Đương đầu với khác biệt văn hóa

TT – Ở tuổi 31, đạo diễn Fatih Akin đã giành Giải gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin 2004 với Head – on (Đương đầu *) – bộ phim thứ tư của mình. Chiến thắng ở một trong những liên hoan phim hàng đầu đã khó và dĩ nhiên, là mơ ước của nhiều người.

Từ sách – từ phim

Đương đầu với khác biệt văn hóa

Nhưng cách mà Fatih Akin thuyết phục được nhiều giai tầng khán giả – không chỉ ở Đức mà còn ở cả châu Âu, về một vấn đề chưa khi nào bị ngừng diễn giải: những khác biệt văn hóa – lại khiến chúng ta phải ngỡ ngàng, xúc động và chịu một áp lực truy vấn rằng: rốt cuộc trong đời sống, đương đầu với điều gì khiến con người trở nên rõ ràng nhất?

Cahit và Sibel trong phim Head – on

Lý lịch của Fatih Akin bắt đầu bằng chữ Turkish và dịch chuyển dần đến Hamburg. Sự gắn bó giữa Đức – Thổ trong chính con người Akin và không thể đậm đặc hơn trong các phim của anh là một ngữ cảnh thường xuyên tái lặp để các nhân vật trải nghiệm chính mình. Ngữ cảnh đó buộc họ phải tiết lộ cái mà trong xã hội hiện đại, khi đường biên địa lý quốc gia trở nên mờ nhạt, rất cần thiết để định danh cá nhân mình: căn cước.

Căn cước, hiển nhiên, không chỉ hiển hiện trên các con số dòng chữ visa, trong cái hộ chiếu mỏng mảnh hay ở hình dáng, mái tóc, màu da. Căn cước còn là bản sắc nòi giống của ngôn ngữ, văn hóa, của dấu chỉ thống nhất thân – tâm. Khi phải che giấu căn cước, xóa nhòa căn cước thì có lẽ mỗi người đều cảm thấy khổ tâm, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Akin đã cho thấy điều đó với rất nhiều gai góc, nhiều cung bậc trong Đương đầu.

Nhân vật chính trong phim, cô gái Sibel (Sibel Kekilli đóng) – người sinh ra trong gia đình Hồi giáo Thổ vốn có nhiều quy định ngặt nghèo dành cho người phụ nữ, lại bộc lộ khát khao cuộc sống phóng túng, công khai ham muốn nhục dục và tình yêu. Sibel là hóa thân của những đập vỡ bất thành.

Nói khác đi, Sibel đương đầu và cương quyết vượt qua những quy định tôn giáo và tập tục truyền thống. Trên nước Đức, Sibel buộc phải tìm đến Cahit (Birol Ünel đóng) mà tư cách của anh đang bị phế truất bởi cái nhìn bản xứ, để hoàn thành thủ tục lấy chồng và nhờ đó, không có sự dị nghị nào từ xung quanh đối với cuộc sống tình ái của cô.

Cuộc gặp gỡ Sibel – Cahit ban đầu chỉ là trò chơi nhưng kết cục, nó là định mệnh đốt cháy ngọn lửa yêu thương và thù hận. Không có hạnh phúc và bình yên trọn vẹn dành cho hai kẻ di dân này. Thực tế, họ đã bị bủa vây bởi những khế ước văn hóa giữa các cộng đồng người Đức và người Thổ. Các khế ước đó, do tính khép kín và tự trị của nó, đã không thể nào dung nạp những con người có tính cách mạnh mẽ, nổi loạn và ưa chuộng tự do như Sibel và Cahit.

Đương đầu hướng đến hòa giải, bắt đầu từ sự đón nhận Sibel trở về quê hương, nơi cô từng căm ghét. Rồi chính Cahit, người dám vứt hết tiếng mẹ đẻ cũng đã quay lại với cố quận của mình, thành phố Mersin. Sự hòa giải đã cưu mang những tâm hồn và số phận nhỏ bé. Và nếu xã hội Hồi giáo khắc nghiệt với người phụ nữ bao nhiêu thì trong phim của mình, Akin đã giải thoát họ bằng vẻ đẹp hình thể, khỏa thân và bàn về tình dục tự nhiên. Đó có lẽ cũng là một khát vọng hòa giải con người tôn giáo và con người trần thế.

Fatih Akin qua Đương đầu đã chứng tỏ anh ưa chuộng sự pha trộn màu sắc và ánh sáng. Sự biến ảo của màu sắc – ánh sáng trong nhiều cảnh phim là phương thức diễn đạt tính cách nhân vật rất tài tình. Chủ động sử dụng nhiều cảnh quay tối, kết hợp với sắc đỏ và vàng trong Đương đầu, Fatih Akin dồn đẩy niềm đam mê, tình yêu và bạo lực theo những cung bậc nhiều kịch tính. Đặc biệt ở bộ phim này, âm nhạc đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện. Chuyện phim được nhấn nhá trong âm nhạc truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ trầm buồn.

NAM PHÚ

__________

(*) DVD có tại VN.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.