Bài học từ SEA Games: cần đào tạo từ gốc

TTO – Sáng nay 28-11, các khách mời là các lãnh đạo ngành thể thao, chuyên gia, vận động viên… đã có gần 3g chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online về những bài học rút ra sau SEA Games 26.

Bài học từ SEA Games: cần đào tạo từ gốc

Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thể thao Việt Nam – những bài học từ SEA Games 26” do Tuổi Trẻ Online tổ chức, trả lời hàng trăm câu hỏi của bạn đọc, các khách mời đã phân tích nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá cho thể thao nước nhà.

Những câu hỏi “gai góc” và những câu trả lời thẳng thắn, qua đó có thể rút ra được nhiều bài học từ sau SEA Games. Các khách mời cùng bạn đọc đặt ra những vấn đề mà ngành thể thao Việt Nam muốn phát triển hơn không thể không tính đến.

Đại diện báo Tuổi Trẻ (bìa trái) tặng hoa cho các khách mời tại tòa soạn Tuổi Trẻ ở TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội. – Ảnh Nguyễn Khánh

Các khách mời gồm:

1 – Ông Lâm Quang Thành – phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 26.

2 – Ông Lê Hùng Dũng – phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

3 – Ông Trịnh Minh Huế – cựu cầu thủ bóng đá Thể Công, chuyên gia bóng đá.

4 – Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến – hiện là HLV Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF).

5 – VĐV Hoàng Qúy Phước (bơi lội) – kình ngư giành 2 HCV tại SEA Games 26 đồng thời phá 1 kỷ lục SEA Games.

6 – VĐV Lê Quang Liêm (cờ vua) – kỳ thủ vừa đoạt 2 HCV tại SEA Games 26, đang xếp hạng 28 thế giới.

MỜI BẠN ĐỌC THEO DÕI TOÀN BỘ NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

* Xin hỏi ông Lê Hùng Dũng, có bao giờ ông cảm thấy nản vì tính thực dụng của cầu thủ bóng đá VN không? Ông nghĩ như thế nào về màn trình diễn của đội U23 VN vừa qua? (Hoàng Minh, 39 tuổi, minhhoang@…)

Ông Lê Hùng Dũng – phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam – trả lời bạn đọc từ tòa soạn Tuổi Trẻ ở TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm

Ông Lê Hùng Dũng: Nói như câu hỏi của bạn về tính thực dụng thì tôi cho rằng không có gì là thực dụng ở đây. Trong nền kinh tế thị trường, các cầu thủ cũng giống những người lao động khác đều phải có những mưu cầu lợi ích cho bản thân và gia đình mình. Đó là điều đòi hỏi hoàn toàn bình thường chính đáng, chỉ có vấn đề so với quyền lợi họ được hưởng thì sự cống hiến của họ có xứng đáng hay không?

Tôi từng nói rằng nếu giờ đây bóng đá Việt Nam, có những Cao Cường, Thế Anh, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Khắc Chính, Đỗ Khải… thì giá mà các ông bầu phải trả sẽ không hề rẻ. Nhưng tôi tin rằng các ông bầu sẽ hoàn toàn hài lòng vì trình độ và phẩm chất của các danh thủ này hoàn toàn xứng đáng với giá cao.

Nhưng nếu như ngược lại, khi các cầu thủ bắt chẹt các ông bầu và lãnh đạo liên đoàn để có một thu nhập ngày càng cao vì tình trạng khan hiếm cầu thủ giỏi hiện nay thì điều đó chính là sự thực dụng, sự vô đạo đức, và hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Về màn trình diễn của đội U23 vừa qua, tôi chỉ hài lòng duy nhất một trận đấu với Indonesia vì trong trận đấu đó trọng tài công tâm, thậm chí có phần hơi ưu ái cho Việt Nam, đội Indonesia cũng đã thi đấu quyết liệt hết mình. Trong trận đấu đấy đội Việt Nam của chúng ta cũng thi đấu bằng 100% sức lực của mình. Tôi cho đó là trận đấu đáng xem nhất của U23 Việt Nam tại SEA Games vừa qua.

* Theo anh Chiến, “bơm” nhiều tiền có phải là động cơ kích thích tinh thần thi đấu của các cầu thủ trẻ, hay đó là con dao hai lưỡi? Anh hài lòng nhất về HLV nào trong rất nhiều HLV ngoại của VN qua các thời kỳ? (Hà Minh Cường, 52 tuổi, cuongduong@gmail.com)

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến: Vấn đề bơm tiền thưởng đúng là con dao hai lưỡi đối với các cầu thủ VN. Theo tôi việc “bơm” tiền sẽ kích thích tinh thần các cầu thủ trước khi thi đấu. Nhưng sau đó sẽ sinh ra những tiêu cực cho các cầu thủ vì muốn giành số tiền được đề ra mà không tuân theo đấu pháp của HLV, và kể cả sinh ra tinh thần thi đấu nóng vội.

Tôi thích HLV Calisto nhất. Nhưng thực chất thì mỗi HLV đều có những mặt mạnh và yếu khác nhau.

* Thưa ông Lê Hùng Dũng. Với tình trạng như bóng đá hiện nay, theo tôi chúng ta có nên tìm kiếm, kêu gọi các cầu thủ gốc Việt, các cầu thủ nhập tịch có chất lượng để bổ sung cho U23 và tuyển quốc gia. Theo ông thì như thế nào? Xin cảm ơn và chúc ông nhiều sức khỏe (Lê Chân Thiện, 31 tuổi, thien222678@…)

Ông Lê Hùng Dũng: Trong tuần vừa qua các thành viên của VPF đã có họp trù bị để chuẩn bị cho đại hội VPF sắp tới. Trong cuộc họp đấy, chúng tôi đã quyết định kể từ mùa giải 2012 trở đi các cầu thủ có gốc cha hoặc mẹ Việt đều được VPF xem là cầu thủ Việt Nam. Còn việc họ có nhập tịch không thì hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của họ và các cơ quan quản lý nhà nước.

15 năm nữa bóng đá Việt Nam vô địch SEA Games?

Tính đến 11g hôm nay 28-11, có hơn 268 ngàn lượt bạn đọc tham gia khảo sát ý kiến bạn đọc với câu hỏi: “Theo bạn, bóng đá Việt Nam bao giờ vô địch SEA Games?” do Tuổi Trẻ Online thực hiện.

Biểu đồ kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc cho câu hỏi “Bóng đá Việt Nam bao giờ vô địch SEA Games?”

Phương án được đa số bạn đọc lựa chọn (hơn 258 ngàn lượt, tương đương hơn 96%) là… “15 năm nữa”.

Ở vị trí số 2 là phương án “ý kiến khác” (gần 5 ngàn lượt). Phương án được lựa chọn ít nhất đến thời điểm này là “5 năm nữa” (hơn 1.200 lượt), tiếp sau đó là “kỳ SEA Games tới” (hơn 1.300 lượt), “10 năm nữa” (hơn 1.700 lượt).

TTO

* Chào anh Quý Phước. Em năm nay 8 tuổi, hiện là năng khiếu bơi lội cấp quận. Em bơi tự do 50m mất 43 giây. Từ 29-11 em sẽ thi 4 môn phối hợp. Em rất mong nhận được những lời khuyên và bí quyết của anh trong tập luyện và lúc thi đấu của anh (như ngọc, 8 tuổi, dndung0519@….)

– Vận động viên Hoàng Quý Phước: Thật ra, muốn bơi giỏi thì phải có thời gian và sự khổ luyện và giúp đỡ của thầy cô. Em còn trẻ thì thành tích đấy là rất ổn. Lúc anh mới tập bơi, thành tích không được như em. Anh chúc em thi đấu thành công.

>> Xem phóng sự ảnh Một ngày của Phước

Hoàng Quý Phước giao lưu trực tuyến tại văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng – Ảnh: Tiến Thành

* Bao giờ Việt Nam vô địch SEA Games? Là người làm bóng đá muốn có thành tích cao, chúng ta cần có biện pháp gì? (nguyen đinh chieu, 34 tuổi, chieudinh77@… )

Ông Trịnh Minh Huế: Như mọi người đều nói muốn có thành tích cao chúng ta phải có một hệ thống tuyển chọn, đào tạo: từ huấn luyện viên, đào tạo, tổ chức thi đấu trong nước và thi đấu quốc tế để lấy thành tích. Muốn vậy chúng ta phải tuyển chọn đúng người, có HLV giỏi học hành đầy đủ, để tuyển chọn cầu thủ trẻ. Các cầu thủ phải được tuyển chọn đúng tuổi, dự báo đúng sự phát triển của con người đó (áp dụng khoa học để biết gen di truyền có cao, nhanh nhẹn, có phẩm chất, từ bé người đó có biết đá bóng?) Tốt nhất lứa cầu thủ này biết chơi bóng từ bé. Khi họ lớn hơn, tổ chức cho họ nhiều cuộc thi đấu để cọ xát chứ không lấy thành tích. Từ 15-16 tuổi trở lên mới thi đấu có thành tích. Cách tuyển chọn cầu thủ của chúng ta hiện nay không dựa trên tiêu chí chuyên môn và khoa học.

