Chị tôi từ một cô gái nhân hậu, vô tư, đặt mình xuống là ngủ ngay, giờ trở nên bị trầm cảm, stress rất nặng, bác sĩ chẩn bệnh rối loạn tiền đình do tâm lý. Chị tôi khi bị ức chế quá thì đè con đẻ của mình ra đánh tới tấp, rồi ôm con khóc, có khi chị còn có ý định giết con rồi tự tử luôn. > Có nên lấy người đàn ông từng lập gia đình?
Từ: peter kang
Đã gửi: 22 Tháng Bảy 2011 4:35 CH
Chị tôi, một cô gái trẻ tốt bụng, xinh xắn, hiền lành, thật thà và còn có thể gọi là hơi nhu nhược, cảm động trước một công chức góa bụa hơi nhiều tuổi, có một con trai nên quyết định lấy anh ta.
Gia đình tôi ai cũng phản đối vì không muốn bị cho là ham quan lớn và nhất là biết rằng chị tôi sẽ khổ vì kiếp làm mẹ kế nhưng mọi người không ai có thể thuyết phục được chị. Và vì gia đình tôi là gia đình gia giáo nên cũng không thể ra mặt chống đối cuộc hôn nhân hợp pháp này dù trong lòng ai cũng nước sôi lửa bỏng.
Về nhà chồng, chị tôi sĩ diện không tơ hào một đồng nào của chồng, chỉ xài lương của mình mà thôi cho nên anh rể tôi tự do tư túi để lo cho con trai và bên dòng họ của vợ quá cố. Nhà tôi không phải thiếu thốn nên dù rể làm quan nhưng chúng tôi thường hay mang cho chị gái cái này cái kia và anh rể thấy thế nên ỷ lại cho em vợ.
Một mặt anh rể luôn tỏ ra quan tâm, lễ phép, nhiệt tình với bên vợ nhưng không bao giờ muốn tốn tiền trong những khi quan trọng như giỗ ba tôi, thăm nom họ hàng bên vợ. Vì là trí thức cao, anh rể tôi luôn tỏ ra cư xử đúng mực còn chị tôi vì thật thà, ngôn từ không sắc sảo nên chẳng biết thực tế chồng kiếm được bao nhiêu, đã chi vào việc gì.
Anh rể tôi thường cho con cháu bên vợ cũ và con cháu của anh ở nhờ để đi học trong khi chị tôi đi làm về lại phải nai lưng hầu cơm nước giặt giũ, dọn dẹp cả nhà chồng. Con trai riêng của anh rể tôi nay đang lớn, biết đi tán gái, mà học hành không ra gì, chỉ lo đá gà, chơi game. Anh rể tôi cứ bù đầu lo chạy trường cho nó, sắm hết xe này đến xe khác vì nó cứ hô hoán mất xe, mỗi lần hô hoán thì có ngay xe mới.
Cơm dọn cho nó ăn, xong thì nó vứt đầy bàn và bỏ đi mất, quần áo nó thay ra không buồn cho vào máy giặt mà vứt đầy trong phòng, chị tôi đi làm về mệt lả người, bụng mang dạ chửa 7-8 tháng vẫn phải lom khom nhặt từng cái đi giặt. Nó 15-16 tuổi rồi, đi ra ngoài tán gái được mà về nhà bảo chị tôi nặn mụn cho nó, pha sữa cho nó uống, xong nó vứt ly tại giường mà nó vừa ngồi và đi mất.
Máy điện thoại của chị tôi để trong phòng riêng, vì tin tưởng nên không khóa, nó canh lúc chị đi làm, gỡ lấy sim đi xài mà chẳng nói tiếng nào. Chị tôi về kiếm đầu trên xóm dưới không có, anh rể tôi điện thoại hỏi, nó nói mượn xài đỡ vài bữa trả lại.
Chị tôi vì ngại tiếng dì ghẻ nên không bao giờ la rầy, chỉ nói nhẹ với chồng thì chồng từ khi mới cưới đến giờ 8-9 năm nhất nhất bảo một câu: “Em ráng lo, vài năm nữa nó lớn nó biết tự lực, tại từ nhỏ tới giờ nó chỉ quen được chăm chứ nó không có ác ý gì đâu”, “Xe mất tại nó sơ ý mất chứ không có chuyện cá độ hay đỏ đen gì”.
