Tôi đi bụi vì nghẹt thở

TTCT – Là con trai lớn trong một gia đình có điều kiện nhưng bố mẹ lại khó khăn với tôi đủ mọi thứ từ chi tiêu, đi lại đến giao tiếp bạn bè.

Sau tâm sự của bạn Khánh Hà về việc “Con tôi đi bụi” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 12-6), Câu chuyện cuộc sống kỳ này giới thiệu câu chuyện của một bạn trẻ bỏ nhà đi bụi để thấy trong bất cứ bi kịch nào cũng cần những góc nhìn từ hai phía.

Tôi đi bụi vì nghẹt thở

Minh họa: Vũ Đình Giang

Nghẹt thở

Mặc dù đã vào đại học nhưng tôi vẫn không được thoải mái. Đi đâu cũng phải hỏi trước, báo cáo giờ về, đi với ai, đi tới nơi nào. Cứ xin phép đi với đứa bạn nào đó thì sau một lúc, bố mẹ sẽ gọi điện thoại kiểm tra và yêu cầu người bạn kia nghe máy để xác minh. Đến việc đi học, học thêm, bố mẹ cũng nhận nhiệm vụ đưa đón tôi, đến nỗi họ hàng luôn chọc ghẹo tôi như một “cậu ấm” thời nay.

Rồi bố mẹ vẫn quyết định chở tôi đi học hết thời đại học, kể cả khi tôi đã có bạn gái. Bạn gái à? Thì cứ tới nhà chơi! Giờ “giới nghiêm” của tôi là 21g. Học tiếng Anh, đi làm thêm hay hoạt động ngoại khóa gì tôi cũng phải về trước giờ “giới nghiêm”. Một tuần tôi chỉ ra khỏi nhà để đi chơi cùng bạn bè một lần vào chủ nhật nhưng vẫn bị mắng là đi nhiều quá!

Bố mẹ thản nhiên tham gia rất sâu vào cuộc sống của tôi. Tôi phải cho bố mẹ số điện thoại từng người trong danh bạ, mỗi khi có ai gọi họ đều hỏi kỹ nội dung, người gọi. Ví tiền của tôi sáng sáng đều được kiểm tra để xem tôi đã chi tiêu bao nhiêu. Lúc nào tôi cũng thấy nghẹt thở, gò bó. Là con trai nhưng có khi tôi ức đến phát khóc vì bao nhiêu lần hẹn cùng mấy cậu bạn thân đều bị bố trực tiếp gọi điện hủy. Từ nhỏ đến lớn ý kiến của tôi chẳng được ai lắng nghe, quyết định của tôi chẳng ai tôn trọng, đến em gái cũng theo nếp của bố mẹ mà quản lý chuyện của tôi.

Tức nước vỡ bờ

Lần đó, sau bao nhiêu lần lữa, lũ bạn thân nhất quyết hẹn tôi đến buổi tiệc chia tay một bạn học cùng cấp III chuẩn bị đi du học Úc. Biết tính bố mẹ, tôi đã chuẩn bị đầy đủ, dọn dẹp nhà cửa nhưng đến cuối ngày bố buộc tôi phải ở nhà vì lý do “cả ngày long nhong chẳng lo học hành”. Quá uất ức, tôi nghĩ mình đã xin phép đàng hoàng nhưng không được đi thì thà đi luôn khỏi xin phép.

Tôi gom đại vài bộ quần áo bỏ vào balô, cẩn thận lấy tiền trong ống tiết kiệm ra. Chuẩn bị xong, tôi cho balô vào túi dùng đựng rác rồi giả bộ đi ra ngoài đổ rác để bố mẹ không nghi ngờ. Vừa ra tới cửa, tôi đeo balô lên ngay, co chân chạy mải miết vào một hẻm nhỏ. Tắt điện thoại, tôi đi bộ thêm 20 phút đến một chỗ cách xa nhà, từ đây tôi mới bắt xe ôm tới nhà bạn gái. Tôi nghĩ sau đợt này tôi sẽ khiến bố mẹ sợ và không cấm cản hay điều khiển tôi nữa.

Lúc này tôi có khoảng 400.000 đồng tạm xài trong tuần. Chỗ ở thì cứ mỗi ngày ở nhà một đứa, bạn bè cũng biết tôi bị gò ép bao năm nay sẽ ủng hộ quyết định này thôi. Khi tới nhà bạn gái, tôi nghĩ cô sẽ nhanh chóng thông cảm cho tôi rồi cùng nhau đi đâu đó cho khuây khỏa. Nhưng cô không đồng ý, chúng tôi cãi nhau dữ dội rồi tôi nói lời chia tay.

