Chuyện học và chơi hè của trẻ Việt ở Nga

(Dân trí) – Những ngày hè sắp hết, còn hơn hai chục ngày nữa là các trẻ Việt ở lứa tuổi học sinh phổ thông sắp sửa cùng các bạn bước vào một năm học mới. Chuyện học hành và vui chơi của các trẻ Việt ở Nga cũng có không ít điều cần suy ngẫm.

Trẻ cùng nô đùa ở khu ngoại giao đoàn (đôm 5 Oblen)

 

Quanh quẩn vì thiếu sân chơi

 

“Ba tháng hè vèo một cái là xong!”- cháu Nguyễn Văn Thao hiện là học sinh lớp 7 có bố mẹ bán hàng ở chợ Chim (Sadovo) tâm sự. Cháu bảo, các cháu chỉ biết vui chơi quanh quẩn ở nhà, rồi tới chỗ bạn bè. Cùng lắm thì đi dạo phố nhưng không được đi xa, chán thì về nhà lại xem phim và chơi game. Mà trò chơi với đám con trai chủ yếu cũng chỉ là đá bóng ở ven đường sát khu căn hộ, vì bố mẹ cấm đi chơi xa.

 

Còn cô bé Hoài Anh 9 tuổi, năm tới lên lớp 3, nhà ở khu ngoại giao đoàn thì hồn nhiên khoe: “Cháu vừa được đi tắm biển 15 ngày cùng bố mẹ ở Sochi đấy. Thích lắm chú ơi! Biển đẹp ơi là đẹp!”

 

Với nét mặt ngây thơ, bé Lê  Trần Việt, 7 tuổi, con một người bạn khoe với tôi: “Bác ơi, Việt được theo mẹ Loan về Việt Nam thăm ông bà nội, ngoại đấy! Ở nhà thích lắm bác à. Được chạy nhảy tung tăng khắp nơi chứ không bị ba Thái mẹ Loan và cô “nhá nha” (người giúp việc) cứ bắt phải chơi ở trong nhà như bên này đâu! Việt chán lắm.”

 

Ở các khu vực ngoại giao đoàn hay thương vụ, có vài lần tôi đi qua thấy các cháu tụ tập chơi trong khuôn viên. Cũng quanh đi quẩn lại chỉ có bóng đá, bóng ném, bóng chuyền, cầu lông, túlơkhơ, cờ vua, cờ tướng. Chán rồi thì tụ tập leo trèo, tán chuyện linh tinh. Có cháu còn văng tục cả tiếng Việt lẫn tiếng Nga những câu rất… khó nghe.

 

Người lớn chẳng có ai xung quanh ngoài mấy ông bảo vệ (Akhơran) người Nga. Đấy là chưa nói tới chuyện trêu chọc, chửi nhau, dẫn tới đuổi đánh nhau làm ầm ĩ cả khu vực, khiến nhiều người Nga không hài lòng. Thậm chí đã có những lời phàn nàn đến ban quản trị khu tập thể và cả tới chính quyền địa phương.
 
Một mình đu dây trong nhà vườn ở ngoại ô Matxcơva

 

Ở các căn hộ khép kín thuê của người dân địa phương, chuyện các cháu vui chơi còn bị hạn chế hơn bởi bố mẹ bận đi làm cả ngày ngoài chợ. Cháu nào có đông anh chị em thì còn đỡ, không thì chỉ có “nhá nha” trông coi. Có cháu cãi lại các cô,  có cháu trở nên lầm lì chỉ vùi đầu vào các trò chơi điện tử và… còn gì nữa thì có trời mà biết.

 

Rất ít gia đình có điều kiện cho các cháu vui chơi cùng trẻ em Nga ở các khu giải trí của người Nga. Những nhà có vẻ khá giả thì cho con nghỉ ngơi tốt hơn. Một số gia đình cho các cháu về ở chơi bên gia đình chủ nhà, nhằm tạo cho các cháu tình cảm với họ cũng như học sâu thêm tiếng Nga. Hay nhiều gia đình cho các cháu về nghỉ hè ở VN cũng là nhằm giúp các cháu gắn bó với quê hương, nhất là đối với những gia đình người Nga gốc Việt (Ss này ở Nga cũng không nhiều).

