Phiên tòa gây tranh cãi ở Indonesia

TT – Kết thúc phiên tòa kéo dài bốn tháng qua, Tòa án Indonesia ngày 20-1 đã tuyên 7 năm tù giam đối với nhân viên thuế vụ Gayus Tambunan, phạt 300 triệu rupiah (33.170 USD), thấp hơn nhiều so với 20 năm tù mà bên công tố đề nghị.

Phiên tòa gây tranh cãi ở Indonesia

>> Xem bản tin tiếng Anh

Vụ án Gayus Tambunan được coi là gây tranh cãi nhất tại Indonesia trong năm 2010, vì sự coi thường pháp luật của bị cáo – một nhân viên thuế vụ cấp thấp – và nguy cơ hàng loạt quan chức cấp cao khác tham nhũng sẽ phải lộ diện nếu Gayus tiết lộ thêm những tình tiết động trời như đã tuyên bố.

Gayus Tambunan tại phiên tòa ở Jakarta ngày 19-1  – Ảnh: AP

Những người tham dự phiên tòa đã lập tức phản đối bản án và coi phán quyết được nhiều người trông đợi này là sự thụt lùi ở Indonesia. Liệu có hay không chuyện kết án nhẹ để mua sự im lặng của bị cáo? Bên công tố ngay lập tức tuyên bố sẽ kháng nghị, trong khi bị cáo Gayus dường như hài lòng: “Tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của hội đồng thẩm phán do chánh án Albertina Ho chủ trì vì đã đưa ra kết luận công bằng, đối ngược hẳn với những công tố viên mù quáng đã yêu cầu bản án 20 năm đối với tôi chỉ vì mục đích trả thù” – Gayus cho các phóng viên biết sau phiên tòa tại quận Nam Jakarta. Ông này còn khẳng định phán quyết đã không bị ảnh hưởng bởi những bên cố tình tạo dư luận, “cứ như tôi là kẻ thù số 1 của công chúng”.

Theo Jakarta Globe, tội danh mà tòa cáo buộc ông Gayus là hối lộ thẩm phán, lực lượng thi hành pháp luật để tha bổng ông tại phiên tòa đầu tiên ở Tangerang vào tháng 3-2009. Sau phiên tòa đó, các công tố viên đã loại bỏ những cáo buộc nghiêm trọng với Gayus như tội rửa tiền, tham nhũng, chỉ để lại tội “tí teo” là biển thủ khoản tiền nho nhỏ nhưng không hề đả động gì tới các tài khoản ngân hàng khổng lồ trị giá 28 tỉ rupiah của ông này. Tòa án Nam Jakarta cáo buộc ông Gayus lạm dụng chức vụ để có những ưu đãi về thuế cho Công ty hải sản Surya Alam Tunggal và thực hiện hoàn thuế cho công ty khiến nhà nước mất 570 triệu rupiah.

Thẩm phán Albertina giải thích bản án đưa ra dựa trên những gì đề cập trong cáo trạng và được chứng minh tại phiên tòa. Trong khi những tình tiết giảm nhẹ mà Gayus có là chưa có tiền án tiền sự, có con nhỏ phải chăm sóc, lại còn trẻ nên biết đâu sẽ thay đổi suy nghĩ sau khi mãn hạn tù. Trong khi đó, chuyên gia về luật hình sự tại ĐH Indonesia, Hasril Hertanto cho rằng tay chân các thẩm phán đã bị “trói chặt”. “Họ chỉ có thể tập trung vào những gì được bên công tố đưa ra. Nếu bên công tố xác định được khối tài sản khồng lồ kia ở đâu ra thì có thể Gayus đã phải nhận bản án cao hơn nhiều”.

Emerson Yuntho, phó chủ tịch Cơ quan theo dõi chống tham nhũng của Indonesia (ICW), nhắc nhở dư luận cần quan tâm tới việc cảnh sát đang tiếp tục điều tra các công ty đã hối lộ Gayus ra sao để có được ưu đãi đặc biệt về thuế. Theo ông, cảnh sát nên trao toàn bộ điều tra cho Ủy ban chống tham nhũng của Indonesia (KPK) là tốt nhất, vì rõ ràng lực lượng cảnh sát đã không thể xử được tận gốc, tâm điểm vụ tham nhũng quy mô rộng hiện nay, mà chỉ lờn vờn bên ngoài.

Bị cáo Gayus đã khai tại các phiên điều trần trước là bỏ túi 35 tỉ rupiah từ ba công ty của Tập đoàn Bakrie Group thuộc sở hữu của gia đình Aburizal Bakrie – chủ tịch Đảng Golkar đầy quyền lực (đảng chính trị lớn thứ 2 ở Indonesia) – để giúp họ trốn thuế. Ấy vậy mà cảnh sát lại không hề động chạm gì tới ba công ty đó. Donal Fariz của ICW cho rằng vụ án Gayus chỉ là phần nổi của tảng băng: “Cái chúng ta cần nhìn nhận rõ là Gayus chỉ là một con tép riu trong một mạng lưới mafia lớn. Tôi tin rằng còn chuyện to hơn nữa đang bị ỉm đi”.

Quả là vụ án này còn nhiều mặt khuất tất. Dư luận choáng váng trước sự nhởn nhơ và liều lĩnh của Gayus ngay khi pháp luật đã sờ gáy. Ông này đội tóc giả, hóa trang tham gia một loạt sự kiện (trong đó có giải quần vợt ở Bali), dùng hộ chiếu giả đi tới khắp nơi như Quảng Châu, Macau, Singapore, trong khi đáng lý phải ngồi trong trại tạm giam để chờ ra tòa. Trong khi Gayus thừa nhận mình hối lộ và nhận hối lộ, sự ngạo mạn của ông ta đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc ai chống lưng để cho Gayus làm liều.

Trước những bức xúc lớn của dư luận, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã phải lên tiếng yêu cầu điều tra tất cả mọi ngóc ngách của vụ việc. Tham nhũng đang trở thành nguy cơ nghiêm trọng đối với quyền được điều hành của ông Yudhoyono, người đã tái đắc cử vào tháng 4-2009 nhờ lời hứa mạnh tay trong chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Việc Gayus thừa nhận có tội, đồng thời khai ra tên các công ty đầy quyền lực cùng các doanh nhân và chính trị gia nổi tiếng tham gia mạng lưới tội phạm của mình khiến người dân Indonesia bối rối: Gayus tuyên bố mình chỉ là vật tế thần, còn luật sư của ông này tuyên bố Gayus sẽ tiếp tục tiết lộ những danh tánh khác trong vụ án, và khẳng định lực lượng cảnh sát, văn phòng trưởng công tố đều xấu xa cả, chỉ có người dân là bị lừa thôi.

KHỔNG LOAN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.