Bi kịch từ game online

TT – Hình ảnh hai đứa bé bị bắt bò trên đường – hình phạt người bố buộc hai con thi hành do nghiện game online mà lơi lỏng việc học – trên Tuổi Trẻ mấy hôm nay khiến nhiều người lên tiếng.

Bi kịch từ game online

Một số ý kiến không đồng tình vì cho rằng đó là cách giáo dục tiêu cực. Số khác đồng tình, cho đó là việc chẳng đặng đừng, giải pháp cuối cùng. Nhóm đồng tình đều có chung hoàn cảnh: có con nghiện game online và chính họ cũng đang bất lực nhìn con hư hỏng, ham chơi bỏ học. Nhưng câu chuyện ở đây, nhìn ở góc khác, là bi kịch gia đình do game online gây ra.

Gọi là bi kịch bởi chính người bố cũng cho biết mình hết sức đau lòng khi làm nhục, hành hạ con như vậy. Chưa ai đoán trước hậu quả từ chuyện này là gì nhưng chắc chắn ai cũng mong hai em bỏ được nghiện game online để học hành đàng hoàng thay vì để cuộc đời diễn biến theo hướng xấu hơn.

Mỗi lần có một tấn bi kịch nào đó từ game online là y như rằng Tuổi Trẻ nhận được rất nhiều phản hồi, trao đổi, tranh luận, chia sẻ từ bạn đọc. Đó là đề tài luôn được chú ý nhất, phần lớn từ các bậc phụ huynh và một số game thủ đã “quay đầu là bờ”. Điều đó cho thấy game online và việc nghiện game cùng những hệ lụy của nó thật sự là mối bận tâm lớn của rất nhiều người, nhiều nhà.

Không bận tâm sao được khi cuộc sống ngày càng bận rộn, các bậc cha mẹ ngày ngày quay cuồng với cơm áo gạo tiền, ít có thời gian dành cho con trong khi các trò chơi xấu luôn luôn vây bủa, rù quến giới trẻ mà chúng thì ít có khả năng kháng cự trước những chiêu thức quyến rũ của các “nhà” kinh doanh.

Trong game online, các chiêu thức đó là việc săn tìm báu vật, là cách làm cho người ta say sưa, cay cú với việc “mình phải mạnh hơn kẻ khác” bằng cách tốn tiền, tốn thời gian cho các trang bị mạnh… Chưa kể game online nào cũng “tạo điều kiện” cho người chơi lập bang hội, kết giao bằng hữu và đó cũng là một chiêu thức để nhà phát hành game online níu chân người chơi, bởi một khi đã thân thiết rồi thì người chơi khó bỏ nhóm ra đi.

Và nhiều bạn trẻ, vì “nghĩa khí giang hồ” thà chấp nhận bỏ học, bỏ gia đình chứ không bỏ game online mà ở đó mình có nhiều bằng hữu.

Những ví dụ cho chuyện vừa nói nhan nhản. Ở các trường đại học, theo nhận định của các phòng đào tạo, mỗi năm có hàng ngàn sinh viên bỏ học. Một phần trong số đó có lý do từ game online mà học hành sa sút hoặc vì nướng học phí vào game mà bị cho thôi học. Nhiều ông bố, bà mẹ trước chuyện đã rồi chỉ còn biết nước mắt ngắn dài…

Đã có nhiều tấn bi kịch, kể cả máu, làm tan nát nhiều gia đình mà nguyên nhân xuất phát từ con em trong nhà nghiện game online. Nhưng nhiều nhất vẫn là nhiều cuộc đời trẻ bị hủy hoại.

Game online có hại hay không hại cho người chơi – nhất là người chơi vị thành niên – việc đó miễn bàn vì đã nói quá nhiều. Nhưng việc các nhà kinh doanh game thu lợi kếch sù trên người chơi là rõ. Họ biến những người chơi thành con nghiện, vì lợi nhuận mà trong một số phương thức đã bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp các quy định của pháp luật. Họ bất chấp các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về giờ chơi, thời gian chơi, địa điểm chơi và tìm cách lách các quy định đó bằng kỹ thuật công nghệ và bằng cả những biện bạch.

Có thể game online đem lại lợi nhuận mỗi năm hàng chục triệu USD cho ngân sách nhà nước như những người kinh doanh game có lần tự hào. Thế nhưng, đồng tiền dù nhiều bao nhiêu cũng không thể vì lợi nhuận đó mà hủy hoại dù một người, một gia đình, chưa nói là một bộ phận giới trẻ.

ĐẶNG ĐẠI

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.