TT – Phong trào “Nói không với bệnh thành tích” được phát động nhiều năm nay. Rất tiếc là bệnh thành tích trong ngành giáo dục vẫn không giảm mà dường như càng thêm phổ biến: từ lạm phát điểm 9, điểm 10 trong trường phổ thông nay lạm phát đến sinh viên xuất sắc, lạm phát cả thạc sĩ và tiến sĩ.
Ai được, ai mất trong trò chơi thành tích?
Cơn lạm phát này không chừa cả trường công lẫn trường tư, trường “danh giá” lẫn trường “tai tiếng”. Nguyên nhân thì nhiều người đã nói: do “bán điểm”, do sợ bị cắt hợp đồng giảng dạy, do sợ mất thành tích… Nhưng dù có bao nhiêu nguyên nhân đi nữa thì hậu quả cũng chỉ có một.
Kết quả của việc 95-98% sinh viên đạt loại khá giỏi khi ra trường là gì? Thoạt nhìn, hình như ai cũng “được”. Nhà trường được thành tích; giáo viên được khen thưởng, được lòng học trò, được tiếp tục hợp đồng mời giảng; sinh viên được điểm cao, cha mẹ hài lòng.
Nếu các bên liên quan đều được, vậy thì ai mất? Tất nhiên là có. Trước hết là nhà tuyển dụng. Khi tấm bằng là một vật chứng đáng tin cậy, nhà tuyển dụng có thể căn cứ vào đó để thực hiện bước sơ tuyển. Nay đứng trước 100 đơn xin việc với 99 tấm bằng khá giỏi, họ buộc phải tự mình làm công việc đánh giá ứng viên ngay từ vòng sơ tuyển.
Hay nói cách khác, xét về mặt giá trị so sánh thì 99 tấm bằng này có giá trị bằng không (vì không thể dùng để so sánh tương quan giữa các ứng viên được).
Một khả năng rất dễ xảy ra là sau khi tự mình sơ tuyển chừng vài chục hồ sơ, người tuyển dụng sẽ nhận thấy trong nhiều trường hợp những gì ghi trên tấm bằng không hề phản ánh trung thực phẩm chất hay năng lực của người có tấm bằng ấy. Kết luận logic là: không thể tin được một tấm bằng nào cả. Chính người viết bài này đã từng phỏng vấn tuyển dụng những em có bằng đại học ngoại ngữ mà không đọc hiểu nổi một đoạn văn ngoại ngữ thông thường.
Lúc đó ai sẽ mất? Tất nhiên là sinh viên. Oan nhất là những em học hành nghiêm túc và có năng lực thật sự. Nhưng những em như vậy sớm muộn gì cũng có cách khẳng định được năng lực của mình, tuy sẽ phải tốn thời gian hơn. Cái mất lớn nhất là của cả hệ thống giáo dục và của từng trường.
Đằng sau mỗi tấm bằng đại học là bao nhiêu hi sinh tiền bạc của người dân, bao nhiêu năm tháng của tuổi trẻ, bao nhiêu công sức của Nhà nước, nhà trường. Nay tấm bằng ấy bị nhà tuyển dụng xem như một thứ vô giá trị, có phải là lãng phí biết bao tiền bạc, thời gian, công sức của cả xã hội?
Điểm 10, bằng đỏ chỉ có giá trị khi nó phản ánh một năng lực đặc biệt xuất sắc. Nếu mọi tấm bằng đều là bằng đỏ thì không ai coi đó là bằng danh dự nữa. Tất cả đều hạ giá ngang nhau. Nhưng điều tai hại là trong khi hạ giá như vậy, nó lấy đi mất lòng tin của cả xã hội.
Như vậy, tất cả các bên đều mất. Sinh viên có bằng khá giỏi cũng như không, nhà tuyển dụng nhận hồ sơ không thể căn cứ vào tấm bằng, nhà trường mất uy tín khi tấm bằng không giúp sinh viên tìm được việc làm tốt, cha mẹ sinh viên thất vọng vì đầu tư đã không hoàn vốn như mong đợi, xã hội mất lòng tin vào mọi thang bậc và thước đo, mọi giá trị bị đảo lộn.
Trong trò chơi thành tích này, nhìn bề ngoài tất cả đều thắng, nhưng trong thực tế tất cả đều thua.
“Nguyên nhân của mọi nguyên nhân” trong hiện tượng chạy theo thành tích là gì? Là do con người chưa được sử dụng và thăng tiến dựa trên năng lực có thật của họ. Chính điều này đã kìm hãm việc phát triển nhân tài và tạo ra căn bệnh thành tích chỉ làm sâu thêm những rạn nứt trong những giềng mối cố kết xã hội.
Nó làm chậm lại mọi quá trình tiến bộ và phát triển cả về kinh tế và văn hóa. Bí quyết trở nên giàu mạnh của các nước phát triển chính là chế độ nhân tài, tức dùng người và trả công cho họ chỉ dựa trên tiêu chuẩn duy nhất là giá trị sức lao động của họ trong thực tế. Bao giờ chúng ta có một hệ thống lành mạnh như vậy thì bệnh thành tích tự nó không còn chỗ đứng.
TS PHẠM THỊ LY
Source: Báo Tuổi Trẻ