* Kính thưa ông Lâm Quang Thành, với tư cách là 1 trưởng đoàn thể thao VN tại SEA Games 26, ông đánh giá như thế nào về thành tích của các môn thể thao chính thống nằm trong hệ thống Olympic mà VN đã giành được? Riêng về bóng đá nam, ông theo cảm nhận của ông, các cầu thủ U-23 VN đã cống hiến hết khả năng của mình hay chưa? Thất bại này của bóng đá nam, theo ông nguyên nhân do đâu? (Lê Nguyên Long, 32 tuổi, longho@…)

Việc thi đấu không thành công của bóng đá nam VN có nhiều nguyên nhân. Theo góc độ của người quản lý thì một trong những nguyên nhân chính đó là công tác quản lý, điều hành hoạt động bóng đá VN chưa tốt.

Ông Lâm Quang Thành: Trong số 43 đội tuyển tham dự thi đấu 36 môn thể thao tại SEA Games lần này đã có 31 đội tuyển giành được huy chương, trong đó có 23 đội tuyển giành được huy chương vàng.

Đối với những môn Olympic, Việt Nam đã đạt được 55 trên 96 HCV thuộc các môn như: thể dục dụng cụ (TDDC), điền kinh, bắn súng, đấu kiếm, Judo, Taekwondo, bơi lội, canoing, cử tạ, rowing…

Sự thành công của một số môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic mà các thành viên thể thao VN đạt được tại SEA Games 26 cho thấy việc đầu tư mũi nhọn trong thời gian qua bước đầu đã có những kết quả, qua đó đánh giá được thực lực của từng môn để sau SEA Games 26 tập trung đầu tư đặc biệt cho những VĐV vượt qua các vòng tuyển chọn để tham dự Olymic London 2012.

Theo cảm nhận cá nhân tôi, đội tuyển bóng đá U23 đã có kết quả thi đấu không tốt, không đáp ứng được kỳ vọng người hâm mộ. Điều này đã ảnh hưởng một phần đến kết quả chung của đoàn TTVN lần này. Việc thi đấu không thành công của bóng đá nam VN có nhiều nguyên nhân. Theo góc độ của người quản lý thì một trong những nguyên nhân chính đó là công tác quản lý, điều hành hoạt động bóng đá VN chưa tốt.

* Xin chào Quang Liêm. Bạn có thể giới thiệu thêm về cờ tưởng. Bộ môn này hiện đang được phát triển ở VN như thế nào? Cái khó của cờ tưởng là gì? Và cái hay của cờ tưởng là gì? Cờ tưởng chỉ được thi đấu tại SEA Games hay còn được thi đấu ở sân chơi nào nữa không? (Hoàng Sa, 25t, hoangsa.vo@…)

VĐV Lê Quang Liêm: Cờ tưởng là một hình thức thi đấu của cờ vua, trong đó các kỳ thủ không được phép nhìn thấy bàn cờ. Toàn bộ diễn biến tính toán trong ván cờ phải được thực hiện trong đầu các kỳ thủ, vì vậy loại hình này đòi hỏi mức độ tập trung cao hơn. Nếu như trong cờ vua bình thường các kỳ thủ có thể thư giãn chút ít sao đó tiếp tục ván cờ của mình, thì ở cờ tưởng họ phải liên tục ghi nhớ vị trí các quân cờ cũng như những khả năng xảy ra trong suốt ván đấu. Chỉ cần một chút xao nhãng có thể dẫn đến việc quên mất ván cờ của mình.

Cờ tưởng là một nội dung khá mới ở VN. Ở SEA Games này, các kỳ thủ VN mới lần đầu tiên thi đấu môn này. Trong đội tuyển, tôi và các vận động viên khác cũng chỉ mới thi đấu ở hình thức giải trí. Có thể nói, cờ tưởng ở VN chỉ mới có những bước đi chập chững đầu tiên.

Trên thế giới cờ tưởng ít được tổ chức thi đấu vì chỉ được xem là một hình thức thi đấu biểu diễn, giải trí do chất lượng chuyên môn của nó không bằng cờ tiêu chuẩn (các kỳ thủ không thấy bàn cờ nên có thể không tính toán chính xác). Giải cờ tưởng nổi tiếng nhất trên thế giới là giải Amber, tổ chức hằng năm vào tháng 3 tại Pháp, quy tụ rất nhiều siêu đại kiện tướng hàng đầu thế giới, tạo ra một cuộc tranh tài rất hấp dẫn luôn được người hâm mộ đón xem. 

* Hỏi anh Chiến, với tư cách một cầu thủ và là một tiền đạo nhiều năm kinh nghiệm, có bao giờ ông cảm thấy nản vì tính thực dụng của cầu thủ bóng đá VN không? Ông nghĩ như thế nào về màn trình diễn của đội U-23 VN vừa qua, nhất là vị trí tiền đạo? (BINH MINH, 45 tuổi, minhbinh@…)

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến: Thực chất, màn trình diễn của đội tuyển U23 VN vừa qua là hầu như không có tiền đạo. Thực chất trên sân vừa qua, tiền đạo chỉ mang tính “mồi”, lôi kéo. Với lối chơi như vậy, tuyển VN sẽ mất sức vì di chuyển nhiều. Nền tảng thể lực của tuyển VN mình không được khỏe cho lắm. Theo tôi nghĩ, lối chơi như vậy sẽ không phù hợp với tuyển VN.

* Ông Huế ơi, ông đánh giá thế nào về việc đầu tư của VFF cho bóng đá trẻ hiện nay? Cầu thủ lương cao, chuyển nhượng cao mà đá thế này thì chúng tôi chỉ muốn xóa sổ VFF đi thôi (CongHung74@…)

Ông Trịnh Minh Huế – cựu cầu thủ bóng đá Thể Công, chuyên gia bóng đá – trả lời trực tuyến bạn đọc từ văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Trịnh Minh Huế: Lương cao là lỗi của CLB chứ không phải VFF, CLB tranh mua tranh bán nâng giá cầu thủ lên chứ VFF không quy định giá cầu thủ. Việc đào tạo cầu thủ trẻ do CLB, tỉnh, ngành tự làm. Nhưng cái chưa tốt của VFF là không có quy hoạch hướng dẫn. Sản phẩm làm ra vì thế tùy tiện, giá trị  sử dụng và giá tiền là chênh lệch nhau. Vai trò chỉ đạo, định hướng của VFF trong đào tạo bóng đá hiện nay không có, như vậy là VFF sai cả hệ thống.

* Theo một số thông tin tôi biết thì kình ngư Quý Phước và một vận động viên trẻ nữa sẽ được sang Mỹ học cả về chuyên môn & văn hóa. Cho tôi hỏi thông tin trên có đúng sự thật không ạ? (Phùng Văn Kiên, 19 tuổi, ngheoketoi25@…)

VĐV Hoàng Quý Phước: Theo lời của lãnh đạo thì sang năm, em sẽ được đi Mỹ để tập luyện. Nhưng việc này đến nay là chưa chắc chắn, vì còn phải làm việc với phía Mỹ.

* Gửi anh Trần Minh Chiến. Theo anh thì các cầu thủ U23 ở SEA Games năm nay có điểm nào tương đồng với các anh vào thời 1995 hay không: về khả năng trước các đối thủ, về tâm lý và về động lực thi đấu? (Nguyễn Hoàng Quyên, 32 tuổi, nguyenhoangquyen09@…)

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến trả lời bạn đọc tại tòa soạn Tuổi Trẻ ở TP.HCM: “Nhiều cầu thủ bây giờ khác xa với thế hệ cầu thủ hồi xưa vì tính thực dụng” – Ảnh: Thanh Đạm

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến: Theo tôi, nhiều cầu thủ bây giờ khác xa với thế hệ cầu thủ hồi xưa vì tính thực dụng. Trình độ thi đấu bây giờ cao hơn trình độ hồi trước: đó là dùng nền tảng thể lực, sức mạnh là chủ yếu. Những cầu thủ hồi trước chơi bóng đá chủ yếu dùng kỹ thuật và tư duy chiến thuật nhiều.

Tâm lý thì không có sự khác biệt nhiều. Hồi xưa chơi bóng rất vô tư chứ không như bây giờ. Bây giờ mang tính chất thực dụng nhiều hơn.

