Ảo làm tan vỡ thật

TT – Lợi ích của Internet thì khó ai có thể phủ nhận, thế nhưng không ít người phải tan cửa nát nhà do đã mê đắm thế giới ấy…

Ảo làm tan vỡ thật


Chị C.M.T. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có một gia đình êm ấm với hai con trai kháu khỉnh, chồng thành đạt trong giới kinh doanh tài chính, bản thân chị cũng giỏi giang, xinh đẹp.

Người yêu chì chiết, bạn chat tung hô

“Việc ai đó nghiện chat dẫn tới ngoại tình thể hiện sự rối loạn kiểm soát xung động, hoặc có yếu tố khiếm khuyết sức khỏe tâm lý”

PGS.BS NGUYỄN VĂN THỌ

Sóng gió ập đến mái ấm của chị từ khi chồng chị biết đến một trang mạng xã hội dành cho những người muốn tìm kiếm bạn, giao lưu. Anh bị cuốn hút vào những nhân vật không biết rõ thật hư. Chat qua lại một thời gian, anh đâm ra nghiện thế giới ảo ấy lúc nào chẳng hay. Chị cho biết ban đầu anh chỉ chat cho vui. Nhưng bẵng một thời gian dài, chồng chị không chỉ đơn thuần chat, tìm bạn cho vui mà là hẹn hò thật. Từ việc hẹn hò người này sang người khác, anh có tình nhân, mua nhà, sắm xe cho họ.

Trường hợp của N.N.Nguyên (Vũng Tàu) lại khác, Nguyên biết đến Internet khi còn là học sinh phổ thông. Ban đầu chỉ là chơi game với các bạn cùng xóm, chơi lâu đâm ra ghiền, có ngày chơi đến 19 tiếng. Không chỉ chơi game, Nguyên còn mê chat. Nguyên lên các forum chat làm quen, xin địa chỉ, số điện thoại. Có lần người Nguyên quen qua mạng tìm đến nhà. Cảm giác bất ngờ khiến Nguyên rất thích thú với việc chat làm quen này. Từ việc người khác đến tìm mình, Nguyên muốn thử cảm giác khi tìm đến với người khác. Sự hồi hộp, chờ đợi càng khiến Nguyên mê mẩn.

Ban đầu chị T. không quan tâm việc chồng “chát chít”, chỉ nghĩ đó là thú vui giải trí. Chị luôn nghĩ chồng là người thành đạt, thông minh, không thể sa vào vũng lầy nào… Dần dà chị phát hoảng khi thấy chồng bỏ bê vợ con nên cố gắng kéo chồng về với gia đình thì đã muộn. Anh cho đó là thú vui và chơi rất nghiêm túc, công khai, cho mình được quyền và tự hào vì kiếm được người tình qua mạng. Việc cố gắng níu kéo khiến chị T. bị stress rồi chuyển sang trầm cảm và kết quả là ly hôn.

Còn với trường hợp của Nguyên, gia đình cố gắng thuyết phục, Nguyên cũng tạm xa dần thế giới ảo và vào TP.HCM học. Năm thứ nhất Nguyên có bạn gái, rất hạnh phúc, nhưng vẫn nghiện chat trong các trò chơi trực tuyến, rồi từ chat chuyển sang hẹn hò bên ngoài. Người yêu Nguyên nhiều lần giận hờn, khuyên nhủ đủ kiểu, song với Nguyên trò chuyện trên mạng như một món giải trí không thể bỏ. “Tôi yêu cô ấy, nhưng tôi vẫn nhớ bạn chat vì lúc ấy tôi thấy mình được tung hô, thoải mái nói điều mình thích, trong khi người yêu chỉ biết chì chiết mình” – Nguyên kể. Giờ Nguyên đã chia tay người yêu và vẫn không bỏ được việc chat, hẹn hò với những người quen trên mạng.

Can thiệp ra sao?

Theo PGS.BS Nguyễn Văn Thọ – viện trưởng Viện Tâm lý ứng dụng, người được xem là nghiện Internet khi sử dụng trung bình 38 giờ mỗi tuần cho những mục đích không liên quan đến học tập hay công việc, gây hậu quả tiêu cực. Trong đó 35% người nghiện Internet dành cho việc chat. Không ít người do quá say sưa với Internet, mối quan hệ hôn nhân và những mối quan hệ thân thiết khác bị phá vỡ. Để can thiệp với những trường hợp trên, chủ yếu bản thân người đó cần ý thức những việc mình làm sẽ gây ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh, đến cuộc sống, công việc, gia đình xã hội… thì việc trị liệu hoặc điều trị sẽ khả quan hơn. Nhưng nếu họ cho mình được quyền làm như vậy hoặc tự huyễn hoặc về những điều mình làm là đúng, thì khó ai có thể giúp họ.

Chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ chia sẻ người phụ nữ rất khó khăn trong việc đưa ra quyết định, hoặc chấp nhận người chồng nghiện chat, nghiện Internet, nhưng rút lui ở đây không phải thất bại mà là mở ra cho mình một con đường mới. Trường hợp chat để tìm hiểu nhau, theo bà Huệ, nếu không ảnh hưởng đến cuộc sống, có thể xem đó là một phần diễn tiến trước khi đi đến hôn nhân.

DIỆU NGUYỄN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.