Hơn 1.000 “lính” sẵn sàng “đánh trận” hội Gióng Phù Đổng

(Dân trí) – Hội Gióng Phù Đổng – Gia Lâm được khai mạc từ 9/5/2011 (mồng 7/4 âm lịch). Nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc đã diễn ra. Nhưng hàng vạn người dân và du khách đang trông đợi trận đánh độc đáo nhất hội Gióng với hơn 1 nghìn quân “tham chiến” vào chiều ngày 11/5/2011.

Trao đổi với PVDân trí, ông Hoàng Đức Cường – Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), Phó ban tổ chức Lễ hội Gióng 2011 – cho biết: “Lễ hội Gióng Phù Đổng năm nay là lễ hội đầu tiên được tổ chức sau khi Hội Gióng Phù Đổng chính thức được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong không khí tưng bừng và niềm vui chung của nhân dân và du khách như vậy, Hội Gióng làng Phù Đổng được khai mạc sớm từ ngày 9/5/2011 (mồng 7/4 âm lịch). Đến ngày chính hội Gióng thứ nhất mồng 8/4 âm lịch đã có khoảng trên 2,5 vạn du khách về tham dự lễ hội.

Hội Gióng Phù Đổng trong ngày Unesco trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Ảnh: Anh Thế).

Trong ngày 10/5/2011, nghi lễ “Rước nước” để tôi luyện khí giới cho quân lính trước khi xuất trận đã được thực hiện theo đúng nghi lễ truyền thống một cách tôn nghiêm. Bên cạnh các nghi lễ Hội Gióng, nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, bóng chuyền, cầu lông… cũng đã được tổ chức thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự”.

Theo ông Cường, phần lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của Hội Gióng Phù Đổng được người dân và du khách ngóng đợi nhất là phần đánh trận sẽ diễn ra từ 12h30 chiều nay, ngày 11/5/2011 (tức đúng chính hội 9/4 âm lịch). Trận đánh được tái hiện một cách công phu với các ông “Hiệu“, hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng: “Phù Giá“, đội quân chính quy, các “Cô Tướng“, tượng trưng các đạo quân xâm lược, Phường “Ải Lao“, trong đó có “Ông Hổ“, đội quân tổng hợp, “Làng áo đỏ“, đội quân trinh sát nhỏ tuổi, “Làng áo đen“, đội dân binh v.v… với khoảng 1.300 quân “tham chiến”. 

Màn tái hiện các trận đánh trong Hội Gióng Phù Đổng đặc biệt hấp dẫn người dân và du khách.

Các trận đánh tiêu biểu như Rước Trận Soi Bia mô phỏng cách điệu trận đánh ác liệt. Trong trận này, roi sắt gẫy, ông Gióng phải dùng tre đằng ngà,một vũ khí tượng trưng sức mạnh nội lực của dân tộc. Với chiến thắng huy hoàng của Ông Gióng, “Trận Soi Bia” là chiếc bia soi muôn đời đối với những kẻ nào muốn nhòm ngó đất nước sẽ đặc biệt hấp dẫn du khách.

Trong lễ hội có 28 cô gái trẻ đóng vai tứng giặc, tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược nhà Ân. Chọn phái đẹp đóng vai tướng giặc. Còn các màn rước lễ “Kén tướng“, “Kén Phù Giá“, và màn diễn “Săn hổ, bắt hổ, giúp hổ hoá thân… sẽ đặc biệt hấp dẫn du khách.

Để phục vụ cho lượng du khách lớn đổ về dự hội, BTC Hội Gióng đã cho mở rộng khu vực bãi để xe, tổ chức khu vực dịch vụ bán hàng, ăn uống tách riêng với khu vực lễ hội. An ninh trật tự được đặc biệt coi trọng. “Trên 70 chiến sĩ công an huyện Gia Lâm phối hợp với công an xã Phù Đổng đảm bảo an ninh lễ hội. Tuy nhiên, ngày chính hội hôm nay, các đối tượng trộm cắp, móc túi sẽ lợi dụng đông du khách tràn về vì vậy bà con phải tự cảnh giác cao tránh bị mất cắp”, ông Cường khẳng định.

Anh Thế

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.