Ông Thành thân mến. Là trưởng đoàn, ông đánh giá một cách khách quan những mặt được và chưa được của thể thao VN tại SGames này? Bóng đá nam VN bao giờ mới vô địch SEA Games, theo dự đoán của ông? (BINH MINH, 45 tuổi, minhbinh@…)

Ông Lâm Quang Thành – phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 26 – trả lời trực tuyến bạn đọc từ văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh

Bóng đá VN muốn đạt được chức vô địch tại SEA Games đòi hỏi phải có những VĐV tài năng. Muốn vậy chúng ta phải xây dựng lại hệ thống tuyển chọn tài năng bóng đá VN và họ cần phải thể hiện năng lực và trình độ của mình tại hệ thống thi đấu giải quốc gia, từ đó chúng ta mới có đội tuyển bóng đá mạnh.

Ông Lâm Quang Thành: Từ kết quả tham dự SEA Games 26 của đoàn TTVN cho thấy hầu hết các đội tuyển đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình trong thi đấu. Đặc biệt việc không tạo áp lực thành tích đối với nhiều VĐV trẻ, lần đầu tiên tham dự SEA Games đã tạo cơ hội cho các VĐV này thể hiện năng lực của mình, cụ thể như ở các môn TDDC, bắn súng, điền kinh, kiếm…

Bên cạnh đó một số đội tuyển vẫn duy trì được thành tích tại SEA Games.

Những môn dự kiến có khả năng tranh chấp HCV như bóng bàn, bắn cung, cầu mây, bi sắt… đã thi đấu không thành công. Điều này cho thấy sau SEA Games cần có việc tổng kết, đánh giá xác thực với tình hình thực tiễn của từng môn từ việc tuyển chọn VĐV, HLV đến việc thực hiện kế hoạch huấn luyện và các điều kiện đảm bảo trong quá trình chuẩn bị để tham dự SEA Games.

Bóng đá VN muốn đạt được chức vô địch tại SEA Games đòi hỏi phải có những VĐV tài năng. Muốn vậy chúng ta phải xây dựng lại hệ thống tuyển chọn tài năng bóng đá VN và họ cần phải thể hiện năng lực và trình độ của mình tại hệ thống thi đấu giải quốc gia, từ đó chúng ta mới có đội tuyển bóng đá mạnh.

Theo cá nhân tôi giải chuyên nghiệp quốc gia hiện nay với việc sử dụng cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch đã làm hạn chế tài năng bóng đá Việt Nam rất nhiều.

* Tại sao bóng đá Việt Nam lại thảm hại đến như vậy ở SEA Games vừa qua? Các ông nghĩ như thế nào về câu nói: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”? (Nguyễn Minh Sơn, 44 tuổi, nmsonvkskg@….)

Ông Trịnh Minh Huế: Bóng đá phải có nền tảng nhưng khi nền tảng chưa tốt thì đỉnh cao đương nhiên phải yếu. HLV Riedl đã từng nói bóng đá VN xây nhà từ nóc vì đúng là chúng ta đã không có hạ tầng tốt.

* Tại sao lúc nào đội bóng đá VN thua là các nhà bình luận bóng đá đòi đổi HLV, mà không nhìn vào sự thật là chất lượng thành viên đội tuyển quá kém so với các năm trước: chất lượng cầu thủ không đồng đều; cầu thủ dự bị và chính thức có khoảng cách khá lớn, sức dẻo dai kém. Nên xây dựng chiến lược bóng đá cho các năm tới để có lứa cầu thủ có chất lượng tốt hơn? (Trần Minh Thanh, thanhtranminh31@….)

Ông Trịnh Minh Huế: Mỗi lần đội tuyển chúng ta đá gặp khó khăn thì thường hiếm thấy tiếng nói của các nhà chuyên môn, mà chủ yếu là của dư luận và báo chí. Các HLV có am hiểu nhất định chọn cách đứng ngoài cuộc vì tiếng nói của họ không có ý nghĩa. Người trong cuộc chính thức là nhà lãnh đạo chứ không phải chuyên môn, và trường hợp này, họ lại yếu về chuyên môn nên họ tránh không nói.

Giải pháp xây dựng cho những năm tới là phải có hệ thống đàng hoàng, chuyên nghiệp gồm: tuyển chọn, đào tạo, hệ thống thi đấu, tổ chức các đội tuyển, giao lưu và tranh giải với khu vực và quốc tế… Tất cả phải làm lại từ dưới lên trên.

* Liệu giải pháp thay đổi HLV bóng đá liên tục có thật sự tốt? (Bùi Nguyên Thảo, 18 tuổi, bnthao_cm@…)

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến: Theo tôi nghĩ, chúng ta nên thay đổi quan điểm, mạnh dạn cho những HLV trẻ của VN mình như Huỳnh Đức, Anh Tuấn, Hữu Thắng… dẫn dắt đội tuyển. Những HLV VN biết rõ các cầu thủ thi đấu qua những giải trong nước cũng như phong độ của cầu thủ đó. HLV VN mình hiện giờ cũng giống như một HLV chuyên nghiệp ở nước ngoài khi liên tục cập nhật thông tin cũng như giáo án và phương pháp huấn luyện. Vậy theo tôi nên mạnh dạn đưa những HLV VN vào dẫn dắt đội tuyển. Còn HLV nước ngoài họ phải làm quen từ đầu như ngôn ngữ, tố chất, phong độ cũng như trình độ trình độ… và điều này là khá mất thời gian.

* Chào anh Hoàng Quý Phước! Nguyên nhân nào làm anh theo con đường VĐV bơi lội vậy? (Pham Hoang Chau, 17 tuổi, boy_boy6672@…)

VĐV Hoàng Quý Phước: Từ lúc ba tuổi, anh đã rất thich nước, đến lớp năm thì anh đã tham gia giải quận và được thầy cô tuyển vào tập chuyên nghiệp.

* Xin hỏi ông Lê Hùng Dũng, việc thành lập Công ty VPF (hay…) khi nào chính thức hoạt động và phụ thuộc như thế nào với VFF? VFF có cải tổ nhân sự không? HLV ĐTQG và U23 QG có nên mời lại ông Calisto hay nên HLV nội? (Sĩ Thiện, 66 tuổi tuổi, thiensingoc@…)

Ông Lê Hùng Dũng: Về việc thành lập công ty VPF thì trong tuần qua chúng tôi đã họp ban trù bị để kiểm tra các quá trình xúc tiến thủ tục hành chính, chuẩn bị nhân sự, bộ máy và kinh phí hoạt động. Hiện nay diễn tiến như sau:

1. Về thủ tục hành chính: Ngày mai 29-11 chúng tôi sẽ mời tất cả các thành viên là cổ đông của VPF đến Hà Nội để họp và ký các giấy tờ theo luật định, sau khi xong thủ tục chúng tôi sẽ gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, sau khi nhận được giấy phép hoạt động chúng tôi sẽ quyết định ngày họp đại hội cổ đông chậm nhất một tuần sau khi có giấy phép.

2. Về nhân sự bộ máy: Đây là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Theo tính toán bộ máy của VPF cần khoảng 21-25 người từ tổng giám đốc trở xuống. Hiện nay, chỉ tuyển được vài ba người với tiêu chí là:

a. Có am hiểu chuyên môn về bóng đá,

b. Làm việc chuyên trách tại Hà Nội và đi các địa phương khi có nhu cầu.

Với 2 tiêu chí trên rất khó tuyển được người trong thời gian trước mắt. Vì vậy, chúng tôi đã đi đến thống nhất như sau; cho đến sát ngày hoạt động mà chưa tuyển dụng được đủ người thì tạm thời điều những bộ phận tương ứng từ VFF sang. Khi nào tuyển được nhân sự phú hợp thì VFF sẽ rút từng bước các cán bộ trở về.

Hiện nay, chưa có người của VFF tình nguyện sang VPF. Bản thân tôi được chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ và các ông bầu là bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng thống nhất được chọn là trưởng ban trù bị cho VPF. Khi chọn được người phù hợp cho chức chủ tịch hội đồng quản trị VPF, tôi cũng sẽ rút vì tôi hiện nay quá nhiều công việc bận rộn chỉ còn ngày thứ 7 và chủ nhật để nghỉ ngơi. Nay nếu tham gia và VPF thì coi như 1 tuần lễ không được nghỉ lúc nào. Không có một người bình thường nào chịu được một thời gian dài một nhịp điệu sinh học bất thường như vậy.

* Thấy Liêm thi đấu suốt vậy thời gian học văn hóa như thế nào hả Liêm? Cảm ơn (Trần Minh Đạo, 31 tuổi, tmdao801214@…)

VĐV Lê Quang Liêm: Thời gian qua, do lịch thi đấu quá bận rộn nên Liêm tạm bảo lưu kết quả học đại học của mình một thời gian để dành toàn tâm trí cho việc tập luyện và thi đấu cờ. Theo dự tính, vào đầu năm 2012 Liêm sẽ tiếp tục việc học của mình tại trường Đại học Sài Gòn. Tất nhiên việc sắp xếp thời gian để làm tốt cả hai việc này là không dễ dàng, vì vậy Liêm sẽ cân nhắc kế hoạch hợp lý.

