Điều gì đang diễn ra ở Bờ biển Ngà?

TTCT – Vì sao trên 20 triệu dân Bờ Biển Ngà chưa thể yên ổn sống từ hơn 20 năm qua?

Điều gì đang diễn ra ở Bờ biển Ngà?

Lực lượng trung thành với Tổng thống Alassane Ouattara tuần hành trên xe cách thành phố Abidjan 20km về phía bắc ngày 1-4 – Ảnh: Reuters

Tin từ một website thân với tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo (1), quân đội Pháp đóng tại Bờ Biển Ngà (lữ đoàn 43 thủy quân lục chiến – TTCT) đã kiểm soát phi trường Félix Houphouët-Boigny ở Abidjan, trước đó do lực lượng UNUCI của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trấn giữ. Quân đội Pháp cũng đã pháo kích trại hiến binh Agban của “quân chính phủ”.

Theo nguồn tin này, “binh sĩ Pháp đã trực tiếp tham chiến từ hôm thứ bảy nhằm trục xuất lực lượng của tổng thống Gbagbo, sau khi quân nổi loạn thân với ông Ouattara (tổng thống trúng cử) thất bại trong việc tiến chiếm dinh tổng thống, đài truyền hình…”.

Mẩu tin trên một lần nữa cho thấy đất nước đứng thứ nhất thế giới về sản lượng ca cao này một lần nữa lại rơi vào nội chiến. Và một lần nữa, ngoại bang can thiệp! Còn nhớ trong cuộc nội chiến năm 2002, quân đội Pháp “được” tham gia gìn giữ hòa bình ở đây cùng với lực lượng UNICIC của LHQ.

Ngày 6-11-2004, không quân Bờ Biển Ngà bất ngờ tấn công một vị trí quân đội Pháp tại Bouaké, khiến 9 binh sĩ Pháp chết, 37 người bị thương. 15 phút sau đó, quân Pháp phản công, phá hủy hai chiếc Su-25 tại căn cứ Yamoussoukro. Tổng thống Pháp Jacques Chirac ra lệnh phá hủy toàn bộ không quân Bờ Biển Ngà. Lần này cũng thế, hôm thứ hai 4-4 cả quân Pháp (UNICORN) lẫn quân LHQ cùng can thiệp tấn công quân của ông Gbagbo. “Nước mất, nhà tan”!

Ouattara – người “được quốc tế tin cậy”

Số là trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 28-11 năm ngoái, theo kết quả của hội đồng bầu cử độc lập, ông Alassane Dramane Ouattara đắc cử với 54,1% số phiếu. Do thua cuộc với chỉ 45,9% số phiếu, tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo đã đưa nội vụ ra trước hội đồng hiến pháp kiện có gian lận bầu cử ở bảy tỉnh miền bắc vốn là “cơ sở” của ông Ouattara. Hội đồng này, được xem là vây cánh của tổng thống Gbagbo, hủy kết quả của ông Ouattara, đưa ông Gbagbo về lại chức tổng thống.

Thế nhưng, Cộng đồng các nước Tây Phi (ECOWAS) và cả LHQ (nghị quyết 1975 HĐBA) lại thừa nhận ông Ouattara chứ không ủng hộ ông Gbagbo. Thế là hai ông gườm nhau, ông Gbagbo đem quân “dí” ông Ouattara trong một khách sạn tên Hotel du Golf có hình dáng như một pháo đài. Những ngày qua, hai bên hỗn chiến một mất một còn để rồi ngoại bang can thiệp.

Ông Ouattara có một bảng thành tích sáng sủa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ở ĐH Drexel năm 1965, ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế ở ĐH Pennsylvania (Mỹ) năm 1972. Không chỉ là một học giả “từ chương”, Ouattara là một chuyên gia cao cấp đã từng “trận mạc” ở các định chế tài chính quốc tế, thậm chí lên đến chức giám đốc khu vực châu Phi của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), rồi thì phụ tá tổng giám đốc.

Đầu những năm 1990, ông rời ghế thống đốc Ngân hàng trung ương các nước Đông Phi (BCEAO) về nước giữ ghế thủ tướng dưới trào tổng thống đầu tiên là ông Houphouët-Boigny, qua đó giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, nợ nước ngoài trầm trọng thời đó (2).

Năm 1993, tổng thống Houphouët-Boigny qua đời, ông Ouattara chuẩn bị ra tranh cử thì bỗng dưng vướng phải một đạo luật bầu cử “may đo đúng ni tấc” của ông: cha mẹ phải là người Bờ Biển Ngà, chưa từng có một quốc tịch khác, cư trú trong nước tối thiểu năm năm. Coi như ông Ouattara “rớt” cả ba điều kiện do cha mẹ ông có gốc gác Burkina Faso, ông bị nghi là có quốc tịch nước này và cuối cùng là cư trú trong nước chưa đủ năm năm!

Trong bế tắc, IMF gọi ông trở lại Washington giữ chức phụ tá tổng giám đốc. Một chức vụ cũng tạm đủ để ông nguôi ngoai chờ thời.

