Quặn thắt bao trái tim bởi nỗi đau thương từ Bình Dương

(Dân trí) – Suốt từ đêm qua, bao người đã khóc và có chung tâm trạng như Phương Lan: phuonglan_hcmulaw@yahoo.com “mỗi lần nhấn F5, trái tim thắt lại, nước mắt trào ra…” bởi nỗi đau thương, mất mát trong vụ chìm nhà hàng nổi ở Bình Dương quá lớn: đa số nạn nhân là trẻ em, phụ nữ. >>  Đưa thi thể nạn nhân vụ lật tàu ở Bình Dương vào bờ >>  Lật nhà hàng nổi 2 tầng, hàng chục người mất tích

Các vị sư làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân ngay bên bờ sông

(Ảnh: Trung Kiên – Lê Phương – Vân Sơn)

Nuối tiếc khôn nguôi

 

Và cũng như Phương Lan, ai cũng đã “cố gắng nuôi hy vọng, hy vọng bé Quách Hồng Đạt được an toàn. Nhưng tới lúc thông tin bé trai 3 tuổi được vớt lên, em không biết phải nói gì nữa. Thật sự rất đau đớn! Bé Đạt mới có 3 tuổi, mới ngày hôm qua còn được ba mẹ tổ chức sinh nhật … Xin chia buồn…”

 

Mỗi lần xảy ra tai nạn không may, dẫu biết hy vọng thì mong manh, phép màu hầu như chẳng thể có giữa đời thường, nhưng khi nỗi đau thương quá lớn mà  chúng ta chẳng thể làm gì được để cứu vãn, thì có lẽ cố bấu víu lấy một tia sáng nhỏ nhoi nào đó cuối đường hầm vẫn là có còn hơn không một điểm tựa trong tuyệt vọng.

 

Người dân Bình Dương ai chẳng đớn đau trước nỗi thê lương, xót xa xảy ra ngay trước mắt. “Tôi cũng là người Bình Dương và tối hôm qua cũng trực tiếp đến theo dõi vụ việc. Không khí tang tóc thật là kinh khủng, thấy thương và tội nghiệp quá. Mong cho linh hồn những người bị nạn sẽ sớm siêu thoát”- Nguoi Binh Duong:  constellation5555@yahoo.com.

 

Tôi là người chứng kiến cảnh vớt nạn nhân, không gì có thể  diễn tả được nỗi  đau đớn, mặc dù không phải là người thân của mình. Xin gửi lời chia buồn đến thân nhân người bị nạn. Cầu mong cho những nạn nhân được yên nghỉ nơi suối vàng” – Toantt05:  toantt05@yahoo.com.

 

Khoảng cách dù có xa đến đâu, cũng không thể làm giảm bớt nỗi quặn thắt con tim những người dân cả nước đang đỏ mắt hướng về nơi du thuyền vừa bị nạn. Mỗi cái tên lại gợi nhớ bao tiếc thương, xa xót.

 

Không phải là những người thân của tôi mà sao tim tôi đau quá như thế này. Phép nhiệm màu sáng nay tôi mong đợi đã không đến. Đạt ơi, Lan Anh ơi…  những cái tên cô chưa bao giờ gọi, những khuôn mặt cô chưa bao giờ biết. Vậy mà bây giờ cô đang nghẹn ngào vì nó. Cầu mong cho các con siêu thoát, cầu mong cho gia đình các con mạnh mẽ để vượt qua được nỗi đau này. Cầu mong cho các anh, các chị về bên kia yên nghỉ thảnh thơi nơi vĩnh hằng…. Thật là đau xót quá!” –  NT Huong:  huóngt360@yahoo.com.vn.

 

Dân trí làm kịp thời, thông tin liên tục cập nhật. Hình như suốt đêm qua các bạn không ngủ hay sao đấy. Tin bài cập nhật suốt đêm. Chúng tôi ở xa, chỉ mong xem được tình hình để biết tin và cầu nguyện cho những nạn nhân sớm được tìm thấy. Cảm ơn Dân trí, cảm ơn lực lượng cứu nạn và nguyện cầu cho hương linh những nạn nhân sớm siêu thoát. Cầu xin cho Trời Phật ban cho những người thân còn sống sức mạnh để vượt qua nỗi đau tột cùng này…  Thật đáng tiếc phải khi chứng kiến những tai nạn thương tâm như thế này. Xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân cùng nén nhang thành kính” – NQH:  Hungnq65@yahoo.com

 

Thật quá đau lòng! Lũ cuốn trôi xe khách tại Hà Tĩnh, sập mỏ đá tại Nghệ Ạn, nay lại chìm tàu tại Bình Dương. Những vụ tai nạn thật quá hy hữu và thương tâm, tim tôi như muốn vỡ ra… Mong sao cho tìm được thi thể của những nạn nhân xấu số này, để linh hồn họ được siêu thoát. Thật lòng tôi xin được gửi lời chia buồn tới gia đình của những người gặp nạn” – Hà Trần:  hannguyen6879@gmail.com

