(Dân trí) – Nói đến game online bạo lực, bất cứ thầy cô hay các bậc làm cha, mẹ đều ớn lạnh. Bởi game online bạo lực không những có tác động xấu đối với xã hội mà còn biến một bộ phận không nhỏ những học sinh trở thành những kẻ lưu manh hóa. >> Mùa hè, càng lo game bạo lực! >> Trẻ em ngày nay và game bạo lực!
Việc ngăn chặn game online bạo lực và những trò chơi có nội dung không lành mạnh là việc cấp bách.
Xin nêu một vài giải pháp sau đây:
– Trước hết, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh tránh xa các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh cho học sinh vào các buổi chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp vào thứ bảy hoặc trong các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi phát thanh. Bởi thông qua việc tuyên truyền, giáo dục tập thể, học sinh sẽ thấy được tác hại của trò chơi trực tuyến, từ đó học sinh sẽ biết cách để điều chỉnh ý thức, hành vi của mình theo cơ chế tự điều chỉnh. Đây là một trong những liệu pháp giáo dục hữu hiệu đối với mọi học sinh.
– Tổ chức các buổi ngoại khóa, câu lạc bộ, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao…có nội dung phản ánh mặt trái của trò chơi trực tuyến. Qua đó, giúp học sinh nhận thức được mặt tốt và xấu của trò chơi trực tuyến để từ đó học sinh định hướng hành vi và nhận thức đúng tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh.
– Lập hòm thư góp ý để phát hiện và tố giác những học sinh chơi trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh, bạo lực và nghiện trò chơi trực tuyến trong nhà trường để có biện pháp quản lý, giáo dục.
– Tổ chức đoàn trong nhà trường cần thiết kế mẫu cam kết nói không với game online bạo lực theo ba nội dung của bộ: không chơi trò chơi bạo lực, không làm ngơ khi biết bạn nghiện trò chơi trực tuyến và không làm ngơ khi biết có địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trái phép. Coi nội dung này là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua giữa các lớp trong nhà trường.
– Giáo viên chủ nhiệm phối với giáo viên bộ môn, nhất là phụ huynh để theo dõi, quản lý học sinh của lớp mình chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng học sinh cứ đến trường nhưng lại trốn học, bỏ tiết để chơi game. Nến phát liên lạc với gia đình để cùng nhắc nhở, uốn nắn, ngăn chặn, giáo dục kịp thời.
Tóm lại, để ngăn chặn có hiệu quả đối với game bạo lực chỉ có nhà trường là chưa đủ mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 mắt xích: Gia đình-Nhà trường-xã hội. Một khi gia đình khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường hoặc nhà trường nói suông thì chắc chắn vẫn còn tình trạng ghiền game bạo lực.
Ngô Mã Thiên
(nmthien.thpt.ltp@phuyen.edu.vn)
Source: Báo Dân Trí