Cô Nhóc nơi xa ngái…

AT – Rớt đại học, trước mắt tôi là hai sự lựa chọn. Có thể tôi sẽ ở nhà nửa năm, làm thêm việc gì đó rồi sau tết ôn tập để thi lại. Cũng có thể là học tạm một trường nào đó, rồi vừa học vừa ôn thi. Cuối cùng, do tác động từ phía gia đình nên tôi quyết định chọn con đường thứ hai: vừa học vừa ôn thi.

Truyện ngắn

Cô Nhóc nơi xa ngái…

Cô Nhóc nơi xa ngái…

Ba tôi bảo: “Học gì cũng giống nhau cả, miễn là mình có năng lực, sau này ra trường chỗ nào họ cũng nhận thôi”. Tôi nghe ba. Nhưng tôi không thể nào quên ánh mắt buồn bã của ông nội khi nghe tin tôi rớt đại học: “Nhà mình, ông hi vọng ở cháu nhiều nhất. Ông chỉ mong cháu là người đầu tiên vào được đại học của cả nhà, mong cho nhà mình có người học hành tử tế để thoát được cái nghèo, vậy mà…”. Tôi hiểu ông, tôi suýt khóc khi nghe ông nói như vậy, nhưng bản lĩnh của một thằng con trai không cho phép tôi bộc lộ một cách yếu ớt như thế. Con trai phải cứng rắn, phải lạnh lùng vượt qua khó khăn. Chính ông nội đã dạy tôi như thế.

Gia đình tôi là một gia đình thuần nông quanh năm chỉ với hai vụ lúa. Những lúc nhàn rỗi, ba mẹ tôi lại chạy vạy chỗ nọ chỗ kia xin làm thuê, làm mướn để có thêm chút đỉnh mua con cá, con tôm cải thiện bữa ăn gia đình, chứ chỉ trông vào mấy sào ruộng thì làm sao đủ sống. Trẻ con làng tôi cũng thất học nhiều, đa số học đến lớp 9, lớp 10 là bỏ học. Thế nên việc một ai đó đậu vào đại học quả là làm cả nhà được “mát mặt”, ra đường ai cũng nhìn với ánh mắt vị nể. Tôi đã bị ám ảnh bởi những câu nói của ông và quyết tâm thi đậu đại học vào năm sau.

oOo

Tôi đáp chuyến xe khách vào thành phố Đà Nẵng nhập học theo giấy báo trúng tuyển nguyện vọng 2 của Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng. Thật may mắn, tôi được ở trọ ngay trước cổng trường nên rất thuận tiện việc đi lại, đến trường chỉ có vài bước chân và những lúc trời mưa cũng không cần phải mang áo mưa nhùng nhằng, chỉ cần đội quyển sách lên đầu chạy ù qua là coi như xong chuyện.

Những ngày đầu tiên nơi đất khách quê người, tôi lại không có cảm giác nhớ nhà. Đúng là kỳ lạ thật, ai xa nhà mà không nhớ. Mấy đứa bạn tôi cũng học xa nhà, có đứa học tít tận TP.HCM, vậy mà chúng gọi điện về nói chuyện với ba mẹ cứ thút thít y như trẻ con, giọng nói thều thào, đứa bảo nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ vườn rau, nhớ cây ổi sau nhà…

Còn tôi thì ngược lại, có khi cả tháng không gọi điện về nhà lấy một lần. Mẹ trách móc bằng một giọng nói đặc chất địa phương: “Mi không nhớ nhà à? Răng không điện về nhà hỏi thăm mọi người lấy một tiếng, mi có biết ở nhà tau lo cho mi lắm không?”. Tôi cười trừ, lấp liếm. Chắc tôi thích sống tự lập như thế này từ lâu rồi nên mới như vậy.

Mới vào những ngày đầu tuy không nhớ nhà nhưng cảm giác cô đơn cứ xâm chiếm dòng suy nghĩ của tôi. Ở trọ chung với nhiều người là sinh viên nhưng hầu hết họ đã lớn tuổi. Họ có cách sống và lối suy nghĩ khác tôi, khác một thằng trẻ ranh nhà quê mới vào thành phố “vắt mũi chưa sạch”. Họ rất hay đi uống cà phê, nhưng tôi lại không thích lắm, tôi cho đó là vô bổ.

Họ rất hay bàn luận chuyện yêu đương, tán tỉnh, cưa cẩm cô nọ cô kia, thậm chí là cả chuyện phòng the nam nữ cũng được đưa ra mổ xẻ, phân trần. Còn tôi, tôi chúa ghét những chuyện “tào lao xịt bộp” như vậy. Giải pháp cho tôi là ra quán Internet vào Yahoo Chat trò chuyện với những người bạn cũ thời cấp III. Giờ tuy mỗi đứa học ở những phương trời xa lắc nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau thường xuyên. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mấy đứa bạn tôi ai cũng sắm điện thoại di động nên ít lên mạng hẳn. Có chuyện gì trao đổi qua điện thoại sẽ dễ dàng hơn. Và nghiễm nhiên tôi bị cho “ra rìa” vì chưa có điện thoại.

