Bố sống chung với bệnh tật, ông tìm cách trì hoãn việc chữa trị để có tiền đóng học cho con. 11 tuổi tôi xa bố mẹ đi học trọ, trong tâm trí còn non nớt, tôi luôn khắc ghi lời bố phải học hành chăm chỉ để sau này trở thành nhà tài chính giỏi. Và tôi chỉ ước làm sao kiếm được nhiều tiền, đưa bố đi gặp bác sĩ.>Thi viết ‘Ước mơ của tôi’ trên VnExpress và iOne
Trở về sau 10 ngày nằm viện, đang còn uống thuốc thì bố tôi đã phải xuống đồng đi gặt, đi nhổ lạc, chưa kịp ngơi tay ông đã phải đi nhổ mạ cho mẹ tôi cấy. Gọi điện về nghe bà kể mà tôi ứa nước mắt.
Là thương binh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, bố tôi có thể lực không tốt. Ngoài vết thương trong những ngày chiến đấu, bố còn bị thoát vị đĩa đệm, bị đau dạ dày và thi thoảng bị tai biến. Tôi còn nhớ rất rõ những lần lao động quá sức hay bị kích động, bố choáng váng, nôn mửa và hôn mê. Mẹ và chị gái tôi đã khóc hết nước mắt, còn tôi và đứa em út chỉ biết chạy đi gọi người đến giúp đưa bố đi cấp cứu.
Gia đình thuần nông nhưng bố muốn “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, bố cho tôi và chị gái thi xuống trường chuyên của huyện để có cơ hội được học hành tử tế, có nghề nghiệp ổn định, thoát khỏi cuộc sống bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
11 tuổi tôi xa bố mẹ đi học trọ, trong tâm trí còn non nớt khi ấy, tôi luôn khắc ghi lời bố phải học hành chăm chỉ để sau này trở thành một nhà tài chính giỏi. Bố sống chung với bệnh tật, ông tìm cách trì hoãn việc chữa trị để có tiền đóng học cho con. Lúc ấy, tôi chỉ ước làm sao kiếm được nhiều tiền, đưa bố đi gặp bác sĩ.
Tôi mơ ước mình kiếm được thật nhiều tiền để chữa bệnh cho cha. Ảnh minh họa: ST. |
Tôi và chị gái ở nhờ nhà người bạn chiến đấu của ông nội. Hai chị em tôi xin được ăn riêng bởi sợ nếu ăn chung không có tiền đóng góp. Hàng tuần, tôi và chị thay phiên nhau chở gạo, mắm, muối… xuống để đủ lương thực cho hai chị em ăn cả tuần; mẹ tôi mua khoai tây, một ít cá khô, giã một lọ muối lạc cho mang. Hôm nào có tiền mẹ mua vài con cá đồng, rán lên và cho vào lọ để chị em tôi có thể ăn trong hai ngày.
Ai về sớm thì nấu cơm, dù thức ăn không có gì nhưng chị em tôi chưa bao giờ kêu ca, có những hôm hết gạo, tôi và chị ăn chung gói mì rồi học. Chị học lớp Văn, tôi lớp Toán nên hai chị em tự bảo ban nhau học, không giúp đỡ hoặc kèm cặp nhau được.
Quãng đường từ nhà trọ đến trường chỉ chừng 2 km nhưng ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì nhầy nhụa. Tôi nhớ có những tháng mưa kéo dài, mỗi ngày đi học là mỗi ngày chị tôi khóc hết nước mắt vì không đủ sức dắt xe qua con đường ấy.
Đất bết dính, kẹt hết vào bánh xe khiến chúng không thể quay nổi. Tôi và ông chủ nhà lại phải xắn quần, ra gỡ đất và đẩy xe hộ chị. Lúc đó tôi ước giá có tiền, chị em tôi có thể thuê một căn phòng nhỏ ở gần trường, chị tôi sẽ không còn phải khóc nữa.
Những ngày nghỉ hè về quê, tôi giúp bố nhổ mạ, chị đi cấy cùng mẹ. Chị tôi yếu nên đi làm được 3 hôm thì ốm nằm bẹp giường một tuần. Do phải lo cho hai chị em tôi nên bố mẹ nhận nhiều ruộng. Ngày mùa người ta chỉ phải làm vài hôm thì bố mẹ tôi cặm cụi đến nửa tháng. Đồng xa, mẹ dậy từ 3h sáng để nấu cơm mang đi ăn trưa, rồi 20-21h bố mẹ mới về nhà.
