Nước mắt người cha

AT – Cha tôi làm chủ một hội thợ nề vất vả nuôi ba anh em tôi ăn học. Bàn tay của cha tôi đã bị chai sạn, lở loét do hằng ngày phải tiếp xúc với bụi ximăng. Tôi biết cha tôi đau lắm nhưng không bao giờ ông than vãn nửa lời. Mỗi đêm ông thường thức dậy để bôi thuốc vì những vết lở loét do ximăng đã ăn sâu vào máu. Từ lâu cha tôi đã không có được một giấc ngủ ngon.

Nước mắt người cha

Hồi đó tôi được đám bạn lêu lổng đặt cho biệt danh “công tử quậy phá” vì do thời đi học tôi thường xuyên bỏ tiết chơi bời lêu lổng. Không có ngõ ngách, cuộc vui nào mà tôi không mò tới. Ba mẹ thất vọng về tôi nhiều lắm. Tuổi trẻ bồng bột mà, tôi cứ thế trượt đà, chỉ biết chơi mà không hề có dự tính cho tương lai. Khi mà những kỳ thi quan trọng sắp cận kề, 12 năm học quyết định tương lai một con người “thành hay bại”.

Một hôm tôi bỏ học đi chơi game bị cha cho ăn một bạt tai vào mặt, điều mà ông vô cùng tối kỵ khi hành xử với con cái. Đây là cái bạt tai đầu tiên ông dành cho tôi, ông nói: “Con là con đầu phải biết làm tấm gương cho các em noi theo, cố mà sống cho nên người con à”. Câu nói đó khiến tôi vô cùng ân hận, mấy đêm liền không ngủ được. Tôi quyết tâm sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra nhằm vớt vát những gì mình đã mất.

Khi các kỳ thi đang đến gần, tôi lao đầu vào học. Những tháng còn lại, chỉ dành cho mình hai giờ đồng hồ để ngủ, đóng cửa học không chơi bời với bạn bè. Thấy tôi thay đổi một cách kỳ lạ, cha tôi cũng mừng. Tôi có sở thích ngao du, đi đây đó cho biết nhiều nơi, nên đã nộp hồ sơ vào khoa báo chí Trường ĐH Khoa học Huế.

Rồi những gì cha mẹ mong chờ cũng đã tới. Kỳ thi tốt nghiệp tôi được 48 điểm, khiến gia đình bạn bè, thầy cô hết sức bất ngờ. Còn tôi thì chưa vội ăn mừng vì còn vẻn vẹn một tháng nữa là tới kỳ thi đại học. Cha mẹ tôi cố gắng xoay xở động viên cho tôi đi học lò ôn cấp tốc ngoài Vinh. Dẫu biết rằng vào lò ôn cấp tốc ước mơ đậu đại học không khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”, tôi vẫn cố gắng vắt kiệt sức mình vào ôn thi.

Đúng là “trời không phụ người chăm chỉ bao giờ”. Kết quả từ kỳ thi đại học báo về tôi đã trúng tuyển và đạt được ước mơ của mình. Thấy tôi cầm tờ giấy nhập học trên tay, cha tôi đã rơi nước mắt. Nhưng lần này khác hoàn toàn với những lần trước, lần này ông “khóc vì quá vui”.

Tôi giờ đây là một sinh viên sống xa nhà, nhưng mắt và trái tim lúc nào cũng dõi về mảnh đất nơi tôi đã từng sinh ra và lớn lên, có biết bao kỷ niệm buồn vui, giống như câu hát Hà Tĩnh mình thương, đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh. Và một lần nữa tôi muốn thét lên rằng con biết lỗi rồi cha ơi! 

PHẠM THANH NAM (BCK33 ĐHKH Huế) 

 

 

Áo Trắng số 12
(số 96 bộ mới) 
ra ngày 1/07/2011
 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.