Chắp vá và tẻ nhạt

TTCT – Cả ngàn tỉ đồng đầu tư cũng không giúp các trung tâm văn hóa huyện, nhà văn hóa xã tại đồng bằng sông Cửu Long trở nên hấp dẫn, thu hút người dân. Trái lại, ngày một xót xa trước cảnh tượng bỏ hoang, xuống cấp…

Chuyên đề: Bỏ hoang nhà văn hóa xã, huyện ở đồng bằng sông Cửu Long

Chắp vá và tẻ nhạt

Nhà văn hóa xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) bị xuống cấp, bỏ hoang từ nhiều năm nay, thường được dùng làm nơi phơi lúa – Ảnh: Đức Vịnh

Đi dọc từ Đồng Tháp, An Giang đến Kiên Giang, ở đâu cũng hiện rõ cảnh đìu hiu, vắng lạnh, tạm bợ của các trung tâm văn hóa (TTVH), nhà văn hóa (NVH) xã – những công trình được đầu tư tiền tỉ.

Từ trung tâm văn hóa chắp vá…

TTVH huyện Châu Thành (Đồng Tháp) hiện là bãi đất trống đầy cỏ dại. Những hạng mục chính đã bị tháo dỡ, chỉ còn lại sân khấu lộ thiên cùng vài thiết bị gỉ sét nằm rải rác. Tiêu tốn tới 3 tỉ đồng kinh phí xây dựng trên khu đất rộng hàng hecta vào năm 2003, nhưng từ ấy đến nay TTVH này vẫn chỉ là nơi dành cho đám trẻ kéo nhau đến đá bóng và thả bò. “Do cách xa khu vực dân cư nên cơ sở hoạt động không hiệu quả. Chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư một TTVH mới ở nơi khác”- ông Mai Văn Nhàn, phó chủ tịch UBND huyện, cho hay.

Còn ở ngay giữa khu phố thị sầm uất với cơ ngơi bề thế, nhiều năm nay TTVH thị xã Hồng Ngự cũng luôn trong cảnh… trống vắng. Khối nhà chính tường nứt từng mảng loang lổ, bêtông bong tróc để lộ sắt thép hoen gỉ; trên lầu các thiết bị, bàn ghế phục vụ hư hỏng bám đầy bụi bẩn do bị bỏ hoang lâu ngày. Các gian phục vụ trò chơi thiếu nhi quanh đấy cũng ọp ẹp, không được tu sửa bởi thường xuyên không hoạt động.

Ông Nguyễn Minh Phước, trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT&DL Đồng Tháp, cho biết không chỉ hầu hết TTVH huyện thị mà ngay cả TTVH tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. “Mỗi kỳ lễ mới tổ chức hoạt động văn nghệ, tuyên truyền, thời gian còn lại mặt bằng chủ yếu cho tư nhân thuê làm dịch vụ trò chơi thiếu nhi. Chỉ có vậy, lượng người đến xem cũng ít lắm”, ông Phước nói.

Tại Cà Mau, TTVH xã Khánh An, huyện U Minh từ ngày xây dựng xong đến nay cũng bỏ hoang. Nhìn quanh chỉ thấy hai khối nhà chính là khu văn hóa và khu thể thao với nhiều cửa kính bị vỡ nằm chơ vơ giữa bãi cỏ năn, lau sậy um tùm. “Lúc xây dựng người dân phấn khởi lắm, tưởng rằng có nơi sinh hoạt giải trí. Nào ngờ làm xong rồi cứ đóng cửa im ỉm” – anh Lê Văn Mộng, một người dân ở gần đó, bức xúc.

Ông Trần Công Đằng – trưởng Phòng VH-TT&DL huyện U Minh – cho biết đây là một trong những trung tâm “kiểu mẫu” có kinh phí xây dựng tới 7 tỉ đồng, hiện đã bàn giao cho xã Khánh An quản lý song “chưa hoạt động vì… bên ngoài thấy bề thế chứ bên trong chưa có bàn ghế, trang thiết bị gì hết”.