* Xin hỏi ông Huế, ông có bất ngờ hay không về phong độ của đội U-23 VN trong trận gặp Myanmar và Lào tại SEA Games 26. Theo ông, làm gì để cầu thủ chúng ta bản lĩnh hơn, tập huấn hay “bơm” nhiều tiền? (Hà Minh Cường, 52 tuổi, cuongduong@…)

Ông Trịnh Minh Huế: Trước tiên nói về đội U23, các nhà chuyên môn và cả chủ tịch LĐBĐVN thừa nhận năng lực cầu thủ của đội U23 VN chúng ta hạn chế. Phong độ của đội bóng được quyết định bởi các yếu tố chuyên môn, thể lực, tâm lý. Khi chuyên môn tức kỹ thuật, chiến thuật có hạn thì vai trò thể lực quyết định. U23 VN chúng ta được ông Goetz xây dựng nền tảng thể lực khá tốt đủ để đấu chọi với các đội bóng nhưng hạn chế vì chuyên môn, kỹ thuật chiến thuật có hạn hơn các đội dẫn đầu. Trong trường hợp thể lực đội nào cũng như đội nào thì đương nhiên đội có chuyên môn cao hơn chiếm ưu thế, đội yếu hơn bao giờ cũng xuất hiện tâm lý yếu hơn đối phương.

Cầu thủ muốn có trình độ trước tiên họ phải tự tin là họ có năng lực. Năng lực đó là năng lực về kỹ thuật, năng lực về ý chí, tự tin về thể lực của mình. Thể lực đó là thể lực cường tráng, sức va chạm, càn lướt… họ như một đấu sĩ. Nói tóm lại họ không phải là cầu thủ đá bóng mà phải là cầu thủ đấu bóng thì chúng ta mới không sợ ai. Đá bóng là kỹ thuật là khéo léo nhưng đấu bóng phải xếp trong đội hình dám đấu chứ không phải chỉ đá bóng.

Tiền đạo của Malaysia, Indonesia đá phăng phăng, càn lướt chứ còn Văn Quyết, Đình Tùng dù khéo léo nhưng không phải đấu sĩ để dám va chạm, càn lướt, đấu với đối thủ.

* Theo Quang Liêm, cái thiếu của cờ vua Việt Nam hiện nay là gì? Liêm nghĩ gì khi đi “đánh thuê” cho các câu lạc bộ nước ngoài? Liêm có nghĩ rằng, Việt Nam cũng rất cần những giải đấu như nước ngoài? Và trong những chuyến đem chuông đánh xứ người ấy, Liêm rút ra được những bài học gì cho cờ vua Việt Nam? (Quyên Tú, quyentu@…)

VĐV Lê Quang Liêm (cờ vua) – kỳ thủ vừa đoạt 2 HCV tại SEA Games 26, – giao lưu trực tuyến tại tòa soạn Tuổi Trẻ ở TP.HCM –  Ảnh: Thanh Đạm

VĐV Lê Quang Liêm: Qua nhiều năm thi đấu quốc tế,Liêm thấy rằng các VĐV trẻ của chúng ta thường có năng khiếu tốt nhưng bước đào tạo cơ bản ban đầu không bằng các VĐV nước ngoài do chúng ta chưa có bài bản chuyên nghiệp. Điều này gây nên sự hụt hơi trên đường dài về sau, tạo khó khăn cho việc tiến lên đỉnh cao của cờ vua Việt Nam.

Môi trường cờ vua Việt Nam hiện nay còn ít các giải đấu quốc tế chất lượng cao, do đó các vận động viên của chúng ta không có nhiều cơ hội để cải thiện khả năng chuyên môn của mình.

Mỗi năm, ở Việt Nam chỉ tổ chức vài giải được quốc tế công nhận trong khi ở các nước có nền cờ vua phát triển con số đó có thể lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm.

Bản thân Liêm và một số VĐV Việt Nam khác phải thường xuyên du đấu nước ngoài không nằm ngoài mục đích học hỏi cọ xát và nâng cao hệ số ELO cũng như thứ hạng của mình.

Thời gian gần đây Liêm thấy cờ vua Việt Nam có nhiều bước chuyển biến tích cực nhưng số lượng các giải quốc tế như vậy vẫn còn hạn chế. Liêm rất mong trong thời gian tới cờ vua Việt Nam sẽ tiếp tục trở nên phổ biến hơn, thu hút rộng rãi nhiều người chơi và trở thành môn thể thao thế mạnh của Việt Nam.

* Thưa ông Thành! Ông nghĩ gì về thất bại của bóng đá nam tại SEA Games 26 trên cương vị là trưởng đoàn? Nếu ông là người hâm mộ như chúng tôi thì ông có phẫn nộ không? Ông có nghĩ rằng đoàn thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu 26 HCV cũng không bằng 1 HCV môn bóng đá nam không? (Nguyễn Hoàng Huy, 29 tuổi, tuong-khang@…)

Ông Lâm Quang Thành: Tham dự SEA Games lần này với hơn 800 thành viên trong đó hơn 600 VĐV đã nỗ lực hết sức mình để đạt thành tích cao nhất đã không những khẳng định sức mạnh của TTVN tại khu vực mà còn nói lên sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với thành tích cao của TTVN. Thành tích đạt được của TTVN kỳ này là niềm tự hào không những của TTVN nói riêng mà là của nhân dân Việt Nam nói chung.

Việc bóng đá VN thi đấu không tốt, không đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ, điều đó không thể làm giảm đi giá trị của thành tích mà đoàn TTVN tham dự SEA Games lần này đã đạt được.

* Để có được tâm lý thoải mái trước và sau những ván đấu, Liêm thường làm gì? Hiện nay, mục tiêu đặt ra cho Liêm trong năm nay và năm sau sẽ là gì? Liêm sẽ làm những gì để đạt được những thành tích đó (Hồng Lâm, lamhong@…)

VĐV Lê Quang Liêm: Trước mỗi ván đấu Liêm luôn cố gắng có sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe, chuyên môn và tâm lý. Điều này giúp Liêm tự tin hơn khi bước vào thi đấu. Khi kết thúc một ván cờ Liêm dành một ít thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ván tiếp theo. Các giải cờ vua thường kéo dài nhiều ngày nên chu trình này thường xuyên lặp đi lặp lại. Các VĐV tập trung vào thi đấu và gần như không có thời gian cho những chuyện khác.

Cuối năm nay Liêm còn tham dự giải Đại hội thể thao trí tuệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 12. Trong năm 2012, Liêm đặt mục tiêu cho mình là chinh phục top 20 thế giới. Liêm sẽ phải tiếp tục tập luyện nghiêm túc và nỗ lực thi đấu thật tốt trong các giải quốc tế, tích lũy đủ hệ số ELO cho điều này.

* Trước hết xin chúc mừng Quý Phước và Q.Liêm đã góp phần cho thể thao Việt Nam thêm trọn vẹn tại SEA Games 26. Xin hỏi Quý Phước: Khi bơi ở vòng thứ 2 ở lần bơi 100m tự do Quý Phước có nghĩ mình sẽ đạt huy chương vàng không? Hiện tại 1 ngày Quý Phước luyện tập dưới nước bao nhiêu thời gian? (Nguyễn Thế Hùng, 34 tuổi, hunghanhlam@…)

Hoàng Qúy Phước cười rất tươi khi đọc được những câu hỏi thú vị từ bạn đọc –  Ảnh: Tiến Thành

VĐV Hoàng Quý Phước: Lúc bơi về 50m thì em không biết được mình sẽ nhất, vì như anh đã thấy các đối thủ của em và em lúc đó gần như có kết quả ngang bằng nhau. 

Hiện nay, một ngày em tập hai buổi sáng và chiều, sáng từ 8h đến 11h và chiều từ 3h đến 6h.

* Chào “kỳ nhân” sông Hàn! Em nghĩ gì khi báo chí phong tặng biệt danh này? Được biết em ca hát rất hay. Thời gian rảnh em thường làm gì? Trong tương lai em có kế hoạch gì cho mình? (minhthao, 31 tuổi, thaominhtran@….)

VĐV Hoàng Quý Phước: Em nghĩ biệt danh đấy cũng hay. Trong thời gian rảnh thì em đọc sách, nghe nhạc, xem phim và đi uống nước cùng bạn bè. Trong tương lai em nghĩ mình sẽ cố gắng học tập để nâng cao thành tích của mình.

* Liệu giải pháp thay đổi HLV bóng đá liên tục có thật sự tốt? (Bùi Nguyên Thảo, 18 tuổi, bnthao_cm@….)

Ông Trịnh Minh Huế: Nếu HLV tự mình tuyển chọn, làm chương trình kế hoạch cho đội tuyển mà họ thất bại thì phương pháp của họ là bất khả thi và họ phải tự nguyện từ chức. Nhưng ở VN chúng ta quy trình ngược lại, HLV chỉ đến ký hợp đồng nhất, nhì, giá trị lương bao nhiêu. Như ông Goetz nói: Ông cầm quân hàng tháng nhưng có cầu thủ ông chưa nhớ tên. Nếu chúng ta thuê HLV như thế thì thuê ai cũng giống nhau thôi. Nhưng có một điều nếu đội Malaysia và Indonesia mà thuê ông Goetz cũng như kiểu VN thuê thì nhiều khả năng ông vẫn thành công.

