AT – Gãy gánh nửa đường, dì Út tự nguyện nhận công tác xa gia đình như một cách để quên lãng, nguôi ngoai. Gặp dịp nghỉ hè, dì Út dẫn tôi cùng cu Anh – con trai của dì – cùng theo.
Truyện ngắn
Ga nhỏ
Minh họa: DUY NGUYÊN |
Nơi dì Út đến làm nhiệm vụ mới có tên gọi nhà hộ sinh, nằm trên một bãi cát trắng vắng vẻ, đìu hiu. Từ nơi đây nhìn quanh, ngoại trừ phía trước mỗi ngày có một vài chuyến tàu qua lại rầm rập nghiến bánh trên đường ray, còn lại bốn bề chỉ thấy rải rác mấy ngôi nhà thưa thớt chen lẫn trong những lùm cây rậm rạp.
Năm ấy tôi chừng 10 tuổi, còn cu Anh chừng lên 7. Bởi vậy, mỗi lần dắt xe đạp ra khỏi nhà để lo chợ búa hoặc chăm sóc những người ốm đau, sinh nở ở đâu xa, dì thường nhắc nhở tôi rất cẩn thận: “Ở nhà chơi với em, nhớ chỉ chơi quanh trước sân thôi. Tuyệt đối con không được dẫn em lên đường ray xe lửa, tàu cán chết đó!…”.
Mấy ngày đầu anh em chúng tôi răm rắp nghe lời dì, hết chơi trò chơi bác sĩ khám mạch bệnh nhân, y tá đỡ đẻ bà bầu… trong mấy căn phòng hộ sinh vắng vẻ, lại chạy khỏi sân đuổi bắt nhau, lăn vòng trên bãi cát… Một lần, trong lúc đuổi theo một chú chim sà cánh ở một lùm cây dại, đột nhiên cu Anh hớn hở gọi tôi:
– Anh ơi, nhanh tới đây coi cái này hay lắm!
Tôi chạy đến, bất ngờ nhận ra trước mắt mình, dưới mô đất kề cận là một dòng nước trong veo, gần giống như con suối, chắc khởi nguồn từ nơi nào đó rất xa… Lập tức, anh em chúng tôi phóc ào xuống chẳng chút thận trọng bởi mực nước của dòng suối chỉ ngang tầm đầu gối, lại chẳng vướng đá sỏi gập ghềnh. Men theo dòng suối, đôi lần chúng tôi gặp những chú cá nhỏ đùa giỡn tung tăng. Tôi dặn cu Anh: “Nhớ giữ bí mật, đừng nói dì biết, hằng ngày tụi mình ra đây bắt cá”.
Thế là từ đó, không gian vui chơi chúng tôi rộng mở và hứa hẹn những điều hấp dẫn… Dù vậy, mỗi ngày chúng tôi vẫn luẩn quẩn bên dòng nước cạnh mô đất gần nhà chứ không dám mạo hiểm xa hơn. Mãi đến một ngày kia, trong khi đang cùng nhau say sưa đuổi bắt một chú cá khá mạnh mẽ, nhanh nhẹn, tự nhiên chúng tôi nghe có một giọng nói trong trẻo vọng trên bờ:
– Bắt cá như rứa thì hồi mô mới được?
Tôi nhìn lên, trước mắt chúng tôi là một đứa con gái bé bỏng, mặc áo đầm xòe, độ tuổi với cu Anh, gương mặt ngời sáng như búp bê thiên thần. Chính vì vậy, đầu tiên tôi định mở miệng nói một câu gì ngụ ý bắt nạt nó, rồi lại thôi và hỏi:
– Biết không mà làm khôn? Bắt như răng mới được cá?
Con bé vừa lội xuống suối vừa đưa chiếc vợt làm bằng vải mùng về phía tôi nói:
– Em cho anh mượn bắt thử đó!
Quả nhiên dùng chiếc vợt trong chốc lát, tôi đã bắt ngay được một chú cá. Cu Anh reo lên: “Để em” rồi thò tay tóm chú cá.
– Các anh không đem theo đồ chi đựng cá hở?
Cu Anh trả lời:
– Tụi tao ở ngay đây, chỗ nhà hộ sinh kìa. Tí nữa là đem cá lên đó!
– Cứ mỗi lần bắt được một con là phải chạy lên hở?