TTVH huyện Châu Thành (Kiên Giang) được đưa vào sử dụng đã tám năm nay nhưng “nó được xây lên cho có chứ có hoạt động gì đâu. Hằng ngày đi ngang qua đều thấy vắng hoe. Hồi nào tới giờ tụi tui chưa hề đặt chân vào”, nhiều người dân quanh đó cho biết. Ông Lê Hữu Di – giám đốc trung tâm – cũng nhìn nhận nơi đây buồn hiu do “xây dựng chưa hoàn thiện và đồng bộ”. Những sự kiện văn hóa lớn của huyện như hội thi, hội diễn văn nghệ, hoạt động tuyên truyền… không diễn ra tại đây mà thường thuê mặt bằng ở thị trấn Châu Thành.

“Tổ chức tại đây không có ai xem có lẽ vì ở xa khu dân cư”, ông Di nói. Tuy vậy, trung tâm này lại đang được đầu tư thêm hơn 1 tỉ đồng để sơn lại cổng chào, sửa hàng rào, làm lại sân…

Hơn chục TTVH các huyện thị ở An Giang đều có mặt bằng rộng nhưng cơ sở vật chất nơi nào cũng tạm bợ, chắp vá. Ông Trương Bá Trạng – trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT&DL An Giang – cho biết nhiều TTVH tận dụng lại cơ sở vật chất cũ của đơn vị khác, nếu có đầu tư mới thì đều xây dựng tạm.

TTVH huyện Tri Tôn vốn là nhà hát cũ đã xuống cấp nặng, cả tòa nhà lầu khá bề thế chỉ tận dụng được khu làm việc hành chính, sân khấu, hội trường và một số phòng từ lâu đã không thể sử dụng. Có cơ sở vật chất khá nhất là TTVH TP Long Xuyên, song từ năm 2009 UBND TP đã trưng dụng làm trụ sở hành chính. Kể từ đó các khu phục vụ sinh hoạt, trò chơi phải tháo dỡ, xếp xó…

Nhà văn hóa xã Bình Mỹ, Châu Phú đầu tư xây dựng khá quy mô, bề thế nhưng nằm khuất ngoài đồng nên rất ít người tới. Phòng chức năng có 11 máy vi tính nhưng nhiều cái đã hỏng – Ảnh: Đức Vịnh

Đến nhà văn hóa xã đìu hiu

Trong khi toàn tỉnh Đồng Tháp mới có một NVH xã do thiếu cả kinh phí đầu tư lẫn quỹ đất thì An Giang đã xây xong 62 NVH xã từ gần chục năm trước, chủ yếu bằng ngân sách địa phương với định mức 300 triệu đồng/NVH. Phần lớn đều được xây dựng theo kiểu nhà cấp bốn, diện tích chưa tới 100m2, không có các phòng chức năng, phòng làm việc khá chật chội. “Nói là NVH chứ thực chất chỉ là những sân khấu ngoài trời có mái che” – ThS Nguyễn Văn Lữ, giám đốc TTVH thông tin tỉnh, thừa nhận.

Huyện Thoại Sơn (An Giang) có tới 13 NVH xã, hầu hết là những sân khấu ngoài trời với khung sắt tiền chế, mái tôn, phòng nào cũng chật. NVH xã Bình Hòa, huyện Châu Thành nằm kề trụ sở UBND xã chỉ là một sân khấu ngoài trời gỉ sét mà lãnh đạo xã nói rằng “xuống cấp đã lâu nhưng chưa có kinh phí sửa chữa”. Vỏ là vậy, ruột cũng không hơn gì. Nhiều NVH xã thiếu bàn ghế, thư viện không có, đến nhạc cụ cũng phải đi mượn.

Sóc Trăng có 79/95 xã đã xây dựng NVH, mỗi NVH có mức đầu tư 600-900 triệu đồng (giai đoạn 2006-2008), từ 1,4-2 tỉ đồng (từ năm 2008 đến nay) song phần lớn được sử dụng cho mục đích khác. NVH xã Viên An, huyện Trần Đề mới xây hồi tháng 7-2010 nhưng thềm cửa lún sụp, tường đầy vết nứt, các phòng chức năng trống hoác.