Do đó vấn đề là: chất lượng tốt phải có trước rồi mới có HLV. Cho nên thất bại của U23 VN vừa qua là do hai nguyên nhân đan xen chứ không phải trách nhiệm của riêng ai.

* Là một nhà làm chuyên môn, ông đánh giá như thế nào về khả năng của HLV Goetz? Theo ông Huế, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của HLV này? (Hà Minh Cường, 52 tuổi, cuongduong@…)

Ông Trịnh Minh Huế: Điểm mạnh của ông Goetz thì ông chính là danh thủ, xuất thân từ cầu thủ và đã từng là HLV giải VĐQG Đức. Ông Goetz là người có trình độ. Điểm mạnh của ông Goetz và người Đức nói chung là có kỷ luật thép, đá bóng tính toán như toán học và lập đi lập lại thành một đường mòn. Vì thế đây là những khó khăn khi huấn luyện một đội hơi tự nhiên như cầu thủ VN. Như đã nói hệ thống thi đấu của chúng ta từ CLB trở lên tùy tiện, không có định hướng chơi nào, vì thế cầu thủ ta đá tự do. Do vậy khi chấp nhận kỷ luật thép của ông Goetz, cầu thủ ta sẽ thấy khô khan và gò bó. Vì thế lượng vận động chính thức của cầu thủ chưa chắc đã đủ thấm. Đây chính là nhược điểm khiến hai bên không hiểu nhau.

Thời gian cho ông Goetz quá ngắn, không biết cầu thủ VN sống và sinh hoạt thế nào. Ông Goetz bê nguyên ý nghĩ của mình vào bóng đá VN và điều đó đã gây nên sự đụng chạm khiến cầu thủ vận dụng để đối phó là chủ yếu.

* Liêm ơi, hiện nay cháu hạng 28 thế giới, hình như tụt xuống vài bậc so với trước đây? Vậy cháu sẽ làm gì để có mặt ở nhóm 10 thế giới? Kế hoạch của cháu sau khi được số tiền tài trợ khá lớn là 150.000 USD? (Minh Hà, 52 tuổi, huongdongnoi2@…)

VĐV Lê Quang Liêm: Theo công bố bảng xếp hạng của Liên đoàn cờ vua thế giới tháng 11 năm 2011, thứ hạng của tôi là 28, tụt 3 hạng so với mức cao nhất là 25 của tháng 9, dù rằng hệ số ELO thay đổi không đáng kể. Các kỳ thủ hàng đầu so kè với nhau rất sát, vì vậy việc lên hay xuống vài bậc cũng là chuyện bình thường. Chinh phục top 10 thế giới là một quá trình lâu dài có thể mất vài năm, đòi hỏi các kỳ thủ phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.

Số tiền tài trợ 150.000 USD trong 4 năm sẽ được cân nhắc và chi tiêu hợp lý, trong đó phần chi phí lớn nhất được dành cho việc thuê các HLV ngoại có trình độ cao nhằm hỗ trợ tôi trong các giải đấu quan trọng. Hi vọng với sự giúp sức này của Liên đoàn cờ Việt Nam, tôi sẽ có cơ hội thực hiện được ước mơ của mình, qua đó góp phần nâng cao vị thế của cờ vua nước nhà.

* Xin hỏi Quý Phước, những khi em thi đấu và giành chiến thắng, ai trong gia đình là người em nghĩ đến đầu tiên và muốn dành phần thưởng để tặng cho người đó? Em sẽ dự định gắn bó cả đời với bể bơi hay sẽ chọn một công việc khác trong tương lai? (Hoàng Vũ, 26 tuổi, cubuoi@…)

VĐV Hoàng Quý Phước: Những lúc em thi đấu thì người đầu tiên em nghĩ đến là mẹ em. Vì giờ đây em chỉ còn mẹ nên em rất là thương mẹ. Em nghĩ mình sẽ tập và cố gắng cống hiến hết khả năng của mình. Sau đó em sẽ đi học làm HLV.

* Chào Quý Phước. Theo bạn, bơi lội Việt Nam cần đầu tư thêm những gì nữa để vượt được “ao làng” ra với thế giới? Khoảng cách của bơi lội Việt Nam với bơi lội thế giới là bao xa? (Hồng Nhật, 26t, hongnhat@…)

VĐV Hoàng Quý Phước: Em nghĩ trong những năm gần đây thì bơi lội Việt Nam đã đầu tư đúng hướng. Vì qua các kỳ SEA Games, môn bơi lội có rất ít VĐV đạt được thành tích và kết quả tốt như kỳ SEA Games vừa rồi. Phải nói là bơi lội của cả khu vực Đông Nám Á còn kém thế giới rất xa chứ không phải riêng gì Việt Nam.

* Thưa ông Thành, những môn nào ông đánh giá là đã thi đấu thành công tại SEA Games? Cơ hội của những môn này ở sân chơi đẳng cấp hơn, lớn hơn là gì? Ngoài ra, những môn nào, đã không đạt được kết quả như mong đợi? Nguyên nhân chủ quan, khách quan của những thất bại ấy là gì? (Trà My, 20t, tramyyostas@…)

Ông Lâm Quang Thành: Chuẩn bị cho việc tham dự SEA Games 26, đoàn TTVN phân chia các nhóm đội tuyển để có những kế hoạch tham gia thi đấu cụ thể gồm: nhóm các môn Olympic; nhóm các môn của khu vực châu Á và Đông Nam Á và nhóm môn thể thao giải trí.

Nhóm các môn Olympic chúng ta đã đạt được kết quả tốt với 55 trên 96 HCV. Tuy nhiên trong nhóm môn này chúng ta cần phải nỗ lực để tìm ra giải pháp tránh sự tụt hậu ở khu vực như: quần vợt, bóng rổ, bóng bàn…

Những nhóm môn phát triển ở khu vực châu Á và Đông Nam Á chúng ta đã đạt được một số thành tích tốt như: vovinam, pencak silat, wushu, shorinjin kempo, lặn… nhưng cũng có một số môn chưa có thành tích tốt như: karatedo, cầu mây…

Nhóm môn thể thao giải trí lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games với mục đích phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế. Chúng ta bắt đầu định hướng phát triển các môn này nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân cho nên việc tham dự kỳ này không có ý nghĩa chạy theo thành tích mà là cơ hội để khuyến khích sự phát triển các loại hình thể thao giải trí ở nước ta trong tương lai.

* Xin chào anh Trần Minh Chiến. Với tư cách là một cựu tuyển thủ quốc gia, xin anh cho vài nhận xét về phong độ của các tiền đạo đội tuyển U23 VN tại SEA Games 26. Theo anh, cái thiếu của đội tuyển U23 VN tại SEA Games vừa qua là gì? (Ky Hoa, 29 tuổi, kihoamai@gmail…)

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến: Phong độ của các tuyển thủ VN tại SEA Games vừa rồi thực sự không tốt, trước khi vào giải thì các cầu thủ VN đã qua một mùa giải V-League rất khắc nghiệt, xong mùa giải các cầu thủ tập trung ở 2 giải là Cúp bóng đá quốc tế TP.HCM và VFF Cup. Điều này là gây ảnh hưởng không tốt đến một số vị trí và cả nền tảng thể lực của toàn đội.

Cái thiếu của tuyển VN mình là chất lượng cầu thủ không đồng đều khi mà hàng tấn công thực sự mạnh nhưng hàng phòng ngự thì yếu, thậm chí một cầu thủ đang bị chấn thương vẫn phải vào thi đấu.

* Ông Huế ơi, nếu cứ làm như VFF hiện nay, tôi đoán là 20 năm nữa Việt Nam mình sẽ vô địch SEA Games. Ông thấy thế nào và có chia sẻ thêm gì về dự đoán của tôi? (Phạm Nguyên, 30 tuổi, phamnguyen95@)

Ông Trịnh Minh Huế: Xu thế phát triển của bóng đá thế giới thay đổi từng năm, họ không chờ ta đến 20 năm. Vì vậy ta muốn thắng họ phải đi tắt đón đầu mà bóng đá là một trò chơi khoa học cần phải được tư duy khoa học thì mới đi tắt đón đầu thành công. Việc này cả hệ thống nền bóng đá VN phải lo.

