Để làm cho sếp vui, cười, thoải mái, hoan hỉ thì hãy “tấn công” vào con sếp – chị Hương ở quận Ba Đình- Hà Nội tiết lộ.
Gần Tết, những chuyện bi hài về quà tặng sếp lại chuẩn bị diễn ra. “Muốn lấy lòng sếp, ngoài cái phong bì như một sự đương nhiên, chẳng có chiêu nào tuyệt hơn mua quà tặng con sếp”, chị Hương tiết lộ.
Tết là dịp “bôi trơn” các mối quan hệ. Nhưng cách thức “bôi trơn” thế nào để không thô thiển như việc chỉ tặng “phong bì” đang làm đau đầu những người cần đi cầu cạnh. Quà “đô la” giải quyết những việc thuộc về vật chất, nhưng để làm cho sếp vui, cười, thoải mái, hoan hỉ thì hãy “tấn công” vào con sếp – chị Hương ở quận Ba Đình- Hà Nội tiết lộ.
Ảnh minh họa
Sau nhiều ngày suy nghĩ, đi “trưng cầu” dân ý – mấy bà hay buôn chuyện ở cơ quan, gọi điện thăm dò vợ sếp xem cháu học hành thế nào, chị Hương đã nghĩ ra tuyệt chiêu: đăng ký khóa học tiếng Anh 350 đô la ở một trung tâm tiếng Anh xịn ở Hà Nội. Con sếp học lớp 8, đang có nhu cầu học tiếng Anh gấp để lớp 10 đi học Singapore cho gần nhà.
Gọi điện ướm hỏi vợ sếp, chị Hương nở mặt, nở mày khi biết tin: “Ông nhà tôi cứ khen cô Hương chu đáo, biết chọn nơi học tốt nhất cho cháu, nhà tôi bận quá, cũng mấy lần định đi hỏi chỗ học cho con mà chưa có thời gian. Còn cháu nó bảo Trung tâm ngoại ngữ đó tốt nhất thành phố đấy”.
Anh Tuấn ở thành phố Huế bật mí câu chuyện của mình: Là chủ doanh nghiệp tư nhân, dĩ nhiên phải cầu cạnh ngân hàng để vay tiền, vì thế phải lấy lòng một sếp to to ở ngân hàng. Nát óc nghĩ mấy ngày, anh quyết định mua con iPhone 4 để tặng con sếp. Thằng con lớn của sếp đỗ đại học năm vừa rồi, mới được ba mạ tặng con xe Piagio. Hôm trước đến nhà chơi, cu cậu cứ lải nhải: Ba mạ bắt con dùng Nokia nhưng con thích “ăn Táo” cơ (ám chỉ điện thoại iPhone của hãng Apple- Quả táo)
“Thằng bé thế mà khôn, đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, dùng iPhone giờ tiện đủ đường, rất đẳng cấp”- anh Tuấn nói với vợ sếp. “Chiếc điện thoại này em đã cài đặt các trò game phi bạo lực, các loại chương trình nghe nói, video học tiếng Anh, từ điển tiếng Anh. Cầm chiếc điện thoại là cầm kho kiến thức và giải trí trong tay. Anh chị yên tâm, em đảm bảo là cháu nó sẽ không thèm bước chân tới quán net chơi game bạo lực nữa, cũng khỏi phải đi học ngoại ngữ luôn”.
Khỏi phải nói, niềm vui rạng ngời của con sếp đã lan tỏa ra cha mẹ chúng như thế nào.
Những đứa trẻ trong gia đình có bố mẹ “làm quan” nếu không cẩn thận, dễ bị hư hơn những đứa trẻ khác, vì chúng cũng sớm tiếp xúc với việc được người khác nịnh nọt- một nhà tâm lý chia sẻ.
Nếu những món quà được tặng một cách vô tư, có lẽ lũ trẻ sẽ có niềm vui vô hạn, nhưng nếu chúng biết chúng được tặng vì bố mẹ “làm to” thì sẽ sinh ra tâm lý tự đề cao mình rất lớn, cho rằng mình bé nhưng cũng được “phục vụ” chu đáo.
Bé Lan Anh, mới học lớp 2, có bố làm chức khá to ở một doanh nghiệp. Mỗi lần đến cơ quan bố, cô bé phải trả lời mỏi miệng những câu hỏi của các nhân viên dưới quyền bố như: “Cháu thích ăn gì, chơi gì, mặc gì, búp bê hay gấu bông, thích đọc sách gì?” Mẹ Lan Anh tủm tỉm cười khi cháu nói: “Con không thích đến cơ quan bố nữa đâu, con phải trả lời nhiều câu mỏi hết cả miệng. Con cũng không thích nhận quà từ các cô chú ấy đâu mẹ”.
Theo Vietnamnet
Source: Zing