Anh Trần Văn Quân, chủ nhiệm NVH, ta thán: “Chưa sử dụng được vì bị thấm dột, hễ trời mưa là ngập. Sách, báo, bàn ghế đều chưa có”. Vì vậy, NVH chủ yếu để UBND xã hội họp hoặc cho doanh nghiệp thuê. Ông Quách Ngọc Tài, giám đốc TTVH huyện, cho biết tám NVH xã trong huyện chủ yếu dành để xã tổ chức hội họp, làm việc. Người dân vùng này phần lớn là đồng bào Khmer – thường sinh hoạt văn hóa tại các chùa.

Ở An Giang, câu chuyện sử dụng NVH xã cũng không mấy khác. Nơi dùng làm văn phòng Đảng ủy xã, nơi lại thành trụ sở cho Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Ủy ban bảo vệ trẻ em, nơi bỏ hoang.

Nhà văn hóa thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn (An Giang) nằm trên bãi đất trống, thường đóng cửa im ỉm – Ảnh: Đức Vịnh

Có vỏ, thiếu ruột

Tuy được giao rất nhiều nhiệm vụ, từ phát triển phong trào văn nghệ quần chúng đến tổ chức hội thi, lễ hội văn hóa truyền thống ở địa phương, song hầu hết các TTVH huyện rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, hoạt động èo uột cầm chừng do kinh phí đầu tư thấp. “Ở An Giang, NVH xã mỗi năm chỉ được cấp 6-7 triệu đồng. Ngay cả số cán bộ văn hóa đã được đào tạo cũng thường xuyên biến động do xin chuyển công tác khác hay nghỉ việc bởi thu nhập quá thấp” – ông Trương Bá Trạng, trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh, cho hay.

Ông Trần Văn Mứng – trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Kiên Giang, không ngại ngần cho rằng các TTVH hay NVH chỉ mới đáp ứng phổ biến chủ trương, đường lối chính sách…, chưa làm tròn “vai chính” là đáp ứng nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hóa của người dân địa phương. Khi thông tin đã được cập nhật đến từng nhà bằng đủ loại phương tiện, với những hoạt động quá nghèo nàn, cũ kỹ, các TTVH lại càng bất lực trong việc thu hút người dân.

Những người có trách nhiệm đều hiểu rõ điều này. Ông Lâm Hoàng Viên – giám đốc TTVH tỉnh Sóc Trăng – cho rằng việc xây dựng NVH xã thời gian qua đã không tính đến các điều kiện như mật độ dân cư, cơ sở hạ tầng, phong tục tập quán, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng. Cái thì xa khu dân cư, cái lại xây sát trụ sở UBND với thiết kế công sở cứng nhắc. Cả tỉnh An Giang mới chỉ có 15 NVH kết hợp trung tâm học tập cộng đồng, mở các lớp dạy nghề, năng khiếu, thành lập câu lạc bộ văn nghệ, võ thuật. Còn lại, các NVH xã thường chỉ tổ chức hát với nhau… vài ba dịp mỗi năm.

Tiếp tục phát triển Nhà văn hóa các cấp trong 5 năm tới

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010 có tổng mức đầu tư trên 4.500 tỉ đồng. Trong đó:

– Hỗ trợ trang thiết bị cho NVH trung tâm cấp tỉnh 5.710 triệu đồng, NVH trung tâm cấp huyện 24.320 triệu đồng, NVH cấp xã 21.630 triệu đồng.

– Hỗ trợ xây dựng thiết chế NVH xã và 128 làng, bản 284.200 triệu đồng.

– Đào tạo cán bộ văn hóa xã 13.390 triệu đồng.

(Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL)

__________

Coi trọng tiềm năng, đặc điểm văn hóa của từng dân tộc

Mỗi địa phương, mỗi vùng đất đều có đặc thù riêng về tập quán, tín ngưỡng, lịch sử, thị hiếu, mỹ cảm… nhưng chúng ta đã bỏ quên những nét đặc trưng rất “bắt mắt” trực quan đó khiến hình thức các NVH chưa gắn liền với nội dung hoạt động, nhiều NVH giống như công sở. Chẳng hạn, mái đình làng của người Việt, mái chùa với góc nhọn đầu hồi tam giác trang trí hoa văn của dân tộc Khmer, nét uốn lượn trên mái ngói chùa rất ấn tượng của người Hoa… đều chưa được khai thác trong thiết kế.

