TTCT – Nếu nhớ lại khóa họp Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đầu tiên ngày thứ hai 25-7-1994 tại Bangkok, sẽ thấy diễn đàn lần này tại Indonesia có ý nghĩa thiết thực vượt bậc hơn bao giờ hết.
Diễn đàn ARF và Biển Đông: Trông chờ diễn biến tích cực
>> ASEAN – Trung Quốc thông qua hướng dẫn thực thi DOC
>> Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (thứ năm từ trái sang) tại lễ khai mạc Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Asean lần thứ 44 ở Indonesia ngày 19-7-2011 – Ảnh: AFP |
Ở khóa họp đầu tiên ấy, Việt Nam còn chưa là thành viên của ASEAN, mới chỉ là quan sát viên cùng với Lào và Papua New Guinea. Campuchia thậm chí còn chưa là quan sát viên… Vậy mà ARF lần đầu tiên ấy đã sớm mở ra với những “đối tác đối thoại” đầu tiên là Úc, Canada, EU, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, các “đối tác tham vấn” là Trung Quốc và Nga.
ARF họp xong, chủ tịch ARF đọc tuyên bố: “ARF đã cho phép các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đẩy mạnh thói quen đối thoại xây dựng và tham khảo (lẫn nhau) về các vấn đề chính trị và an ninh mang tính lợi ích và quan ngại chung… Nhằm hướng đến việc xây dựng niềm tin và ngoại giao phòng ngừa trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương…” (1).
Thú thật, nghe xong không khỏi không thầm nghĩ: sao mà ARF “xa vời” quá! Thật ra tình hình năm 1994 đâu có gì rắc rối. Trong suốt tuyên bố của chủ tịch ARF năm ấy, chẳng một lần nhắc đến biển Đông! Qua năm sau và năm sau nữa, theo dõi ARF họp ở Brunei Darussalam rồi Thái Lan cũng thấy những tuyên bố tương tự: ngồi ở Đông Nam Á, bàn về hạt nhân bán đảo Triều Tiên!
Khi ” đường lưỡi bò” chưa nổi lên
Quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc cho đến nay lẽ ra vẫn phải dựa trên thông cáo chung ASEAN – Trung Quốc ngày 30-10-2006 ký tại Nam Ninh (2) nhân 15 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc.
Hai bên bày tỏ “hài lòng với việc ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002” (điều 3), “cam kết thực thi một cách hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông và cộng tác hướng tới việc phê chuẩn một bản quy ước ứng xử trên biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, nhằm tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực” (điều 14). Thông cáo chung Nam Ninh 2006 đó mang chữ ký của lãnh đạo chính phủ các nước ASEAN, còn về phía Trung Quốc là Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Năm 2006, tình hình biển Đông chưa bị đám mây “đường lưỡi bò” che phủ. Đó là giai đoạn mà Trung Quốc còn bám sát chính sách “thế giới hài hòa”, một chiêu thức của “quyền lực mềm”. Toàn thể mười nhà lãnh đạo chính phủ ASEAN cùng tề tựu ở Nam Ninh ký giao ước với ông Ôn Gia Bảo.
Henry Kissinger đã viết trong On China như sau: “Từ khi Trung Quốc nổi lên như là một nhà nước thống nhất vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên cho đến khi triều Thanh sụp đổ vào năm 1912, Trung Quốc đứng ở vị trí trung tâm của một hệ thống Đông Á bền vững đáng kể. Vị hoàng đế Trung Quốc được đa số các nước láng giềng xem và công nhận như là đỉnh cao chót vót của một hệ thống tôn ti trật tự chung, được thủ lĩnh các nước khác phục vụ như là chư hầu…”.
Khái niệm “đại cường”
Một năm trước đó, trên chuyên san Foreign Affairs tháng 9 & 10-2005, người đã năm lần tham gia viết dự thảo báo cáo Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc là Trịnh Tất Kiên còn giới thiệu về sự “trỗi dậy trong hòa bình” của đất nước mình như sau:
“Trung Quốc sẽ không đi theo con đường của Đức vốn đã dẫn đến Thế chiến thứ nhất, hay con đường của Đức hay Nhật vốn đã dẫn đến Thế chiến thứ nhì, khi mà các nước này cưỡng đoạt tài nguyên và đeo đuổi bành trướng. Trung Quốc cũng sẽ chẳng bao giờ đi theo con đường mà các đại cường nhằm thống trị thế giới trong thời kỳ chiến tranh lạnh” (3).
Nghe qua thấy cũng có phần giông giống với giai thoại về Thủ tướng Chu Ân Lai 40 năm trước, được Kissinger thuật lại trong tác phẩm White House years (Những năm tháng trong Nhà Trắng).