Sau những ngày làm mùa ấy, mặt mẹ tôi hốc hác, đen đúa, người bố tôi đã nhỏ lại càng quắt thêm. Tôi nhớ có lần mẹ đi rải vôi cho lúa khỏi bệnh, ruộng ngập nước, mẹ phải lội xuống mà không có quần áo bảo hộ. Mẹ rải đến đâu, vôi tôi đến đấy, mẹ bị bỏng nặng phải xuống bệnh viện.
Những ngày nằm trên giường với đôi chân lở loét, mẹ trông thật đáng thương. Chị gái tôi sau buổi học phải đạp xe 20 cây số về để chăm sóc mẹ, sáng sớm lại lóc cóc đạp xe xuống trường. Tôi thương mẹ bao nhiêu lại thương chị bấy nhiêu.
Bạn bè tìm thầy giỏi có tiếng ở huyện để học thêm, sợ lưng mẹ thêm oằn, tóc bố thêm bạc, tôi rủ chị đến hiệu sách cũ tìm những cuốn tham khảo mang về tự học. Có những hôm ngủ, tôi nằm mơ thấy bố ốm phải đi bệnh viện, tỉnh dậy thấy mặt ướt nước, tôi lại ngồi vào bàn học. Tôi tự nhủ phải học thật giỏi để kiếm tiền chữa bệnh cho bố.
Tôi đứng đầu lớp Toán, giành được nhiều giải trong các cuộc thi học sinh giỏi, nhưng mơ ước của tôi là giảng đường đại học. Nếu sau giờ học bạn bè rủ nhau chơi game, đá bóng thì tôi trở về nhà trọ, nấu cơm và ngồi vào bàn học. Tôi biết mình không có điều kiện được học thầy giỏi như các bạn, tôi phải có vũ khí gì đó để bằng và thậm chí hơn các bạn, đó chỉ có thể là sự chăm chỉ và chịu khó tìm tòi.
Chị tôi đỗ một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội, niềm tin và sự quyết tâm của tôi càng tăng lên. Hai năm sau, bố mẹ tôi lại cười mãn nguyện vì tôi thi được 27 điểm vào Học viện Tài chính. Lúc đó tôi biết mình đã đi được nửa chặng đường của giấc mơ.
Học đại học thật khác xa cấp 3, tôi cảm nhận được điều ấy. Tôi biết mình không thể chỉ biết cắm đầu vào sách vở bởi học phải đi đôi với hành. Chị gái tôi cũng luôn dậy tôi điều đó, tôi bắt đầu tìm việc làm thêm: gia sư, viết bài gửi báo. Tôi nhờ các anh cùng khoa đã đi làm giới thiệu công việc để làm quen với công việc sau này. Tôi thấy mình thực sự lớn lên rất nhiều.
Giờ tôi đã là sinh viên năm cuối, chỉ một năm nữa thôi tôi sẽ có đủ đôi cánh để vùng vẫy ngoài cuộc sống. Tôi biết sẽ có bon chen, tranh đấu, nhưng tôi tin với sự cố gắng của bản thân, tôi sẽ đạt được ước mơ trở thành một kế toán, một nhà tài chính giỏi.
Từ ngày 15/5 đến 15/8, các bạn trong độ tuổi 15-30 có thể tham gia cuộc thi viết “Ước mơ của tôi” do VnExpress.net, iOne.net và Trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT-Arena phối hợp tổ chức. Trong bài thi, bạn có thể kể về những ước mơ lớn lao như trở thành người nổi tiếng hoặc bình dị như đỗ đại học, có được nghề nghiệp đúng sở thích, được khám phá danh lam thắng cảnh… Bạn cũng có thể viết về hành trình để biến ước mơ thành hiện thực, quyết tâm thay đổi cuộc sống chính mình. Bài viết dài không quá 2.000 từ. Một người có thể gửi nhiều bài dự thi. |
Hoàng Long
|
Source: Báo VNExpress