Muốn thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, NVH cần tổ chức các loại hình sinh hoạt phù hợp, không cứng nhắc. Nếu như ở vùng nông thôn Nam bộ, người dân yêu thích tiếng đàn kìm, đàn guitar phím lõm mùi mẫn hay giọng ca cổ nhạc mượt mà thì nên đưa hoạt động đờn ca tài tử vào, tạo thành một nếp sinh hoạt đều đặn.

Người dân Khmer yêu thích múa hát tập thể thì chúng ta biến sân NVH thành nơi giao lưu sinh hoạt rộn ràng tiếng trống sadam và âm điệu nhịp nhàng của dàn nhạc ngũ âm… Người Hoa cũng có các đoàn hát, đội nhạc bát cấu, đội lân sư rồng… Mỗi nơi, mỗi dân tộc là một nét văn hóa riêng, nếu khai thác được hết những tinh hoa đó sẽ tạo cho NVH một sân chơi giải trí, vừa là nơi để tập dượt, biểu diễn vừa là điểm đến thưởng thức nghệ thuật “cây nhà lá vườn” của người dân trong vùng.

Như vậy, NVH mới đúng là một thiết chế văn hóa hữu dụng, giúp người dân nông thôn sau một ngày vất vả với ruộng vườn được gần gụi, hưởng thụ những sản phẩm văn hóa của chính mình, của cộng đồng làm ra. Khi ấy, NVH xã mới hoàn thành chức năng “ngày vui mắt, tối vui tai” để góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của quần chúng.

ThS HỒ VĂN HƯNG (hiệu trưởng Trường trung học VHNT Sóc Trăng)

__________

Chạy theo chỉ tiêu và hình thức

Gần như ta đang chạy theo chỉ tiêu là chỗ nào cũng có NVH nhưng lại hoạt động không đúng chức năng.

Theo tôi, xây NVH là cần thiết nhưng phải điều chỉnh cho NVH hoạt động đúng công năng, đúng ý nghĩa là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi lưu truyền và phát huy tinh hoa truyền thống dân tộc, nơi người dân được thỏa mãn nhu cầu tinh thần, hướng đến nét đẹp văn hóa, cái thiện. Ở đó có giáo dục, thông tin, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm sống thiết thực, có xây dựng lòng tương thân tương ái, có văn nghệ vui chơi giải trí, hát hò, câu lạc bộ, đờn ca tài tử… hấp dẫn sinh động.

Không có chỗ tập múa lân phục vụ lễ hội Quản cơ Thành (huyện Châu Phú, An Giang), nhóm thanh thiếu niên này phải tập bên lề đường – Ảnh: Đức Vịnh

Theo tôi, phải sửa việc tổ chức xây dựng NVH và tổ chức hoạt động đời sống văn hóa bởi hiện nay vẫn rất hình thức, chạy theo chỉ tiêu kế hoạch và gò ép. Vào hội nghị ngồi nghe báo cáo theo kiểu hành chính áp đặt, thấy thật sự ngán ngẩm. Cần một quá trình thay đổi nhận thức để đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân. Nhưng việc này không dễ vì người ta biết có chuyện đó (chạy theo chỉ tiêu hình thức và áp đặt) nhưng nói làm không được, khó làm.

NVH chỉ là tên gọi chung, mô hình hoạt động của nó phải linh hoạt, phù hợp từng địa phương, từng loại nhu cầu của cộng đồng, đó mới là vấn đề căn cơ.

Ông TÔ MINH GIỚI (phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ)

__________

An Giang cần thêm 700 tỉ đồng để sửa chữa hệ thống nhà văn hóa

Ở ĐBSCL, đình làng vốn là thiết chế văn hóa xã hội gắn bó với các sinh hoạt cộng đồng, xưa kia vẫn là nơi diễn ra các lễ hội, sinh hoạt chung của làng, biểu diễn văn nghệ, tập luyện thể thao. Khi xây dựng các NVH xã, người ta lãng quên chức năng quan trọng này của ngôi đình. Nên thay vì xây dựng NVH xã ngay cạnh đình để có sự liên thông gần gũi trong sinh hoạt cộng đồng thì lại xây dựng NVH tách biệt.

