Vị ngọt hương quê

TTO –  Sáng trong lúc phụ mẹ bỏ mứt mãng cầu vào lọ, tôi buột miệng nói: “Mẹ, tự nhiên con thèm bánh tráng ngọt quá”. Mẹ bảo: “Ừ. Ở Sài Gòn, mẹ không thấy ai bán. Con gọi điện thoại về dưới nhờ bà Sáu đổ cho”. Tôi cười lắc đầu: “Dạ thôi, con nói vậy thôi, chứ đổ có mấy cái mắc công bà Sáu phải ngâm gạo, rồi xay gạo. Lắm thứ nhiêu khê”.

Bài dự thi tùy bút Xuân hoài hương

Vị ngọt hương quê

Rộn ràng nghề làm bánh tráng cuối năm – ảnh: truong a ung

“Về dưới” là gọi điện thoại về quê tôi – một tỉnh miền Tây. Nhớ lúc tôi còn bé, những ngày giáp tết, Mẹ và mấy dì tôi vẫn hay làm đủ loại mứt tết, gói bánh tét, đổ bánh tráng. Năm nào cũng vậy, khoảng một hai ngày sau khi đưa ông Táo về trời, mẹ thường chèo xuồng chở anh em tôi vô nhà dì Chín để làm bánh.

Bầu trời buổi sáng mùa xuân trong veo và mát dịu. Anh em tôi nằm dài trên miếng ván xuồng, đầu gối hờ lên bao gạo mà mẹ chở theo, tranh thủ dọc đường đi, gửi lại nhà máy xay sát lúa để chà bóng. Miệng hai đứa tranh nhau đếm những cụm mây mang hình thù bầy cừu con lông trắng xù lững lờ bay theo xuồng chúng tôi. Thỉnh thoảng một đàn én liệng ngang, rồi chao cánh xuống đớp nước. Buổi sớm, con sông vắng, chỉ nghe tiếng rột rẹt của máy chèo cọ vào thành xuồng và tiếng nước vỗ ộp oạp.

Nhà dì Chín những ngày đấy đông vui như hội. Mấy dì bà con của tôi sống xung quanh hầu như đều tập trung lại. Mỗi người góp một tay chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh tét, đổ bánh tráng, làm mứt tết. Người lo phần rọc, rửa lá chuối. Người lo nạo và vắt nước dừa. Người rút nếp, xào nếp. Người xây bột gạo. Luộc chuối. Ướp thịt mỡ… Tiếng cười nói vang cả một khoảng sân.

Lũ con nít chúng tôi được một ngày thỏa sức chạy nhảy, nô đùa. Anh chị em họ lâu ngày gặp nhau nên bày đủ mọi trò chơi trên trời dưới đất. Thỉnh thoảng mấy dì lại gọi vào phát cho những mẫu dừa tươi hay những miếng mộng dừa vàng ươm béo ngậy. Những miếng chuối ngào đường ngọt lịm đầu môi. Những ca nước dừa mát lạnh nơi cổ…

Và có lẽ, mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được món bánh ướt ngọt giản dị nhưng đầy ắp hương vị dân dã quê nghèo thuở ấu thơ.

Bánh ướt ngọt là phần bánh các dì làm riêng cho lũ con nít chúng tôi trong quá trình đổ bánh tráng. Khi lớp bánh mỏng dính màu ngà vẫn còn nóng hổi vừa được dì Bảy khéo léo lấy ra từ xửng tráng được trải lên mâm, thì dì Tư liền rải lên một lớp đậu xanh bóc vỏ đã được nấu chín cùng với những sợi dừa non bào nhuyễn, rắc lên đó tí đậu phộng rang giã nhừ, sau đó dì nhanh tay cuộn tròn bánh lại giống như người ta vẫn cuốn bánh cuốn.

Da bánh mỏng nhìn rõ từng sợi dừa, từng hạt đậu. Vị ngọt thanh thanh của lớp bánh tráng còn ướt quyện với vị béo của dừa, vị bùi của đậu xanh, vị thơm của đậu phộng rang, cả thảy tạo nên một vị ngon khó tả, khiến lũ con nít chúng tôi ngốn ngấu, ăn xong liếm mép thèm thuồng, nhõng nhẽo đòi thêm.

Gần tối, khi những đòn bánh tét đầy đặn vẫn còn tươi rói màu xanh ươm của lá chuối, những xấp bánh tráng đã gần như khô sau khi phơi qua một lớp nắng tết vàng ươm, những keo mứt chùm ruột, mứt dừa… tất cả được xếp gọn gàng cho từng gia đình là lúc anh em chúng tôi theo mẹ về nhà.

Để rồi đêm đó, những nồi bánh tét lại đỏ lửa bập bùng lên ở từng gia đình nhỏ.

Có lần, mẹ giao ba tôi và tôi thức canh nồi bánh tét. Không hẹn mà cả ba tôi và tôi cùng ngáy pho pho, đến khi Mẹ phát hiện thì nồi bánh đã cạn khô nước. Năm đấy, chúng tôi được thưởng thức hương vị bánh tét “vừa chớm khét”.

Giờ đây mọi thứ đã trở thành xa vợi. Dì Chín không còn. Anh chị em họ mỗi người một phương tứ tán. Thức ăn, bánh tét, mứt tết có sẵn ở siêu thị….

Nhưng cái vị ngọt hương quê khắc ghi trong ký ức khó mà tìm lại được!

NGUYỄN TRƯƠNG BẢO NGỌC (TP.HCM) 

Cuộc thi Tùy bút Xuân Hoài Hương diễn ra trên chuyên trang tuoitre.vn/Thiviet/Xuan-hoai-huong-2011.

Mỗi bạn đọc được quyền tham gia nhiều bài viết, mỗi bài không quá 800 chữ, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu. Bài dự thi được viết bằng tiếng Việt có dấu, kiểu Unicode.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi tùy bút Xuân hoài hương.

Thời gian nhận bài dự thi: từ nay đến hết ngày 7-2-2011 (mồng 5 Tết Nguyên đán Tân Mão).

Đối tượng dự thi: tất cả bạn đọc của báo Tuổi Trẻ (ngoại trừ cán bộ công nhân viên của đơn vị tài trợ và báo Tuổi Trẻ).

Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 33 triệu đồng, với:

– Giải nhất (một giải): 7.000.000 đồng

– Giải nhì (hai giải): 5.000.000 đồng/giải

– Giải ba (hai giải): 3.000.000 đồng/giải        

– Giải khuyến khích (mười giải): 1.000.000 đồng/giải.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 do Tuổi Trẻ Online tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.