Các nhà viết sử cho học sinh phải tự đặt dấu hỏi

TTO – Nhiều ý kiến bạn đọc với tâm trạng lo lắng trước thực trạng học sinh yếu kiến thức lịch sử qua kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, gửi về tòa soạn. Chúng tôi trích đăng (có cập nhật)…

Các nhà viết sử cho học sinh phải tự đặt dấu hỏi

>> Điểm thi môn sử thấp không ngờ
>>
Vốn liếng sử nhà còn lại bao nhiêu?
>>
Điểm thi môn sử thấp không ngờ: Lỗi từ cách dạy

Thí sinh dự thi ĐH 2011 – Ảnh minh họa: TRẦN HUỲNH

Phải làm cho môn sử trở nên “dễ thương và gần gũi”

Tôi từng trải qua những khó khăn của việc học môn sử. Có một thực tế đau lòng rằng việc dạy môn sử trước giờ rất khó khăn. Khó khăn vì ấn tượng của nó trong đầu các học sinh thật khô khan, việc dạy môn sử như thể để nhồi nhét kiến thức, từ ngữ và dữ kiện quá xa lạ và khó hiểu.

Tại sao các nhà giáo dục không biết cách làm cho môn sử trở nên “dễ thương và gần gũi” hơn. Hãy cho ra một cuốn giáo khoa về sử ít chữ, ít dòng, nhưng nhiều ý. Hãy biết cách làm các sự kiện xâu chuỗi với nhau. Tại sao những chuyện lịch sử của Trung Quốc được các bạn trẻ nói rành mạch, kể chi tiết mà lịch sử Việt Nam lại quá xa lạ và khó ghi nhớ đến vậy. Cái này các nhà viết sử phải đặt dấu chấm hỏi cho chính mình.

Tôi thiết nghĩ: mỗi công dân Việt Nam đều có lòng yêu thương đất nước của mình, trong họ đều có khát khao muốn tìm hiểu về gốc gác ông cha. Cho nên hãy cho ra một bộ sử dễ học, dễ đọc, dễ nhớ. Hơn nữa, có nhiều phương pháp dạy, không nhất thiết cứ bắt học sinh chép, thầy giáo đọc. Trong thực tế, đôi khi thầy giáo cũng chỉ đóng vai trò như người kiểm tra học sinh là người có đi học và chép được nhiều chữ vào bài thi mà thôi!

Tôi thiết nghĩ: chúng ta nên dạy sử bằng hình ảnh sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời, dạy sử là phải nhắc đi nhắc lại chứ không phải năm nay học rồi năm sau quên.

Đơn cử tôi xin lấy một ví dụ: lớp 1 hãy cho các em học nhớ tên các đời, các triều đại của Việt Nam, cho các em vẽ tranh về cung đình vua chúa. Rồi cứ mỗi năm ta dạy lại những kiến thức đó nhưng lại nâng cao hơn về thông tin cung cấp. Nghĩa là từ nhỏ các em đã có cái nhìn tổng quát về chiều dài lịch sử của đất nước con người Việt, nhưng theo dòng thời gian suốt 12 năm, các em sẽ có thêm những dữ kiện.

Nếu một năm dạy cho nhiều, năm sau dạy cái khác, bên cạnh những môn khó nhớ khác, học sinh có đủ thời gian để dành niềm yêu thích cho môn sử hay không? Nhiệm vụ của giáo dục là khơi dậy niềm yêu thích tìm tòi, sáng tạo chứ không phải là nhồi kiến thức. Dạy học mà không khơi được niềm ham thích nơi người học thì chẳng khác gì đem búa tạ nện lên thanh sắt nguội cả!

NGUYỄN PHI VŨ

Đừng đổ lỗi giáo viên mà hãy nhìn gốc rễ vấn đề

Tôi hiện là giáo viên lịch sử đã và đang đào tạo học sinh giỏi môn lịch sử tham gia thi cấp TP. Tôi thật bất ngờ hay nói đúng hơn là quá sốc với kết quả thi ĐH vừa công bố ở bộ môn mình giảng dạy. Tôi đã xem đề thi tuyển ĐH và xem cả đáp án được công bố. Có thể nói đề thi chẳng có gì gọi là khó với trình độ một thí sinh tham gia thi tuyển ĐH cả.

Vì đã là thi tuyển thì phải có sự phân loại thí sinh, nếu dễ chắc chắn nó không phải phục vụ cho thi tuyển. Hơn nữa ở cấp độ này không chấp nhận chuyện một thí sinh chỉ biết học vẹt, học như một cái máy ghi âm mà chẳng biết phân biệt gì cả.