Ở ĐBSCL, bà con Khmer vốn sinh hoạt văn hóa tại chùa, còn người Chăm thì sinh hoạt tại thánh đường, vậy mà ở những xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống, NVH lại xây dựng cách rất xa nơi ở của họ, mô hình thiết kế cũng quá xa lạ, tạm bợ, chẳng phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ của mỗi dân tộc. Tất cả những điều đó đã khiến NVH xã thành hoang phế như vậy.

Tới đây, theo chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới của Chính phủ, NVH xã sẽ chuyển thành các trung tâm văn hóa thể thao (TTVHTT) xã đạt chuẩn. Quy chuẩn này rất cụ thể: mỗi trung tâm đối với xã đồng bằng phải có diện tích sử dụng tối thiểu là 11.800m2, trên đó xây dựng NVH đa năng 1.000m2 (gồm hội trường đa năng tối thiểu 150m2, năm phòng chức năng), sân thể thao 10.800m2. Đối với xã miền núi thì diện tích đất sử dụng từ 10.600m2, NVH đa năng từ 800m2.

Như vậy, hầu hết NVH xã đã xây dựng trước đây đều không đạt chuẩn nên cần đầu tư xây dựng mới, cần cải tạo, mở rộng. An Giang cần xây mới 98 TTVHTT xã và cải tạo 48 NVH xã thành TTVHTT xã, tổng kinh phí đầu tư ước trên 700 tỉ đồng. Theo chương trình phát triển nông thôn mới thì ngân sách trung ương và tỉnh cùng đầu tư. Nhưng theo thông tư số 11 của Bộ VH-TT&DL quy định, kinh phí chủ yếu của tỉnh và huyện. Chúng tôi đang thắc mắc là vốn đầu tư từ đâu? Ngân sách tỉnh thì không thể kham nổi.

An Giang đang lên kế hoạch nâng chất NVH thành TTVHTT xã, chúng tôi sẽ chọn cách làm phù hợp. An Giang có đồng bào Chăm, đồng bào Khmer cùng sinh sống. Chúng tôi đang thiết kế mô hình TTVHTT xã tương ứng cho ba dân tộc Kinh, Chăm, Khmer. Ban đầu làm thí điểm để rút ra phương thức, điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, kinh phí bao nhiêu. Sau khi rút kinh nghiệm và hoàn thiện mô hình chúng tôi mới cho nhân rộng.

TS NGÔ QUANG LÁNG (phó giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang)

__________

Người dân nói gì về Nhà văn hóa?

* Tuy các xã có NVH nhưng hầu như chẳng tổ chức văn nghệ hay hoạt động gì cả. NVH thị trấn trung tâm huyện mấy năm trước thỉnh thoảng có tổ chức “hát với nhau” dành cho thanh niên. Người xem chủ yếu là thanh niên nhưng không nhiều, còn cánh lớn tuổi tụi tui thấy hát hò kiểu đó đâu có hợp mà đến, riết sau này cũng dẹp luôn “hát với nhau”. Lâu nay ai ghiền coi cải lương, ca nhạc thì xem tivi hay mua đĩa về xem vậy thôi. Đám nhỏ bây giờ do không được tiếp xúc trực tiếp với ca nhạc tài tử nên dần quên, không thích nó, thậm chí không biết đến.

BÙI VĂN HẬU (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang)

* Nhiều xã có NVH nhưng hồi nào tới giờ rất hiếm khi tổ chức biểu diễn văn nghệ. Nhóm đờn ca tài tử chúng tôi cũng muốn biểu diễn ở đó để phục vụ đông đảo bà con nhưng không ai đứng ra tổ chức, hỗ trợ kinh phí. Với lại, nói thiệt, NVH xã giống như cái nhà kho lợp tôn chơ vơ giữa bãi đất trống, không hợp với ca nhạc tài tử chút nào cả. Vô đó biểu diễn thì mất cả hứng.