Lên Yahoo, tôi thẫn thờ nhìn những khuôn mặt cười ngày nào giờ biến thành những khuôn mặt đen xám xịt, chẳng có nổi một chút “cảm tình” nào với chúng cả. Buồn chán vì không có ai nói chuyện, tôi tập tành vào chat room. Nhưng tôi lại không quen nói chuyện với người lạ, chỉ được vài lời chào hỏi đại khái lúc đầu thôi. Đang lò mò tìm nút out khỏi phòng chat, tôi vô tình nhìn thấy một nickname nghe lạ lạ: cobemuadong_2oo6. Lạ bởi vì nó rất giống với bài hát mà tôi ghiền những năm học cấp III. Lúc nào nghe giọng hát của Đăng Khôi và Thủy Tiên, tôi cũng học đòi hát theo. Tôi click vào trò chuyện với người có cái nickname dễ thương ấy.

– changtraithattha_yeukhoahoc: BUZZ!

– cobemuadong_2oo6: Hi!

– changtraithattha_yeukhoahoc: Chào bạn. Hì. Tại vì bạn có cái nickname dễ thương nên mình mạo muội vào nói chuyện ý mà. Không phiền chứ?

– cobemuadong_2oo6: Rất hân hạnh. Thế sao bạn lại thích nó?

– changtraithattha_yeukhoahoc: À! Ừ, tại vì mình “kết” bài hát Cô bé mùa đông của Đăng Khôi và Thủy Tiên hát ý mà. Bạn biết bài hát đó không?

– cobemuadong_2oo6: Mình biết chứ! Bài đó hay phải không bạn? Mình cũng thích nó.

– changtraithattha_yeukhoahoc: Oa! Thế thì trùng sở thích âm nhạc rồi. Chúng mình làm quen nha?

– cobemuadong_2oo6: Hì hì. Ừm! Giọng của Thủy Tiên hay phải không? Nó thật ấm áp…

Khởi đầu thật đơn giản và bình thường như vậy đó. Hai chúng tôi với hai trái tim xa lạ bỗng xích lại gần nhau hơn. Những giờ phút trò chuyện chúng tôi phát hiện là cả hai có nhiều điểm chung, sở thích giống nhau. Rồi những câu nói hài hước, dí dỏm của tôi làm em bật cười. Tôi gọi em là Nhóc vì em mới chỉ học lớp 10 của một trường THPT ở Khánh Hòa mà thôi.

Nhóc là một cô bé có mái tóc dài, người thấp và hơi mập, đó là những lời Nhóc tả về mình để tôi có thể tưởng tượng vì chưa lúc nào tôi nhìn thấy Nhóc, dù là qua ảnh. Nhóc tấm tắc bảo tôi rằng ông trời không cho Nhóc ngoại hình đẹp nhưng bù lại Nhóc có một mái tóc dài mượt mà, đen óng ả khiến người khác phải chú ý và trầm trồ về cô bé có mái tóc tuyệt vời như vậy.

Thời buổi bây giờ, giữa muôn hình vạn trạng những kiểu tóc thời trang, “xì tin”, đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng thì ai đó sở hữu một mái tóc “truyền thống” như vậy quả là hiếm có. Và tôi cũng thích mái tóc dài của Nhóc từ đấy.

Thời gian sau đó tôi và Nhóc có cơ hội gặp nhau và trò chuyện nhiều hơn, không phải trên Yahoo Messenger mà là những lá thư tay Nhóc gửi cho tôi và những tin nhắn dễ thương trên điện thoại di động (lúc này tôi để sẵn điện thoại di động). Nhóc coi tôi như một người anh trai thật sự với cái tên:  Anh Hai. Quả thật, tôi không thích cái tên này lắm vì nghe nó “lúa lúa” thế nảo thế nào. Tôi bảo Nhóc đừng gọi là anh Hai nữa mà cứ gọi là anh A đi. Nhóc không nghe, cười khanh khách và bảo: “Em thấy cái tên này nghe hợp hơn”. Tôi chịu thua Nhóc.

oOo

Ở hai phương trời xa cách nhau hàng trăm cây số vậy mà hai chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ những dòng tin nhắn yêu thương hay những lá thư tâm sự nhí nhảnh. Và quan trọng nhất, Nhóc và tôi luôn cảm nhận rằng chúng tôi luôn ở gần nhau, gần lắm. Gần đến mức đã có lúc tôi nhầm tưởng đó là tình yêu.

