(Dân trí) – Dễ thương với tone hồng và thân thiện là điều khiến các bé quấn quýt không rời cô bạn Hoài Anh Mango tại chương trình đi bộ vì trẻ tự kỷ sáng 2/4.
Yêu thích các hoạt động xã hội và quan niệm từ thiện phải xuất phát từ trái tim, Hoài Anh tham gia tích cực vào nhóm TNV khiếm thính, và cũng là thành viên của CLB Ngôn ngữ kí hiệu.
Mặc dù rất bận rộn với báo cáo tốt nghiệp chuyên ngành thời trang sắp tới nhưng Hoài Anh vẫn xuất hiện từ rất sớm trong chương trình đi bộ vì trẻ tự kỷ tại quảng trường SVĐ Mỹ Đình vào sáng thứ 7, ngày 2/4, vì với cô bạn: “Có cơ hội làm việc tốt là em không thể bỏ qua được”.
Kể về những kỉ niệm trong những chuyến đi làm từ thiện, Hoài Anh cho biết: “Từ lớp 10, nơi mà Hoài Anh và các bạn hay hoạt động tình nguyện nhiều nhất là Trung tâm dành cho trẻ khuyết tật Hy Vọng.
Tới trung tâm, Hoài Anh đã biết rất nhiều trường hợp các em bị khuyết tật não và trẻ tự kỷ. Ngay từ những thời gian đó chúng em lúc nào cũng muốn đóng góp một phần sức lực của mình, giúp các em bé có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, sinh ra không may mắn được như mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chơi với trẻ em, nhất là trẻ tự kỷ, theo em nghĩ mình cần nhất là sự chân thành và kiên trì. Kiên trì thì quan trọng hơn, bởi các trẻ tự kỷ rất ngại khi tiếp xúc với người lạ, mình phải dùng sự kiên trì của mình để có thể chơi được, hòa nhập được với các em.
Kinh nghiệm của em khi tham gia các hoạt động chung là hãy chuẩn bị sẵn một số trò chơi để vừa kích thích được sự thông minh của các em, vừa có sự chơi đồng đội để các em giao tiếp nhiều hơn và tạo không khí vui vẻ.
Thường thì những hoạt động chung nhất của chúng em là dạy các em hát rồi biểu diễn ca nhạc, các em bé có thuộc bài hát nào ở lớp thì có thể xung phong hát và chúng em sẽ hát cùng.
Vì bản thân học chuyên ngành thời trang nên em rất thích làm đồ hand-made, những gì thiên về khéo tay. Vào những ngày lễ chúng em sẽ dạy các bé làm thiệp, những tấm thiệp rất đơn giản thôi, có thể chỉ ghép từ những khối hình vuông, hình tròn nhưng nhiều màu sắc rực rỡ và quan trọng hơn là cho các em được tự do phát huy sức sáng tạo và trí tưởng tượng bay bổng. Các em cùng tự làm và cuối buổi có thể đem về tặng cho những người mình yêu quý.
Ngoài ra, đã từng có một Giáng sinh mà em vận động các bạn ở trường cùng may khăn mùa đông cho các bé. Và hôm đó chúng em đã chơi trò chơi đố câu đố, em bé nào trả lời đúng câu hỏi sẽ được quà là những chiếc khăn xinh.
Câu hỏi chính là những gì quen thuộc mà các cô giáo ở trường đã dạy các bé. Chính vì thế sẽ không đánh đố các bé, các bé biết câu trả lời rồi chỉ cần vận dụng trí nhớ, dễ dàng cho các bé đạt được phần thưởng.
Và một năm sau, khi trở lại em thực sự em rất vui, khi em lại đến đúng vào dịp Noel các cô kể rằng, bé nào cũng đòi đeo chiếc khăn đó thay cho tất cả các khăn khác.
Ở nhà thì em có em trai, em trai em đang theo học THPT Hà Nội – Amsterdam. Thực sự chị gái với em trai không phải lúc nào cũng hiểu được nhau. Nhất lại là khi em trai đang ở độ tuổi bắt đầu trưởng thành.
Lúc này những cuộc trò chuyện đôi khi không còn đơn giản nữa, em phải dùng cách khác, ví dụ khi em xem một bộ phim mà em thấy có ý nghĩa muốn nhắn gửi tới em trai em thì em sẽ rủ em trai cùng xem. Thông điệp từ bộ phim có ý nghĩa tích cực sẽ dễ dàng hơn khi hai chị em nói trực tiếp với nhau một số vấn đề mà đến tuổi dậy thì sẽ rất khó nói”.
Bài: Phương Nhung
Ảnh: Thỏ
Source: Báo Dân Trí