Vì không có nơi biểu diễn nên chúng tôi thỉnh thoảng đi hát ở đám cưới, tiệc tùng, lúc rảnh tụ lại nhà một thành viên trong nhóm đờn ca xướng hát với nhau vừa đỡ nhớ nghề, vừa phục vụ bà con quanh xóm yêu thích cải lương. Tụi tôi ao ước có một điểm thường xuyên tổ chức biểu diễn, qua đó giúp các cháu tiếp cận âm nhạc dân tộc rồi có thể sẽ yêu thích, duy trì loại hình ca nhạc này. Nếu không, nó sẽ dần mai một ở địa phương.

LÊ QUỐC HÙNG (thành viên nhóm đờn ca tài tử ở Tân Châu, An Giang)

* Người dân đồng bằng còn mê xem trực tiếp nhạc tài tử, cải lương lắm. Tôi thấy hễ tổ chức ở sân đình thì người dân đến xem đông như hội, còn biểu diễn ở NVH thì chẳng mấy người xem. Vì sao vậy? Cái này cần xem lại. Theo tôi, thứ nhất do đình làng vốn gần gũi trong sinh hoạt cộng đồng, có tính tôn nghiêm, cuốn hút. Trong khi NVH thì xập xệ với gian nhà tôn đơn điệu, không gian, mô hình cũng chẳng phù hợp cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhất là với việc tổ chức loại hình ca nhạc dân tộc. Đã vậy, khi tổ chức biểu diễn lại còn góp tiền, bắt mua vé.

NVH xã là thiết chế văn hóa cần thiết ở cấp cơ sở. Tuy nhiên khi xây dựng chúng ta thiếu nghiên cứu, tính toán về công năng, nhu cầu sử dụng, kể cả tính phù hợp của nó trong sinh hoạt cộng đồng. Khi đưa vào hoạt động thì chưa biết cách tổ chức, cách làm nên hoạt động càng không hiệu quả.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN HỮU HIỆP (Hội Văn nghệ dân gian VN)

__________

Làm sống lại nhà văn hóa từ truyền thống cộng đồng

Nếp sống hào sảng của người dân Nam bộ trong một không gian sống phóng khoáng của sông nước, từ xưa đến nay, vẫn sẽ là cội rễ tạo nền cho những hình thức sinh hoạt văn hóa mới của cộng đồng. Nhà văn Lê Đình Bích – giảng viên văn hóa học Trường đại học Cần Thơ – trao đổi với TTCT.

Nhà văn Lê Đình Bích – Ảnh: Quang Vinh

“Người miền Tây có một ký ức cộng đồng miền sông nước phóng khoáng rất sâu đậm, không chạy theo những gò bó hình thức. Họ gìn giữ nét văn hóa riêng của mình trong nếp sinh hoạt gắn với tập quán xa xưa mà cha ông để lại” – ông nói. 

* Theo ông, vì sao nhà văn hóa thời nay bị bỏ hoang?

– Do ta chỉ chú trọng hình thức, cấu trúc, quy mô phần vỏ mà không tập trung đầu tư vào phần nội dung nhu cầu bên trong của nhà văn hóa. Thêm nữa, còn do nhà văn hóa hoạt động theo giờ giấc hành chính, bị đóng khung và không phù hợp tính cách phóng khoáng của người Nam bộ.

* Người dân Nam bộ nay có nhu cầu văn hóa ra sao? 

– Đời sống văn hóa truyền thống của cư dân Nam bộ phản ánh qua bốn yếu tố: cuộc sống vật chất, tinh thần, tâm linh đức tin và mối quan hệ xã hội. Một nhà văn hóa đáp ứng và tôn trọng được các yếu tố truyền thống ấy sẽ được cộng đồng quan tâm và rủ nhau đến. Cũng giống như đình làng từ xa xưa đến nay đã trở thành điểm hẹn của người dân mỗi khi có lễ hội, hay như người dân tộc Khmer có trung tâm văn hóa là những ngôi chùa, mà âm nhạc trong chùa phục vụ cả cho giải trí và lễ nghi tôn giáo. 