Thử hỏi thí sinh đó sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ cống hiến gì cho xã hội hay lại là cái máy photocopy? Nói về bài làm của thí sinh, tôi không hiểu ở trường học giáo viên đã dạy cho học sinh những gì? Hay chỉ vào lớp rồi đọc và chép? Rồi quan điểm của Bộ Giáo dục – đào tạo ra sao khi chưa có liều thuốc đủ mạnh để vực dậy bộ môn sử? Rồi trách nhiệm của Chính phủ ở đâu khi hầu hết nhận thức của xã hội ngày nay là coi thường bộ môn lịch sử.

Ngày xưa khi còn ở trường sư phạm, thầy Đặng Đức Thi và thầy Nguyễn Hoàng Quân (có thể nói là 2 trong số ít những cây đại thụ của ngành giảng dạy lịch sử ở TP.HCM) từng dạy thế hệ chúng tôi rằng: “Suy cho cùng, khoa học lịch sử là nguồn gốc của các khoa học khác” – một chân lý không phải khó hiểu. Ấy vậy mà đến tận ngày nay vẫn không ai chịu hiểu.

Tôi không bàn sâu vào vấn đề cách dạy và học, rồi căn bệnh thành tích, sách vở nặng tầm chương trích cú, rồi hoàn cảnh sống vất vả của người giáo viên dạy sử với đồng lương rẻ bèo còn thua cả người bán vé số, nhất là trong bối cảnh phụ cấp chấm bài bị mất hoàn toàn khiến họ ăn bữa nay mà lo lắng mất ngủ vì không biết ngày mai gia đình sống ra sao!

Trong khi văn – toán – tiếng Anh – lý – hóa – công nghệ – nhạc – họa còn có chỗ để dạy thêm, chạy sô, riêng sử thì dạy thêm cho ai? Với đồng lương chết đói đó nuôi thân không đủ làm sao lo cho việc giảng dạy tốt… 1.001 lý do của tất cả các bên.

Rồi nạn “ăn cắp” giờ làm, bóc lột công sức của giáo viên. Thay vì chỉ làm một ngày tám tiếng như bao người khác thì họ phải làm một ngày 12-18 tiếng, thậm chí 20 tiếng cho vô vàn công việc như: chuẩn bị bài vở giáo án, sổ sách cho nhà trường, ra đề thi, chấm bài, làm điểm, thống kê… những thứ đó ngốn bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt, thời gian và đặc biệt là phải chuẩn bị sẵn ở nhà chứ lên lớp làm gì có thời gian rảnh để làm? Cứ quần quật đến nỗi ngã bệnh mà không có một thứ trợ cấp nào cả. Lương làm thêm không có một xu. Thử hỏi có còn ai can đảm dám vào học sư phạm sử?

Số đang giảng dạy phải sống lây lất cho qua ngày thì làm sao và lấy quyền gì đòi hỏi họ phải tận tâm với nghề khi mà nghề đang bạc đãi họ và sự sinh tử tồn vong của chính bản thân cũng như của cả gia đình đang đè nặng lên họ?

Những ông lớn ở cấp trên chỉ biết nhìn phần ngọn rằng: đang chi quá tay cho giáo dục nên ra sức cắt giảm. Nhưng có ai dám mạnh dạn tuyên bố rằng mình đã chi đúng cho giáo dục chưa? Công trình thay sách tiêu tốn hàng tỉ đồng rồi hành hạ giáo viên phải đi học thay sách năm này tháng nọ với những kiến thức cũ rích chẳng có gì mới mẻ cũng gọi là thay sách. Đầu tư cho hàng loạt hiệu trưởng sang nước này nước kia học tập kinh nghiệm, có vị nào về trường áp dụng được đâu? Đời sống giáo viên vẫn tệ.

Cách học vẫn quay về kiểu học vẹt như xưa. Giáo án điện tử có nguy cơ chết yểu. Hoạt động ngoài giờ lên lớp là một phần giáo dục rất hữu ích cho thế hệ trẻ lại bị khai tử sau 5 năm thực hiện. Giờ thì bàn giao tiết ngoài giờ lên lớp cho Đoàn – Đội kiểu như đá quả banh trách nhiệm cho người khác là xong. Hậu quả ngày nay thì sao? Thế hệ trẻ tương lai phải gánh lấy.

Sử ta thì dốt mà sử ngoại lại hay. Hãy nhìn sang bên kia bờ đại dương, một nước Mỹ hùng mạnh hay yếu ớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu hay đang là siêu cường hầu như ai cũng biết rõ. Ấy vậy mà họ có bỏ lơ lịch sử nước nhà đâu.

Bất kỳ ai sang định cư nước họ phải nắm vững lịch sử của họ thì mới được cấp thẻ công nhận là công dân chính thức với tất cả quyền trong xã hội. Không thì anh cứ mãi là dân tạm cư.