Chán nản, tôi ra tiệm Internet chơi game. Trên mạng, tụi bạn bàn tán rủ rê tôi đi nhậu, nói cuối tuần thường có “bão” đông vui lắm. Từ trước đến giờ tôi chưa tham gia những cuộc vui thế này, hội này cũng nổi tiếng là dân quậy nên tôi ít khi đi cùng. Nhưng sẵn uất ức trong lòng, tôi đồng ý tham gia không suy nghĩ.

Cả bọn có khoảng mười người, hẹn nhau 22g30 sẽ có mặt tại bar F trên đường TĐT. Vừa bước vào trong bar là tiếng nhạc xập xình đập thẳng vào tai… Trên bàn đám bạn đặt trước đã có trái cây, thuốc lá, rượu đã khui, vài bình nước chanh. Thấy tôi cả đám ùa lại kéo vào, dúi vào tay tôi một ly nửa nước chanh nửa rượu. Cả bọn ép tôi uống cạn.

Sàn bắt đầu nóng, cứ hễ đợt này vừa giảm đô là cả bọn lại nốc hỗn hợp rượu, nước chanh rồi phì phèo thuốc lá, chụp hình đủ kiểu, văng tục rồi khi nhạc lên là cuốn vào nhau để nhảy. Lâu lâu, khách bàn bên đến mời rượu thì ai cũng vui vẻ chấp nhận và nhảy chung luôn. Nhiều khách nữ Tây nhảy rất bạo. Ban đầu còn ngại, tôi né tránh, mấy thằng bạn cứ xoa đầu bảo tôi ngố quá. Tôi thử thả lỏng cơ thể theo điệu nhảy của bọn họ rồi sau đó lại thấy thích thú. Trong đầu tôi bắt đầu chếnh choáng vài suy nghĩ đen tối.

Khoảng 2g sáng chúng tôi phóng xe về một bar khác ở trung tâm thành phố – nơi luôn hoạt động tới sáng. Đúng như dự đoán, quán rất đông nhưng với quân số quá ít (một nửa đã xin phép về) nên cả bọn ngại không dám vào rồi tỏ ý không tham gia nữa. Cuối cùng chỉ còn lại mình tôi và một hai đứa bạn. Tôi muốn tiếp tục đi chơi nên điện thoại cho tất cả những người tôi có thể rủ và gọi ra gấp để đi tiếp nhưng không ai nhận lời.

Tiệc tàn rồi

Tức giận, tôi một mình vào luôn, tự nhủ thử đi bar một mình tìm cảm giác mạnh và mong sẽ gặp nhiều niềm vui lạ. Nhưng tôi chẳng nhận được gì ngoài sự lạc lõng. Đến hơn 3g sáng, tôi ngồi bệt bên ngoài sảnh uống bia nhìn mọi người nhảy nhót. Tôi chợt nhận ra mình tự do nhưng vẫn không làm gì được.

Cuối cùng tôi cũng chấp nhận là bữa tiệc tàn rồi, cả bọn rã đám hết chỉ còn lại tôi và một cô bạn gái nhưng khó khăn là chúng tôi phải làm sao để về nhà khi bây giờ là gần 4g sáng, đầu óc váng vất vì men rượu. Quyết định phải tìm chỗ tá túc, chúng tôi vào khách sạn.

Lần đầu tiên vào khách sạn nhưng đi đôi thế này làm tôi rất lo lắng. Do tiêu sạch tiền cho rượu, bia chúng tôi chỉ đủ tiền thuê một phòng, hai đứa đành phải ở chung. Suốt thời gian làm thủ tục nhận phòng, không đứa nào dám lên tiếng vì run. Nhưng tự trấn tĩnh là đã quen quá thân với nhau từ cấp II đến giờ nên hai đứa cũng thấy không ngại lắm. Lúc đầu tôi nằm dưới đất còn nhỏ bạn trên giường nhưng điều hòa quá lạnh tôi chuyển lên giường. Uống quá nhiều rượu khiến đầu óc tôi không còn tỉnh táo, và chúng tôi đã vượt qua giới hạn của tình bạn.

Khi mọi chuyện đã rồi, chúng tôi như tỉnh lại từ cơn ác mộng. Cô bạn chạy vào phòng tắm rồi ở lì trong đó và khóc. Còn tôi, tôi thật sự không tưởng tượng nổi mình đã làm cái gì nữa. Mọi thứ đổ sụp ngay trước mắt tôi. Tôi sợ, sợ mọi thứ nghiêm trọng hơn, cô bạn có em bé và những thứ khác sẽ đổ sập lên chúng tôi.