Vậy đấy. Một buổi tối, nhắn tin cho Nhóc tâm sự chuyện trái tim của anh Hai đã rung rinh bởi sự nhí nhảnh, tinh khôi của Nhóc. Nhóc cười hì hì bảo tôi đã nhầm lẫn, đó không phải là tình yêu đâu, đó chỉ là sự quý mến, quan tâm của hai anh em thôi! Gì chứ chuyện này Nhóc giỏi hơn tôi, Nhóc biết đâu là tình yêu, đâu là tình bạn và có đủ tỉnh táo để “cảm” được cái ranh giới mong manh giữa tình yêu – tình bạn – tình anh em.

Và tôi đã tin, sẽ tin điều đó. Tôi đã coi Nhóc như người bạn tri kỷ của mình, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ kể cả những chuyện riêng tư, chuyện gia đình tôi. Còn Nhóc, Nhóc biết lắng nghe và chia sẻ. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể xa Nhóc cả.

oOo

Chỉ học đến học kỳ đầu tiên của Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, tôi làm thủ tục tạm dừng học tập để dành thời gian ôn tập thi đại học lần 2, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ vượt vũ môn hóa rồng như lời hứa với ông nội. Và tôi đã đăng ký luyện thi ở một trung tâm khá lớn ở thành phố Đà Nẵng.

Cuộc sống cứ trôi đi với mỗi buổi sáng Nhóc đều điện thoại gọi tôi dậy, sợ tôi ngủ nướng sẽ đến trường muộn. Cô bé cũng thường xuyên nhắc nhở tôi ăn uống điều độ, không nên ăn linh tinh, ăn vặt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập, không nên chơi game, uống rượu bia nhiều ảnh hưởng đến trí nhớ. Nhóc quan tâm tôi đến mức tôi nghĩ còn hơn cả mẹ của mình. Đúng là cô em gái tốt của tôi. Rồi những đêm thức khuya bù đầu với sách vở, bài tập, Nhóc lại thức cùng tôi để canh tôi… không ngủ gật. Chốc chốc Nhóc lại nhắn tin hỏi thăm. Nếu như tôi không hồi âm có nghĩa là đi ngủ rồi, vậy là sáng ra tôi phải lãnh “án phạt” do Nhóc tếu táo nghĩ ra.

Sau bốn tháng miệt mài ôn luyện với những khoảnh khắc đáng nhớ cùng Nhóc, tôi tự tin bước vào kỳ thi đại học lần thứ hai trong đời và tự hứa với mình sẽ không phạm phải sai lầm như lần đầu tiên nữa. Bước vào phòng thi tôi hít một hơi thật mạnh, hồi tưởng những gì mà Nhóc đã căn dặn tôi trước “giờ G” để có được tâm lý thoải mái nhất trước khi làm bài. S

au mỗi buổi thi, Nhóc luôn điện thoại hỏi thăm tôi: “Anh làm bài sao rồi? Có tốt không? Có nhớ những lời em dặn không đấy?”. Tôi hóm hỉnh đáp lại: “Có cô Nhóc chăm sóc kỹ thế mà làm bài không được thì đi cắn lưỡi tự tử chết đi cho rồi”. Nhóc cười xòa và yên tâm rằng tôi làm bài khá tốt.

Vài ngày sau tôi đón xe về quê, rời xa thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp để về với vùng quê nghèo nơi mảnh đất nắng gió Quảng Bình. Ba mẹ tôi không biết tôi “trốn” học thi lại đại học, cứ nghĩ là tôi vẫn học ở trường cao đẳng. Đến lúc tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, họ lắc đầu không tin tôi có khả năng đó. Còn tôi phát run lên vì vui sướng và người đầu tiên trong đám bạn bè tôi gọi điện chia vui là Nhóc. Không chỉ “vui lây” cùng tôi mà Nhóc còn dặn tôi là phải gửi quà “tạ ơn” nữa. Nhóc chính là người thân nhất của tôi trong những tháng ngày “đồng cam cộng khổ” để đối mặt với cuộc thi.

Một tháng sau tôi vào Đà Nẵng nhập học đại học và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với Nhóc. Nhóc còn hớn hở bảo: “Hai năm nữa em sẽ ra Đà Nẵng học chung với anh Hai, bắt anh Hai… nuôi em ăn học. Đồng ý không?”. Vậy là tôi sẽ có cơ hội đền đáp những ân nghĩa mà Nhóc dành cho tôi, ít nhất về mặt tinh thần. Sẽ thế… 

VĨNH HÀN (ĐHSP Đà Nẵng)

 

 

Áo Trắng số 12
(số 96 bộ mới) 
ra ngày 1/07/2011
 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.