Nghe con bé hỏi đến đây, tôi mới nhận ra đúng là mấy hôm nay chúng tôi vẫn chưa hề chuẩn bị tinh thần bắt cá. Bây giờ cầm chiếc vợt trong tay, bắt thêm được vài chú cá nữa, thật tình chắng biết để đâu. Nếu đem về nhà cất nơi nào đó làm sao thoát được cặp mắt dì Út về cái tội lội nước (!). Tôi nói với con bé:
– Bọn anh chỉ lội nước chơi, bắt cá rồi lại thả xuống suối thôi. Còn em, chắc bắt cá về… nấu ăn phải không?
– Em đến đây lội nước, bắt cá… cũng để chơi thôi. Mà ở đây em có chỗ đựng cá, mấy anh bắt được thích gởi em cho gởi chung.
Con bé dẫn chúng tôi đến một lùm cỏ cạnh mé suối. Thật thú vị, ẩn giấu nơi đây là một chiếc chậu bằng ximăng bể gần hết miệng vành. Bên trong chậu dăm ba chú cá bơi lội yên lành. Chẳng lâu sau những chú cá tôi bắt được thêm lần lượt hòa nhập đời sống trong chiếc chậu bể. Nhưng điều quan trọng hơn cả, từ đó trong cái không gian cận kề ven suối của chúng tôi tự nhiên có thêm một đứa con gái, như bước ra từ một thế giới nào bí ẩn, diệu kỳ…
oOo
Quỳnh là tên gọi đứa con gái bé bỏng, xinh xắn… mà lại rất lễ phép (từ đầu đã gọi chúng tôi bằng “anh”, xưng “em”) vẫn thường ngày đến vui đùa với hai anh em tôi bên dòng suối. Ngoài trò chơi lội nước, bắt cá, thỉnh thoảng khi có chuyến tàu lửa chầm chậm ngang qua trên đường ray, chúng tôi cùng nhau trèo lên bờ thích thú vẫy tay theo những người khách cũng đang cười vui từ những ô cửa sổ các toa tàu. Quỳnh hỏi:
– Mấy anh biết vì sao con tàu ngang đây chạy chậm lại không?
Cu Anh nói:
– Thì nó là tàu lửa. Nó kéo theo nhiều toa, nhiều người… Nặng quá, nó phải chạy chậm….
– Bình thường nó vẫn chạy nhanh hơn. Đến đây, gần vào ga nó phải chậm lại.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Làm sao em biết nó sắp vào ga?
– Thì nhà em ở gần đó mà. Tại đây mấy anh không nhìn thấy ga, nhưng ở nhà em nhìn thấy tàu dừng rất vui.
– Vậy nhà em cách đây xa không?
– Cũng đâu có xa. Mấy anh nhìn thấy mấy xóm nhà ở cuối chòm cây kia không? Nhà em đó!
Tôi nhìn theo ngón tay trỏ của Quỳnh. Quả nhiên, ngay trong tầm mắt xúm xít những mái nhà phía cuối đường ray. Tôi nói:
– Vậy là nhà em ở bên kia đường ray?
– Đúng đó. Chỉ cần lội theo đến cuối con suối, băng qua đường ray là đến nhà em.
Cu Anh tặc lưỡi:
– Eo ơi, tụi tao không dám đâu. Tàu lửa cán chết!
– Chi mà sợ! Tàu lửa đi có giờ chớ. Mỗi ngày em vẫn chạy qua đây rồi về đó!
Những lần sau gặp lại Quỳnh, tôi không hỏi thêm về xóm nhà của Quỳnh nữa, nhưng xen lẫn trong câu chuyện của nó vẫn thường khiến tôi không khỏi rạo rực tò mò về hình ảnh một sân ga xa lạ, đầy hấp dẫn.Tôi lại nói vu vơ:
– Ở gần sân ga, mỗi lần tàu dừng chắc mình trèo lên tàu chơi cũng được…
– Cũng được. Nhưng ở đây là ga nhỏ, họ dừng nhanh lắm, mình lên xuống không kịp tàu chạy thì chết!
Cu Anh chen vào:
– Mỗi lần tàu ghé lại chắc người ta lên xuống vui như ở bến xe rứa hở?
– Những lúc tết mới thấy đông người. Thường có khi tàu dừng chẳng thấy ai lên xuống. Tàu đi rồi sân ga lại buồn hiu.
Quỳnh ngẫm nghĩ lại nói thêm:
– Mai mốt mấy anh qua nhà em chơi, chừng tàu vào ga em dẫn mấy anh lên tàu…
Cu Anh buột miệng: “Eo ơi!”, chắc là định nói thêm: “Qua bên đường ray má tao đánh chết”, nhưng tôi kịp véo nó ngăn lại. Tôi nói:
– Trước sau chi bọn anh cũng qua. Có khi ít hồi về lại quê, bọn anh sẽ đi bằng tàu lửa.
