Ngành ô tô Nhật Bản điêu đứng

(Dân trí) – Với tác động nặng nề và kéo dài của thảm hoạ động đất, sóng thần và hạt nhân, một nguy cơ lớn của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản là sẽ mất đi nhiều nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng không đủ khả năng trụ lâu trong khủng hoảng.

Với ông Fumihiro Shimizu và nhà máy phụ tùng ô tô của gia đình ở thành phố Toyota (thành phố được đặt theo tên tập đoàn ô tô lớn nhất Nhật Bản), làm nhà cung cấp cấp 2 cho các nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản chưa bao giờ là công việc dễ dàng.

 

Thậm chí ngay cả trong những năm tăng trưởng bùng nổ, lợi nhuận cũng không cao, vì Toyota và các nhà sản xuất ô tô khác đã lấy đi giá trị tối đa của các nhà cung cấp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở nước ngoài và hạ giá thành.

 

Giờ đây, khi trận động đất mạnh 9 độ richter ở miền đông Nhật Bản đã làm tê liệt gần như toàn bộ ngành chế tạo ô tô nước này từ ngày 11/3, Shimizu cho biết công ty của ông đang trải qua thời kỳ cực kỳ khó khăn, và những gì khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước.

 

“Tình hình chưa bao giờ tồi tệ như thế này,” ông nói. “Các khu vực bị sóng thần quét qua trở thành đống đổ nát, và ngành ô tô đang bị bóp nghẹt. Nhiều toà nhà vẫn còn đó, nhưng bên trong, chúng tôi đang kiệt quệ.”

 

Ông Shimizu Kogyo là một trong nhiều nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô ở thành phố Toyota – khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sự rò rỉ phóng xạ từ một nhà máy điện.

 

Phải mất nhiều tháng nữa mới có thể trở lại hoạt động bình thường, ngành ô tô trị giá 700 tỷ USD của Nhật Bản chắc chắn thiệt hại lớn. Nhiều nhà cung cấp nhỏ chỉ hoạt động được 9 trong tổng số 23 ngày làm việc của tháng 3.

 

Khủng hoảng

 

Mặc dù tình hình hiện tại cực kỳ khó khăn với các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô Nhật Bản, việc một số doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản là điều có thể đoán trước, nhưng không nhiều ý kiến ở thành phố ô tô của Nhật Bản – thành phố Toyota – cho rằng có nguy cơ khủng hoảng giống kiểu ở Detroit.

 

Tỷ lệ thất nghiệp ở Detroit hiện ở mức cao nhất tại Mỹ, sau khi GM, Ford và Chrysler đóng cửa hàng chục nhà máy trong vài thập kỷ trở lại đây, do doanh số giảm, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu ô tô châu Á.

 

Các công ty phụ tùng lớn ở thành phố Toyota có thể mua lại các công ty nhỏ hơn đang gặp khó khăn. Nhưng nếu thiếu các công ty nhỏ nằm cuối chuỗi cung cấp, với lợi nhuận thấp, thì thành phố Toyota có thể sẽ dần mất đi lợi thế chuỗi cùng cấp trong ngành ô tô Nhật Bản.

 

Mặc dù nằm cách các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thảm hoạ động đất, sóng thần và phóng xạ hàng trăm km, nhưng thành phố Toyota đã có nhiều thay đổi.

 

Với việc thiếu điện và các phụ tùng làm từ chất dẻo ở đây cung cấp, nhiều nhà sản xuất ô tô, trong đó có Toyota và Fuji Heavy Industries Ltd, đã phải tạm dừng gần như toàn bộ hoạt động, dẫn tới thiệt hại sản lượng đến nay ít nhất là nửa triệu chiếc ô tô.
 


Khung cảnh đổ nát của một đại lý Toyota ở khu vực bị động đất và sóng thần tàn phá tại Minamisanriku, quận Miyagi, hôm 22/3. (Ảnh: Reuters)

 

Ô tô tải 10 tấn vẫn chưa thể hoạt động trở lại, trong khi đây là loại xe thường được dùng để chở linh kiện, phụ tùng tới 5 nhà máy lắp ráp ô tô của Toyota tại đây. Các nhà hàng bỗng chốc trở nên đông khách gia đình khi công nhân nhà máy nghỉ việc.

