TTCT – Chồng tôi làm ngành điện nhưng anh có nghề tay trái là nghề mộc. Hôm qua, đứa em họ tôi là một giáo viên cấp II mới nhận nhiệm sở tại thành phố tới chơi và nhờ cậy: “Anh làm cho em cây thước gỗ thật đẹp nha”. Rồi em tả: “Thước gỗ bản to, dày khoảng 2cm, dài 1m”. “Để đánh học sinh à?” – chồng tôi đùa. “Không, để gõ thôi. Bây giờ người ta cấm đánh học trò mà”.
Câu chuyện giáo dục
Người thầy và cây thước gỗ
Em kể giáo viên trong trường ai cũng có một cây thước. Lớp ồn, giáo viên gõ rầm một cái như sấm xuống bàn: “Im lặng nè”, rồi kèm theo những bình luận như: “Định làm chợ chồm hổm à?”, “Có lỗ tai không đấy?”. Thấy em tôi không có thước, nhiều đồng nghiệp thương tình bảo ban: ”Em phải mua một cây thước. Với lại, chớ có hiền với chúng nó, chúng nó được đằng chân lân đằng đầu đấy. Học sinh bây giờ kinh lắm, không biết vâng lời đâu”.
Có lẽ em tôi cũng như nhiều giáo viên hiện nay cho rằng cần phải đào tạo một lớp trẻ “biết vâng lời”, và vâng lời càng nhiều thì càng được đánh giá tốt về đạo đức.
Thời gian làm tư vấn tâm lý tại một trường cấp II, tôi đã được sự viếng thăm của một số giáo viên lâu năm trong nghề: “Cô góp ý xem, chị (anh) có nên nghỉ dạy không. Chán quá, học sinh bây giờ không biết vâng lời. Chán kinh khủng, biểu gì cũng không nghe”. Tôi rụt rè hỏi: “Thế cách đây 10 năm hay 15 năm, học sinh có vậy không?”. “À, không đâu. Trước đây học sinh ngoan hơn rất nhiều. Không biết tại sao nữa”. Tôi chỉ có thể nói rằng thời nay học sinh đã khác rồi, một lớp trẻ “biết vâng lời” dần không còn nữa.
Theo quá trình công nghiệp hóa, các gia đình hạt nhân chỉ gồm cha mẹ và con cái trở nên phổ biến, tự do cá nhân được tôn vinh, trẻ nhỏ dần dần mang một tư duy phản biện khá cao. Ở trẻ cấp II, III, tuổi vị thành niên và đang tập làm người lớn, trẻ càng trở nên “khó bảo” hơn khi thế giới của chúng rộng mở nhờ Internet, truyền hình và nhiều kênh truyền thông khác. Trong điều kiện đó, cách dạy của người thầy cần khác đi, không thể thao thao kiểu một chiều nữa vì như thế có khi chỉ phản tác dụng.
Cách dạy hiệu quả hơn có lẽ là để học sinh tham gia quá trình học, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và thảo luận. Giáo viên là người điều phối chương trình học, một chất xúc tác, một quyền năng không thể nhìn thấy. Không thể nói ngay “em đã sai rồi” mà là khuyến khích các em tư duy tiếp. Giáo viên cũng không nên ngại ngần khi có những vấn đề mình chưa kịp nhớ ra hay chưa kịp nghiên cứu kỹ. Hãy cùng các em đào sâu và tìm hiểu để cùng tiến gần đến thực tiễn. Không mớm cho các em thứ thức ăn xay sẵn mà tập các em ăn cơm hột, tự nhai lấy. Giúp các em học với các trò chơi sắm vai, làm nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà hùng biện, đạo diễn…
Giáo viên sẽ làm nhiệm vụ sau cùng, bổ sung cho các em những vấn đề các em chưa hiểu thấu đáo, giúp học sinh mở rộng tầm nhìn và gút lại vấn đề khi các cuộc thảo luận đã kết thúc. Vị trí của giáo viên không cao xa vời vợi nhưng lại vô cùng quan trọng. Giáo viên trong kiểu giáo dục chủ động này cần một thái độ làm việc cực kỳ nghiêm cẩn, một số hiểu biết về tâm lý lứa tuổi cùng một số kỹ năng điều phối hoạt động nhóm.
Để có một lớp trẻ độc lập suy nghĩ, tự tin và năng động, để thầy và trò không có một khoảng cách thế hệ, cũng không còn mâu thuẫn thế hệ, ở giữa họ chắc chắn không nên là cây thước gỗ…
BẢO NHI
Source: Báo Tuổi Trẻ