TTC – “Bác sĩ ơi, liệu có để cho em sinh liền được không, chứ con em là gái mà đẻ năm Cọp thì khổ thân nó lắm!” – sản phụ N. dù đang nhăn nhó chuyển dạ đêm Giao thừa, nhưng cũng ráng năn nỉ, khiến cả bác sĩ lẫn nữ hộ sinh bệnh viện H (TP.HCM) không nhịn được cười…
“Bể bầu” đêm Giao thừa
Cười ra nước mắt
Chị N. có chồng là con trai duy nhất và là cháu đích tôn của cả dòng họ. “Mẹ chồng em bắt em bằng mọi giá phải sinh trước Giao thừa, nếu không muốn bị mọi người không nhìn mặt” – chị tâm sự với bác sĩ. Hỏi ra mới biết gia đình chồng chị N. muốn có đứa cháu trai, nhưng chẳng may chị đang mang bầu một cô con gái, nên mẹ chồng kiên quyết: “Đã con gái mà tuổi con Cọp thì ai thèm rước!”.
Đúng 23 giờ đêm Giao thừa, anh chồng thất thểu đi qua đi lại khi bác sĩ thông báo “chưa thể sinh được”, trong khi mẹ anh liên tục điện thoại thúc ép. “Dạ sinh rồi, con gái đẹp và giống như mẹ ngày xưa vậy!”- Anh chồng đành nói dối qua điện thoại. Bác sĩ thương tình, đành ghi giờ sinh là 22g30 – thay vì 1 giờ sáng như thực tế – khi hai vợ chồng năn nỉ trong nước mắt.
Buổi sáng mồng 1 Tết, ông bà nội tất tả từ Cần Giờ lên, vừa bế cháu trong lòng vừa khoe với những sản phụ trong phòng: “Cháu tui sinh trước Giao thừa nên mới đẹp gái như vầy, chứ mang tuổi Cọp thì mất mặt lắm!”. Các bác sĩ biết chuyện, chỉ tủm tỉm cười nhìn gia đình họ hạnh phúc.
Né ngày rằm, mồng 1
Bác sĩ Thu (bệnh viện T, quận 1) kể: Mấy cụ già xưa hay quen miệng câu: “Trai mồng một, gái hôm rằm/ Nuôi thì nuôi được nhưng căm trong lòng” nên rất ít muốn cho con dâu hay con gái mình sinh sau giờ Giao thừa, vì sợ khó nuôi. Cũng vì vậy mới có những ca đẻ đêm Giao thừa dở khóc dở cười.
Chị Liên nhà ở Q.Tân Bình (TP.HCM) được bác sĩ chẩn đoán sẽ sinh sau Tết 1 tuần. Do đó, chị đồng ý để chồng đi công tác nước ngoài trong dịp Tết. Cũng tranh thủ xả hơi trước ngày “lâm bồn”, đêm 30 chị định đón Giao thừa cùng mấy cô bạn thân ở nhà bạn. Chẳng may đêm đó, chị đau bụng dữ dội, nhưng cũng không nghĩ đến chuyện sắp sinh cho đến khi thấy dấu hiệu muốn ăn Tết sớm của cậu con trai trong bụng.
Mẹ chị hay tin, vội chạy vô bệnh viện gặp bác sĩ xin được mổ sớm để tránh đứa cháu ra đời ngày mồng 1, trong khi bà mẹ trẻ vẫn hồn nhiên vừa rên vừa nói: “Con ơi đừng ra vội…” vì sợ phải đón Tết trong bệnh viện. Không được bác sĩ đồng ý cho sinh mổ, bà mẹ vừa vuốt bụng con gái vừa giục: “Ráng đi cháu, ráng ra sớm để mẹ mày nuôi đỡ cực”. Cũng may, thằng bé (chắc thông cảm cho bà ngoại nó) nên kịp chui ra trước Giao thừa chỉ vài phút.
Trường hợp của chị Liên không phải quá cá biệt, vì không ít bà mẹ chẳng may sinh sớm hơn ngoài dự kiến, để cả gia đình thay vì sum họp đón Giao thừa thì kéo nhau vào bệnh viện nuôi đẻ.
Đã tham gia trực Giao thừa gần chục lần, nhưng câu chuyện xảy ra cách đây 7 năm khiến bác sĩ Thu không thể nào quên. Cả ê-kíp chuẩn bị nghe pháo hoa đón Giao thừa thì một anh tài xế taxi hớt hải chạy đến: “Bác sĩ ơi sắp sinh, hình như đầu ló ra rồi!”, rồi chỉ tay về chiếc xe của mình. Mọi người chạy ra thì thấy một sản phụ đang có dấu hiệu sinh con, nên chuyển ngay vào phòng sinh.
Ca sinh xong, bác sĩ hỏi thăm sản phụ mới biết hai vợ chồng đang mải lo… chơi game online mà không để ý đến dấu hiệu sắp sinh. Đến lúc đau quá chịu không nổi cô nàng mới la làng khiến anh chồng hốt hoảng gọi taxi đưa đến bệnh viện.
Khi mẹ tròn con vuông, cô gái mới 19 tuổi lần đầu tiên làm mẹ vẫn không khỏi ngạc nhiên: “Sao chưa đến ngày mà sinh được vậy bác sĩ?” và thòng thêm câu: “Khi nào cháu được về nhà đón Tết?”. Anh chồng cũng chỉ lớn hơn vợ 1 tuổi, tóc nhuộm màu xanh đỏ, mặt non choẹt đi qua đi lại cằn nhằn: “Sinh lúc nào không sinh, nhằm ngay Giao thừa rồi Tết này còn chơi được gì nữa!”.
PHI LONG
Tuổi Trẻ Cười số 421 (01-02-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Source: Báo Tuổi Trẻ