(Nhân đọc loạt bài “Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn” trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra từ ngày 20-2-2011)

TTCT – Tôi có đứa cháu gái đang học lớp 12. Tuy không để tóc kiểu “còn hai con mắt khóc người một con” như phản ánh trong bài viết về “lối sống emo” song cháu tôi lại là “bạn” của sự cô đơn!

Câu chuyện cuộc sống

(Nhân đọc loạt bài “Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn” trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra từ ngày 20-2-2011)

Cô đơn không phải là tất cả!

Ảnh: myopera.com

Ba của cháu (anh trai tôi) nghiện rượu nhiều năm nay. Mẹ cháu sau nhiều lần khuyên giải chồng không được đã bỏ đi sống với người đàn ông khác. Nhà nghèo, lại là con duy nhất nên cháu ở lại sống với gia đình nội. Trước đây, khi cha mẹ chưa lục đục với nhau, cháu học rất khá. Song vài năm trở lại đây cháu học sa sút hẳn.

Thấy cháu học sa sút hay những lần đi học về trễ… mấy cô của cháu có khi la rầy nhẹ nhàng, có khi chửi mắng. Dần dần cháu có vẻ tỏ ra chai sạn, lầm lì. Cháu từng xin tôi mua dàn máy vi tính để nối mạng tra cứu tài liệu học tập và chơi game lúc rảnh, cũng như xin tôi tiền mua điện thoại di động.

Tôi nghĩ lứa tuổi phổ thông chưa nhất thiết phải có điện thoại riêng, hằng ngày cháu đi học đã có chị tôi đưa rước nên tôi không đồng ý mua điện thoại. Riêng dàn máy vi tính tôi hứa sẽ mua khi cháu tốt nghiệp phổ thông vì tôi nghĩ ở lứa tuổi cháu vào mạng Internet thật khó có thể kiểm soát. Tuy vậy sau đó mẹ cháu gửi tiền cho cháu mua điện thoại di động để tiện liên lạc, thăm hỏi. Và thật may, nhờ chiếc điện thoại này tôi mới hiểu cháu mình hơn.

Lần đó thấy cháu suốt ngày cứ kè kè chiếc điện thoại bên người và có những biểu hiện khác lạ, chị tôi lén lấy điện thoại xem. Thật bất ngờ, điện thoại chứa đầy những tin nhắn động viên của bạn bè cùng những tin nhắn bộc bạch nỗi buồn chán của cháu. Khi biết tin nhắn của mình bị xem lén, cháu tỏ ra rất bực bội và khóc lóc.

Nghe chị tôi báo lại, tôi thật sự bối rối. Tôi thuyết phục cháu cho tôi xem những tin nhắn đó. Trong hộp thư đã gửi ngoài chuyện tâm sự với bạn bè rằng đang rất cô đơn, điều khiến tôi lo nhất là các tin nhắn cháu gửi cho bạn bè than buồn vì chia tay với bạn trai tên H. nào đó. Rồi cả những tin nhắn như trăng trối với bạn bè và với chính người bạn trai ấy. Thoạt tiên cháu chối, cho rằng đó là tin nhắn của nhỏ bạn mượn máy của cháu nhắn cho bạn trai. Song qua ánh mắt cùng những vết sẹo do tự rạch trên tay cháu, tôi “đọc” được câu chuyện.

Từng đọc nhiều câu chuyện về sự cô đơn của giới trẻ, về việc nhiều bạn trẻ tự giam mình trong thế giới ảo cũng như thông tin về học sinh phổ thông thất tình tự vẫn hằng ngày trên mặt báo… khiến tôi thật sự bối rối và lo lắng.

Rồi tôi quyết định tiếp cận cháu. Thoạt tiên, tôi nhắn tin “dọn đường” cho cháu trải lòng. Trong khi mấy chị tôi tỏ ra cương quyết “cấm tiệt” chuyện yêu đương thì tôi khéo léo nhắn với cháu rằng ở lứa tuổi phổ thông chuyện bạn bè và chuyện tình cảm là bình thường song phải có điểm dừng.