Trong khi ta tự hào có lịch sử hàng ngàn năm văn hiến mà hỏi lại sinh viên, học sinh nước nhà chẳng biết lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thời điểm nào, ta kháng chiến chống bao nhiêu kẻ thù xâm lược từ quá khứ dựng nước cho đến thời hiện đại. Lỗi của ai? Đừng đổ lỗi riêng tại giáo viên chúng tôi theo kiểu trăm dâu đổ đầu tằm. Bây giờ xã hội đã có cái nhìn xét lại về nghề giáo, nhất là giáo viên sử. Nếu chậm sửa đổi e rằng hậu quả không phải chỉ có thế.

Vài lời nhắn gửi, kính mong tòa soạn trao gửi giúp chúng tôi chút tâm tư tình cảm có thể gọi là tâm huyết mong đưa giáo dục nước nhà đi lên và mong cải thiện cuộc sống nhà giáo. Chúng tôi không mong giàu, chỉ mong sống được bình thường bằng lương của mình chứ không phải sống được nhưng lây lất bằng lương của mình.

VŨ NGỌC NHẠ

Cứu lấy môn sử

Một số người phê bình học sinh đang học vẹt môn sử. Chỉ có những học sinh mới hiểu nỗi khổ này. Xin thưa, với chương trình mà bộ đưa ra thì học sinh không thể nào không học vẹt được!

Là 1 học sinh, em xin chủ quan được nêu ra các khuyết điểm đó như sau: 1. Chương trình khô khan, toàn chữ với chữ, rồi lại đến ngày, tháng, năm. Học quá sâu một số vấn đề không cần thiết. Những nội dung cần bao quát, tổng hợp lại không đưa vào. Dẫn đến không ít bạn không nắm được mấu chốt của lịch sử mà chỉ nhớ thoáng qua những chi tiết nhỏ nhặt. Ví dụ nắm được ông vua A của thời họ A thì như thế này, nhưng chẳng biết thời họ A có bao nhiêu đời, thời gian nào, trước và sau đó là thời nào,…

2. Với tư tưởng giáo dục “toàn diện”, hầu hết chương trình các môn khác là rất nặng, vậy lấy đâu sự thoải mái để học sinh khám phá lịch sử? Ngoài ra, đa số giáo viên dạy sử đều than với học sinh là tiết học không đủ. Ở trên yêu cầu giáo viên dạy thật sinh động, nhưng thời gian để giáo viên dạy đúng chương trình có khi còn không đủ, huống hồ…

3. Sức hấp dẫn với môn lịch sử mà nền giáo dục VN đưa ra với học sinh nói riêng lẫn người VN nói chung là tệ! Em rất yêu thích môn lịch sử, nhưng em đến với niềm đam mê ấy là do 1 tập truyện sử nước ngoài.

Hiện nay không ít người thuộc sử ta không bằng thuộc sử người, một phần là do sự du nhập từ phim, ảnh, truyện, game của nước ngoài… Nhưng cũng phải nhìn lại mình, tại sao lại xảy ra thực trạng như vậy? Vốn liếng sử nhà tệ không phải hoàn toàn do lỗi của học sinh. Xin các chú, các bác có trách nhiệm giáo dục thế hệ tương lai nước nhà cứu lấy môn lịch sử!

D2A

Học sử phải biết tư duy

Mình thấy cách chấm bài và ra đề của giáo viên cũng khiến học sinh, sinh viên phải học thuộc lòng. Ngay cả trường mình, một trường đại học lớn về khoa học xã hội cũng có cách làm như vậy.

Từ lâu, nhiều người cho rằng học sử chỉ biết học thuộc lòng là đủ. Qua đề thi đại học năm nay, quan niệm đó cần phải xem xét lại. Học sử cũng như các môn khoa học xã hội khác phải biết tư duy, lý luận, phải hiểu vấn đề mới có thể làm được.

Cảm ơn các thầy cô ra đề thi sử năm nay, một đề thi rất hay và “xứng đáng” là một đề thi ĐH mang tính phân loại. Đầu tiên phải xem xét lại mục đích của việc học sử là những gì. Có câu nói đùa rằng học sử để làm lãnh đạo. Như bác Võ Nguyên Giáp của ta không phải là một người học sử đó sao, bác vận dụng những cách đánh của người xưa phù hợp với hoàn cảnh ngày ngay để làm nên những chiến thắng lẫy lừng.

