Thị trưởng vùng sóng thần

TT – Thị trưởng thành phố Rikuzentakata (Nhật Bản) vừa phải gánh vác việc công, vừa phải “gà trống nuôi con” sau khi trận động đất và sóng thần năm ngoái cướp đi người vợ yêu quý của ông.

Thị trưởng vùng sóng thần

Thị trưởng Toba cứ nghĩ đến vợ là lại có động lực để “giỏi việc nước, đảm việc nhà” – Ảnh: AFP

Thành phố ven biển Rikuzentakata gần như bị xóa sổ khỏi bản đồ sau trận động đất và sóng thần ngày 11-3-2011. Thị trưởng thành phố, bị mất người vợ và giờ “gà trống nuôi con”, đang trở thành một hình ảnh dũng cảm khi phải vật lộn với bao khó khăn để xây dựng lại một cộng đồng đã bị tàn phá bởi thảm họa này.

Thị trưởng Futoshi Toba, 47 tuổi, thừa nhận đã có những tiến bộ trong gần năm qua, nhưng ông hiểu rõ trước mắt ông còn cả một con đường chiến đấu thật dài.

“Chúng tôi thật sự mới ở mức xuất phát trong cuộc chạy marathon tái thiết – ông thú nhận với nhà báo khi ngồi trong văn phòng của mình nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống những đổ nát ở cảng Rikuzentakata, phía đông bắc Nhật Bản.

2.300 người dân của thành phố này đã bị thiệt mạng sau trận động đất, sóng thần khổng lồ cách nay một năm, chiếm 10% trên tổng số nạn nhân của thảm họa này. 1/3 công chức của thành phố thiệt mạng và 90% các tòa nhà bị phá hủy. Trong nỗi đau chung này, bản thân ông cũng chia sẻ một nỗi niềm riêng.

Không thể cứu vợ

Chỉ vài phút trước khi thảm họa ập đến, ông Toba đã lên kế hoạch cho ngày cuối tuần cùng vợ con sau một tháng làm việc không nghỉ. Khi ấy, ông vừa lên giữ chức thị trưởng Rikuzentakata. Chiều 11-3, ông gọi cho Kumi vợ ông, gợi ý dẫn hai con nhỏ ra ngoài ăn thịt nướng. Bà Kumi hứa sẽ trả lời email lại cho chồng sớm. Ít phút sau đó, một trận động đất mạnh 9 độ Richter đã làm rung chuyển bờ biển phía đông nước Nhật, cắt đứt đường điện và điện thoại.

Sóng thần ập đến. Bức tường nước đen kịt cao hơn 12m vượt qua bức tường chắn sóng cao 6m và tràn vào thành phố. Ông Toba dẫn hàng chục công chức leo lên nóc của tòa thị chính cao bốn tầng. Nước biển dâng cao lên gần bằng nóc tòa nhà. Những ngôi nhà bị nước cuốn trôi ra biển. Những người bên trong những ngôi nhà ấy kêu gào thảm thiết. “Khi tôi nhìn về hướng nhà mình, tôi thấy nó đang bị nước cuốn đi – ông Toba nói – Tiếng ngôi nhà gỗ bị phá tan nghe rất lớn”.

Hai đứa con trai 10 và 12 tuổi của ông Toba khi ấy ở trên nóc trường học nên thoát nạn. Vợ ông ở nhà cả ngày đã không chạy thoát. Nhà ông gần sát biển. Ông Toba thú nhận lúc đó ông từng nghĩ đến việc bỏ mặc mọi người, nhảy lên xe phóng về nhà để cứu vợ nhưng ông đã không thể. Lúc đó ông hi vọng vợ mình có thể chạy thoát được.

Trường kỳ tái thiết

Trong các thảm họa quá khứ như trận động đất năm 1923 ở Tokyo và năm 1995 ở Kobe, Nhật Bản đã nhanh chóng được tái thiết. Thế nhưng, lần này tình hình ở Rikuzentakata và một số thành phố ven biển khác lại không được như vậy. Ngay cả trước khi thảm họa năm 2011 xảy ra, nhiều thanh niên đã bỏ thành phố ra đi kiếm đường mưu sinh, để lại nơi đây một nền công nghiệp chết dần chết mòn và dân số già nua.

Thảm họa ập đến, Rikuzentakata dường như khó hồi sinh. “Làm lãnh đạo trong tình thế này thật khó” – ông Toba tâm sự. Gửi con cho ông cậu trông giúp, vị thị trưởng miệt mài đấu tranh với những khó khăn để đưa cuộc sống ở Rikuzentakata trở lại bình thường. Không có nhà, những ngày tháng sau thảm họa ông phải ngủ nền sàn ngay bàn làm việc.

Rikuzentakata có một kế hoạch tái thiết sơ bộ, nhưng theo ông Toba, thiếu sự chỉ đạo từ Tokyo khiến mọi việc khó khăn hơn. “Nếu chính phủ tham gia công cuộc tái thiết thì họ phải có chỉ đạo rõ ràng. Còn không thì hãy để người dân địa phương quyết định” – ông Toba nói.

Ông Toba nói có một “hố ngăn cách” giữa chính quyền địa phương đang phải hằng ngày sống trong những vùng bị tàn phá với những chính trị gia ở thủ đô vốn đang bị sa lầy trong trò chơi quyền lực để thật sự hiểu nổi tình cảnh khốn đốn của những người dân gặp nạn. Ông cho rằng những lục đục trong đảng cầm quyền đã làm chậm các quyết định của chính phủ trong việc tái thiết. Các khoản ngân sách đặc biệt được đưa ra hồi các tháng 5, 7 và 11 năm ngoái là 14.000 tỉ yen (khoảng 172 tỉ USD) nhưng đến hết tháng 1 năm nay chỉ có khoảng 55% số tiền này được sử dụng.

Ông trách cứ cựu thủ tướng Naoto Kan là đã ngăn cản mọi quyết định tái thiết khi cứ cố bám víu lấy quyền lực dù đã chẳng còn chút uy tín nào. Ông cũng nặng lời với Thủ tướng Yoshihiko Noda về việc ông cứ lưỡng lự mua hay không mua đất ở các vùng bị sóng thần để xây đê chắn, bước khởi đầu quan trọng để thúc đẩy công cuộc tái thiết.

Giờ đây thị trưởng Toba bắt đầu để râu cằm và thề sẽ không cạo chừng nào Rikuzentakata còn chưa bước đi trên con đường tái thiết. Ông tâm sự cảnh “gà trống nuôi con” cộng với việc làm một thị trưởng thật sự khó khăn nhưng cứ nghĩ đến vợ là ông lại có động lực để cố gắng.

“Cô ấy đang phù hộ cho tôi. Tất cả những gì tôi có thể làm cho cô ấy là tái thiết thành phố này và nuôi nấng hai đứa con nên người. Tôi hứa như vậy” – ông nói.

VIỆT PHƯƠNG
(Theo AFP, Wall Street Journal)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.