Tôi bảo rằng mấy cô rất thương và lo cho cháu nên nhiều lúc tỏ ra khó khăn, không cho cháu đi chơi nhiều vì sợ học kém và hư hỏng. Việc mấy cô có nặng lời thay vì con buồn hay trách thì ngược lại cần thương cô vì trước kia nhà nghèo mấy cô không được học nhiều do đó nói chuyện không khéo, rằng có chuyện gì kể cả chuyện tình cảm riêng tư nếu không nói được trực tiếp thì có thể nhắn tin chia sẻ với tôi.

Tôi phân tích cuộc sống gia đình của cháu rằng ai cũng buồn khi cha mẹ không còn sống chung nhưng cũng nên hiểu rằng tuy mẹ bỏ đi nhưng mẹ đâu có vui, mẹ vẫn quan tâm và lo cho cháu, rằng cháu vẫn may mắn hơn nhiều người cùng lứa tuổi nhưng lại gặp bất hạnh khác…

Cháu thừa nhận với tôi những chuyện buồn, chuyện cô đơn, chuyện tình cảm của mình trong các tin nhắn. Sau đó tôi với cháu có những buổi nói chuyện thẳng thắn với nhau. Tôi khuyên cháu cố gắng học thật tốt trong khả năng của mình, cân bằng thời gian học và giải trí, kết quả thi cử thế nào thì tính sau, rằng đại học không phải con đường duy nhất. Và trong khi mấy chị tôi không cho cháu đi chơi, đi sinh nhật bạn bè thì tôi cho phép và cả cho tiền cháu mua quà tặng bạn với điều kiện tôi phải biết cháu đi với ai, đi chỗ nào, mấy giờ về và phải chấp nhận tôi kiểm tra đột xuất…

Dần dần cháu tỏ ra cởi mở hơn và đã không còn buồn như trước nữa. Quan trọng nhất cháu đã hiểu được lời khuyên của tôi rằng cô đơn không phải là tất cả, cuộc sống mênh mông đâu chỉ có mỗi chuyện tình cảm mà còn nhiều điều quan trọng hơn như chuyện học hành, tương lai, nghề nghiệp, gia đình… Rằng thay vì ngồi gặm nhấm nỗi buồn và sự cô đơn thì hãy mạnh dạn trải lòng và tôi sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ.

Năm nay cháu sẽ thi đại học. Cùng cháu làm hồ sơ đăng ký chọn trường thi, tôi chờ đợi mọi kết quả trong khả năng của cháu mình.

SĨ LÊ (Trà Vinh)

__________

Bận rộn cuốn đi, cô đơn chẳng còn

Ngày xưa gia đình tôi nghèo khó sống trong con ngõ nhỏ sâu hun hút, bố đi vắng, mình mẹ bươn chải nuôi cả nhà. Tôi là con gái út duy nhất sau ba anh trai, các anh vô tư chạy chơi khắp xóm, riêng tôi sống nội tâm thường lủi thủi một mình trông nhà.

Sáng tôi tỉnh giấc mẹ đã đi sớm, tối mẹ về nhiều hôm tôi ngủ lăn quèo từ lâu nên tôi cảm nhận rõ sự cô đơn từ thuở bé thơ: không có chị em gái, rất ít bạn, thiếu sự vỗ về của mẹ… Tôi tự giải tỏa bằng cách chơi một mình, ôm cái gối thủ thỉ như trò chuyện với em bé, mày mò tô màu, vẽ tranh, tập đọc, tập viết… thế là trở thành đứa trẻ ngoan và học giỏi nhất xóm.