– Các anh sẽ về quê? Chừng mô về?
– Còn lâu. Tới hết hè lận. Mà chừng mô về bọn anh phải qua nhà em, đến sân ga chơi đã chớ!
Nhiều lần sau đó Quỳnh vẫn nhắc chúng tôi “chừng mô mấy anh mới qua bên em chơi đây?”, vậy mà đã gần hết cả mùa hè năm ấy tôi vẫn không thực hiện được lời hứa.
Một buổi trưa, tự nhiên trời nổi cơn sấm sét, mây đen kéo đến xám xịt, chừng đe dọa một cơn mưa lớn. Tôi nói với cu Anh: “Thôi chết rồi, mưa to, nước suối sẽ dâng lên, cá trôi đi hết! Mình nói sao với Quỳnh đây?”. Cu Anh lại lo lắng: ”Mình ở gần suối thì mình phải trách nhiệm hơn con Quỳnh, nhưng đem cá vô nhà má biết làm răng?”.
Mưa bắt đầu tuôn nặng hạt. Chẳng nói chẳng rằng, tôi kéo cu Anh chạy nhào ra suối. Thật bất ngờ, Quỳnh đã ở bên chậu ximăng bể tự bao giờ. Con bé mang theo một bì nilông và đang tạm chuyển những chú cá nuôi chung cùng chúng tôi qua nơi ở mới. Thấy chúng tôi, vừa vuốt khuôn mặt ướt nước Quỳnh vừa nói:
– Để em đem cá về nhà, mai đem ra. Mấy anh đem cá vô nhà bị dì la đó!
Tôi định nói lấy lệ “Để việc đó cho tụi anh”, nhưng mưa lúc này đã trút xuống xối xả. Tôi dìu Quỳnh chạy lên bờ, nói to:
– Vào nhà nấp mưa đã.
– Mấy anh vào đi. Em phải về. Nhanh thôi!
Dứt lời Quỳnh đâm đầu chạy thẳng. Tôi và cu Anh lưỡng lự muốn chạy theo tiễn Quỳnh một đoạn, thì bất ngờ dì Út từ đâu trong nhà xuất hiện, ló mặt ra cửa sổ gọi ơi ới:
– Mau vào đi. Tụi bây dám dầm mưa hở? Vào đây, chết với tao!
Song tôi và cu Anh đứng khựng như trời trồng. Bởi lúc này, lẫn trong tiếng mưa sầm sập, âm thanh của đoàn tàu lửa đang lù lù lao tới, rít bánh trên đường ray nghe hãi hùng hơn bao giờ hết. Trong thoáng chốc, tôi không thấy Quỳnh đâu nữa. Con tàu to lớn, dài như vô tận đã nuốt chửng hình bóng của Quỳnh…
oOo
Cả đêm hôm ấy, tôi và cu Anh trằn trọc chỉ mong trời mau sáng. Quỳnh có kịp băng qua khỏi đường ray? Phải chăng Quỳnh đã chết rồi? Chỉ vì lo cho mấy con cá trong chậu bể nuôi chung với anh em tôi mà Quỳnh ra nông nỗi ấy. Sao tôi ngu ngốc lại để cô gái nhỏ nhoi chạy đi trong cơn mưa dông như vậy? Về thế giới bên kia, Quỳnh oán trách chúng tôi lắm không? Tôi nói với cu Anh: ”Sáng mai dì Út đi rồi, mình phải đến bên kia đường sắt khấn cầu xin Quỳnh tha lỗi”.
Ngày sau, trong buổi nắng mai ấm áp, chúng tôi rảo bước dọc theo con đường ray phía trước, nhưng chẳng hề thấy dấu hiệu gì nơi đây vừa xảy ra một vụ tai nạn. Chúng tôi mạnh dạn đến thẳng mấy xóm nhà san sát gần một sân ga (như Quỳnh đã chỉ), càng lạ lùng hơn, vẫn không ai hay biết về một cô bé tên Quỳnh.
Lúc này, mùa hè chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Trước lúc về quê, từng ngày, hết tìm kiếm, chúng tôi lại ngóng chờ bên dòng suối, mà Quỳnh vẫn biệt tăm…
Đã mấy chục năm dài… Mỗi lần có dịp đi tàu lửa, tôi vẫn thường ghé xuống thẫn thờ ngóng mắt bên những sân ga nhỏ hẻo lánh miền Trung, với niềm tin mãnh liệt: sẽ có lúc gặp lại Quỳnh, dù chỉ một lần.
TRẦN TRUNG SÁNG (Đà Nẵng)
Áo Trắng số 10 Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