Chọn hướng nào để phát triển sự nghiệp?

Ảnh: abc.net.au

Chọn hướng nào để phát triển sự nghiệp?

TTO – * Tôi 26 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành CNTT vào đầu năm 2008. Sau khi ra trường, tôi làm việc cho một công ty phần mềm nước ngoài với vị trí nhân viên kiểm thử/kiểm tra chất lượng phần mềm được 2 năm.

Từ tháng 3-2010 tôi nghỉ việc và đến nay vẫn đang tìm việc làm mới. Tôi quyết định theo ngành kiểm thử phần mềm và đã đi học khóa kiểm thử phần mềm, ôn lại mảng lập trình…

Hồ sơ của tôi cũng được khá nhiều công ty phần mềm quan tâm, tuy nhiên tới vòng phỏng vấn thì tôi luôn bị đánh rớt vì lý do: công ty tôi làm là một công ty châu Âu, đa quốc gia với trên 1.000 nhân viên nhưng lại làm một nhánh riêng trong lĩnh vực phần mềm là game, trong khi các công ty ở Việt Nam chuyên về test trang web, test các phần mềm lớn, kế toán, quản lý, nhân sự…

Xin cho tôi lời khuyên nên làm gì và chuẩn bị những gì cho sự nghiệp sắp tới: Chấp nhận bỏ 2 năm kinh nghiệm, không ghi vào CV? Theo đuổi lĩnh vực phần cứng và quản trị mạng (lĩnh vực yêu thích của tôi thời đi học)? Học lại, làm lại từ đầu một ngành kinh tế? Hoặc làm lao động phổ thông?

(hungmt@…)

– Chào bạn. Để có thể tư vấn bạn một cách hiệu quả nhất, chúng tôi đã tham khảo qua hồ sơ của bạn trên VietnamWorks (ứng tuyển cho vị trí kiểm thử phần mềm, được cập nhật mới nhất vào 11-2-2011). Một điểm có thể nhìn thấy ngay là hồ sơ của bạn khá đầy đủ thông tin ở tất cả các phần chính. Tuy nhiên, có một số góp ý chúng tôi muốn chia sẻ với bạn để hồ sơ thuyết phục nhà tuyển dụng hơn.

Kinh nghiệm chuyên môn: Để hồ sơ nổi bật hơn giữa trăm ngàn hồ sơ khác, bạn cần trình bày chuyên sâu và cụ thể hơn, ví dụ: số lượng những dự án (projects) bạn đã thực hiện trong quá trình làm việc, độ lớn và độ phức tạp của chúng? Bạn đã hiểu và áp dụng kiến thức đã học (khóa học kiểm thử phần mềm) vào công việc như thế nào? Hãy nhấn mạnh đến bất kỳ thành tích bạn đã đạt được ở các công ty cũ.

Tránh trình bày những kinh nghiệm không liên quan đến công việc ứng tuyển, bởi chúng không những không giúp bạn gia tăng cơ hội trúng tuyển vào công việc mong muốn mà còn khiến nhà tuyển dụng đặt một dấu chấm hỏi về định hướng phát triển nghề nghiệp của bạn.

– Thay vì trình bày mức lương mong muốn cụ thể vào hồ sơ tìm việc, bạn nên để trống hoặc đề “thỏa thuận/thương lượng”. Bởi nếu mức lương bạn mong muốn quá cao hoặc quá thấp so với mức lương nhà tuyển dụng có thể chi trả cho bạn, nhà tuyển dụng cũng sẽ quan ngại về năng lực cũng như sự phù hợp của bạn so với yêu cầu của họ. Tốt hơn hết, bạn nên trình bày mức lương mong muốn trong buổi phỏng vấn khi nhà tuyển dụng hỏi đến và sau khi đã chứng minh được thực lực bản thân.

–  Bổ sung các kỹ năng mềm cần thiết trong công việc mà bạn đã tích lũy được như: giao tiếp, thuyết trình, phân tích – giải quyết vấn đề, làm việc nhóm/cá nhân… để tăng sức thuyết phục cho hồ sơ.