* Thử đặt mình vào vị trí của một người lãnh đạo bộ môn cờ vua ở Việt Nam, Liêm hình dung mình sẽ đi những nước cờ cụ thể gì, với lộ trình ra sao để phát triển hơn nữa cờ vua Việt Nam? (Hoàng Thông, 32t, hoangthong@…)

VĐV Lê Quang Liêm: Với suy nghĩ cá nhân của mình, nếu là người lãnh đạo cờ vua Việt Nam, Liêm sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Đầu tiên là xây dựng chương trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ lứa tuổi trẻ; cố gắng phát triển phong trào cờ vua rộng khắp cả nước, đưa cờ vua trở thành một môn thể thao được nhiều người quan tâm, vì phong trào vững mạnh là tiền đề cho thể thao đỉnh cao.

Song song đó, Liêm cũng sẽ hỗ trợ các kỳ thủ hàng đầu của chúng ta. Hiện nay các VĐV vẫn phải tự xoay sở rất nhiều thứ, dẫn đến nhiều khó khăn không đáng có, không chỉ là chuyện kinh phí mà còn là những thủ tục bình thường. Đơn cử như mỗi lần xuất-nhập cảnh, làm visa vào các nước, do thời gian có hạn mà các giải đấu thường chỉ cách nhau ít ngày cũng gây nhiều bất tiện. Những sự hỗ trợ ấy không những tạo điều kiện giúp các VĐV chuyên tâm, thoải mái hơn vào sự nghiệp của mình, mà còn thể hiện sự quan tâm, chung sức của các cấp lãnh đạo.

Ngoài ra, với tư cách đứng đầu bộ môn cờ, Liêm sẽ quảng bá, tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội và các nhà tài trợ cho những hoạt động chung của cờ vua VN.

Nếu tất cả những điều trên đều được tiến hành nghiêm túc, Liêm nghĩ rằng cờ vua VN có triển vọng rất tươi sáng, có thể gia nhập vào nhóm các quốc gia có nền cờ vua phát triển trong một tương lai không xa.

* Chào ông Dũng, là một quan chức của VFF ông có suy nghĩ gì với thái độ lấp liếm của một số thành viên của VFF sau SEA Games 26? Nếu là trưởng đoàn, ông có dám từ chức để đẹp lòng người hâm mộ hay không, hay nói “Hãy để VFF đánh giá tôi” như ông Trần Quốc Tuấn? (DUNG LE, 35 tuổi, dunghale@…)

Ông Lê Hùng Dũng: Với tư cách cá nhân, tôi nghĩ rằng anh Nguyễn Trọng Hỷ và anh Trần Quốc Tuấn đã có gửi lời xin lỗi đến CĐV, đặc biệt là những người thân chinh đến Indonesia xem đội tuyển thi đấu. Còn việc kiểm điểm trách nhiệm của các thành viên VFF sẽ được chúng tôi tiến hành một cách nghiêm túc, không bao che, không lấp liếm và sẽ sớm công bố để các CĐV và người yêu thích bóng đá được biết.

Sở dĩ chúng tôi không thể tiến hành ngay sau SEA Games bởi vì lịch công tác nước ngoài của anh Nguyễn Trọng Hỷ đã thỏa thuận với công ty Densu Nhật Bản, một đối tác chiến lược của VFF, đã lên từ trước, không hoãn hoặc hủy được. Sau khi anh Hỷ trở về, chúng tôi sẽ tiến hành cuộc họp nói trên.

Nếu là trưởng đoàn bóng đá Việt Nam tại SEA Games lần này tôi sẽ làm báo cáo nêu rõ nguyên nhân thất bại bài học kinh nghiệm và để cấp trên xem xét quyết định. Còn nếu đứng trước bất cứ thất bại nào chúng ta cũng từ chức thì dễ thôi, nhưng mà tôi cho đó không là giải pháp căn cơ của vấn đề.

* Là người Việt Nam rất hâm mộ bóng đá và theo dõi từng trận đấu của đội tuyển Việt Nam, tôi thật không ngờ đội tuyển Việt Nam lại thảm bại tại SEA Games 26 như vậy. Cách tuyển chọn cầu thủ tham gia đội tuyển có gì đó chưa rõ ràng? Như vậy cho tôi hỏi cách tuyển chọn cầu thủ tham gia đội tuyển của chúng ta như thế nào? (Nguyễn Quang Minh, 30 tuổi, quangminhqn2001@…)

Ông Trịnh Minh Huế: Trước tiên tôi xin nói đội tuyển U23 không phải ĐTQG, ĐTQG mới là đại diện cho đỉnh cao bóng đá của một quốc gia, đội U23 chỉ là đội trẻ.

Nếu một HLV được trực tiếp tuyển chọn thì họ sẽ xác định được trình độ và sự phát triển đội bóng như thế nào để phản ánh với lãnh đạo VN. Hiện nay chúng ta tự tuyển chọn cầu thủ rồi đưa cho HLV trưởng và giao chỉ tiêu cho HLV mà không cần họ làm báo cáo kế hoạch gì. Vì thế thắng, thua chúng ta chỉ nói ông nghỉ hay ông huấn luyện tiếp vì không có cơ sở để đánh giá vì sao. VFF không thống nhất với HLV kế hoạch đào tạo vì không có.

Bất kỳ ai cầm một đội bóng khi huấn luyện phải tuyển chọn VĐV, trình chương trình và kế hoạch huấn luyện, mục tiêu đề ra. Để đạt được mục tiêu đó ông phải đề xuất kế hoạch huấn luyện, thời gian, mức độ, đấu với ai, dự giải nào… Những điều này HLV phải trình bày cho VFF, cho những nhà chuyên môn của VFF thẩm định để thống nhất giữa yêu cầu của VFF và khả năng của HLV. Khi thống nhất được thì hai bên mới ký hợp đồng với nhau. Sau đó, khi nếu phải sa thải HLV, phải xem xét xem HLV có làm được đúng với kế hoạch đã trình không. Hiện nay về những vấn đề này, theo tôi VFF không có gì.

* Chào Quý Phước! Vừa rồi em giành 2 HCV, đã làm nức lòng khán giả VN nhất là khi bơi lội vốn là môn cơ bản Olympic. Em có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến thành công vượt bậc này? Xin cám ơn! (Trần Minh Đạo, 30 tuổi, david_beckham6181@….)

VĐV Hoàng Quý Phước: Thật ra thì em cũng không có bí quyết gì cả. Như mọi người đã nói, để đạt thành công đều phải có sự khổ luyện. Dù có tài đến mấy mà không có khổ luyện thì người đấy sẽ không bao giờ đạt được thành tích cao cả.

* Kính thưa ông Trần Minh Chiến! Tại SEA Games 26 vừa rồi, khâu dứt điểm của U23 Việt Nam không tốt. Từng là một tiền đạo, theo ông, cần phải làm gì để cải thiện điều đó: kĩ thuật hay tâm lí thi đấu. Bao giờ U23 VN có thể dứt điểm tốt trong mọi tình huống. Cảm ơn ông (ĐỖ VIỄN KHƠI, 31 tuổi, VIENKHOI958@…)

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến: Để cải thiện vấn đề khâu dứt điểm thì đó chính là việc của cầu thủ. Họ cần dành thêm nhiều thời gian tập luyện, trau dồi để phát triển kỹ năng cũng như khả năng dứt điểm. Khi HLV ra sân, họ chỉ huấn luyện chiến thuật chung của đội. Nên xin khẳng định để khắc phục khâu dứt điểm thì cầu thủ phải bỏ thời gian tập thêm một ngày ít nhất là 30 phút. Đến như một cầu thủ nổi tiếng như Beckham thì sau mỗi bữa tập anh ta phải ở lại tập thêm từ 1 tiếng đến 1 tiếng 30 phút về kỹ năng đá phạt.

* Phước ơi, sau SEA Games cháu được Đà Nẵng đầu tư để nâng cao thành tích quốc tế. Cháu có thể cho người hâm mộ biết kế hoạch của cháu trong năm 2012 và bản thân cháu thấy mình cần những điều kiện gì để phát triển chuyên môn? Chúc cháu thành công (HAN NHA PHONG, 56 tuổi, phonglam@…)

VĐV Hoàng Quý Phước: Trong năm sau, cháu sẽ dành thêm thời gian để học tập và tập luyện, từ đó cải thiện, nâng cao thành tích của mình. Theo kế hoạch của các thầy cô đã để ra, cháu thấy kế hoạch tập huấn năm sau là đã rất ổn, rất tốt đối với cháu.

* Quang Liêm thấy môn cờ vua đã được đầu tư để chuẩn bị cho SEA Games này như thế nào? Từ sân chơi SEA Games này, Liêm thấy cờ vua Việt Nam có những cơ hội nào lớn hơn? Sau Quang Liêm, Trường Sơn, đã hé lộ những “búp măng” nào tiếp bước chưa? (Thu Ca, 30t, thucatha@….)

