TTO – Cách đây một tháng cô giáo cho con trai tôi làm bài viết tập làm văn ở nhà với đề bài: “Thuyết minh về một trò chơi dân gian ngày tết”. Khi ấy, thằng bé thật sự rất lúng túng.
Bài dự thi tùy bút Xuân hoài hương
Ai gọi Ông Ầm, ai kêu Ba Bụng…
Hội bài chòi làng Thanh Thủy Chánh nhìn từ trên cao – ảnh tư liệu |
Xưa nay nó chỉ biết có những trò chơi online, hay đi chơi cùng bạn ở công viên thiếu nhi, cùng lắm là vào khu giải trí trong siêu thị, làm sao nó biết được trò chơi dân gian ngày tết là thế nào. Chỉ có tôi, đọc đề văn ấy, tự nhiên bao nhiêu kí ức tuổi thơ bỗng ùa về.
Ngày ấy, tôi và những đứa trẻ cùng làng luôn háo hức chờ đến tết. Chúng tôi đếm từng ngày, khoe với nhau mẹ đã mua cho mình đồ tết đẹp như thế nào và còn bàn tính với nhau đủ thứ. Trong số dự định ấy, không thể thiếu việc chúng tôi hẹn với nhau để cùng chơi bài chòi ngày tết. Trước đó, chúng tôi đã đến tận nơi để xem các cụ già dựng chòi. Những căn chòi bằng tre nhà các cụ mang cho làng, lá dừa cũng xin trong các xóm. Cả tuần chuẩn bị mới xong được chín cái chòi chắc chắn có thể chứa đến bảy đứa cỡ như tôi.
Hội bài chòi bắt đầu từ sáng mồng hai làm chúng tôi đứa nào cũng sốt ruột đợi cho chóng qua ngày mồng một. Chúng tôi đến sân chợ từ rất sớm, vậy mà, cũng có những tốp ở xóm khác đến sớm hơn. Càng đông người chơi càng hào hứng.
Tiếng mõ tre rộn ràng trên các chòi trước khi anh Hiệu cất lên tiếng hô. Khỏi phải nói, khi ấy chúng tôi vui như thế nào mỗi lần chòi của mình giật được phần thưởng. Cả chòi rung chuyển, có đứa nhảy cẫng lên phất cờ sung sướng. Lũ trẻ chúng tôi chơi bài chòi không quan trọng chuyện thắng thua vì thật ra phần thưởng cũng chỉ có giá trị tinh thần là chính.
Nhưng điều quan trọng hơn, bài chòi đối với lũ trẻ thôn quê khi ấy là những ngày tết thật vui và náo nhiệt, được hồi hộp chờ đợi, được sung sướng, được ôm nhau, bá vai bá cổ mà rung lắc lư trên cái chòi nhỏ, tay cầm lá cờ giấy đỏ hình tam giác tha hồ ma phất. Cảm giác đó chúng tôi phải chờ cả năm mới có được.
Tôi còn thuộc lòng đến tận bây giờ những câu hô vần vè đầy hóm hỉnh của anh Hiệu: “Vai mang túi bạc kè kè/ Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm…Ông Ầm ơi là Ầm Ông!”, “Chồng nằm chính giữa/ Hai vợ hai bên/ Lấy chiếu đắp lên/ Gọi là Ba Bụng… Bớ Ba Bụng!”…
Bài văn thuyết minh của con trai với sự trợ giúp của tôi được cô giáo cho 9 điểm kèm lời phê: “Bài viết sinh động, tỉ mỉ và giàu cảm xúc!”. Con trai tôi sau đó nhất quyết đòi tôi tết này phải dẫn nó về quê một chuyến để được chơi trò hô bài chòi…
Làng quê của tôi đây! Lâu lắm rồi còn gì! Lúa xuân đang độ cấy xanh non, cây cầu dừa đã được bê tông hóa. Xóm chợ ngày xưa lụp xụp trong kí ức, giờ thay bằng những ngôi nhà khang trang. Ngày tết ở quê cũng thật nhộn nhịp. Đám thanh niên tụ tập nhau tán chuyện rôm rả trong quán cà phê nhạc trẻ xập xình. Quán internet gần nhà mẹ tôi cũng đông nghịt lũ nhóc.
“Bà ơi! Chơi hô bài chòi ở đâu vậy bà?”, thằng con tôi hỏi nội sau khi nó líu lo chúc tết và được nhận lì xì. “-Tết nay không có bài chòi con à!”. Mẹ nhìn tôi, giọng trầm lắng: “- Mấy cụ ngày xưa biết hô bài chòi mất cả rồi. Lớp trẻ bận rộn làm ăn, đâu còn ai dựng chòi, làm thẻ, viết câu vè như ngày xưa nữa… Hội người cao tuổi trong xã định sang năm sẽ cố gắng đứng ra tổ chức lại để có sân chơi cho các cháu.”
Tự nhiên một cảm xúc buồn trong tôi thật khó tả. Ngày xưa của tôi ơi! Về với quê mà lại thấy “thiếu quê hương” một chút. Sang năm, phải rồi, nhất định tôi sẽ về quê sớm để cùng dựng chòi, viết lại câu vè, thậm chí có thể làm anh Hiệu nếu cần. Tôi không thể thất hứa mãi để con tôi và lũ trẻ chỉ biết trò hô bài chòi qua những lời kể được…
TRẦN QUANG VIỆT
Cuộc thi Tùy bút Xuân Hoài Hương diễn ra trên chuyên trang tuoitre.vn/Thiviet/Xuan-hoai-huong-2011. Mỗi bạn đọc được quyền tham gia nhiều bài viết, mỗi bài không quá 800 chữ, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu. Bài dự thi được viết bằng tiếng Việt có dấu, kiểu Unicode. Bài dự thi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi tùy bút Xuân hoài hương. Thời gian nhận bài dự thi: từ nay đến hết ngày 7-2-2011 (mồng 5 Tết Nguyên đán Tân Mão). Đối tượng dự thi: tất cả bạn đọc của báo Tuổi Trẻ (ngoại trừ cán bộ công nhân viên của đơn vị tài trợ và báo Tuổi Trẻ). Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 33 triệu đồng, với: – Giải nhất (một giải): 7.000.000 đồng – Giải nhì (hai giải): 5.000.000 đồng/giải – Giải ba (hai giải): 3.000.000 đồng/giải – Giải khuyến khích (mười giải): 1.000.000 đồng/giải. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 do Tuổi Trẻ Online tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). |
Source: Báo Tuổi Trẻ