 

Nỗi đau quả là quá sức tưởng tượng, bởi nó lại xảy ra đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật của một em bé. Mới vài phút trước đó thôi, quanh em còn đầy ắp tình yêu thương, sự trìu mến, những nụ cười, những lời nựng nịu, chúc mừng. Và rồi nào hoa, nào quà bánh, nào những món ăn ngon…
 

 

Tàu Dìn Ký
 
Bài học máu xương

 

Song đớn đau hơn bởi những vụ tai nạn thương tâm như thế này lẽ ra chúng ta hoàn toàn có thể tránh được hoặc giảm thiểu tối đa tổn thất, nếu như (vâng, lại là nếu như) mỗi người dân đều có ý thức trong mọi hành vi, các quy chuẩn về an toàn được tuân thủ và các quy định của pháp luật thật nghiêm để không ai dám không coi trọng mạng sống của người khác. Có vậy mới không còn những cái chết oan uổng vô cùng đáng thương, khiến người mất đi thiệt thân đã đành, người còn sống còn đeo đẳng mãi nỗi vò xé trong tâm can…

 

Những con tàu như thế này quá mất an toàn. Tôi là dân vùng biển nên có thể thấy cấu tạo của con tàu này là rất mất an toàn. Khoảng cách từ be tàu tới mặt nước rất thấp, mớn nước không cao. Thân tàu lại cao đến 2-3 tầng làm cho trọng tâm của con tàu không ổn định, khi gặp sóng lớn hay gió mạnh thì rất dễ xảy ra tại nạn đáng tiếc. Mong các cơ quan chức năng cấm sử dụng loại tàu có cấu tạo như thế này để làm du lịch trên sông nước. Cầu nguyện cho các nạn nhân!” – Trần Phan Thanh Dũng:  dungpo.co.ltd@gmail.com.

 

Tôi cũng đang làm việc trên 1 du thuyền ở Hạ Long, tôi  rất chia sẻ cảm thông với những mất mát thế này. Sau sự kiện đau thương này, hy vọng chính quyền sẽ có những chấn chỉnh mới về quy chế tàu du lịch trên sông Sài Gòn được tốt hơn, nhằm tránh những sự việc đáng tiếc thế này xảy ra” –  Đặng Hoàng Minh: danghoăngminh23@yahoo.com.vn

 

Thật quá đau xót, thời gian gần đây liên tục có những tai nạn tàu trên sông, trên biển. Tàu Dìn Ký bị chìm dưới con mắt của tôi (một kỹ sư ngành vỏ tàu thủy) là không thể chấp nhận được. Với bất kể phương tiện thủy nào khi đưa vào sử dụng đều được kiểm tra rất kỹ, đối với các tàu chở khách càng phải kỹ hơn nhiều . Độ an toàn của  tàu thường  lớn hơn hoặc bằng 150%. Tàu Dìn Ký bị lật và chìm chỉ trong tích tắc quả là có nhiều vấn đề cần quan tâm của cơ quan chức năng. Xin chia buồn với những gia đình có người gặp nạn” – Ngô Sơn:  minhngocnt07@yahoo.com

 

Tai nạn bất ngờ cố nhiên là khó tránh. Nhưng hình như thấp thoáng bóng dáng của sự VÔ CẢM và VÔ TÂM ở đây: trong thiết kế, trong đăng kiểm, trong quản lý, trong vận hành.

 

Cứ cho là tai nạn bất ngờ là khó tránh, nhưng chắc chắn sẽ không có thương vong nếu như mỗi hành khách lên tàu đều được hướng dẫn sử dụng phao cứu sinh khẩn cấp. Nếu tàu được trang bị phao cứu sinh. Nếu nhà tàu có phương tiện và đội cứu hộ khẩn cấp….
 

Nói bây giờ đã là quá muộn! Nhưng sẽ là đúng lúc để những con tàu, những nhà nổi khác, những người hữu trách lập tức rút kinh nghiệm đi thôi. Cầu mong cho các hương linh được siêu thoát về nơi cực lạc. Nam mô ADIDA Phật” –   Cuonl:  mtcuong02@yahoo.com.

 

Trước những tai nạn trên sông nước, nhiều bạn đọc cũng khuyến cáo những biện pháp phòng ngừa vô cùng cần thiết nhưng vẫn còn chưa được chú trọng ở nước ta. Đó là rèn kỹ năng sống, dạy cho trẻ học bơi…

 

“… Toàn phụ nữ và trẻ em, thương tâm quá!… Bởi nếu gặp trường hợp đó thì biết bơi mới là điều kiện cần. Đồng thời bạn còn phải hết sức bình tĩnh, tính rất nhanh trong đầu phương án thoát hiểm và can đảm. Tâm lý hoảng loạn bản năng ở những người không có đủ các điều kiện trên sẽ làm tê liệt tư duy và chịu chết 1 cách đau lòng. Các bạn còn nhớ vụ lật và chìm xe chở khách mới xảy ra mùa lũ năm ngoái   —-> cách bờ có 20m, cửa kính sau đã đập mà người bên trong không dám nhảy ra, đành chịu chìm theo xe!