VĐV Lê Quang Liêm: “Chúng ta từng có nhiều VĐV đạt các huy chương thế giới ở lứa tuổi nhỏ, nhưng số lượng các VĐV tiếp tục tiến lên đỉnh cao là rất ít” – Ảnh: Thanh Đạm

VĐV Lê Quang Liêm: Dù không được tập huấn nước ngoài, cờ vua Việt Nam vẫn giành đến 6/9 HCV tại SEA Games, một thành tích xuất sắc ngoài mong đợi. Liêm nghĩ rằng đó là do sự tập luyện, chuẩn bị nghiêm túc cũng như những nỗ lực, cố gắng hết mình trong thi đấu của tất cả các thành viên đội tuyển Việt Nam. Điều này chứng tỏ cờ vua Việt Nam đã có vị trí hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Nếu được đầu tư xứng đáng hơn, Liêm cho rằng cờ vua Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh những vị trí cao ở châu Á và xa hơn nữa là trên toàn thế giới.

Liêm có biết đến thành tích của một số VĐV trẻ. Đó là những “búp măng” có năng khiếu và là niềm hi vọng tương lai của cờ vua Việt Nam. Tuy nhiên, con đường đi từ các giải lứa tuổi nhỏ đến các giải cờ vua chuyên nghiệp là rất xa, chỉ thời gian mới có thể kiểm nghiệm được chính xác. Từ trước đến nay, chúng ta từng có nhiều VĐV đạt các huy chương thế giới ở lứa tuổi nhỏ, nhưng số lượng các VĐV tiếp tục tiến lên đỉnh cao là rất ít. Đó là một quá trình dài, đòi hỏi sự phấn đấu không mệt mỏi từ chính các VĐV và sự trợ giúp từ nhiều bên.

* Chào anh Chiến. Được biết, hiện nay anh là HLV cho một lứa cầu thủ trẻ triển vọng. Anh làm gì để đạt được điều mà thế hệ anh chưa làm được là mang HCV SEA Games về cho bóng đá nước nhà. Theo anh, tiền bạc có phải là động cơ giúp họ nuôi dưỡng khát khao chiến thắng hay còn những thứ khác, và đó là những điều kiện gì? (Bảo Phát, 47 tuổi, phatgia?@…)

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến: Hiện tại là một HLV thì ngoài những yếu tố chuyên môn tôi còn chỉ dẫn cho các em những tình huống thực tế trên sân mà qua những năm tháng thi đấu tôi đã có được. Với các cầu thủ trẻ thì không nên đưa tiền bạc vào làm động cơ cho các em, khi các em suy nghĩ về tiền nhiều quá thì sẽ không tốt cho sau này. Bóng đá là một môn thể thao mà nếu sớm bị chi phối, ảnh hưởng bởi chuyện tiền bạc thì về sau sẽ dễ sinh ra những vấn đề tiêu cực cả trong thi đấu lẫn trong cuộc sống.

* Thưa ông Lê Hùng Dũng! Tôi là người rất hâm mộ bóng đá Việt Nam! Thú thật là SEA Games 26 vừa rồi khi thấy đội U23 VN thất bại tôi không lấy gì làm bất ngờ lắm, vì ngay từ đầu giải tôi thấy lối chơi của đội khá rời rạc, khả năng ghi bàn của hàng tiền đạo rất kém,… không bằng thời HLV Calisto dẫn dắt. Ông vui lòng phân tích nguyên nhân cốt lõi về sự thất bại của U23 VN? Cảm ơn ông (Trần Minh Đạo, 30 tuổi, david_beckham6181@…)

Thông thường công luận chúng ta hay đòi hỏi trận nào tuyển cũng phải thắng, giải nào cũng phải vô địch, nếu không thắng hoặc không vô địch thì sẽ đối diện trước áp lực ghê gớm, thậm chí những giải giao hữu cũng phải thắng tất cả các trận, thua là hôm sau sẽ đối diện với loạt chê bai trên các báo. Có tài thánh thì mới thỏa mãn được 2 yêu cầu vừa nêu.

Ông Lê Hùng Dũng: Đội U23 chúng ta thi đấu thế nào chúng ta đã rõ. Bây giờ đi tìm nguyên nhân thì chắc chắn cần có thời gian bởi sự phân tích của các chuyên gia bóng đá.

Phần tôi, tôi thấy có mấy nguyên nhân:

1. Các CLB chưa chú trọng đầy đủ đến công tác đào tạo trẻ vì đây là vấn đề khó hơn việc bỏ tiền ra mua các cầu thủ đã thành danh về thi đấu ngay và được kết quả tức thì, nội thiếu thì mua ngoại, ngoại thiếu thì nhập tịch. Tôi biết có CLB đã từng lên kế hoạch 11 tuyển thủ thi đấu cho CLB của ông bầu này đều là 11 ngoại binh theo mô hình mà ông ta cho là của Chelsea. Thế thì còn chỗ đâu cầu thủ nội thi đấu nói gì đến cầu thủ trẻ.

Vì vậy, VPF đã đề nghị với đại hội cổ đông từ 2013 trở đi sẽ không có cầu thủ ngoại thi đấu ở giải hạng nhất, ở V-League mùa 2012 phải có ít nhất 2 cầu thủ trẻ trong đội hình thi đấu, ngoại binh đăng ký 3 thi đấu 2… và một số giải pháp khác để các cầu thủ nội và trẻ có cơ hội ra sân nhiều hơn. Đó là nền tảng của đội tuyển quốc gia và Olympic.

2. Về việc treo thưởng của các CLB và tuyển quốc gia. VPF đề nghị ở các CLB mùa giải 2012 trở đi việc treo thưởng phải được đăng ký trước và không qua 500 triệu tối đa 1 trận. Về tuyển quốc gia tôi cũng sẽ bàn trong thường trực VFF một giải thi đấu quốc tế hoặc trong nước chỉ thưởng theo hợp đồng đã định trước, không treo thưởng từng trận. Giải pháp này sẽ chấm dứt trình trạng mỗi khi ra sân cầu thủ thường hỏi thưởng bao nhiêu thì mới đá, đó là một tình trạng xấu cần chấm dứt.

3. Với người hâm mộ và báo chí có chấp nhận trong một thời gian cải tổ triệt để hệ thống thi đấu, tổ chức nhân sự để mạnh dạn đưa các cầu thủ trẻ vào các cấp độ tuyển khác nhau thì đội tuyển chúng ta sẽ phải chấp nhận thua thiệt các đội tuyển khác một thời gian hay không?

Thông thường công luận chúng ta hay đòi hỏi trận nào tuyển cũng phải thắng, giải nào cũng phải vô địch, nếu không thắng hoặc không vô địch thì sẽ đối diện trước áp lực ghê gớm, thậm chí những giải giao hữu cũng phải thắng tất cả các trận, thua là hôm sau sẽ đối diện với loạt chê bai trên các báo. Có tài thánh thì mới thỏa mãn được 2 yêu cầu vừa nêu. Vì vậy, chúng tôi thảo luận với nhau và sẽ đưa ra công luận xin ý kiến liệu chúng ta có chấp nhận giải pháp giống Malaysia làm trước đây không?

* Anh Phước ơi. Cho em hỏi ngoài những niềm vui trong thể thao thì ngoài cuộc sống đời thường anh có niềm vui nào là lớn nhất. Hôm trước đọc báo em rất ấn tượng với hình ảnh của anh lúc anh ra chợ phụ mẹ bán thịt… lúc đó em thấy anh rất gần gũi và thân thiện, hì hì… (Phạm Xuân Hợp, binhminhtrenhanoi_64@…)

“Kỳ nhân” Hoàng Quý Phước trẻ trung tuổi 18 – Ảnh: Tiến Thành

VĐV Hoàng Quý Phước: Trong một tuần, anh chỉ được nghỉ ngày chủ nhật nên anh hay về nhà chơi cùng gia đình và phụ giúp thêm cho mẹ. Anh nghĩ niềm vui lớn nhất đối với anh là được gần gũi với những người thân trong gia đình.

* Tôi thắc mắc vì sao giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, hàng tấn công, tiền đạo chủ yếu là cầu thủ ngoại, nhưng khi đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia lại sử dụng toàn bộ cầu thủ nội. Cách làm bóng đá này phải chăng đã đẩy lùi bóng đá Việt Nam? Bằng chứng là SEA Games 26, đội tuyển U23 không tìm ra cầu thủ đá tiền đạo! (đoàn thanh liêm, 35 tuổi, thanhliemtla@gmail.com)

Ông Trịnh Minh Huế: Đất nước Tây Ban Nha, Ý, Anh, Đức đều thuê cầu thủ nước ngoài ở các CLB nhưng ĐTQG họ toàn vô địch và đứng top đầu thế giới. Như vậy rõ ràng khâu đào tạo của chúng ta không có con người. Nếu ta đào tạo được con người như họ thì cạnh tranh với họ. Chúng ta đang đào tạo những cầu thủ không đủ cạnh tranh với cầu thủ ngoại nên họ chiếm mất vị trí của ta. Có cầu thủ ngoại để chúng ta học tập, tranh chấp với họ chứ nếu không có họ cầu thủ VN lại không có người mà học tập.

