Những người bạn lớn của đội viên…

TT – Làm quen với công tác thiếu nhi khi mái đầu còn xanh, nay dù đã hai màu tóc họ vẫn thấy vẹn nguyên một tâm hồn như ngày đầu đến với trẻ thơ.

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh (15-5-1941 – 15-5-2011)

Những người bạn lớn của đội viên…

Tổng phụ trách Đội Nguyễn Quốc Kiệt (đứng giữa vòng tròn) làm quản trò trò chơi sinh hoạt tập thể tại một hội trại của Đội – Ảnh: Q.Linh

Với rất nhiều tổng phụ trách Đội, công việc này đã trở thành một phần trong cuộc sống của mỗi người.

Đào tạo đội ngũ kế thừa

Nhiều anh chị khi được hỏi đều cho rằng phải tính toán ngay đào tạo đội ngũ kế thừa. “Tổng phụ trách có khi đóng nhiều vai, lúc là thầy, khi là bạn, lúc là y bác sĩ, khi lại làm nhà tư vấn. Nhưng có yêu nghề mấy thì cũng chỉ ở một độ tuổi nào đó chứ sao làm cả đời được. Chúng ta đang thấy rõ sự khủng hoảng lực lượng kế thừa” – anh Dương Văn Hoàng nói.

20 năm và hơn thế nữa

Nói đến những tổng phụ trách Đội kỳ cựu tại TP.HCM, hầu như ai cũng nhớ tới anh Đoàn Kim Thành. Đi thanh niên xung phong, trở về học và đang làm nhân viên xét nghiệm ở một bệnh viện, đùng một cái anh bỏ ngang qua làm công tác thiếu nhi. Đến nay anh đã có 23 năm làm tổng phụ trách Đội Trường THCS Lạc Hồng (Q.10).

“Mình không lo chuyện tuổi tác, chỉ lo có những điều không nghĩ kịp như các em bây giờ” – anh bộc bạch.

Cùng lứa với anh Thành nhưng chị Lê Xuân Mai – tổng phụ trách Đội Trường THCS Tam Bình (Q.Thủ Đức) – lại có đến 26 năm kinh qua công việc này ở nhiều trường khác nhau. Có lần chị đổ bệnh tưởng không qua khỏi, vậy mà vừa hồi phục chị lại lao ngay đến trường, chỉ để được nhìn thấy học trò chơi đùa dưới sân vì nhớ quá. “Học trò như một phần máu thịt trong cuộc sống của mình vậy” – chị chia sẻ.

Trẻ như anh Nguyễn Quốc Kiệt – Trường THCS Hoa Lư (Q.9) – cũng đã 18 năm “làm anh, làm bạn, làm thầy của mấy đứa trẻ”. Được trở về chính ngôi trường ngày xưa từng học, Kiệt như được tiếp lửa cho công việc của mình. Ngày cuối tuần anh làm… hướng dẫn viên du lịch – công việc tay trái nhưng đem lại nguồn thu nhập đủ để anh trang trải cuộc sống và yên tâm… chơi với con nít lâu dài. Nhưng khi có hoạt động Đội đột xuất anh vẫn sẵn sàng hủy đi tour vì: “Mình đã chọn và sẽ sống chết với nghề” như anh nói.

Ngót 20 năm khóc cười cùng học trò, anh tổng phụ trách Dương Văn Hoàng – Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10) – chỉ tiếc duy nhất một điều mình không còn năng động, sung sức như ngày mới vào nghề, bởi “những điều mình đã làm được mới chỉ đáp ứng phần rất nhỏ nhu cầu của các em”, anh bày tỏ.

Để Đội mạnh lên

Anh Nguyễn Quốc Kiệt cho rằng việc quan tâm đến đội ngũ phụ trách Đội chưa tương xứng. Anh dẫn chứng vài năm trở lại đây phụ trách Đội mới được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng, chứ như anh ngày đó hoàn toàn tay ngang vào nghề, chẳng biết tí gì về công tác thiếu nhi.

Trong khi đó, anh Dương Văn Hoàng băn khoăn nếu muốn Đội mạnh lên, phải mạnh dạn chấp nhận gạt bỏ hình thức, vì “thực tế chúng ta làm rất nhiều nhưng chưa căn cơ, nhiều khi rất xem trọng sự hoành tráng, phong trào bề nổi”, anh trăn trở.

Ở góc nhìn khác, chị Lê Xuân Mai nêu vấn đề: “Cái chúng ta cần là giáo dục và hình thành nhân cách cho các em. Vậy hãy bắt đầu từ những điều nhỏ thôi nhưng gần gũi với thực tế cuộc sống, như rèn các em biết thưa gửi, chào hỏi, lễ phép với người lớn… Tôi thấy nhiều khi chúng ta đưa ra những nội dung giáo dục quá lớn mà không phải em nào cũng hiểu hết”.

Trong khi đó, lão làng của giới phụ trách Đội TP Đoàn Kim Thành thẳng thắn: “Đừng vì thành tích, chỉ tiêu mà ép học sinh vào Đội. Đội viên phải hiểu ý nghĩa chiếc khăn quàng, hiểu Đội là gì và tự nguyện vào Đội, khi ấy Đội mới thực chất dù số lượng có ít đi”. Cùng suy nghĩ ấy, anh Dương Văn Hoàng đề nghị xem lại các tiêu chuẩn trong rèn luyện đội viên vì đang có nhiều con số báo cáo ảo. “Nếu không mạnh dạn thay đổi, khó mà mong Đội mạnh lên được” – anh nói.

QUỐC LINH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.