LTS: Kết thúc loạt câu chuyện “Con tôi đi bụi” (xem từ TTCT số 23 ngày 12-6), TTCT giới thiệu bài phân tích của các chuyên gia xã hội và tư vấn tâm lý về vấn đề “đi bụi” của thanh thiếu niên.

TTCT – “Đi bụi” là một từ lóng được dùng để chỉ hành động rời bỏ nơi cư trú của thanh thiếu niên, thường là nhất thời, mà không có sự thỏa thuận với người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng. Hiện tượng này ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các đô thị trên thế giới trong quá trình công nghiệp hóa.

LTS: Kết thúc loạt câu chuyện “Con tôi đi bụi” (xem từ TTCT số 23 ngày 12-6), TTCT giới thiệu bài phân tích của các chuyên gia xã hội và tư vấn tâm lý về vấn đề “đi bụi” của thanh thiếu niên.

Khi “đi bụi” không chỉ là vấn đề tâm lý lứa tuổi

Tuổi Trẻ Cuối Tuần trong các tuần qua đã đăng một loạt bài viết của những người từng đi bụi, những người thân trong các gia đình có con em là người đi bụi và những người làm công tác tư vấn.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đi bụi thì xung đột gia đình thường là nguyên nhân quan trọng nhất. Trong quá trình dạy dỗ, cha mẹ luôn tạo ra những quy tắc ứng xử nhằm bảo vệ con em tránh khỏi những mối nguy hiểm bên ngoài xã hội và hướng con mình tới những kỳ vọng nào đó. Nói nôm na, những quy tắc đó chính là nếp nhà. Phải chăng sự ra đi của trẻ chính là sự xung đột với nếp nhà ấy?

Nhận diện mô hình giáo dục

Dựa trên các bài viết đã đăng nói về hiện tượng này, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích diễn ngôn để so sánh thái độ, hành vi của cha mẹ với tâm trạng của trẻ. Bằng cách đó, chúng tôi đã nhận diện các mô hình giáo dục trong các gia đình có trẻ đi bụi. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả của một nỗ lực sắp xếp về mặt lý thuyết, trong thực tế các mô hình có thể ít nhiều đan xen lẫn nhau.

Trong các gia đình có lối giáo dục áp đặt, xuất phát từ ước muốn con vượt trội so với bạn bè hay muốn ngăn cấm con khỏi các tệ nạn phức tạp ngoài xã hội, nhiều bậc phụ huynh vô tình trở nên quá cực đoan khi kiểm soát từ giờ giấc, việc học hành, mối quan hệ bè bạn đến việc hoạch định tương lai của con. Hành vi này vô tình biến gia đình thành một “nhà tù” và những đứa trẻ chỉ mong thoát khỏi “gông cùm” hay “guồng máy lập trình” do chính cha mẹ tạo ra.

Ở một mức độ nghiêm trọng hơn, khuynh hướng này trở thành độc đoán với những hành vi bạo hành, khi “dạy dỗ là phải đánh” (trường hợp Ph. – Hạ Vũ). Ngược lại, đối với gia đình có lối giáo dục bỏ mặc, trẻ bị bỏ rơi trong chính gia đình của mình, lý do là vì cha mẹ lo làm kinh tế, giao việc học cho thầy cô dạy kèm, giao con cho người giúp việc. Tệ hơn, một số cha mẹ chỉ bận tâm đeo đuổi những ham muốn của cá nhân mình (“cả hai đều có bồ” – B.V.).

Ở một chiều hướng khác, có những gia đình sử dụng lối giáo dục nuông chiều: cha mẹ “bao sân”, “chăm chút từng đồng quà tấm bánh” (chị Trân Châu), thỏa mãn vô điều kiện ý thích của con.

Dù hưởng thụ lề lối giáo dục nào trên đây, đứa trẻ cũng đều phải chịu đựng một trạng thái tâm lý tình cảm bất thường trong một thời gian dài. Nhẹ thì thấy chán ghét, gò bó, nặng thì thấy khổ sở, cay đắng, uất ức và thậm chí muốn chết.