Sáng hôm sau, 9g tôi và cô bạn trả phòng. Cả hai không xu dính túi, đầu tóc bù xù, mệt mỏi. Tôi về nhà. Bố mẹ cũng không có nhà, chỉ để lại mẩu giấy nhắn là nếu về thì nhắn tin cho em gái để báo mọi người biết. Mệt mỏi, tôi lên lầu đánh một giấc tới chiều. Cả tuần đó, gia đình tôi cực kỳ im ắng, bố mẹ không nhắc nhở gì đến chuyện vừa rồi và không quản thúc tôi sát sao như trước nữa, đúng như tôi mong muốn.

Ừ thì tôi cũng đắc thắng lắm vì giờ đây ai cũng tôn trọng không gian riêng của mình. Nhưng điều đó càng làm tôi ngột ngạt và sợ hãi hơn, tôn trọng giờ đây có nghĩa là mọi người không ai dám “đụng chạm” gì đến tôi nữa. Cả tuần tôi luôn trong tâm trạng căng thẳng, tôi không dám đến gần bố mẹ, tôi cảm thấy mình bị cô lập. Đã thế tôi càng không dám đụng mặt cô bạn.

Trong hai tuần cả hai lo lắng đến phát điên, những viễn cảnh khủng khiếp cứ lần lượt hiện ra trước mặt, cô bạn thân của tôi suy sụp và tính tới chuyện tự tử nếu lỡ gặp chuyện. Hai tuần sau chúng tôi mới dám dùng que thử thai và thở phào may mắn là không có hậu quả nghiêm trọng gì xảy ra. Nhưng cả tôi và cô bạn đều xấu hổ chẳng dám gặp nhau. Liên lạc cũng ít dần.

Phải mất một thời gian sau sinh hoạt trong gia đình mới có thể bình thường lại, mà bất ngờ nhất là nhỏ em gái. Ngày trước nó ương bướng và khó tính với tôi là thế nhưng từ khi tôi trở về, nó là người nói chuyện với tôi nhiều nhất. Nó kể ba mẹ giận vậy thôi chứ lo cho tôi lắm, mà vui nhất là họ lo tôi đi khắp nơi có ai chở không?! Ba mẹ định mua cho tôi xe đạp điện và cho phép tôi tự túc dần dần.

Lòng tôi lắng lại. Chỉ một đêm bụi mà suýt tí nữa tôi đã đánh mất rất nhiều thứ quý giá trong cuộc đời.

DUY TƯỜNG
NGÔ TRANG ghi

Mọi yêu thương đều có điểm dừng hạnh phúc

(Phản hồi bài “Con tôi đi bụi”)

Kính gửi cô Khánh Hà!

Cháu cũng giống con cô ở một đôi điều, và gia đình cháu cũng giống gia đình cô đôi nét nào đấy. Khác chăng là cháu và con cô đã hành xử khác nhau.

Lúc ở lứa tuổi của con cô, cháu đã từng rất, rất buồn vì không nhận được sự đồng thuận của gia đình về những điều cháu muốn và mơ ước. Học văn với cháu là niềm đam mê, trong khi các môn tự nhiên với cháu là một điều chật vật. Cháu luôn bị so sánh với các anh chị trong nhà và cả bạn bè đồng trang lứa. Cháu đã bỏ rơi mình trong sự khủng hoảng niềm tin dành cho bản thân mình.

Thế rồi, cháu quyết định… cãi lại mẹ cháu là đăng ký thi vào khối C cấp III thay vì khối A. Đối với cháu lúc ấy gia đình không phải là chỗ dựa tinh thần. Cháu đã tìm đến những hoạt động công tác xã hội và tìm thấy nhiều động lực sống. Và cháu học, chứng minh với mọi người bằng giải nhất văn thành phố. Gia đình ngày càng hiểu cháu và mối quan hệ giữa cháu và gia đình dần được cải thiện. 

Cháu nghĩ con cô đang rất cô đơn và điều này có lẽ cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý. Cháu mong cô biết em đang muốn gì và cần gì. Và cả hai nên học cách bước vào thế giới của thế hệ còn lại. Rất khó, nhưng có cách để làm. Và cháu tin mọi yêu thương đều có điểm dừng hạnh phúc.

KHA MIÊN (ĐH KHXH&NV TP.HCM)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.