Vì sao Indonesia, Malaysia cầu thủ ngoại không tranh chấp được với họ vì cầu thủ nội được đào tạo, xây dựng tốt.

* Xin được hỏi kế hoạch sắp tới của Quang Liêm là gì? Những bài học mà bạn đã rút ra được từ SEA Games này là gì? (Hoàng Sa, 25t, hoangsa.vo@…)

VĐV Lê Quang Liêm: Trong năm nay, Liêm còn thi đấu giải Đại hội thể thao trí tuệ vào tháng 12 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm 2012 Liêm cũng sẽ tham dự nhiều giải quốc tế với mục đích tích lũy hệ số ELO, cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng thế giới. Qua SEA Games lần này, Liêm có thêm tự tin và kinh nghiệm cho những giải đấu sắp tới.

* Tại sao bóng đá Việt Nam lại thảm hại đến như vậy? Các ông nghĩ như thế nào về câu nói: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”? (Nguyễn Minh Sơn, 44 tuổi, nmsonvkskg@…)

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến – Ảnh: Thanh Đạm

Cựu cầu thủ Trần Minh Chiến: Câu này thì chỉ đúng với bóng đá VN hồi xưa chứ bây giờ hoàn toàn không phải như vậy. Khi mà bóng đá VN hiện nay đã xây nhà từ móng, điển hình như Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), Hoàng Anh Gia Lai, Viettel… Đây là những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ từ những lứa tuổi còn rất nhỏ. Hy vọng một vài năm nữa những trung tâm này sẽ sản sinh ra những thế hệ cầu thủ có chất lượng cho bóng đá Việt Nam.

Khi đã khoác lên mình chiếc áo VN và đại diện cho hàng triệu người hâm mộ, thì VĐV ở bất kỳ môn nào cũng phải có nghĩa vụ thi đấu hết sức mình, dù thành công hay thất bại cũng là đã cố hết sức mình cho vinh quang của Tổ quốc. Nếu không làm được điều đó thì VĐV không xứng đáng được đại diện cho quốc gia nữa.

* Liêm thân mến, là một đại kiện tướng cờ vua, anh có xem bóng đá không? Anh nghĩ gì khi có nhiều VĐV bóng đá không thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo mà họ được nhận mức thù lao cao ngất? Anh có buồn vì sự chênh lệnh này không? (Minh Tâm, 29 tuổi, tamminh@yhaoo…)

VĐV Lê Quang Liêm: Liêm thích bóng đá, tuy không thể dành được nhiều thời gian để xem. SEA Games vừa qua, Liêm cũng rất buồn khi thấy đội tuyển VN thất bại trên đất Indonesia.

Liêm nghĩ rằng sự chênh lệch về thu nhập giữa bóng đá và các môn thể thao khác là điều không tránh khỏi và xảy ra ở tất cả mọi nơi trên thế giới, do sự yêu thích và quan tâm của quần chúng và của giới truyền thông là khác nhau.

Tuy nhiên, khi đã khoác lên mình chiếc áo VN và đại diện cho hàng triệu người hâm mộ, thì VĐV ở bất kỳ môn nào cũng phải có nghĩa vụ thi đấu hết sức mình, dù thành công hay thất bại cũng là đã cố hết sức mình cho vinh quang của Tổ quốc. Nếu không làm được điều đó thì VĐV không xứng đáng được đại diện cho quốc gia nữa. Liêm nghĩ rằng, ở bất kỳ môn thể thao nào, nếu VĐV thi đấu tốt và đạt đỉnh cao đều sẽ nhận được sự ghi nhận, sẻ chia xứng đáng từ xã hội.

* Kính gởi ông Lê Hùng Dũng. Làm quản lý của LĐBĐVN nhiều năm hình như trước SEA Games 22, thất bại của đội bóng đá U 23 lần này, ông có thấy trách nhiệm của mình. Để xảy ra tiêu cực ở Phillipines và bây giờ người hâm mộ đang nghi ngờ việc bán độ của U23, ông và những người lãnh đạo ngành thể thao nước nhà thấy thế nào? Ông và các lãnh đạo có nghĩ đến việc từ chức không, vì không hoàn thành trách nhiệm mà người dân giao phó? Ông có hổ thẹn khi nhìn đội bóng U 23 đá bạc nhược trong trận gặp Myamar tranh huy chương đồng không? Ông treo thưởng cao có thấy tác dụng tích cực không? Cảm ơn ông! (Nguyễn Tiến Sanh, 56 tuổi, tiensanh_nguyen@…)

Ông Lê Hùng Dũng: Mọi việc phê phán báo chí đã nói đầy đủ tôi không nhắc lại ở đây, có cái đúng, có cái còn đòi xác minh, ví dụ như việc cầu thủ bán độ, không thể kết luận bán độ chỉ dựa vào suy luận cảm tính. Các nhà làm luật đã nói cho đến lúc trước khi tòa án kết tội người bị truy tố vẫn chưa bị xem là có tội.

Vì vậy, muốn khẳng định các cầu thủ có bán độ hay không, không thể chỉ dựa vào công luận và cảm tính mà phải dựa vào kết luận của cơ quan điều tra và sau đó là phán quyết của tòa án. Chúng tôi sẽ làm rõ có hay không có nghi án bán độ. Khi có kết luận làm rõ lúc đấy chúng tôi sẽ quyết định có nên từ chức hay không và ai sẽ từ chức.

Từ chức đối với tôi thì dễ thôi. Nếu công luận và cơ quan lãnh đạo lên tiếng, tôi sẽ từ chức ngay một cách hết sức thanh thản, nhẹ nhàng vì mình đã chấm dứt được một trách nhiệm nặng nề phải cáng đáng bấy lâu nay.  

* Đội bóng đá Việt Nam thi đấu rất tệ. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu nhiều người nói là bán độ, do cầu thủ, do huấn luyện viên. Vậy theo chuyên môn của các bác đoàn thể thao bóng đá nước ta chơi rất tệ là do đâu. Hay là do đội hình của mình chưa hoàn thiện, và chưa hoàn thiện ở điểm nào, cách khắc phục ra sao? phạm hoàng ân, 23 tuổi, soibang000@…)

Ông Trịnh Minh Huế: Về việc bán độ: Cầu thủ của chúng ta đá trong nước và đấu nước ngoài đã từng có bán độ, riêng đội U23 đấu SEA Games 26 chắc chắn không có bán độ bởi 2 lý do:

Thứ nhất, tất cả mọi người và cầu thủ đều biết chuyên môn của U23 hiện nay rất giới hạn và người làm chuyên môn có giới hạn thì rất khó nghĩ đến chuyện bán độ;

Thứ hai, nếu họ hoàn thành nhiệm vụ, họ được thưởng đến 22 tỉ đồng, số tiền này vượt qua bất kỳ người nào định mua độ bởi không ai mua độ lớn với đội đá kém như vậy.

Giải pháp tôi đưa ra với U23 VN hiện nay là giữa VFF và các giám đốc chuyên môn của đội bóng phải thống nhất định hướng xây dựng nền bóng đá VN theo hướng nào và cái này phải thông qua hệ thống bóng đá từ thấp lên cao. Làm như vậy chúng ta mới tìm được người đá theo hướng nào chứ hiện nay CLB và cầu thủ VN đá tự do không theo hướng nào, ai thích đá thế nào thì đá.

* Với những thành tích của Phước tại SEA Games 26 vừa qua, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn đã hài lòng với thành tích mà bạn đã đạt được chưa?(Hoàng Long, 20 tuổi, danhviet.jsc@…)

VĐV Hoàng Quý Phước: SEA Games vừa qua em rất hài lòng về thành tích của mình. Không phải hài lòng là vì số huy chương em đạt được mà là vì thành tích đấy đã vượt quá chính bản thân em, và đó chính là sự đền đáp xứng đáng cho những ngày tháng tập luyện vừa qua của em và các đồng đội.

* Chào Quý Phước, đã có rất nhiều VĐV VN trở nên nổi tiếng qua các kỳ SEA Games nhưng sau đó lại trượt dài trong hào quang của sự nổi tiếng đó. Em nghĩ thế nào? Có khi nào em để mình rơi vào tình trạng như thế không vì em còn rất trẻ? (Trịnh Vũ Minh, 35 tuổi, trinh_vu_minh@…)

VĐV Hoàng Quý Phước: Em rất ý thức được chuyện này, em vẫn là em, em sẽ luôn phải biết mình là ai. Ngoài ra, em cũng được các thầy cô quan tâm và nhắc nhở nhiều về điều này nên em nghĩ mình sẽ không rơi vào tình trạng như vậy.

————–

Cám ơn các khách mời đã cùng Tuổi Trẻ Online phân tích những bài học rút ra từ SEA Games 26 và chia sẻ những suy nghĩ của mình về thể thao nước nhà. Cám ơn bạn đọc đã quan tâm và đặt câu hỏi giao lưu. Xin hẹn lại trong cuộc giao lưu khác trên Tuổi Trẻ Online.

TTO

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.