Ngoài ra, sự gò bó, bỏ mặc hay nuông chiều của cha mẹ còn làm trẻ cảm thấy lẻ loi, cô đơn và mất phương hướng (“chẳng ai bắt đầu dạy tôi từ đâu để thay đổi” – Ph.). Trong một tâm trạng như vậy, những cơn cớ nhỏ nhặt vặt vãnh đôi khi cũng đủ để trẻ gây ra chuyện “động trời” như bỏ nhà đi bụi.

Những thông điệp của trẻ đi bụi

Phản ứng lại với cha mẹ

Việc đi bụi thường được đứa trẻ dùng như một biện pháp để phản ứng lại cách giáo dục của cha mẹ mình. Chính vì ở vào thế bị động và phụ thuộc trong nhà, nên khi lâm vào tình thế xung đột nào đó, đứa trẻ cảm thấy dường như bế tắc, không lối thoát, dẫn đến lối kháng cự tiêu cực là đi bụi.

Mục đích đi bụi đôi khi chỉ đơn giản để giải tỏa như “bỏ đi cho khuây khỏa” (em gái chị Trân Châu), để “sổ lồng” (nguyennhat) hay để yêu sách “khiến bố mẹ sợ và không cấm cản hay điều khiển nữa” (Duy Tường). Có khi đó là một sự tính toán thu xếp để “tự lập tương lai” (Thục Uyên). Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp, chuyện đi bụi đều đẩy đứa trẻ vào những tình huống phiêu lưu.

Trẻ đi bụi hầu như hoàn toàn không ý thức được những tình huống nguy hiểm như “nhậu nhẹt, đi bão, quan hệ tình dục” (Duy Tường), thậm chí sử dụng chất gây nghiện. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn trẻ đi bụi thường trở về nhà trong vòng từ 24-48 giờ (1). Chưa sẵn sàng để bước vào đời, trẻ nhanh chóng mất phương hướng và nhận ra sự “tự do” mà chúng đang kiếm thật ra chỉ là ảo.

Đòi hỏi sự thừa nhận “cái tôi”

Nhà tâm lý học D.J. Arnoux (2) cho rằng các đặc trưng của lứa tuổi dậy thì chính là sự xác lập giới tính, sự phát triển tính tự lập và sự cảm nhận về cái tôi. Nếu ở lứa tuổi thơ ấu, trẻ phụ thuộc vào cha mẹ và thích đồng nhất mình với cha mẹ thì ở tuổi dậy thì, trẻ từ bỏ điều này để tìm kiếm những hình mẫu khác ngoài xã hội.

Trong quá trình tìm kiếm và sàng lọc hình mẫu mới này, trẻ dần xác lập cái tôi của mình. Sự khẳng định cái tôi vì thế hết sức quan trọng, được thể hiện từ những việc nhỏ như giữ một kiểu tóc riêng (“Tóc của tôi thì tôi cắt, tôi có làm hại ai đâu” – Hà Thị Phượng; “mua một chiếc kẹp tóc” – Ph.) đến việc kết bạn (“những trận cười, những trò chơi vô tư cùng bạn bè trang lứa” – nguyennhat). Điều quan trọng chính là “tôi thấy mình được là chính mình” – Thục Uyên.

Khát vọng tự lập

Theo nhà tâm lý học M. Bernard, trước thực tế trường học và gia đình là không gian của kỷ luật, nơi đưa ra các nguyên tắc giáo dục như ấn định giờ học, giờ ăn, giờ chơi, giờ xem tivi…, lứa tuổi thiếu niên thường cảm nhận thế giới rộng lớn bên ngoài là không gian lý tưởng của sự tự do.

Tuy tiềm ẩn những nguy cơ, song việc tiếp xúc với cuộc sống thực tế là một nhu cầu thiết yếu của tuổi dậy thì, để có thể chuyển từ tuổi thơ ấu – một đứa trẻ phụ thuộc sang tuổi trưởng thành – chịu trách nhiệm về các quyết định trong cuộc đời mình. Việc quan sát, nhìn nhận và trải nghiệm cuộc sống sẽ góp phần vào việc tạo lập tinh thần tự chủ của trẻ trong tương lai (“Tôi luôn muốn kiếm con đường đi cho riêng mình” – Thục Uyên).

Vì thế, đối với phần lớn gia đình cô lập con cái, o bế, giam hãm, không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài, biến trẻ thành các “cậu ấm”, “cục cưng”… thì nhu cầu tự lập, tự chủ của các trẻ này càng trở nên mạnh mẽ, thậm chí trong một số trường hợp, trẻ đi bụi để được trải nghiệm sự tự lập đó (“Tôi như vừa được khai hóa. Tôi bỗng cảm nhận rằng có khoảng đời khác mà tôi đã đánh mất – hay bị tước mất”- nguyennhat).