Nam bộ là vùng đất trẻ, lập cư mới hơn 300 năm, ban đầu không có trường lớp, chỉ có âm nhạc, lời ca điệu lý ghi chép tái hiện cuộc sống dân dã sông nước. Do vậy sân khấu của người Nam bộ không phải là cái mà các nhà văn hóa đang làm hiện nay (ngồi ghế nhìn lên sân khấu xa cách nhau) mà chỉ là sân khấu vòng tròn. Trong vòng tròn ấy, người nghe, xem có thể đối thoại với người diễn, có khi cùng tham gia trình diễn góp vui. Do vậy khi đến nơi sinh hoạt văn hóa họ không chỉ ngồi nghe mà còn nhâm nhi trà rượu quần tụ. Một hình thức sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng.

* Ông có quan tâm đến mô hình nhà văn hóa nào không?

– Tôi đến Trung tâm Văn hóa huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) và thấy thú vị với mô hình thuyền văn hóa ở đó. Thuyền văn hóa như một nhà văn hóa di động len lỏi vào kênh rạch, có tổ chức sinh hoạt văn hóa đờn ca tài tử, tân cổ giao duyên, thông tin, cổ động thiết thực… Thuyền văn hóa được người dân đón nhận bởi phù hợp với tập quán sinh hoạt sông nước gần gũi của bà con. Tôi cũng thấy thú vị với mô hình tái hiện nét tinh hoa truyền thống văn hóa sông nước thương hồ hò đối đáp của cư dân bản địa.   

Tính cách phóng khoáng, bình dị, trọng nghĩa luôn có sẵn trong người miền Tây. Trên đồng ruộng, bờ kênh hay ngoài sân vườn, tất cả đều có thể là sân khấu. Khi đi làm đồng hay đi ghe, họ mang theo cây đàn để lúc rảnh rỗi đàn hát với nhau, đàn hát xong lại tiếp tục làm. Âm nhạc tài tử chính là do những người không chuyên nghiệp làm nên. Tinh hoa âm nhạc tài tử bắt nguồn từ sân khấu miệt vườn sông nước là vậy. 

Quan trọng là người tổ chức hoạt động văn hóa phải am hiểu bản sắc đặc trưng của người Nam bộ. Không hiểu mà cứ đem một mô hình nào đó áp dụng và nhân lên thì sẽ không phù hợp.

* Vậy những nhà văn hóa “bêtông” đã lỡ xây dựng rồi thì sao?

– Không có vấn đề gì. Chỉ cần thay đổi nội dung hoạt động của nhà văn hóa cho phù hợp tập quán người dân. Ta nên xem lại cách mở cửa, thời gian biểu, làm việc với ai, như thế nào để từ anh nông dân ít chữ hay một đứa trẻ bán vé số cũng có thể vào xem, được thể hiện mình, tham gia các hoạt động văn hóa bản sắc của cộng đồng mình. Mà nông dân hay người ít học chưa hẳn là người không am hiểu nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Họ biết con nước lớn thì chống xuồng đi, con nước ròng nhóm bếp cà ràng đợi gió, hát Tình anh bán chiếu hay Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà… rất mùi. Họ không phải là những người bình dân kém cỏi mà luôn muốn bảo tồn và phát huy nét tinh hoa văn hóa cộng đồng. Ý thức đó có từ những người nông dân bình dị nhất cho đến người trí thức. Người làm văn hóa phải hiểu điều đó và tạo sân chơi sinh động để nhà văn hóa trở thành điểm hẹn gần gũi với cuộc sống cộng đồng hơn.

* Theo ông, ai sẽ là người tổ chức hoạt động văn hóa đó?    

– Đó là những bậc cao niên, những người có uy tín, là nghệ nhân tinh hoa của cộng đồng, am hiểu nét văn hóa truyền thống để tập hợp, hướng dẫn mọi người cùng sinh hoạt, học tập.

ĐỨC VỊNH – TRUNG CƯỜNG – QUANG VINH thực hiện

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.