi nhỏ. Học sinh lớp 11D2 tách ra thành các nhóm nhỏ để trang trí gian hàng, thực hiện sản phẩm, đứng bán và phụ trách thu chi.
Học xài tiền có ý nghĩa
Chị Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, trợ lý dự án Giáo dục tài chính (thuộc Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam), cho biết Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trường đầu tiên tại TP.HCM chủ động liên hệ với dự án và có sáng kiến tổ chức giáo dục tài chính theo cách này. Theo đó, học sinh được thực hành để đúc kết kinh nghiệm trước khi đi sâu vào từng bài giảng lý thuyết.
Lễ hội kết thúc sớm hơn dự định vì trời mưa bất chợt. Tuy một số lớp chưa gói gọn được việc mua nguyên liệu trong con số 300.000 đồng được giao, nhưng kết quả tổng kết vào giữa tháng 2 cho thấy tất cả các lớp đều có lời từ việc kinh doanh gian hàng. Trong đó, một số lớp thu được món lời khá “khủng” như lớp 10D1 lời 800.000 đồng, lớp 11D1 lời 600.000 đồng, lớp 11 chuyên lý lời 500.000 đồng…
Thay vì sử dụng tiền lời để cùng nhau liên hoan hoặc sung vào quỹ lớp, nhiều lớp chọn cách gửi tiền lời vào các hoạt động vì cộng đồng. Trong phần mục đích của báo cáo kết quả kinh doanh, học sinh các lớp đã viết thế này: tiết kiệm tiền để cùng đoàn trường thực hiện ngày hội nhân ái cho bệnh nhi Bệnh viện Ung bướu tại trường, làm vốn đi làm từ thiện ở trại trẻ mồ côi vào tháng 3-2011…
Đó là những kết thúc ngọt ngào, ấm áp cho một khóa học xài tiền ngắn hạn tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Đồng tiền nhờ vậy mà ý nghĩa hơn.
Ngày 28-2, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trao giải cho các lớp khéo léo sắp xếp thu chi, qua việc kinh doanh các gian hàng tại lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của trường. Trước đó, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã tiến hành khảo sát nhanh 59 đại biểu đến từ các trường THPT tại TP.HCM trong cuộc họp về hoạt động ngoài giờ lên lớp do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Kết quả khảo sát cho thấy: 58 đại biểu cho rằng nhiều học sinh chưa biết sử dụng tiền hợp lý, 57 người thấy cần dạy học sinh đánh giá đúng giá trị của tiền bạc và tiêu tiền hợp lý, 34 đại biểu cho rằng nên đưa chương trình giáo dục tài chính vào tất cả các trường, 42 người nghĩ nên giáo dục tài chính cho học sinh từ cấp II… |
HÀ THANH
Source: Báo Tuổi Trẻ