 

Trẻ con thật hồn nhiên, các cháu đều đang tuổi ăn tuổi lớn mà quả thật ở Nga điều kiện không cho phép được “tự do” vui chơi như ở VN, bởi các gia đình thường lo lắng về an ninh. Ngay cả trẻ em Nga cũng vậy, bố mẹ rất khắt khe với chuyện con chơi bời ở đâu. Lo ngại chuyện nọ chuyện kia nên bố mẹ thường bắt các cháu phải theo “quân lệnh”. Trong túi áo, túi quần hay trên cổ chúng thường có chiếc dây đeo túi điện thoại phòng khi gặp sự cố thì alô ngay để có ứng cứu.  Cũng phải thôi, bởi đã có nhiều chuyện không hay xảy ra với trẻ, nhất là nạn bắt cóc tống tiền.

 

Hè vui và bổ ích

 

Rất tiếc là hàng năm vào dịp nghỉ hè, các hiệp hội, đoàn thể của người Việt tại Nga (mà chủ yếu là Hội Người Việt Nam tại Nga và Đoàn thanh niên) vẫn ít quan tâm đến sinh hoạt hè của các cháu. Thi thoảng mới có tổ chức những chuyến đi đó đây, nhưng còn nhỏ giọt quá.
 
Bé ở nhà với chị họ (trong căn hộ)

 

Hè về cần tạo ra những sân chơi riêng độc đáo cho các em.  Ngoài mục đích cho con trẻ có chỗ vui chơi ra, còn nhằm tạo nên sự gắn kết giữa các em với trẻ em địa phương.  Tại sao không tổ chức lịch cho các em sinh hoạt trại hè với trẻ em địa phương, hoặc đi xem những bộ phim bổ ích ở rạp. Hay tổ chức cho các em chơi các môn thể thao, sinh hoạt văn hóa, nghe các chương trình âm nhạc Nga – Việt hay các trò chơi khác ở Cung Văn hóa?

 

Theo chúng tôi được biết, trẻ em Việt tại thủ đô Mátxcơva hiện nay tập trung đông ở các khu vực ngoại giao đoàn, thương vụ, các ốp (khu chung cư). Ngoài ra còn một số lượng lớn các cháu ở rải rác ở tại các căn hộ thuê của người Nga.Về con số thì chưa có số liệu chính xác.

 

Bố mẹ của các cháu đa phần là bán buôn, làm dịch vụ ở mấy khu chợ lớn như chợ Chim, chợ Liu (TTTM Mátxcơva)…Ngoài ra số đông khác làm việc ở các cơ quan đoàn thể như Sứ quán hoặc các ngành nghề khác trong cộng đồng. Họ chủ yếu ủy thác con cái cho “nhá nha” trông nom.

 

Về chương trình học hè của các cháu cũng phụ thuộc vào từng gia đình. Chưa có một tổ chức nào qui tụ các cháu lại để học hè như ở VN, có lẽ cũng một phần do ở Nga chương trình học không đến nỗi khắt khe như trong nước. Chúng tôi đã hỏi các cháu thì được biết nhà trường không bắt buộc các cháu phải học hè. Qua theo dõi trẻ em Nga, chúng tôi cũng được biết là dịp hè các cháu đều được chơi cho đã.
 
Cùng đùa với mẹ và dì (ở ốp Mekong)
 

Vừa rồi đã xảy một hiện tượng đáng buồn, khi trẻ em người Việt ở một khu vực đã gây xích mích với trẻ em người Nga dẫn tới cãi vã và thậm chí còn đánh lộn. Một số trẻ Nga sau đó thường xuyên đi lại quanh khu vực để hăm dọa, khiến một vài gia đình Việt lo sợ cho con em nên đã phải chuyển nhà. Tình trạng này khiến người dân địa phương quanh khu vực không hài lòng, họ đã đề nghị chính quyền có biện pháp.

 

Đây cũng là một bài học cần rút kinh nghiệm. Chúng tôi cho rằng các cơ quan đoàn thể, gia đình bà con người Việt cũng nên cùng kết hợp với nhà trường, làm sao để tổ chức cho các em có những mùa hè đáng ghi nhớ trên đất Nga bởi theo thời gian các em sẽ lớn lên và trưởng thành tại nước bạn.

 

Và một điều nữa cũng rất đáng chú ý là chúng ta cần cố gắng giữ gìn, đừng vì trẻ con mà làm mất lòng người lớn, ảnh hưởng  không tốt tới tình hữu nghị giữa hai nước.

 

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.