RAM & card màn hình – cô nàng đỏng đảnh

CPU, mainboard, RAM và card màn hình là những linh kiện quan trọng trong máy tính. Tuy nhiên, những bộ phận này thường xảy ra trục trặc. Sau đây là một số thông tin giúp người dùng máy tính “chữa bệnh” cho RAM và card màn hình.

RAM – mảnh mai nhưng khó tính

 

Theo các nhân viên kỹ thuật, triệu chứng đầu tiên khi RAM bị lỗi (chủ yếu là lỗi vật lý về chip và biến đổi hình dạng trong khi cắm hoặc do nhiệt độ môi trường quá cao…) là màn hình máy tính thường xuất hiện những bệnh phổ biến như: màn hình xanh kèm theo những thông báo lỗi, CPU không phát ra tín hiệu hoặc phát những tín hiệu bất thường trong khi khởi động; nếu đang sử dụng thì thường xuyên treo máy, liên tục bị Restart cho dù chạy những ứng dụng nhẹ nhất như gõ văn bản hay chơi game mini…

 

Khi gặp những hiện tượng này, việc đầu tiên mà người sử dụng có thể làm được là tháo thanh RAM ra khỏi máy, vệ sinh thanh RAM và khe cắm RAM, sau đó khởi động máy trở lại. Chú ý, khi rút thanh RAM, phải rút thẳng để chân thanh RAM không bị lệch và khi cắm thanh RAM vào mainboard phải cắm thật chặt.

 

Dù không phải là những trục trặc kỹ thuật, nhưng nguyên tắc chia sẻ dung lượng RAM cho card màn hình đã làm nhiều người sử dụng máy tính hoang mang. Không ít trường hợp khi kiểm tra dung lượng RAM trong System Information được báo: bộ nhớ “trị giá 256 MB (Total Physical Memory) nhưng trong “sổ sách” System Properties chỉ còn lại 192 MB. Trong Notebook Maximizer cũng báo Usable Physical Memory: 192 MB.

 

Nguyên nhân của sự “mất mát” dung lượng trên là do card màn hình đang sử dụng là loại onboard. Với chênh lệch 64 MB qua thông báo của Total Physical Memory và System Properties chính là sự chia sẻ bộ nhớ từ RAM cho card màn hình. Nếu gặp trường hợp này, người sử dụng máy hoàn toàn yên tâm vì máy không có vấn đề gì, chỉ là sự chia sẻ cho “đồng nghiệp” card màn hình mà thôi. Để điều chỉnh sự chia sẻ này, có thể vào trong CMOS để thực hiện.

 

Trong các linh kiện thì RAM là linh kiện dễ lắp đặt nhất, chỉ cần cắm vào mainboard, khởi động lại máy là máy tự nhận RAM và chạy! Nhưng trên thực tế lại có nhiều trường hợp không phải vậy. Khi lắp đặt RAM vào máy, nếu mainboard chỉ hỗ trợ bus của RAM tới giới hạn cho phép thì dù bus của RAM có cao đến mấy khi kiểm tra trên CMOS sẽ không bao giờ thấy được bus chính xác của RAM. Hoặc trong trường hợp bus của hai thanh RAM không đồng bộ, tương thích thì bus của thanh RAM nào nhanh hơn sẽ được mainboard nhận trước và chỉ nhận duy nhất bus của thanh RAM này. Trong trường hợp này cũng tính đến khả năng là do Bios của mainboard chưa được cập nhật phiên bản mới để mainboard hỗ trợ. Để mainboard nhận đủ và đúng RAM thì phải cập nhật phiên bản mới cho Bios. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra RAM bằng cách cắm chặt RAM vào khe vì lỗi này cũng dễ dẫn đến những hiện tượng trên.

 

Không ít người sử dụng máy có thói quen gắn nhiều thanh RAM sẽ làm cho máy chạy nhanh hơn! Thói quen trên vừa tốn tiền mà tốc độ và chất lượng xử lý của máy cũng không cải thiện được chút nào, chưa kể có nhiều trường hợp cắm quá nhiều thanh RAM làm hệ thống máy tê liệt! Trước khi nâng cấp RAM cho máy, người sử dụng cần biết mainboard hỗ trợ tối đa dung lượng RAM là bao nhiêu và dòng mainboard đó phù hợp với loại RAM nào, DDRAM hay SDRAM… Trước khi quyết định nâng cấp RAM, người sử dụng máy có thể liên hệ với các nhân viên kỹ thuật nhờ kiểm tra mainboard và tư vấn cụ thể.

 

Card màn hình – nên chọn card rời

 

Qua thống kê, lỗi xuất hiện nhiều nhất của card VGA là lỗi vật lý và lỗi không đáp ứng yêu cầu của một số ứng dụng như chơi game, chạy các chương trình đồ hoạ “nặng ký” như Auto CAD, Photoshop, Corell…

 

Với lỗi vật lý, nói một cách đơn giản là card VGA đã bị hỏng thì trên màn hình máy tính xuất hiện nhiều sọc ngang, màn hình không hiện ra giao diện Windows; còn với lỗi khe cắm bị gãy chân thì mainboard không nhận card màn hình… Với những lỗi vật lý thì cách duy nhất là thay card mới vì không thể nào khắc phục được. Chú ý, khi thay card VGA mới, nếu người sử dụng không biết cách cài đặt driver thì máy sẽ không nhận ra card hoặc nếu nhận ra thì nhận cũng không đủ như: card VGA có dung lượng là 64MB, hỗ trợ 4X sẽ còn lại là 32MB và 2X. Cách khắc phục lỗi này chỉ còn  cách duy nhất là remove driver cũ và cài đặt lại driver mới cho card.

 

Ngoài những lỗi vật lý nêu trên, với card VGA còn tồn tại một căn bệnh phổ biến là không đáp ứng được yêu cầu của một số chương trình như chơi game hay chạy các ứng dụng như AutoCAD hay Corell dẫn đến hiện tượng màn hình bị giật, rung, có nhiều khả năng thoát ra khỏi chương trình đang sử dụng hoặc chạy chậm. Lỗi này trước hết thuộc về người tiêu dùng: cấu hình máy tính yếu nhưng lại sử dụng những chức năng cao cấp.

 

Với các game cao cấp đang phổ biến hiện nay như Fifa 2005, Warcraft…, ngoài việc chọn CPU và RAM có tốc độ và dung lượng cao, thì card VGA ít nhất có dung lượng từ 64 MB trở lên mới làm hình không bị giật (nên nhờ thêm vào sự hỗ trợ của các phần mềm hỗ trợ chơi game như Direct X).

 

Ngoài ra, khi chọn máy để chơi game hay chạy các chương trình nêu trên thì không nên chọn card VGA onboard trên mainboard mà nên chọn những cấu hình máy có mainboard hỗ trợ card VGA rời ít nhất từ 4X trở lên. Để card VGA hoạt động ổn định, mà cụ thể là card VGA rời, sau một thời gian sử dụng, nên chú ý tới việc vệ sinh card bằng cách tháo card, lau chùi sạch sẽ các khe cắm, sau đó cắm lại. Chú ý, khi vệ sinh card nên rút máy ra khỏi ổ cắm điện để tránh trường hợp từ trường từ bàn tay con người làm ảnh hưởng đến CPU và mainboard. Không nên tăng độ phân giải của màn hình quá cao, dẫn đến card VGA không đáp ứng độ phân giải đó cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng màn hình bị đen.

Theo Sài Gòn tiếp thị

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.