Vì vậy, học sử mang tính tư duy rất cao mà không hẳn ai cũng làm được. Mình thấy việc phân bố chương trình học ở phổ thông chưa hợp lý. Nếu cho môn sử là quan trọng thì sao lại sắp xếp mỗi tuần một tiết trong 45 phút được. Mình nghĩ năm nào tốt nghiệp cũng phải chọn môn lịch sử bắt buộc, môn ngoại ngữ nên xem xét lại vì trước sau gì nước mình cũng hiện đại hóa, chắc chắn mọi người sẽ biết phải trau dồi thêm ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.

Mong Bộ Giáo dục – đào tạo đưa ra hướng giải quyết tạm thời và lâu dài, đừng để những người học ngành khoa học xã hội như chúng em bị cho là chỉ biết học thuộc lòng, từ đó sẽ tạo áp lực cho những người theo khoa học xã hội. Trong khi chính những ngành khoa học xã hội mới là nền tảng cho các ngành khoa học khác.

HOÀNG

Hãy học các nước khác

Ở Mỹ, việc học sử rất hấp dẫn, Bộ Giáo dục và đào tạo có thể tham khảo. Ở các lớp dưới, sách giáo khoa có nhiều hình ảnh minh họa như truyện tranh, có những mẩu chuyện kể lý thú như mời gọi các em vào thăm thế giới xưa hừng hực và nhiều kỳ tích. Thật sự là người xưa sống hồn hậu, nghĩa khí và không bàng quan như cuộc sống hiện đại nên sẽ rất lý thú.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nên làm những video clip ngắn phục dựng những trận đánh, những giai thoại, theo kiểu tài liệu và tải trên YouTube. Khi giáo viên dạy chỉ cần mở YouTube cho các em xem. Tuy tốn kém lúc đầu, nhưng có thể dùng cho cả trăm năm sau nếu clip tái dựng trung thực và đẹp mắt.

Ngoài ra, nên tổ chức những cuộc thi đố vui, kể chuyện để các em tham gia và chơi. Ở lớp lớn, các em không nên học vẹt nhiều sự kiện ngày tháng vô ích. Đó không phải là mục đích dạy sử. Chỉ yêu cầu các em sắp được theo thứ tự những triều đại lớn, thuộc thế kỷ nào, những trận đánh lớn, những nhân vật có ảnh hưởng.

Những sự kiện nhỏ, những nhân vật không quan trọng, những ngày tháng cụ thể không nên yêu cầu học và nhớ. Em nào yêu thích thì sẽ tự động tìm hiểu thêm. Giống như âm nhạc hay bóng đá, đâu phải ai cũng có thể thấu đáo tất cả, chỉ những bạn trẻ thật yêu thích mới có thể nhớ hết từng chi tiết, từng nhân vật, và đó là sở thích cá nhân, không phải là kiến thức chung cần biết.

Ở lớp lớn, các em phải biết viết luận văn về sử. Môn sử không phải chỉ là môn học thuộc lòng nhàm chán. Nên yêu cầu các em viết những bài bình luận, lý giải những sự kiện, những quyết định lịch sử. Ngoài ra có những dạng bài tóm tắt, bình về những trận đánh, những nhân vật. Dĩ nhiên đây sẽ là những bài viết dài có thời gian một đến vài tuần, yêu cầu các em phải làm việc như những nhà nghiên cứu. Bộ sẽ cần in những sách đọc thêm.

Ngoài ra, có thể yêu cầu các em đọc những tiểu thuyết lịch sử có giá trị (chỉ đọc chương nào có liên quan đến bài đang học), hoặc những biên cứu, những áng văn sử. Sau đó, yêu cầu viết phân tích và bình luận. Chúng ta sẽ không yêu cầu các em viết đúng và sâu sắc như những nhà sử học. Nhưng những hoạt động trên sẽ giúp các em “thấy sử và suy nghĩ, tự đặt mình vào bối cảnh xưa và dự phần định đoạt cùng cha ông”.

Với những kiến thức sống động, những bài học đời hữu ích, khi các em phân tích sẽ thu được nhiều cho bản thân hơn là chỉ học một bài sử vô hồn. Đó là những tri thức mà các em sẽ nhớ suốt đời vì mình có dự phần.

Rèn luyện trí não như vậy sẽ đào luyện những nhà chính trị, luật sư, nhà báo, kinh tế, tướng lĩnh quân sự, biên kịch phim, đài truyền hình trong tương lai. Thực tế, rất nhiều ngành nghề yêu cầu phải nắm vững về sử và họ đang phải ra tiệm sách hoặc vào thư viện hằng ngày. Tại sao ta không giúp định hướng cho các em ngay từ những ngày còn học trong trường thay vì thờ ơ với nó, để rồi đến khi nghề nghiệp cần lại chạy đôn chạy đáo tra cứu.

Một bạn đọc

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.