 

Các công nhân đang tìm cách giết thời gian mà lẽ ra thông thường họ làm việc trên dây chuyền sản xuất. Tại một cửa hàng pachinko (trò chơi điện tử) gần trụ sở Toyota, khoảng một chục dãy máy gần như kín đàn ông trong độ tuổi lao động ngồi chơi. “Kể từ sau động đất, lượng khách tới cửa hàng tăng 20-30%,” quản lý của hàng này cho biết.

 

“Một doanh nghiệp như chúng tôi dễ bị mọi người chỉ trích vì cho rằng kinh doanh giải trí vào thời điểm khó khăn này là không phù hợp về mặt đạo đức. Nhưng khi các nhà máy đóng cửa, thì nhiều công nhân cần làm gì đó để giết thời gian,” ông này nói.

  

Các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở thành phố Toyota cho biết trước đây họ chưa bao giờ phải dừng hoạt động tới 1 tháng. Thời gian kỷ lục là 2 tuần, khi Toyota tạm dừng sản xuất để giải quyết lượng hàng tồn kho dồn ứ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

 

Khoảng 1/5 người dân ở thành phố Toyota làm việc trong ngành chế tạo ô tô.

 

Giới phân tích cho rằng nhiều công ty vừa và nhỏ vẫn còn phải gánh những khoản nợ lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính, tức là các ngân hàng sẽ không muốn cho họ vay thêm.

 

Một quan chức của cơ quan giải quyết thất nghiệp ở thành phố Toyota cho biết trong mấy ngày qua, cơ quan này đã nhận được 40-50 cuộc gọi từ các công ty, yêu cầu chính phủ hỗ trợ để trả lương nhân viên trong trường hợp họ phải dừng hoạt động hoàn toàn.
 

Logo phủ bụi đất của một chiếc xe Toyota nằm trong đống đổ nát do sóng thần gây ra ở gần sân bay Sendai hôm 30/3 – hai tuần sau khi khu vực này bị trận động đất 9 độ richter và sóng thần tàn phá. (Ảnh: Reuters)

 

Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản và thế giới, đã khôi phục một phần sản xuất xe Prius và hai mẫu xe hybrid khác tại hai nhà máy, trong đó có nhà máy Tsutsumi ở thành phố Toyota. Công ty cũng đã nối lại sản xuất phụ tùng thay thế và phụ tùng phục vụ sản xuất ở nước ngoài.

 

Việc này đã giúp Okuda Industry, một nhà cung cấp cấp hai của Toyota, khôi phục sản xuất phụ tùng hộp số và động cơ trở lại công suất 70% thời trước khi xảy ra động đất trong 2 tuần qua. Mặc dù các đồng nghiệp của ông ở thành phố Toyota nói rằng như vậy là may mắn, nhưng chủ tịch Kiyohito Okuda của Okuda Industry cho biết hoạt động như vậy vẫn chưa đủ để có lãi.

 

“Chúng tôi sẽ lỗ trong tháng 3,” ông nói. “Vì thế nếu bạn hoạt động ở mức 0-20% công suất, thì bạn ở quá xa điểm hoà vốn.”

 

Vấn đề còn ở chỗ, thảm hoạ thiên nhiên này ập đến vào thời điểm các nhà cung cấp cũng như các nhà sản xuất ô tô đang trong giai đoạn hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007.

 

Với việc đồng yên tăng giá, làm giảm khả năng cạnh tranh của xe xuất khẩu, Toyota đã giảm sản lượng tại Nhật xuống còn khoảng 12.000 – 13.000 xe/ngày, tức là khoảng  70% công suất của những năm cao điểm. Các nhà sản xuất phụ tùng cho biết họ mới chỉ bắt đầu quen với mức sụt giảm công suất này.

 

Chủ tịch Kosei Aluminium, ông Shunkichi Kamiya cho biết công ty ông cần phải sản xuất khoảng 80% công suất mới đến điểm hoà vốn, trong khi từ sau động đất chỉ hoạt động ở khoảng 10-20% công suất. Theo ông, viễn cảnh xấu nhất là phải mất 6 tháng để ngành ô tô khôi phục hoàn toàn sản xuất, và như vậy là quá lâu đối với nhiều nhà cung cấp phụ tùng nhỏ, vốn mỏng.

 

Nhật Minh

Theo Reuters

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.