Gbagbo: chính khách chuyên nghiệp

Trong khi đó, đối thủ sinh tử của ông Ouattara những ngày này, tổng thống mãn nhiệm Gbagbo, cũng đường đường là một tiến sĩ sử học ĐH Paris 7 (Pháp) năm 1979. Ông này là một chính khách chuyên nghiệp, từng bị tổng thống Houphouët-Boigny tống giam hai năm, lưu vong sang Pháp, hồi hương thành lập Mặt trận Bình dân (FBI). Đến năm 2000, ông Gbagbo trở thành ứng cử viên đối lập duy nhất tranh chấp chức tổng thống với lãnh tụ của cuộc đảo chính năm 1999 là tướng Guéi, sau khi viên tướng này nhất định không cho các ông Ouattara và Bédié tham gia tranh cử.

Trong cuộc bầu cử được sắp xếp chỉ còn hai ứng cử viên đó, tướng Guéi tất nhiên trúng cử. Dân chúng quá bực dọc đã nổi dậy lật đổ và đặt ông Gbagbo vào chức tổng thống thay thế. Tưởng ông Gbagbo ngồi vào ghế tổng thống sẽ rút kinh nghiệm, không tham quyền cố vị, nào ngờ cũng “sao y bản chính” tướng Guéi trong trò chơi quyền lực, giữ ghế tổng thống 11 năm nay vẫn chưa chịu buông!

Soro: kẻ nổi loạn vũ trang

Ông Gbagbo cầm quyền được hai năm thì suýt nữa bị phe nổi loạn miền bắc lật đổ vào năm 2002. Phe này lấy tên là “Lực lượng mới của Bờ Biển Ngà” do Guillaume Soro cầm đầu. Không lật được ông Gbagbo, song phe này đủ sức kéo dài nội chiến, rồi sau đó giảng hòa, tham chính nhận một ghế bộ trưởng dưới trướng kẻ thù cũ là tổng thống Gbagbo, rồi chê ghế này nhỏ, tách ra khỏi nội các, nhận một ghế khác rồi lại chê, nhận một ghế khác tương đương phó thủ tướng, trước khi nhận ghế thủ tướng vào tháng 4-2007.

Hai tháng ba tuần sau, Thủ tướng Soro suýt tiêu mạng khi máy bay của ông này bị bắn những bốn quả tên lửa ở phi trường Bouaké. Không lâu sau đó, Thủ tướng Soro ký kết giao ước hòa giải với tổng thống Gbagbo với điều khoản: thủ tướng sẽ không ra tranh cử tổng thống!

Một tuần sau, tổng thống Gbagbo loan báo ông Ouattara được quyền tranh cử tổng thống chứ không bị cấm như dưới trào tướng Guéi. Có phải ông Gbagbo hào phóng mà cho ông Ouattara tranh cử? Chẳng qua ông tự tin sẽ nắm chắc phần thắng trước ông Ouattara, vốn không có lực lượng mạnh như ông Soro.

Kết thúc buồn

Còn nhớ năm 2002, sau khi phe của ông Soro nổi loạn, ông Ouattara đã bị mưu sát. Thoát chết trong gang tấc, ông Ouattara sang Pháp tị nạn trong ba năm. Đến khi thấy tình hình tạm yên, ông Ouattara mới về nước… chờ thời. Và cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái chính là cơ hội duy nhất và cuối cùng, vì ông này đã 69 tuổi! Cũng may là phe “Lực lượng mới” của ông Soro sau khi thấy quốc tế ủng hộ ông Ouattara đã về phe với ông này.

Ông Gbagbo đã “tính già hóa non” khi chọn “kẻ thế cô” Ouattara không có đông lực lượng vũ trang, mà quên rằng ông này có hai đồng minh tiềm năng: quốc tế và kẻ có quân trong tay là Soro. Ngày 25-1-2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố “chỉ thừa nhận người mà dân chúng Bờ Biển Ngà đã chọn”.

Với việc một tổng thống tân tiến sĩ ĐH Pennsylvania (Mỹ) thay cho một tổng thống tiến sĩ ĐH Paris 7 (Pháp) bị buộc mãn nhiệm, đây cũng là dịp để Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng hôm 2-4: “Nước Mỹ kêu gọi cựu tổng thống Laurent Gbagbo xuống ngay. Việc cứ tiếp tục từ chối nhường quyền hành cho người chiến thắng chính đáng cuộc bầu cử tháng 11-2010, Alassane Ouattara, đã dẫn đến bạo lực công khai…”.

Có thể thấy từ năm 1993, sau cái chết của tổng thống Houphouët-Boigny – người đã “trị vì” trong suốt 33 năm, đất nước này hầu như không hề yên tĩnh, cho dù thỉnh thoảng vẫn có vài cuộc bầu cử tổng thống. Ngoại trưởng Clinton nay cũng đã vỡ lẽ ra rằng “dân chủ không chỉ có mỗi một cuộc bầu cử để rồi kẻ thắng sẽ lại chẳng bao giờ có một cuộc bầu cử khác” (3).

HỮU NGHỊ

__________

(1) http://www.sencontinent.com/cote-d%E2%80%99ivoire-le-camp-agban-essuie-des-tirs-d%E2%80%99obus-de-la-licorne-militaire/
(2) “Ouattara face à son destin”, http://www.sencontinent.com/ouattara-face-a-son-destin/
(3) Remarks by Secretary of State Clinton After Meeting with House Speaker John Boehner  Monday, 14 February 2011

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.