Về thư tìm việc, hãy đề cập đến khóa học kiểm thử phần mềm bạn đã tham gia, các kiến thức bạn đã tích lũy được trong thư; đồng thời thể hiện nguyện vọng muốn gắn bó và phát triển bản thân trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm.

Hồ sơ và thư tìm việc là phương tiện đầu tiên thay bạn tiếp cận nhà tuyển dụng. Hãy trình bày sao cho nhà tuyển dụng nhấc ngay điện thoại lên và gọi cho bạn sau khi xem xét hồ sơ.

Tuy nhiên một hồ sơ hoàn chỉnh vẫn chưa đủ để nhà tuyển dụng “gật đầu” tuyển bạn vào công việc mơ ước. Hãy lưu ý đến buổi phỏng vấn – đây là dịp để bạn chứng minh mình là ứng viên phù hợp nhất mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Bạn cần xác định nhà tuyển dụng mong muốn gì ở vị trí này. Từ đó, bạn chỉ nên trình bày những điểm phù hợp nhất (ví dụ, thay vì tập trung vào kinh nghiệm test game, bạn nên tập trung chứng minh kinh nghiệm của bạn có điểm nào phù hợp và ứng dụng được vào test phần mềm). Luôn nhớ rằng, mục đích của nhà tuyển dụng là tìm kiếm những ứng viên có thể hoàn thành tốt công việc được giao.

– Bạn có năng lực, bạn hoàn toàn phù hợp, song nhà tuyển dụng vẫn không tuyển bạn? Câu trả lời nằm ở kỹ năng phỏng vấn của bạn. Hãy xem xét đến kỹ năng truyền đạt thông tin, sự tự tin, cách ứng xử – trả lời của bạn… Bạn có thể tham khảo các bí quyết phỏng vấn hữu ích tại trang Tư vấn của Việc Làm Online, trang Tư vấn nghề nghiệp của VietnamWorks và thử phỏng vấn với người quen để rút tỉa kinh nghiệm.

Bạn đã liệt kê khá nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai của bản thân. Song đâu là hướng đi bạn mơ ước? Đâu là hướng đi phù hợp với sở trường cũng như tính cách của bạn? Đó là công việc quản trị mạng hay kiểm thử phần mềm? Điều này thật sự rất quan trọng, bởi một công việc phù hợp nhất sẽ duy trì năng lượng giúp bạn vượt qua những khó khăn trong nghề và nhanh chóng thành công. Hãy cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định bạn nhé.

– Với công việc quản trị mạng, bạn có thể bắt đầu với công việc có yêu cầu tương đối thấp trước (để “nâng cấp” kiến thức) với mức lương mong muốn phù hợp (do bạn chưa có nhiều kinh nghiệm).

– Với công việc kiểm thử phần mềm: so với test game, test trang web/các phần mềm lớn, kế toán, quản lý, nhân sự… có quy mô rộng hơn, kỹ thuật và công nghệ biến đổi nhanh hơn, nên trước tiên, bạn có thể bắt đầu với các công việc có yêu cầu test phần mềm đơn giản (chưa chuyên sâu) trước để tích lũy kinh nghiệm.

Về kinh tế, đây là lĩnh vực khá rộng và có rất nhiều dạng công việc khác nhau. Bạn nên cân nhắc kỹ nếu muốn phát triển theo lĩnh vực này (liệu có phù hợp với tính cách, sở trường và sở thích bản thân?).

Những ưu điểm về tiếng Anh cũng như kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đã tích lũy, thiết nghĩ với sự tự tin và phương thức tìm việc phù hợp, không có lý do gì bạn phải từ bỏ tất cả kinh nghiệm hay làm lao động phổ thông. Hãy kiên trì tìm việc trên nhiều kênh: website, báo chí và cả người quen để gia tăng cơ hội tìm việc.

Bạn sở hữu một bộ hồ sơ thuyết phục, rèn luyện các kỹ năng phỏng vấn cơ bản, cộng với sự tự tin và một chút may mắn, chắc chắn công việc mơ ước sẽ nằm trọn trong tầm tay bạn!

NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT
(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks)

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc… bạn đọc gửi về chương trình “Tư vấn việc làm” tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.