Thứ sáu 9-7-1971, thủ tướng Chu Ân Lai, khi tiếp cố vấn Henry Kissinger, đã nhắc đến bài diễn văn hôm 6-7 trước đó của tổng thống Nixon, theo đó Nixon đề xuất một thế giới gồm “năm siêu cường” là Mỹ, Tây Âu, Nhật, Liên Xô và Trung Quốc. Kissinger kể: “Ông Chu bác bỏ từ ngữ “siêu cường”: Trung Quốc không muốn chơi trò chơi đó!”.
Thế nhưng, đáng lưu ý là tuy đại học giả Trịnh Tất Kiên có cố gắng giới thiệu một cách khiêm tốn một Trung Quốc trỗi lên trong hòa bình thì ông cũng đã dùng đến từ ngữ “đại cường” (great power) để chỉ vị thế mới của đất nước ông. Thành ra ông Trịnh mới giông giống ông Chu năm 1971 thôi chứ không như là ông Chu để không nghĩ đến chữ “đại cường”.
Thật ra có thể dùng số học để so sánh tư thế ông Chu và ông Trịnh. Trung Quốc năm 1971 thời ông Chu GDP/đầu người là 117,18 USD (Malaysia cùng năm ấy đã là 405,67 USD), thành ra ông Chu làm sao dám nhận lời Nixon rủ rê nhảy vào “hàng ngũ siêu cường”. Nhưng Trung Quốc năm 2005 của học giả Trịnh lại có GDP/đầu người 2.256 USD, nên ông Trịnh thích thú với từ ngữ “đại cường”.
Thế nhưng năm 2010, GDP/đầu người Trung Quốc lên đến 5.745 USD, nhiều hơn năm 1971 thời ông Chu gấp 50 lần (4). Thành ra không khó hiểu việc cái gọi là “vùng lưỡi bò” từ một yêu sách chủ quyền như mọi nước khác liên quan bỗng dưng trở thành một khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi”, và nay được thực thi bằng tàu hải giám và tàu hải quân Trung Quốc cùng bạo lực độc diễn, xé toạc bản thông cáo chung Nam Ninh năm 2006 cùng “bôi mất” chữ ký của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trên đó!
Từ ARF 2010 đến ARF 2011
Năm ngoái, khi “đường lưỡi bò” mới bắt đầu lấp ló cùng với cụm từ “lợi ích cốt lõi”, ARF Hà Nội đã kết thúc bằng tuyên bố của chủ tịch có đoạn: “Các bộ trưởng đã trao đổi về những diễn biến gần đây và hoan nghênh các tiến bộ trong tham khảo giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm phát triển một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.
Các bộ trưởng cổ vũ việc tiếp tục tự kiềm chế bởi tất cả các nước liên quan và cổ vũ các biện pháp xây dựng niềm tin trong khu vực, đồng thời hoan nghênh việc các nước liên quan cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, cũng như nhằm đảm bảo tự do lưu thông trong khu vực” (điều 16).
Năm nay, sau những sự cố sử dụng vũ lực trong những tháng qua với tàu bè của Philippines và Việt Nam, nhân danh cái gọi là “vùng lưỡi bò không thể tranh cãi”, ARF càng được chú ý.
Trước thềm ARF, ông Djauhari Oratmangun, tổng vụ trưởng hợp tác ASEAN của nước chủ nhà, cho biết: “Với sự hội nhập của Mỹ và Nga vào trong cấu trúc khu vực, chúng tôi muốn đưa ra khái niệm “quân bình năng động”, trong đó không có một thế lực thống trị nào. Chúng tôi muốn nhân kỷ niệm “20 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc” bàn đến vấn đề biển Đông… Chúng tôi sẽ tiến đến thực thi sự hợp tác hỗn hợp đã được nhấn mạnh trong DOC” (5).
Thế nào là một “cấu trúc quân bình năng động”, trong đó có thêm Mỹ và Nga để tránh “một thế lực thống trị”? Một “tam quốc chí” tân thời với một thế cân bằng tay ba? Trong khi chờ đợi một quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), sẽ tạm chấp nhận một bộ hướng dẫn thực thi Tuyên bố ứng xử biển Đông (DOC) như theo tiết lộ của tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan (6)?
DANH ĐỨC
__________
1. Chairman’s statement the first ASEAN regional forum, Bangkok, 25 July 1994
2. Joint statement of ASEAN-China commemorative summit
3. “Peaceful Rising” to Greater-Power Status, Zheng Bijian
4. Indexmundi
5. The Jakarta Post | Mon, 18-7-2011
6. Kyodo, 18-7-2011
Source: Báo Tuổi Trẻ