Mỹ để tuột hợp đồng máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới

(Dân trí) – Bất chấp các nỗ lực ngoại giao, Mỹ vẫn để tuột hợp đồng bán máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới, trị giá 11 tỷ USD với Ấn Độ, vào tay các công ty châu Âu. Đây là một “đòn” đau với Washington, nhưng giới phân tích cho rằng “trò chơi chưa kết thúc”.

 
Máy bay chiến đấu của Mỹ – F/A-18 Super Hornet cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS George Washington.

Mỹ đã không thuyết phục được Ấn Độ mua các máy bay chiến đầu từ hãng Boeing hoặc Lockheed-Martin, nhiều nguồn tin hôm qua tiết lộ.

Các máy bay chiến đấu của Mỹ -loại F/A-18 Super Hornet của hãng Boeing và F-16 của hãng Lockheed Martin – bị loại vì điều các giới chức Ấn Độ mô tả là không hội đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, không quân Ấn Độ chưa công khai tuyên bố về tiêu chuẩn nào mà họ đã sử dụng trong việc loại bỏ các máy bay chiến đấu của Mỹ.

Ấn Độ cũng loại các máy bay của Nga và Thụy Điển, khiến các máy bay Eurofighter của Anh và Dassault Rafale của Pháp còn lại trong danh sách chung kết các công ty có thể được chọn để cung cấp 126 máy bay chiến đấu theo đơn đặt hàng của Ấn Độ.

 
Quyết định của Ấn Độ có thể bị nhiều người tại Washington coi là một “sự mất mặt”. Tổng Thống Obama đã đích thân vận động các giới chức cao cấp của Ấn Độ khi ông tới thăm New Delhi hồi năm ngoái.

Các giới chức cao cấp Bộ Quốc Phòng Mỹ đã mường tượng hợp đồng này là nền tảng trong công cuộc hợp tác chiến lược ngày càng phát triển giữa hai nước.

Với quyết định này của New Delhi, nỗ lực của Mỹ trong việc thiết lập mối quan hệ công nghiệp quốc phòng với Ấn Độ đã bị một bước thụt lùi lớn. Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, ông Timothy Roemer, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, nói rằng Mỹ hết sức thất vọng khi biết rằng Ấn Độ không còn xét tới hai kiểu máy bay chiến đấu tân tiến của Mỹ trong chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân của họ.

Tuyên bố đó được đưa ra vài giờ sau khi ông Roemer chính thức thông báo từ chức vì “lý do cá nhân.”

Nhưng các công ty sản xuất vũ khí Mỹ vẫn đủ khôn khéo để giành được những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD bán các loại vũ khí khác cho Ấn Độ, khi New Delhi có kế hoạch hiện đại hóa công nghệ và thiết bị quân sự từ thời Liên Xô cũ ở nước này.

Ông Chintamani Mahapatra, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Mỹ tại Trường Đại Học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nói thất bại của Mỹ trong thương vụ này chỉ mang ý nghĩa buôn bán thôi.
 
Nhật Mai
Theo BBC, Bloomberg

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.