 

Của dự trữ không bao giờ thừa!” Hãy cho trẻ học bơi, học vận động thể chất. Để trang bị kỹ năng và lòng can đảm không bao giờ thừa đâu, đến lúc hữu sự nó sẽ cứu mạng mình đó. Chứ còn suốt ngày chơi game, máy tính, diện đồ bảnh bao trắng trẻo như công tử, tiểu thư, nhưng bỏ ra đường thì yếu như sên, thì té trong ao còn chết khỏi nói tới té sông!” –  ttrung:  kbtmach@yahoo.com.

 

Nguyễn Hoàng An:  hoângn070719@yahoo.com.vn  đúc kết những bài học xương máu:

 

Qua vụ tai nạn này, chúng ta cần đặt ra những vấn đề hầu rút kinh nghiệm để hạn chế thấp nhất những tai nạn tương tự về sau:

 

1. Đầu tiên, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không có sự quản lý lỏng lẻo, hời hợt đối với các cá nhân, tổ chức khai thác dịch vụ du lịch đường thủy nội địa thì tai nạn thương tâm và đáng tiếc này chưa chắc đã xảy ra. Chính quyền địa phương cần xem xét, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan chủ quản, các cá nhân, tổ chức khai thác du lịch đường thủy nội địa có liên quan trong vụ tai nạn này.

 

2. Trách nhiệm kế tiếp là những cá nhân, tổ chức khai thác du lịch đường thủy nội địa. Nếu không chủ quan và có sự chuẩn bị về khâu an toàn một cách tốt nhất đối với dịch vụ mình đang khai thác (phao cứu hộ, áo phao, phương tiện đủ điều kiện an toàn khi tham gia giao thông du lịch đường thủy, tuyển dụng thuyền trưởng có đủ kinh nghiệm và trách nhiệm, nhân viên phục vụ trên thuyền có đủ các kiến thức và các kỷ năng cứu hộ khi gặp sự cố…)  thì mọi việc không nghiêm trọng đến thế. Tuy nhiên, vấn đề đáng ra họ phải đặc biệt chú trọng, thì ngược lại họ xem nhẹ như lông hồng. Điều này thật đáng trách, họ phải có trách nhiệm với lương tâm nghề nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm với những khách hàng và gia đình họ nếu không may gặp bất trắc.

 

3. Vị thuyền trưởng nếu có kinh nghiệm và trách nhiệm cao, khi ông ta biết thời tiết xấu, việc đầu tiên cần làm là phải báo cáo ngay cho ban quản lý (nhà hàng) về việc có thể không an toàn cho chuyến hành trình này. Mặt khác, nếu đã lỡ gặp sự cố, nếu ông ta có đủ kiến thức, kinh nghiệm và trách nhiệm thì mọi việc đã khác.

 

4. Cuối cùng là trách nhiệm của khách hàng. Nếu họ cẩn thận hơn để chọn cho mình một nơi cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí có chuyên môn, có độ an toàn cao, có uy tín thì tình hình không nghiêm trọng như thế.

 

Qua đây là một bài học mà cái giá phải trả quá đắt. Mong sau này không còn xảy ra những vụ tương tự…”

 

Đặng Quốc Toản:  trauvang202@yahoo.com lại một lần nữa kiến nghị:

 

Mai là ngày bầu cử, tôi đề nghị những đại biểu của nhân dân cần làm được những việc bình thường này. Đó là làm sao để việc dạy học bơi, thoát hiểm cho trẻ nhỏ được chú trọng. Đồng thời có sự kiểm tra có trách nhiệm với tất cả các hoạt động có nguy cơ nguy hiểm.

 

Sự vô cảm của sẽ là vô vàn bài học đắt giá và cay đắng đối với nhân dân và đất nước. Ai cũng linh cảm thấy những điều nguy hiểm, nhưng hầu như lại không làm gì… Một con tàu rộng có 4m mà lại cao đến 4m lại rất dài, thì chắc chắn sẽ lật sớm hay muộn… Hãy đọc lại những bài viết tôi đã cảnh báo từ cả chục năm nay, nhưng hình như chẳng ai có trách nhiệm quan tâm… (http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2010/10/3ba22101/)”.

 

Tang thương do bao vụ tai nạn gây ra đã quá sức chịu đựng của con người rồi! Xin những trớ trêu của cuộc sống đừng cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai nữa! Bởi mỗi con người được sinh ra trên trái đất này đã là một điều kỳ diệu, là niềm hạnh phúc, là một yếu tố cấu thành nhịp đập của sự sống trên hành tinh của chúng ta.

 

Và để cuộc sống của mỗi người đều được đảm bảo an toàn, cần lắm những cố gắng, nỗ lực chung của mỗi người chúng ta để cùng đóng góp chung cho toàn xã hội.

  

Khánh Tùng

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.