Sân chơi bổ ích cho trẻ: Có mãi là mơ ước?

“Để trẻ em chơi, Phần Lan lên top giáo dục” là tiêu đề bài báo thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong tháng vừa qua bởi cách thức đào tạo có một không hai của nền giáo dục thành công nhất thế giới này.

Sự phát triển toàn diện cả về trí lực lẫn thể lực cho học sinh của Phần Lan khiến ta không khỏi một lần nữa ái ngại khi nhìn lại tình trạng học sinh nước nhà.

Khát khao về “góc sân và khoảng trời”

Bấy lâu nay, học sinh tiểu học Việt Nam vẫn được coi là “lực sĩ” khi phải “cõng” trên lưng tuổi thơ số lượng môn học khổng lồ, khiến các em học cả ngày, cả đêm không xuể. Sự “ưu ái” quá mức cho học tập dẫn đến việc các em không còn thời gian để vui chơi – một quyền rất cơ bản của trẻ em. Nhưng vẫn còn một nghịch lý nữa, nếu muốn vui chơi, các em cũng không biết chơi gì, chơi ở đâu.

Học sinh tiểu học có mặt ở trường từ sáng tới chiều, vậy thì chính trường học phải là nơi tạo cho các em sân chơi phù hợp để cân bằng giữa 2 việc chơi – học. Chơi cũng chính là một cách học thú vị và trẻ chỉ có thể học tốt khi chúng được vui chơi.

Theo qui định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đối với trường tiểu học của Bộ GD-ĐT, các trường tiểu học phải có sân chơi, sân tập thể dục và cây bóng mát (khu đất làm sân chơi, bãi tập không dưới 30% diện tích mặt bằng của trường). Điều này thực sự là mơ ước, là mong mỏi của các trường.

Quan trọng hơn nữa, thực tế tại các trường tiểu học trên cả nước cho thấy: sân chơi tại các trường còn rất nghèo nàn chứ chưa dám nói đến việc “đạt chuẩn”. Sân chơi chật hẹp đã đành, nhưng đến cả đồ chơi cho các em cũng thiếu, cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều trường học không trang bị đồ chơi, nhiều trường chỉ để vài chiếc bập bênh, đu quay, xà đơn, xà kép để… làm cảnh. Học sinh phải tự “trang bị” cho mình những đồ chơi đơn giản như đá cầu, nhảy dây, bắn bi… Các em đang rất thiếu những những sân chơi, trò chơi bổ ích để có thể phát huy được tinh thần sáng tạo cũng như để có thể phát triển toàn diện cả về trí lực lẫn thể lực.
 
Học – chơi để phát triển toàn diện
 
Trí tuệ – thể lực; chơi – học là hai mặt của một vấn đề: đó là sự phát triển toàn diện cho con trẻ. Trẻ em chỉ có thể phát triển toàn diện khi có được sự cân bằng, hài hòa giữa hai yếu tố này.

Để giúp trẻ “học mà chơi, chơi mà học”, thiết nghĩ trong điều kiện của mình, mỗi trường học phải cố gắng thiết kế sân chơi hợp lý, bổ ích cho trẻ, không thể để trẻ biến thành “những ông/bà cụ non” ngay thời thơ ấu.

Nếu muốn trẻ em được vui chơi, giải trí, rèn luyện thể lực và trí lực ngay trong sân trường, các trường học cần trang bị những đồ chơi, trò chơi giúp trẻ:

– Luyện tập cơ khớp, phát triển hệ cơ xương

– Tập sự khéo léo, kích thích trí thông minh

– Kết hợp giữa vận động với hệ thần kinh, phát triển kỹ năng cá nhân lẫn tinh thần đồng đội

Hiện nay không thiếu những trò chơi bổ ích giúp trẻ vừa xả năng lượng vừa rèn luyện trí thông minh, học qua các trò chơi là một cách học tích cực nhất mà lại… dễ “vào” nhất.

Nhờ sự cân bằng giữa học và chơi, Phần Lan 4 lần liên tiếp xếp thứ hạng cao nhất thế giới. Tạo sân chơi bổ ích, cân bằng giữa chơi và học là cách tốt nhất giúp các em phát triển toàn diện. Chỉ có như vậy các em mới có thể “tự nguyện” yêu kiến thức sách vở, yêu mỗi phút giây đến trường, và được sống đúng với tuổi thơ của mình.
 
Thụy Nguyễn

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.