TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm nghiêm trọng và làm nản lòng hầu hết các NĐT tham gia thị trường. Ngoài những lý do như kinh tế vĩ mô đình trệ, dòng vốn bị siết chặt…. thì có những lý do từ góc độ một cuộc chơi không còn thực sự sòng phẳng.
Trở lại vấn đề TTCK Việt
Để nhận biết bản chất vấn đề, tôi sẽ trình bày quan điểm cá nhân trên 3 “luật” chính trên thị trường để từ đó rút ra kết luận liệu cuộc chơi này có phải là cuộc chơi nữa hay không?
Vấn đề thứ nhất: Sự bình đẳng trước thị trường và pháp luật của các NĐT
Rõ ràng các NĐT được xác định là bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trên thị trường; tuy nhiên, mức độ bình đẳng này đã ngày một hình thức hơn khi xuất hiện rất nhiều “đội lái” với những thông tin “gầm bàn” có thể làm khuynh đảo thị trường, làm giá CP, nhóm CP biến động không theo chuẩn mực giá trị được thừa nhận chung trước đó.
Kế đó là sự tham gia tích cực của các DN có CP niêm yết trên thị trường như những NĐT tích cực khi họ kinh doanh chính những CP của mình. Vậy không cần phải giải thích hơn nữa, sự bình đẳng giữa những người chơi đã mất, có sự bất cân xứng về thông tin và do đó, lợi ích thuộc một nhóm NĐT thiểu số trong khi các NĐT khác chịu thiệt và rõ ràng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của thị trường.
Vấn đề thứ hai, các chuẩn mực về giá trị CP ở đâu?
Đến thời điểm này, có lẽ 100% NĐT cá nhân không còn tin tưởng vào giá trị CP và cũng không loại trừ đối với NĐT tổ chức bởi tiềm lực tài chính không còn dư dả để “bảo vệ” quan điểm về giá trị CP.
Các chuẩn mực về giá trị mà dựa vào đó các NĐT có thể xác định giá trị “thực” của CP là bao nhiêu? Độ rủi ro thị trường là như thế nào? Suất lợi nhuận kỳ vọng nên là bao nhiêu?…. đã bị phá vỡ hoàn toàn.
Giờ đây, chúng ta không dám khẳng định PE bằng bao nhiêu là hợp lý, bao nhiêu là rẻ, là đắt, chúng ta không có một chuẩn mực để từ đó có thể ước sự phản ứng của thị trường và chúng ta có thể dễ dàng để những diễn biến “lạ” trên thị trường dắt mũi.
Vấn đề thứ ba: Việc xử lý các sai phạm
Mặc dù gần đây các cơ quan giám sát đã tích cực tìm ra những sai phạm và tiến hành xử lý, tuy nhiên, số lượng đó hẳn chưa phải là nhiều so với thực tế diễn ra trên thị trường, những biện pháp răn đe có tính cảnh cáo nhưng chưa đủ mức “đe dọa” để nó không tái diễn trong tương lai, vậy chưa thể nói luật chơi đã được giám sát chặt chẽ.
Từ những nhận định nêu trên, cho thấy cuộc chơi trên sàn CK đã không còn là cuộc chơi sòng phẳng, khi các chuẩn mực giá trị bị mất đi, khi niềm tin vào sự minh bạch, công bằng không còn nữa. Nếu cứ miễn cưỡng tham gia, có thể chúng ta, những NĐT nhỏ lẻ sẽ phải nếm trải “luật rừng” và nhận phần thua thiệt về bản thân mình.
Thiết nghĩ để thị trường có thể hồi phục và phát triển trở lại, để cuộc chơi trên TTCK đúng nghĩa là cuộc chơi, các cơ quan quản lý, giám sát, các Cty CK, các NĐT cần chung tay gây dựng lại luật chơi, hình thành và bồi dưỡng các nguyên tắc về giá trị như một quy định bắt buộc của cuôc chơi để cuộc chơi đúng nghĩa là một cuộc chơi.
Theo Tùng Linh – VICF
Lao động
Source: Báo Dân Trí