Bí mật đằng sau những clip phát tán nổi tiếng trên mạng

Việc lợi dụng dạng clip kiểu “cây nhà lá vườn” khiến người xem khó phân biệt đâu là những video nghiệp dư và đâu là video có bàn tay sắp đặt của đội ngũ marketing.>Viral marketing và những ý tưởng phát tán clip bậc thầy

Tạo nội dung có sức lan truyền mạnh mẽ trên mạng đang là mục tiêu của không ít thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Họ muốn xây dựng những clip trông càng tự nhiên càng tốt để ai cũng tưởng chúng được người sử dụng thông thường thực hiện.

Đầu tháng 2, trên YouTube xuất hiện video trong đó 2 cô gái New Zealand gắn camera vào phía sau quần bò để ghi lại những ánh nhìn của cánh đàn ông sau lưng họ. Chỉ đến khi clip thu hút tới 4 triệu lượt xem, sự thật mới được tiết lộ là đây chỉ là chiến dịch truyền thông của hãng đồ jeans Levi’s.

Gắn camera để theo dõi mọi chuyện ở phía sau

Cùng thời điểm đó, người sử dụng web phấn khích trước video về mũ bảo hiểm cạo trọc tóc và tin rằng đây là sản phẩm có thật, nhưng thực chất là video được dàn dựng để quảng cáo gian hàng trực tuyến HeadBlade.

“Các thương hiệu đang nghĩ ra những tình huống vui nhộn, hài hước và gây sự chú ý”, Ian McDonald, nhà sáng lập công ty quảng cáo Amnesia Razorfish, giải thích.

Mũ bảo hiểm cạo trọc đầu

Vào tháng 1, video Mẹ của bạn ghét Dead Space 2 cũng rất ăn khách trên trang YouTube trước khi được phát hiện là clip quảng bá cho chính game này. Trước đó, Samsung cũng khẳng định độ bền thẻ nhớ bằng cách thả hàng nghìn máy bay giấy gắn thẻ nhớ từ không trung và kêu gọi người xem đi tìm chúng.

Mô hình marketing này có thể biến một thương hiệu “tẻ nhạt” thành cái tên được yêu mến trên web. McDonald dẫn ra 2 ví dụ là chiến dịch Compare the Meerkat trong đó một con cầy dễ thương nói về công ty bảo hiểm xe hơi, và loạt video xay nát thiết bị gây sốc Will It Blend của công ty máy xay sinh tố Blendtec.

Tuy nhiên, các chuyên gia về marketing cũng cảnh báo rằng xu hướng “câu view” này có thể gây tác dụng phụ. Đầu năm ngoái, cô gái có tên Heidi đăng lên mạng video “Are you my man in the jacket?” kể về người đàn ông để quên áo khoác ở quán cafe và cô muốn gặp lại nếu như hai người có duyên với nhau. Câu chuyện lãng mạn này đã gây ấn tượng mạnh và cư dân mạng cùng nhau “truy tìm” người đàn ông bí ẩn giúp Heidi cho đến khi họ nổi giận vì biết đó chỉ là trò lừa để quảng cáo trang phục nam giới Witchery.

Cuộc tìm kiếm người đàn ông bỏ quên áo khoác

Julian Cole, nhà chiến lược tại công ty truyền thông Conscience Organisation, nhận xét dù video kiểu này thường đạt số lượt xem (pageview) cao, nó chưa chắc hiệu quả bởi người xem không xác định rõ thương hiệu trong đó. Chẳng hạn, trong clip gắn camera vào quần nói trên, không phải ai cũng biết đó là quần bò Levi’s.

Ngược lại, McDonald nhấn mạnh trên báo The Age rằng quảng cáo trên mạng khác với quảng cáo trên TV và muốn video có lượt truy cập cao, các thương hiệu phải đưa ra lý do đủ thuyết phục mọi người và khiến họ muốn chia sẻ clip đó đi nơi khác. “Nội dung quan trọng hàng đầu, và thương hiệu chỉ đứng thứ hai trong một quảng cáo trên mạng”, McDonald khẳng định.

Châu An

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.