Đi bụi: trách nhiệm từ gia đình tới xã hội

Nếu trước đây đi bụi thường chỉ nảy sinh trong một số hoàn cảnh nhất định: gia đình đông con, nhà nghèo, cha mẹ bỏ nhau, học sinh cá biệt… đến độ người ta có thể coi việc đi bụi là một tội, thì ngày nay hiện tượng này dường như đã lây lan đến cả những “con ngoan trò giỏi” và “con nhà gia giáo”.

Chúng tôi cho rằng cơ hội tiếp cận với những giá trị nhân văn của xã hội hiện đại như sự tôn trọng cá nhân, nhất là thông qua các kênh truyền thông, đã khiến thiếu niên có ý thức hơn về tự do cá nhân và về nguyên tắc đối xử bình đẳng trong gia đình. Trong khi đó, các bậc cha mẹ dường như chưa “nuốt trôi” kiến thức về tâm lý lứa tuổi và các phương pháp giáo dục mới, chẳng hạn: thiết lập một mối quan hệ tương giao, đối thoại, đồng cảm với con cái (3) thay vì áp đặt, bỏ rơi, nuông chiều hay trừng phạt.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thanh thiếu niên phải chịu nhiều sức ép từ việc học tập với lượng kiến thức quá tải, nội dung giáo dục nặng nề lạc hậu, bệnh thành tích, nhất là sự buông bỏ trách nhiệm của nhà trường trước các học sinh kém, cá biệt, vai trò của các bậc cha mẹ ngày càng trở nên quan trọng hơn nữa.

 

Mô hình giáo dục trong những gia đình có trẻ đi bụi

Mô hình giáo dục gia đình

Trường hợp

Hành vi của cha mẹ

Nhận xét của đứa trẻ về thái độ của cha mẹ

Tâm trạng của trẻ đi bụi

Ðộc đoán,

áp đặt

Duy Tường

gọi điện kiểm tra, yêu cầu… xác minh, áp đặt giờ giới nghiêm, xét hỏi kỹ nội dung của người gọi đến

tham gia rất sâu vào đời sống của con

không được thoải mái, ức đến phát khóc, nghẹt thở, gò bó, uất ức

nguyennhat

bắt học y khoa; theo dõi ngặt nghèo; cấm chạy nhảy, đá banh, chỉ học và học

nhiều quyền hạn quá, coi tôi là “siêu nhân”, như một cảnh sát

không may mắn, cố gắng hết sức, như một tù nhân không tuyên án

Thục Uyên

phát hiện những lỗi nhỏ nhặt; la rầy, mắng té tát; bắt viết bản tự kiểm; không cho đi làm thêm

[bắt buộc làm] theo khuôn mẫu, [tự] sắp đặt mọi thứ, [tự] vẽ con đường thẳng tắp tới tương lai

chán ghét, tủi thân

Ph.

đánh, nhục mạ

 

khóc, chịu đựng, “không cứu được em đâu, nói với cha mẹ là em chết rồi”

Bỏ mặc

B.V.

xem con có cần tiền thì cho, [không chăm sóc khi con ốm], không nhớ sinh nhật con

không có chuyện gì để nói [với con], không quan tâm

muốn chết, cuộc sống không có ý nghĩa, cay đắng

Nuông chiều

nguyennhat

đến trường đưa khăn giấy, nước cam, nước yến, kẹo ngậm; không cho làm bất cứ việc gì ngoài việc học

 

sự yêu thương của mẹ khiến tôi khổ sở

em của

Trân Châu

chăm chút đồng quà tấm bánh

cưng chiều, bao sân

ỷ lại (lời người chị)

THS HỒ THỊ HÒA – VŨ THỊ THU THANH
(Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ)

__________

(1): M. Bernard, “La fugue à l’adolescence”, Nervure, Octobre 2008.
(2): D. J. Arnoux, La dépression à l’adolescence, Nxb In Press, 1999.
(3): A. F. Koerner, A. Fitzpatrick, “Toward a Theory of Family Communication”, Communication Theory, December, 2002.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.