Vào tuổi dậy thì có nhiều điều trăn trở tôi cũng không thể chia sẻ cùng ai. Mẹ tôi lam lũ và ít học nên thiếu tri thức truyền đạt cho tôi. Giáo viên chủ nhiệm toàn răn đe chuyện thi đua của lớp. Bạn bè cũng ù ù cạc cạc giống mình. Internet chưa có. Thế là tôi vào nhà sách đọc ké đủ thứ, hay ho lẫn nhảm nhí, dù sao cũng cô đọng được trong tôi chút kiến thức cần thiết để khỏi “hươu chạy lạc đường” và tránh mơ mộng hão huyền.

Vào cấp III, tôi học lớp phân ban A của một trường danh tiếng nên suốt ngày vùi đầu với toán – lý – hóa, đến thiếu cả thời gian ngủ thì có rỗi đâu ngẫm nghĩ mình cô đơn hay không. Sau này họp mặt lớp, bạn bè bảo nhau lúc đó ai cũng lo học miệt mài, chẳng quan tâm gì hết, chứ thật ra bấy giờ đứa nào cũng cô đơn, giả sử gặp sự cố chắc khó tâm sự với ai.

Lên đại học, tôi học song song hai trường, học thêm ngoại ngữ, vi tính, dạy kèm… hết cả rảnh rang nên không hề biết mình cô đơn. Tốt nghiệp rồi đi làm, lại tranh thủ học sau đại học, làm hai ba doanh nghiệp… thở không ra hơi sao thấy được mình cô đơn.

Vài mối tình lận đận qua đi, kết hôn rồi mới nhận ra vợ chồng quá khác biệt ngay cả trong cách nghĩ. Các con còn nhỏ, tôi tập “sống chậm” để dành thời gian chăm sóc con cái, giờ mới nhận ra mình cô đơn biết bao. Xưa nay vướng mắc gì mình tôi loay hoay giải quyết, vui buồn gì chỉ có mình với mình mà thôi. Nỗi niềm hôn nhân tôi chẳng chia sẻ được cùng ai: các con quá nhỏ mà tôi cũng không muốn chúng biết nỗi khổ tâm của mẹ.

Kể với gia đình lớn của mình ư? Chỉ làm người thân đau buồn thêm. Than với bạn bè à? Đó sẽ như câu chuyện làm quà, không ai đủ kiên nhẫn và nhiệt tình tham gia hết lòng chuyện nhà người khác… Tôi lại tự tìm phương án với tâm niệm rằng mọi việc đều có cách giải quyết. Từng chuyện từng việc qua đi, tôi nhận ra mình dần trưởng thành hơn.

Dù cuộc đời dâu bể thế nào và cô đơn ra sao tôi vẫn không cho phép mình trách cứ ai, càng không cho phép hủy hoại chính bản thân mình. Cha mẹ khó nhọc sinh dưỡng, mình phải biết trân quý tấm thân này. Giúp đỡ được ai càng tốt chứ không được quyền đòi hỏi, song tôi tin rằng cho đi rồi sẽ được nhận lại.

Thiết ngẫm các bạn trẻ chọn “lối sống emo” do “nhàn cư vi bất thiện”, các bạn quá thừa thời gian hưởng thụ đủ thứ chán chê rồi lại thấy mình cô đơn, đổ thừa hoàn cảnh, oán trách cha mẹ chỉ biết cung cấp dư dả vật chất mà thiếu quan tâm…

Làm mẹ rồi tôi mới hiểu món quà con cái cần nhất là thời gian cha mẹ gần gũi chăm sóc, là yêu thương – trách nhiệm. Tuy nhiên thời buổi này dành trọn thời gian chật vật kiếm tiền lương thiện để đủ trang trải cho gia đình một cuộc sống bình thường cũng đã là rất phi thường, con cái lớn rồi lẽ ra phải cùng gánh vác chứ.

Các bạn trẻ đó sống quá ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi, vô trách nhiệm ngay với chính bản thân mình. Các bạn thử trải lòng ra xem, thử lao vào nhiều việc hữu ích đi, bận rộn sẽ cuốn các bạn đi, cô đơn chẳng còn lối xen vào.

TRÂN CHÂU (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.