Con riêng anh rể tôi học luôn đội sổ mà bây giờ đua đòi về nói ba sắm cái máy tính xách tay. Tôi dùng laptop cho công việc mà đôi khi cũng còn tự thấy phí tiền. Chị tôi vốn là người rất dễ tính nên từ nhỏ tới giờ, từ trong gia đình đến người quen biết nào cũng khen chị tôi hiền lành, dễ chịu hơn tôi rất nhiều.
Bản tính đó, cộng với sự sĩ diện, vì chứng tỏ rằng mình lấy anh ta vì thương chứ không vì địa vị, chị tôi luôn luôn sống đơn giản và dễ dãi với bên chồng, không bao giờ tọc mạch xem chồng kiếm bao nhiêu, tiêu những khoản kiếm được vào việc gì.
Cho đến bây giờ, dù sinh 2 đứa con cho anh rể nhưng chị tôi chưa bao giờ cầm được một tháng lương của chồng. Anh rể tôi là người rất yêu con nên cũng không để cho con thiếu thốn gì nhưng hay đóng màn kịch với vợ rằng mình nghèo, muốn mua thêm đất, xúi vợ về mượn tiền bên ngoại, muốn đầu tư làm ăn gì cũng xúi vợ về hỏi ngoại.
Xin nói thật, anh rể tôi chỉ cần đến dự họp là nhận phong bì ít nhất một triệu, chỉ bỏ thời gian một buổi tối đọc một bản thiết kế là có ngay 5 triệu. Vậy chứ biết vợ có lương tầm gần 3 triệu đồng, anh rể tôi hay lừa các chi phí lặt vặt trong gia đình cho vợ. Một năm ngoài ngày Tết ra, anh rể tôi mang đầy đủ quà cáp cho nhạc gia, thì tất cả bổn phận chi tiêu lễ nghĩa bên vợ, tiệc tùng, thăm nom…, anh rể tôi đều “nhường” hết cho vợ.
Chỉ tội chị tôi chắt bóp dành dụm từng đồng, không dám tiêu xài cho bản thân, để phòng khi có việc tiệc tùng hay thăm hỏi. Nói trắng ra, nếu chị tôi sống một mình, với đồng lương của chị vẫn có thể sống khỏe và còn thanh thản đầu óc. Đằng này, chị tôi vừa mang tiếng “tham sang”, có tiếng mà không có miếng, trong khi thực sự chị tôi lấy người đàn ông góa bụa có con riêng đó chỉ vì thương gà trống nuôi con.
Lấy chồng làm quan mà đồng lương của chị phải trang trải đủ thứ từ ăn uống trong nhà, sữa, bệnh, thăm hỏi, tiệc tùng, làm bổn phận… Chưa kể con chồng hư đốn mà chồng cứ bênh chằm chặp, thế làm sao có cửa giáo dục nó? Mấy đứa cháu của vợ cũ cứ thường xuyên đến nhà dòm ngó và nói những lời lẽ không hay vào đầu cậu con riêng, nên nó cứ nghĩ tiền của ba nó nó xài. Cũng may chị tôi được bên chồng nể sợ và ủng hộ, mẹ chồng chị tôi thường hay la rầy thằng cháu nội lôm côm, bắt anh rể tôi gửi nó đi học xa.
Chị tôi từ một cô gái nhân hậu, vô tư, đặt mình xuống là ngủ ngay, giờ trở nên bị trầm cảm, stress rất nặng, bác sĩ chẩn bệnh rối loạn tiền đình do tâm lý. Chị tôi khi bị ức chế quá thì đè con đẻ của mình ra đánh tới tấp, rồi ôm con khóc, có khi chị còn có ý định giết con rồi tự tử luôn. Có lẽ bây giờ chị đã hiểu lý do vì sao ngày đó mọi người trong gia đình tôi kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này.
Dù chúng tôi bất bình vô kể nhưng mọi người luôn khuyên chị cố gắng để trung thành với lựa chọn của mình, đừng vì những ức chế trong lòng mà hãy nghĩ đến tương lai của những đứa con của chị để sống. Thật sự, nếu chị tôi ôm các con về nhà ngoại sống, chúng tôi vẫn thừa sức nuôi cả 3 mẹ con chị, nhưng chúng tôi không muốn các cháu của mình thiệt thòi phải thiếu vắng tình thương của cha, trong khi anh rể tôi rất yêu các con.
Còn tôi, cứ tức giận mình rằng ngày đó tôi đã không bỏ qua lòng tự trọng để có biện pháp cứng rắn ngăn chị tôi lao vào ngõ cụt mà ai cũng thấy để chị tôi bây giờ phải tự thốt lên “Thật hối hận”
Source: Báo VNExpress